Tầm soát ung thư đại tràng bằng cách nào?

5/5 - (1 bình chọn)

Không ít người thường thắc mắc tầm soát ung thư đại tràng bằng cách nào? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra quy trình thực hiện, phân loại, ưu nhược điểm và mức giá của 6 phương pháp phổ biến nhất khi tiến hành tầm soát ung thư đại tràng để bạn đọc nắm rõ.

Ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường có dấu hiệu không rõ ràng. Vì thế, để phát hiện sớm ung thư đại tràng, bác sĩ hay sử dụng đồng thời các phương pháp sau:

1.  Xét nghiệm máu tìm các dấu ấn ung thư đại tràng

Xét nghiệm máu tìm các dấu ấn ung thư đại tràng thường được bác sĩ chỉ định khi dấu ấn ung thư của người bệnh không rõ ràng. Mục tiêu của phương pháp là xác định nồng độ của các chất chỉ điểm gây ung thư CA 19-9, CEA.

Quy trình thực hiện:

  • Bước 1: Bác sĩ lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay người bệnh cho vào ống nghiệm.
  • Bước 2: Máu được đem đi phân tích để xác định nồng độ CA 19-9, CEA.

Phân loại:

  • Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư CA 19-9.
  • Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư CEA.

Ưu điểm:

  • Có thể thấy được sự xâm nhập của các tế bào ung thư.
  • Định hướng cho việc thực hiện các phương pháp xét nghiệm khác.
  • Góp phần phát hiện ung thư đại tràng khi dấu ấn không rõ ràng.
  • Giúp dõi hiệu quả điều trị bệnh.
  • Đơn giản, dễ thực hiện.

Nhược điểm: Không chính xác tuyệt đối và không thể biết được người được xét nghiệm đã bị ung thư đại tràng hay chưa.

Lưu ý: 

  • Xét nghiệm máu tìm dấu ấn sẽ được kết hợp các xét nghiệm bắt buộc khác (xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm viêm gan B, xét nghiệm HIV) để xác định xem người được khám có đủ điều kiện để tiến hành các phương pháp tiếp theo như siêu âm, nội soi.
  • Chỉ số CA 19-9, CEA tăng cao có thể là do nhiều nguyên nhân khác như các bệnh lành tính (xơ gan, xơ nang, viêm phổi…), các bệnh ung thư khác (ung thư dạ dày, phổi, thực quản…).

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn

Vì thế, phương pháp này chỉ được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu muốn có kết quả chuẩn xác, cần phối hợp cùng các phương pháp khác.

xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại tràng
Bác sĩ thường xét nghiệm máu để xác định nồng độ của các chất chỉ điểm gây ung thư đại tràng như CA 19-9, CEA

2. Xét nghiệm máu ẩn trong phân FOBT

Tầm soát ung thư đại tràng bằng cách nào? Xét nghiệm máu ẩn trong phân là phương pháp có giá trị lớn trong tầm soát ung thư đại tràng. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ muốn tìm ra lượng máu nhỏ trong phân – một trong những dấu hiệu cho thấy người được xét nghiệm bị ung thư đại tràng.

Quy trình thực hiện:

  • Bước 1: Người bệnh lấy 1 hoặc 3 mẫu phân ở 1 hoặc 3 ngày khác nhau cho vào ống nghiệm và gửi đến phòng thí nghiệm.
  • Bước 2: Mẫu phân của người bệnh được đem đi thực hiện các phản ứng hóa học, phân tích để tìm ra máu ẩn trong đó.

Phân loại:

  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân Guaiac (gFOBT): Thông qua phản ứng hóa học, phát hiện sự có mặt của phân trong máu.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân miễn dịch hóa học (iFOBT): Xác định protein hemoglobin người có trong tế bào hồng cầu.

