Dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng không nên bỏ qua
post
Theo thống kê của Glocoban 2020, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng trên thế giới năm là 10%, sau ung thư vú và phổi. Tại Việt Nam, căn bệnh này thuộc top 5 bệnh ung thư phổ biến nhất với tỷ lệ là 9%. Nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư sẽ giúp việc điều trị có hiệu quả tốt, tỷ lệ sống cao hơn.
Trong bài viết dưới đây, chuyên gia Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt sẽ chia sẻ về các dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng cùng những giải thích chi tiết nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa hiệu quả.
1. Những dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là tình trạng các tế bào biểu mô lót lòng đại tràng hoặc trực tràng phát triển thành khối u ác tính. Dấu hiệu của bệnh thường mơ hồ, khiến bệnh nhân nhầm với nhiều bệnh khác như trĩ, kiết lỵ,…
Theo các chuyên gia Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, mọi người nên đi khám khi có các triệu chứng sau vì có thể liên quan nhiều tới ung thư đại trực tràng.
1.1. Đại tiện bị rối loạn
Đại trực tràng là cơ quan bài tiết phân nên khi có một khối u nằm trên niêm mạc sẽ gây cản trở việc đại tiện. Đó là lý do mà bạn sẽ gặp một số dấu hiệu rối loạn đại tiện như:
Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài: Với người bị ung thư đại trực tràng tình trạng này sẽ không đỡ hoặc đỡ ít. Táo bón và tiêu chảy ở người bình thường sẽ dứt khi sử dụng thuốc phù hợp.
Thay đổi về thói quen đại tiện: Ở người khỏe mạnh, tần suất đại tiện phổ biến nhất là 1 lần/ngày. Một số trường hợp có thể là 2-3 lần/ngày hoặc ít hơn sẽ từ 3 – 4 lần/tuần.
Nếu tần suất đại tiện của bạn không thuộc các con số trên trong thời gian dài thì đó có thể là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng.
Cảm giác bất thường khi đi đại tiện: Thường xuyên có cảm giác buồn đi ngoài, cảm giác đi ngoài không hết phân.
1.2 Dấu hiệu nhận biết qua phân
Một trong những dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm bệnh ung thư đại trực tràng là thông qua phân. Cụ thể như sau:
Phân lẫn máu đỏ thẫm hoặc đỏ tươi: Khi phân di chuyển qua vị trí đại trực tràng sẽ va chạm với khối u gây chảy máu ở niêm mạc. Máu sẽ chảy ra theo phân.
Màu máu phụ thuộc vào vị trí khối u. Nếu khối u nằm ở đại tràng thường máu đỏ thẫm, nếu nằm ở trực tràng thường máu đỏ tươi.
Hình dạng phân thay đổi: Hình dạng phân có thể bị dẹt, vẹt góc. Nguyên nhân của sự thay đổi này do khối ung thư phát triển và chiếm chỗ trong lòng ruột làm nó không còn tròn mà bị khuyết góc.
1.3 Dấu hiệu bất thường ở vùng bụng
Đau bụng cũng là 1 dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên nhân có thể do khối u phát triển làm hẹp lòng đại trực tràng gây nên tình trạng bán tắc, tắc ruột, hoặc do khối u chèn ép các cơ quan khác trong ổ bụng. Đau bụng có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như:
Đau dọc khung đại trực tràng khi khối u làm tắc nghẽn lòng đại trực tràng.
Cảm giác đau, tức, đầy bụng hoặc co thắt ở bụng do đầy hơi.
Nếu khối u có kích thước lớn gây nên tình trạng tắc ruột, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu của tắc ruột như: đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn ra chất màu vàng mùi khó chịu, bí trung tiện và đại tiện.
1.4 Dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng bất thường toàn thân
Thiếu máu: Tình trạng chảy máu từ khối ung thư cọ xát với phân gây mất máu mỗi lần đi đại tiện. Bên cạnh đó, khối u cũng tiết ra một số chất gây ức chế tủy xương làm giảm số lượng hồng cầu gây thiếu máu.
Sụt cân mà không có lý do: Sự chuyển hóa bất thường của khối u làm giảm cảm giác thèm ăn ở người bệnh. Đồng thời, khối u phát triển sẽ lấy một phần năng lượng cho cơ thể thực hiện các hoạt động sống, dẫn tới tình trạng sụt cân.
Cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống: Nguyên nhân chính thường liên quan đến thiếu máu. Thiếu máu làm hoạt động của não bộ trở nên trì trệ gây nên mệt mỏi. Bên cạnh đó, tình trạng chán ăn, ăn ít, không ngon miệng sẽ gây cảm giác mệt mỏi.
Người bệnh ung thư đại trực tràng sẽ cảm thấy mệt mỏi thường xuyên ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
2. Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của ung thư đại trực tràng không rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ có liên quan chặt chẽ đến căn bệnh này. Cụ thể như sau:
Trên 50 tuổi: Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng theo tuổi. Khoảng 90% số ca mắc ung thư đại trực tràng xảy ra ở người trên 50 tuổi.
Có thành viên trong gia đình đã mắc bệnh ung thư đại trực tràng: Khả năng mắc bệnh tăng lên ở những người có người thân gần huyết thống bị ung thư đại trực tràng.
