Cuối tuần là lúc mọi người nghỉ ngơi sau một tuần làm việc. cuối tuần cũng là thời điểm để mọi người dành thời gian cho gia đình và chăm sóc bản thân. Nhưng với chúng tôi, thì không có ngày nào là ngày nghỉ, vì còn nhiều người đang cần được khám bệnh, chăm sóc và trút bỏ sự lo lắng vì bệnh tật.
Ngay từ sáng sớm, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đã có rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Mỗi người mang theo một câu chuyện khác nhau, mỗi nỗi lo khác nhau. Nhưng có lẽ ai cũng cần niềm tin ở nơi đây để hy vọng của họ về sức khỏe được chắp cánh…
Sảnh tầng 1 và tầng 2 hầu như không còn chỗ ngồi. Từ cụ già đến những em bé còn nằm trong vòng tay mẹ, từ thanh niên khỏe mạnh đến những cô gái xinh đẹp, tất cả đăm chiêu với những thông tin về một số bệnh in trên tờ rơi của bệnh viện. Người chờ người thân mổ, người đi thăm bạn, một nhóm phụ nữ rủ nhau cùng đi khám phụ khoa… đặc biệt nhất có lẽ vẫn là những bệnh nhân từ vùng quê tất tưởi với hành trình chữa bệnh.
Một đôi vợ chồng tầm trên 50 mang theo nào trứng gà, nào gạo nếp, tay xách nách mang từ quê lên để đi gặp “người bạn học từ hồi cấp ba hiện là bác sĩ tại đây” – người chồng chia sẻ. Mặc dù sương gió và dấu ấn thời gian đã in hằn lên gương mặt cũng như dáng vẻ của đôi vợ chồng thôn quê ấy, nhưng qua cách nói chuyện, tôi thấy được sự ngọt ngào hiếm thấy ở những đôi vợ chồng khác cùng tuổi. Người chồng thương vợ mới mổ sỏi tiết niệu được hơn 20 ngày nên lo lắng, liên tục hỏi “em có mệt không”. Khi được xách dùm đồ và bấm thang máy, cô ngồi gục vì “say”, chồng nhẹ nhàng vỗ vai vợ “nhanh ấy mà, không sao đâu”. Câu chuyện trong thang máy dù rất ngắn nhưng tôi cũng biết được người vợ được mổ sỏi tiết niệu được ba tuần. Bác sĩ mổ cho cô chính là bạn học với chồng từ hồi nhỏ – Bác sĩ Dương Văn Trung (khoa Phẫu thuật Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt). “Hôm nay, cô chú đến đây để cảm ơn cậu bạn, cũng là tiện thể cho vợ đi khám lại. Quê nhà chả có gì cháu ạ, có chút cây nhà lá vườn mang lên cho nó đỡ nhớ quê nhà” – người chồng chia sẻ.
Lên đến tầng 11, tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân khác đã được thay áo và đang chờ rút ống xông. Tôi tình cờ gặp được một người phụ nữ đồng hương, tuổi cũng khoảng gần 50. Trông khuôn mặt cô lo lắng, mồ hôi lăn tăn trên vầng trán. “Cô chỉ mong nhanh nhanh để được về nhà cháu ạ”. Cô đi cùng chồng, thấy có người cùng quê, cô cũng bớt lo lắng một chút. Chuyện trò được một lát thì điều dưỡng gọi tới lượt cô vào thay ống xông. Hy vọng cô nhanh khỏi bệnh để về với quê nhà.
Xuống sảnh tầng 2, chọn một góc nhỏ quan sát, tôi thấy hết được cảm xúc của người ngồi đây qua gương mặt. Tôi thấy ánh mắt đăm chiêu của một chị trạc trên 30. Chị đang xem thông tin trên tờ rơi của bệnh viện về Ung thư vú. Một bác gái gần 60 đi thăm người thân thấy thế cũng tò mò. “Cái này sợ thật, tôi từ trước tới giờ chả nghĩ đến chuyện đi khám”. Tôi thầm mong, tờ rơi ấy sẽ giúp bác và chị có thêm thông tin để yêu bản thân mình hơn.
Tôi bắt đầu chú ý đến người phụ nữ từ nãy đến giờ ôm chiếc áo ngồi gục trên ghế. Cô là Trần Thị Xuân quê ở Bắc Ninh, chồng cô mới được phẫu thuật Ung thư dạ dày chiều qua, giờ vẫn còn nằm trên phòng hậu phẫu. Chồng cô cũng bị đau dạ dày đã lâu, thấy uống thuốc là khỏi nên cũng không chú ý khám sức khỏe. Đến gần đây đau dữ dội mới đi bệnh viện thì đã vào giai đoạn cuối của Ung thư dạ dày. Thời gian còn lại chỉ được tính bằng tháng. Nói đến đây cô ngừng lại một chút. Có lẽ cô tự trách mình đã không quan tâm đủ đến người chồng vẫn hàng ngày gắn bó. Rồi những viễn cảnh xa hơn sau này… Cô giấu chồng cùng các con, vẫn bảo chồng chỉ bị viêm loét bình thường. Cô vừa nói chuyện vừa cười, nhưng ánh mắt bồn chồn hướng về nơi khác. Cô cháu gái học trên Hà Nội mua đến cho cô nắm xôi, cô ăn nhanh để còn lên “ngó” chồng một tí… Những người như cô Xuân và biết bao phụ nữ thôn quê khác vẫn đau đáu nỗi niềm như thế: “Quê mà ốm đau mới đi viện chứ tự nhiên đi khám làm gì?”…
Ngoài kia, biết bao người đang còn xuôi ngược giữa dòng đời, không biết mấy ai thực sự quan tâm để dành thời gian rảnh rỗi cuối tuần như thế này, chăm lo cho mình nhiều hơn. Để rồi những câu chuyện như chồng cô Xuân sẽ không còn nữa…
Tiểu Yến
Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và hưởng ứng tháng hành động…
Ngày 30/7/2015 Ban lãnh đạo cùng CBNV Ngân Hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã…
Ngày 19/7/2015, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt phối hợp với Trung tâm Thông tin,…
Tiếp nối hoạt động thăm khám bệnh cho thương binh, bệnh binh...những người có công…
Đây là hoạt động “Uống nước nhớ nguồn" ý nghĩa, chăm sóc sức khỏe cộng…
Nằm trong chương trình tặng 200 suất khám phát hiện sớm ung thư của bệnh…
This website uses cookies.