Ưu điểm:

  • Độ nhạy phát hiện ung thư khoảng 70 – 80%.
  • Có tính chất gợi ý để bác sĩ thực hiện các thăm dò chuyên sâu hơn.
  • Đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp, có thể thực hiện tại nhà.

Nhược điểm:

  • Độ đặc hiệu không cao, nếu kết quả dương tính cũng chưa chắc người được làm xét nghiệm bị ung thư đại tràng.
  • Dễ bỏ sót polyp hoặc khối u nếu tổn thương tại đại tràng không chảy máu.
  • Nếu làm xét nghiệm máu ẩn trong phân Guaiac, người bệnh cần kiêng khem thật kỹ và kết quả có thể bị ảnh hưởng do máu trong phân có thể bị nhầm với máu chảy từ đường tiêu hóa.

Lưu ý: 

  • Nếu thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân Guaiac, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống, thuốc men theo chỉ định của bác sĩ.
  • Máu ở trong phân cũng có thể do khối polyp, trĩ, viêm loét đại tràng… Vì thế, để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ cần thực hiện thêm các phương pháp khác.

Tìm hiểu thêm: 4+ xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng

xét nghiệm máu trong phân
Mẫu phân của người bệnh được đem đi phân tích để tìm máu ẩn trong đó – một dấu hiệu cho thấy có thể bệnh nhân bị ung thư đại tràng

3. Nội soi đại tràng

Tầm soát ung thư đại tràng bằng cách nào thì nội soi đại tràng vẫn là phương pháp quan trọng nhất và chính xác nhất trong tầm soát ung thư đại tràng. Phương pháp này thường được chỉ định sau khi bác sĩ đã xét nghiệm và tìm thấy ADN, máu ẩn trong phân người bệnh.

Mục tiêu của phương pháp là quan sát toàn bộ phần bên trong của đại tràng, xác định được vị trí, kích thước, hình ảnh đại thể của chỗ tổn thương. Sau đó, tiến hành lấy mẫu sinh thiết hoặc điều trị, cắt bỏ polyp (nếu cần).

Quy trình thực hiện: Diễn ra trong 10 – 30 phút.

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm nghiêng người về bên trái. Nếu người bệnh chọn phương pháp nội soi đại tràng gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê trước.
  • Bước 2: Ống nội soi sẽ được cho vào qua đường hậu môn rồi lên đến trực tràng và toàn bộ đại tràng.
  • Bước 3: Hình ảnh toàn bộ mặt trong của đại tràng, trực tràng, hậu môn sẽ được hiển thị trên màn hình máy tính để bác sĩ quan sát, chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật cần thiết.

Phân loại:

  • Nội soi đại tràng thông thường.
  • Nội soi đại tràng gây mê.

Ưu điểm:

  • Tốn ít thời gian, ít gây biến chứng, thực hiện được nhiều lần.
  • Quan sát được toàn bộ phần bên trong của đại tràng, trực tràng, hậu môn nên có thể phát hiện được các tổn thương và chẩn đoán bệnh chính xác.
  • Có thể tiến hành đồng thời với việc lấy mẫu sinh thiết hoặc cắt bỏ khối polyp, điều trị đốt.
  • Giúp phát hiện các bệnh lý như viêm loét đại tràng, polyp, trĩ…

Nhược điểm:

  • Đường tiêu hóa có thể bị tổn thương.
  • Có thể gây ra một số khó chịu cho bệnh nhân như đầy hơi, chướng bụng.
  • Việc thực hiện khá phức tạp.
  • Chưa được áp dụng nhiều ở bệnh viện nhỏ.