Đột biến di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh như bệnh đa polyp gia đình (FAP), hội chứng Lynch,…
Có polyp ở đại tràng: Hầu hết ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ polyp tuyến. Bản thân polyp là những tế bào lành tính. Nhưng sau nhiều năm, khi các tế bào này phân chia sẽ tạo ra đột biến dẫn đến loạn sản, mà loạn sản chính là tổn thương tiền ung thư. Vì vậy việc phát hiện và cắt bỏ polyp sớm là một trong các biện pháp giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn (viêm đại tràng): Người bị viêm loét đại tràng trong thời gian dài, đặc biệt nếu không được điều trị, có thể phát triển thành ung thư.
Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học:
Chế độ ăn uống không cân bằng: ăn nhiều đạm động vật, ít chất xơ gây táo bón làm phân bị giữ lại trong ruột lâu tạo ra sự thay đổi hệ vi khuẩn trong phân gây nên đột biến của các tế bào biểu mô ruột dẫn đến ung thư.
Chế độ ăn thiếu vitamin (A, B, C, E,…): Thiếu các nhóm vitamin cơ bản khiến cơ thể suy giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho ung thư phát triển.
Ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói,…): Trong nhóm thực phẩm này có nhiều hóa chất làm tăng nguy cơ mắc ung thư như benzopyrene, nitrosamine,…
Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có khả năng mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn những người không hút.
3. Cách phòng ngừa ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là bệnh rất phổ biến ở nước ta. Để phòng ngừa bệnh điều quan trọng là phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám định kỳ, nội soi đại trực tràng thường xuyên. Cụ thể như sau:
3.1 Xây dựng chế độ dinh dưỡng theo khoa học
Chế độ ăn thiếu khoa học chính là yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng, do đó muốn phòng ngừa ung thư đại trực tràng trước hết cần có chế độ dinh dưỡng khoa học:
Cung cấp đầy đủ và cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng: Các loại thực phẩm như cá, rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt,… bổ sung nhiều nhóm chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe hơn nhóm thịt đỏ.
Hạn chế các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt dê…): Các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng… và đồ uống chứa nhiều đường.
Không uống rượu bia, hút thuốc lá: Kết quả nghiên cứu CPS-II cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng ở nhóm đang/ đã từng hút thuốc cao hơn nhóm không hút thuốc. Mức độ uống rượu cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.
3.2 Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 – 2 lần/năm để sớm phát hiện ra các dấu hiệu bất thường, có nguy cơ sinh ra các mầm mống bệnh.
Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm thường không có triệu chứng điển hình nào nên việc khám sức khỏe định kỳ càng cần thiết giúp có thể nhận thấy trước dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng. Các xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng được sử dụng phổ biến như xét nghiệm máu tìm kháng nguyên CEA, xét nghiệm máu trong phân, nội soi đại trực tràng,…
3.3 Thực hiện nội soi đại trực tràng
Nội soi đại trực tràng là một xét nghiệm giúp tầm soát ung thư. Nội soi sẽ giúp phát hiện polyp trong lòng đại trực tràng từ đó thực hiện cắt bỏ polyp trước khi chúng chuyển thành ác tính.
Các đối tượng nên thực hiện nội soi đại tràng:
Xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa như: phân lẫn máu, đau bụng, táo bón hay tiêu chảy kéo dài, thay đổi khuôn phân,…
Có dấu hiệu bất thường khi chụp Xquang đại tràng có thuốc cản quang như hình ảnh khuyết thuốc.
Nam giới trên 50 tuổi
Có tiền sử bị polyp đại trực tràng
Gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, đa polyp đại tràng
4. Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng
Có nhiều phương pháp khác nhau điều trị ung thư đại trực tràng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị,… Việc áp dụng phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh hay nói cách khác điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư mới chỉ khu trú ở niêm mạc nên chỉ thực hiện nội soi cắt bỏ khối u, không cần điều trị thêm hóa trị hay xạ trị.
Giai đoạn 1: Phẫu thuật nội soi được thực hiện để cắt bỏ khối u, một phần ruột chứa khối u và một số hạch bạch huyết lân cận.
Giai đoạn 2: Ung thư đã phát triển ra bên ngoài thành đại trực tràng và có thể vào các mô lân cận nhưng không lan đến hạch bạch huyết. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần ruột chứa khối u cùng hạch bạch huyết lân cận. Ngoài ra hóa xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật cũng được chỉ định giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.
Giai đoạn 3: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị là các phương pháp điều trị chính cho giai đoạn này. Phẫu thuật được thực hiện giúp cắt bỏ phần ruột bị ung thư và các hạch bạch huyết lân cận. Hóa xạ trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật giúp việc phẫu thuật dễ dàng hơn hoặc thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Giai đoạn 4 và tái phát: Lúc này, ung thư đã lan đến các cơ quan xa như gan, phổi, não,… nên việc điều trị triệt căn là khó khăn. Các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm đích được thực hiện nhằm mục đích chính là cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng thường không cụ thể, dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh về đường tiêu hóa. Do vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường mà bài viết chia sẻ thì mọi người nên đi khám nội soi. Khám sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện tầm soát ung thư sớm là việc nên làm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng bản thân.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc về ung thư đại trực tràng, vui lòng liên hệ theo số điện thoại Hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: 0942 300 707 để được tư vấn miễn phí.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.