Lưu ý:

  • Trước ngày nội soi 7 ngày, ngừng uống các loại thuốc chống đông máu và aspirin và viên sắt  bổ sung.
  • Trước ngày nội soi vài ngày, người đi khám nên ăn thức ăn không có chất xơ, tránh uống nước có màu đỏ như nước ép nho, nước củ dền, rượu vang đỏ…
  • Ngày hôm trước nội soi, người bệnh chỉ được ăn nhẹ và không ăn thực phẩm, uống cà phê, bia, rượu, sữa, nước có gas sau 21 giờ.
  • Buổi sáng hôm nội soi, người đi khám cần nhịn ăn sáng.
  • Trước khi nội soi, người bệnh cũng phải dùng thuốc xổ hoặc áp dụng các biện pháp như thụt qua đường hậu môn, thụt nước để làm sạch ruột trước khi thực hiện phương pháp.
  • Sau khi nội soi, người bệnh nằm nghỉ tại chỗ khoảng 30 phút cho hồi tính, tránh đứng hay ngồi dậy tức thời.
  • Phụ nữ chỉ nên tiến hành nội soi khi đã sạch kinh nguyệt.
  • Nếu bệnh nhân bị ung thư đại tràng thể thân nhiễm (thể chai) rất khó chẩn đoán bằng nội soi do lòng ruột chít hẹp, khó đặt được máy nội soi. Vì thế, bác sĩ cần thay thế bằng phương pháp chụp X-quang.

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn

nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng là phương pháp có độ chính xác cao và giá trị nhất trong tầm soát ung thư đại tràng

4. Chụp X-quang đại tràng

Phương pháp chụp X-quang đại tràng được dùng để xác định các tổn thương ở đại tràng như khối u, polyp… Đây là phương pháp đã được sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện ít sử dụng phương pháp này.

X-quang đại tràng chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nguy cơ ung thư đại tràng cao nhưng phương pháp chẩn đoán nội soi thất bại hay khi ung thư đại tràng đã ở giai đoạn tiến triển.

Chụp X-quang tầm soát ung thư đại tràng như thế nào:

Diễn ra trong vòng 30 – 60 phút.

  • Bước 1: Người bệnh mặc áo choàng và tháo toàn bộ trang sức kính, các thiết bị nha khoa ra.
  • Bước 2: Người bệnh nằm trên chiếc bàn chuyên dụng và nghiêng về một phía.
  • Bước 3: Kỹ thuật viên đưa một ít chất bôi trơn vào trực tràng. Sau đó, thuốc cản quang bari sẽ được bơm vào lòng đại tràng. Người bệnh cần thư giãn, hít thở dài và sâu.
  • Bước 4: Người bệnh xoay người, đổi các tư thế khác nhau để chụp hình ảnh của đại tràng ở trạng thái rỗng và các đoạn đại tràng như đại tràng lên, sigma, manh tràng, trực tràng, góc lách, góc gan. Đôi khi, người bệnh cần nín thở tạo áp lực cho khoang bụng để hình ảnh rõ nét hơn.
  • Bước 5: Sau khi chụp xong, kỹ thuật viên sẽ dùng ống thụt để tống xuất bari ra khỏi lòng ruột.
  • Bước 6: Bác sĩ điều trị nhận phim đại tràng, từng đoạn giải phẫu và quan sát, phân tích, chẩn đoán.

Phân loại:

  • Chụp X-quang đại tràng cản quang đơn (single contrast): Thường dùng cho người bệnh nặng, sức khỏe yếu hoặc người già, giúp phát hiện tình trạng rò đại tràng, tắc đại tràng.
  • Chụp X-quang đại tràng cản quang kép ((double contrast): Giúp thấy được những tổn thương nhỏ dưới 1cm và hình ảnh chi tiết bên trong trực tràng.

Ưu điểm:

  • Ít xâm lấn, tỷ lệ biến chứng ít hơn và kinh tế hơn so với phương pháp nội soi.
  • Độ chính xác là 70 – 85%.
  • Giúp phát hiện được những tổn thương đè ép từ bên ngoài vào và những tổn thương niêm mạc, trong thành đại tràng; thấy được khối u trong mối quan hệ với toàn bộ đại tràng. Từ đó, bác sĩ có thể xác định được giai đoạn bệnh ung thư đại và đề ra kế hoạch điều trị đúng.
  • Hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị viêm, polyp đại tràng.

Nhược điểm:

  • Có thể gây cảm giác khó chịu cho người bệnh khi được bơm bari vào.
  • Cần phải thụt sạch phân, nếu không bác sĩ sẽ dễ nhầm tổn thương.
  • Khó phân biệt được với polyp đại tràng và phát hiện được các tổn thương tiền ung thư, tổn thương vùng hồi manh tràng, bóng trực tràng.

Lưu ý:

  • Hỏi bác sĩ về các loại thuốc đang dùng.
  • Trước khi chụp X-quang 1 ngày, người đi khám không ăn chất xơ, chỉ ăn những thứ có thể tiêu hóa hoàn toàn trong một ngày hoặc không ăn, chỉ uống trà hoặc cà phê (không sữa, kem), nước, nước súp. Không ăn bất cứ thứ gì trước khi chụp X-quang 12 tiếng.
  • Đêm trước ngày chụp X-quang đại tràng, người bệnh uống thuốc nhuận tràng và thụt tháo kỹ để làm sạch đại tràng. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể dùng thêm thuốc xổ vào buổi tối hoặc trước giờ chụp vài tiếng.
  • Sau khi chụp, người bệnh có thể đi phân trắng vài ngày do bari bị loại bỏ ra khỏi cơ thể. Đồng thời, người bệnh có thể bị táo bón, cần uống thêm nước, thuốc nhuận tràng (nếu cần) để hạn chế hiện tượng này.
  • Nếu hơn 2 ngày, không trung tiện hay đại tiện được hoặc sau vài ngày, phân không trở lại màu bình thường, người bệnh nên khám lại với bác sĩ.
  • Không sử dụng phương pháp chụp X-quang đại tràng cho phụ nữ có thai.
  • Phương pháp này ít chỉ định cho bệnh nhân bị tắc đại tràng do ung thư đại tràng.
  • Không chỉ định cho trường hợp nghi ngờ người bệnh bị ung thư đại tràng thủng, có biểu hiện xoắn ruột, nhồi máu mạc treo và dị ứng với chất cản quang.

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn

tầm soát ung thư đại tràng bằng chụp X-quang
Phim chụp X-quang giúp nhìn rõ những bất thường trong đại tràng và trực tràng

5. Chụp CT đại tràng

Chụp CT đại tràng là phương pháp tầm soát ung thư đại tràng được sử dụng phổ biến hiện nay. Mục tiêu của phương pháp này là quan sát, phát hiện các khối u, hiện tượng bất thường ở đại tràng; đánh giá tình trạng xâm lấn của khối u và hạch ổ bụng nếu nghi ngờ di căn.

Phương pháp chụp CT đại tràng thường được bác sĩ chỉ định khi nội soi đại tràng phát hiện các dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, những người mắc hội chứng viêm phúc mạc, tắc ruột thường được chỉ định phương pháp này để xác  định nguyên nhân gây ung thư đại tràng.

Quy trình thực hiện: Mất khoảng 10 phút.

  • Bước 1: Hơi được bơm vào trong lòng đại tràng, trực tràng qua đường hậu môn của bệnh nhân.
  • Bước 2: Người bệnh thay đổi tư thế nằm ngửa, nghiêng, úp.
  • Bước 3: Bác sĩ xem hình ảnh chụp được trên máy tính và phát hiện các dấu hiệu bất thường ở đại tràng.

Ưu điểm:

  • Quan sát được toàn bộ lòng đại tràng.
  • Hình ảnh rõ nét, ít sai sót.
  • Giúp đánh giá các tổn thương nguyên phát, hạch vùng và di căn xa như gan, buồng trứng… với độ chính xác khối u từ 50 – 90%, di căn hạch là 70 – 80% (Theo sách Ung thư học của PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu chủ biên).
  • Có thể quan sát được khối u từ 6 mm trở lên.
  • Không xâm lấn, không cần gây mê và có thể sử dụng cho những người không nội soi được.

Nhược điểm:

  • Khi bơm khí vào, người bệnh có thể thấy khó chịu, đầy hơi.
  • Hình ảnh đại tràng không chi tiết như phương pháp nội soi.
  • Không thể tiến hành đồng thời cùng việc sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm hay cắt polyp và các thủ thuật điều trị khác.
  • Người bệnh có nguy cơ nhiễm xạ.

Lưu ý:

  • Người được chụp CT đại tràng không chống chỉ định tia xạ (có thai), không dị ứng với thuốc cản quang.
  • Nhịn ăn 4 – 6 giờ trước khi chụp CT.
  • Người bệnh không mang theo các vật kim loại trên người trong khi chụp.
  • Báo trước cho bác sĩ nếu đã từng bị suy thận, dị ứng, tiểu đường…

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn

chụp CT tầm soát ung thư đại tràng
Bác sĩ thường chỉ định chụp CT đại tràng sau khi phát hiện những bất thường trong quá trình nội soi

6. Siêu âm nội trực tràng

Siêu âm nội trực tràng (siêu âm đầu dò trực tràng) là phương pháp tầm soát ung thư đại tràng khá phổ biến.

Phương pháp này thường được chỉ định khi bác sĩ muốn đánh giá tổn thương thâm nhiễm trực tràng, tổn thương dưới niêm mạc ép vào thành trực tràng, tổn thương cơ thắt hậu môn. Đồng thời, bác sĩ cũng muốn tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng rò hậu môn, áp xe quanh hậu môn và khối u trong phần tiểu khung.

Quy trình thực hiện:

  • Bước 1: Người bệnh nằm nghiêng về bên trái hoặc nằm ngửa; đầu gối co, hướng vào người.
  • Bước 2: Bác sĩ đặt đường truyền tĩnh mạch, lắp máy theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, điện tâm đồ, SpO2 và tiền gây mê.
  • Bước 3: Bác sĩ di chuyển đầu dò của máy siêu âm một cách nhẹ nhàng xung quanh hậu môn, trực tràng. Đầu dò của máy siêu âm sẽ phát sóng âm, thu lại tín hiệu, gửi lại hình ảnh vào máy tính cho bác sĩ quan sát, chẩn đoán bệnh. Nếu nghi ngờ bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết dưới hướng dẫn của máy siêu âm.

Ưu điểm:

  • Có giá trị trong việc đánh giá mức xâm lấn u nguyên phát và di căn hạch mạc treo.
  • Độ chính xác cao.
  • Có thể tiến hành lấy mẫu sinh thiết cùng với quá trình siêu âm nội trực tràng.

Nhược điểm:

  • Phụ thuộc nhiều vào người siêu âm.
  • Đối với 1 số khối u lớn, việc siêu âm khó thực hiện.

Lưu ý:

  • Nhịn ăn trước khi tiến hành siêu âm nội trực tràng 6 giờ.
  • Đi tiểu trước khi thực hiện thủ thuật.
  • Nếu làm sinh thiết kết hợp với siêu âm nội trực tràng, người bệnh cần thụt tháo sạch đại tràng và uống hoặc tiêm thuốc kháng sinh dự phòng trước 1 ngày.
  • Phương pháp này không áp dụng cho người bệnh có dấu hiệu cơ thể suy kiệt, bị nhiễm trùng nặng, hẹp trực tràng do viêm nhiễm, u, trĩ nội, bị bệnh hô hấp, tim, chứng rối loạn đông máu.
  • Cần thận trọng khi thực hiện với người già.

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn

Siêu âm nội trực tràng
Siêu âm nội trực tràng giúp đánh giá mức xâm lấn u nguyên phát và di căn hạch mạc treo

7. Một số các phương pháp khác thực hiện khi có chỉ định

Ngoài các phương pháp trên, bác sĩ còn có thể chỉ định thêm các phương pháp sau tùy theo tình trạng bệnh nhân và trang thiết bị của bệnh viện:

  • Sinh thiết đại tràng: Thường được chỉ định sau khi nội soi đại tràng hay siêu âm nội trực tràng phát hiện các dấu hiệu bất thường. Đây là một trong hai phương pháp quan trọng nhất giúp bác sĩ xác định tế bào khối u là lành tính hay ác tính và bệnh nhân có bị ung thư đại tràng không. 
  • Chụp MRI đại tràng: Đây là phương pháp tốt nhất để đánh giá xâm lấn tại chỗ và di căn hạch bên cạnh việc xác định vị trí, kích thước khối u. 
  • Chụp PET đại tràng: Cung cấp thêm thông tin cho phương pháp chụp CT, MRI, đặc biệt là trong phát hiện di căn xa. Phương pháp này ít sử dụng trong tầm soát và thường được chỉ định đầu tiên sau khi phẫu thuật đại tràng để phân biệt sẹo xơ vùng miệng nối và ung thư tái phát.
  • Xét nghiệm DNA trong phân (stool DNA test): Xét nghiệm này chưa phổ biến ở Việt Nam. Mục tiêu của phương pháp là tìm ra một số đoạn bất thường DNA của tế bào polyp hoặc tế bào ung thư trong phân do đột biến gen.
  • Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (fecal immunochemical test): Xét nghiệm này cũng chưa phổ biến ở Việt Nam. Mục tiêu của xét nghiệm là phát hiện hemoglobin protein – thành phần trong hồng cầu của người có trong phân.
  • Xét nghiệm gen: Xét nghiệm gen hMLH1, hMLH2 trong hội chứng ung thư đại tràng di truyền không polyp; xét nghiệm gen APC trong hội chứng đa polyp đại tràng gia đình (FAP).

Phương pháp này giúp phát hiện các gen di truyền có nguy cơ gây ung thư. Đối tượng được chỉ định làm xét nghiệm là những người có hội chứng di truyền gia đình. Đây là phương pháp chưa được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.

Tìm hiểu thêm: Quy trình tầm soát ung thư đại tràng với 3 bước cơ bản

xét nghiệm gen ung thư đại tràng
Xét nghiệm gen để phát hiện các gen di truyền gây ung thư đại tràng có trong cơ thể người bệnh

8. Khi nào nên tầm soát ung thư đại tràng?

Nếu được phát hiện sớm, bệnh ung thư đại tràng có thể hoàn toàn chữa khỏi được. Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường dưới đây hoặc khi thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, bạn nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên sâu để tầm soát ung thư đại tràng.

Khi xuất hiện các dấu hiệu:

  • Rối loạn đại tiện
  • Vùng hạ vị bị đau
  • Đi ngoài nhầy máu
  • Gầy sút cân không rõ nguyên nhân
  • Thiếu máu
  • Suy nhược, thường xuyên mệt mỏi.

Khi thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao nên tầm soát sớm và thường xuyên 6 tháng/lần:

  • Người trên 50 tuổi.
  • Những người có tiền sử bản thân bị u biểu mô tuyến hoặc polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.
  • Những người mắc bệnh liên quan đến tổn thương ở đại trực tràng như bệnh Crohn, viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng chảy máu, …
  • Gia đình có người bị đa polyp đại tràng, ung thư, nhất là ung thư đại tràng (hội chứng Lynch 1, 2); người thân huyết thống bậc 1 bị ung thư đường tiêu hóa trước 45 tuổi.
  • Mắc hội chứng ung thư đại trực tràng không có nguyên nhân từ đa polyp tuyến gia đình (HNPCC), hội chứng đa polyp đại trực tràng có tính gia đình (polypose).
  • Người bị chiếu xạ vùng bụng, vùng chậu thường xuyên tiếp do điều trị các căn bệnh ung thư trước đó.
  • Người sinh ăn uống, sinh hoạt không khoa học: Ăn nhiều mỡ động vật, thịt, ít chất xơ, bị béo phì, hay uống rượu bia, hút thuốc…
dấu hiệu ung thư đại tràng
Người có tiền sử bị ung thư buồng trứng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ ung thư đại tràng cao, nên đi tầm soát 6 tháng/lần

9. Một số lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư đại tràng

Bên cạnh những điều cần lưu ý đối với từng phương pháp tầm soát, người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau khi tầm soát ung thư đại tràng:

  • Trình bày trung thực những gì được bác sĩ hỏi liên quan đến bệnh như tiền sử bệnh của gia đình và bản thân, các triệu chứng gặp phải.
  • Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ trong suốt thời gian thăm khám.
  • Nên đăng ký khám vào buổi sáng để có thời gian làm nội soi (nếu cần).

10. Tầm soát ung thư trực tràng giá bao nhiêu?

Chi phí tầm soát ung thư đại tràng không giống nhau ở tất cả các bệnh viện mà có sự chênh lệch ít nhiều, trong khoảng 2,7 – 7 triệu. Dưới đây là mức giá của một số bệnh viện tiêu biểu:

STT Bệnh viện Ghi chú
1 Bệnh viện K Nội soi thông thường
2 Bệnh viện Ung bướu Hà Nội Nội soi gây mê
3 Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt Nội soi thông thường
Nội soi gây mê
5 Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc Nội soi gây mê
6 Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Nội soi gây mê
7 Bệnh viện FV Nội soi đại tràng ảo
Nội soi đại tràng gây mê

Mức giá gói tầm soát ung thư của các bệnh viện trên khác nhau là do:

  • Số lượng, loại xét nghiệm
  • Phương thức tầm soát
  • Chất lượng dịch vụ tế
  • Cơ sở vật chất trang thiết bị…

 Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn

11. Gói tầm soát ung thư đại tràng tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Để có kết quả chính xác, chi tiết, bạn nên tầm soát ung thư đại tràng tại các bệnh viện ung bướu chuyên sâu và Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt chính là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Bởi đây là bệnh viện tư nhân chuyên sâu ung bướu duy nhất tại miền Bắc, có nhiều kinh nghiệm trong tầm soát, điều trị ung thư đại trực tràng. Bệnh viện đã hợp tác chuyên môn với nhiều bệnh viện uy tín ở Việt Nam và nước ngoài.

thảo luận chuyên môn tại bệnh viện ung bướu hưng việt
Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận để nâng cao hiệu quả tầm soát và điều trị ung thư

Đặc biệt, gói khám tầm soát ung thư đại tràng tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt có nhiều ưu điểm như:

Sử dụng phối hợp nhiều phương pháp xét nghiệm cho kết quả chính xác, xây dựng đầy đủ các bước thăm khám, chi phí khám chi tiết, minh bạch. Hơn nữa có thể tầm soát ung thư dạ dày và đại tràng trong cùng một gói khám.

Như vậy, khi tầm soát ung thư đại tràng, bác sĩ sẽ sử dụng phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Bởi vì mỗi phương pháp phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng đều có ưu, nhược điểm riêng; nếu chỉ áp dụng một phương pháp rất khó cho kết quả chính xác và dễ bỏ qua ung thư đại tràng khi ở giai đoạn sớm hoặc giai đoạn tiền ung thư.

Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu các bác sĩ thường tầm soát ung thư đại tràng bằng cách nào. Nếu muốn tư vấn miễn phí và đặt lịch khám tầm soát ung thư đại trực tràng với bác sĩ chuyên gia tại Hưng Việt, vui lòng liên hệ hotline 094 230 0707 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. 

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt