Theo ước tính của tổ chức Y Tế thế giới, điều dưỡng viên đóng góp 70% vào quá trình hồi phục của người bệnh. Ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Anh… điều dưỡng được đánh giá rất cao và giữ nhiều vị trí quan trọng của bệnh viện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề điều dưỡng chưa thực sự được nhìn nhận một cách đúng mức. Tại Việt Nam, Điều Dưỡng được nhìn nhận với vài trò là y tá chỉ có nhiệm vụ thực hiện y lệnh của bác sỹ. Xét ở khía cạnh nào đó, họ là những người “làm dâu trăm họ”.
Là một người đã có kinh nghiệm 40 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, từ những năm còn trong chiến tranh gian khổ, đến những ngày hòa bình lập lại và cho đến hôm nay – khi đất nước đang ngày càng “thay da đổi thịt”, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Điều Dưỡng Trưởng Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt chia sẻ:
“Hình ảnh y tá thời trước (bây giờ là điều dưỡng) ở chiến trường có tâm tự phát, với tình yêu thương đồng đội, có thể thức cả đêm chăm sóc bệnh nhân, cho các chiến sĩ bị thương dựa vai, hoàn cảnh hồi đó khó khăn không có giường bệnh như bây giờ, có những trường hợp cõng, bế, lau rửa… Thậm chí đến bây giờ nếu có những hình ảnh đó thì xã hội cũng chỉ cho rằng cá nhân cô y tá tốt thôi. Thời kỳ mở cửa tôi có thời gian làm việc tại môi trường bệnh viện Nhi Thụy Điển, có cơ hội tiếp xúc, học tập và nhận được sự chỉ đạo của chuyên gia Thụy Điển, có cơ hội tiếp xúc, và tôi thấy nước ngoài coi trọng sự chăm sóc toàn diện và đó cũng là nhu cầu của bệnh nhân…”
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Điều Dưỡng Trưởng, bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt thăm hỏi bệnh nhân
Những chia sẻ thật lòng của một người “chị cả” trong ngành điều dưỡng cũng đã thể hiện phần nào ưu tư của cô về nghề. Phải yêu nghề, tâm huyết lắm với nghề, cô Ngọc mới trăn trở như vậy.
Cô cũng kể nhiều chuyện cô đã chứng kiến trong 40 năm làm điều dưỡng của mình. Có những chuyện khó nói khi điều dưỡng khác giới chăm sóc bệnh nhân, những hiểu lầm và có cả những biểu hiện không hợp tác của người bệnh. Cô nhớ mãi câu chuyện của một điều dưỡng nam dù không được coi trọng nhưng vẫn âm thầm, nhẹ nhàng với công việc của mình. Câu nói của cậu điều dưỡng ấy chính là bài học mà cô hay lấy làm tấm gương khi đào tạo các điều dưỡng trẻ “Chị có thể không tôn trọng em thế nào cũng được, nhưng xin chị tôn trọng chiếc áo mà em đang mặc, đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất em có được”.
Theo cô Ngọc, để làm tốt công việc này, việc đầu tiên là các em phải gạt bỏ hết những định kiến của mọi người, chuyên tâm vào công việc và luôn coi người bệnh là người nhà của mình, chăm sóc người bệnh cũng giống như chăm sóc chính gia đình vậy.
Cô Ngọc hướng dẫn điều dưỡng viên tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt
Câu chuyện của điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Nhung tại bệnh viện Ung Bướu Hưng với bệnh nhân ung thư dạ dày di căn giai đoạn cuối là một minh chứng về tấm lòng của điều dưỡng đối với bệnh nhân. Nhung không chỉ là điều dưỡng nữa mà trở thành người thân của bệnh nhân, để rồi những giây phút cuối cùng, người bệnh chỉ gọi tên em. “Em thấy bác mệt quá rồi, em muốn tắm gội cho bác và thực sự cảm thấy thanh thản sau khi hoàn tất việc tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới cho bác trước khi bác về thế giới bên kia”. Nhung nghẹn ngào kể lại.
Không chỉ những người như cô Ngọc với hơn 40 năm gắn bó nên yêu nghề như yêu cuộc sống của mình, các bạn trẻ như Nhung cũng có trái tim nhiệt huyết như vậy với nghề. Điều ấy cho chúng ta niềm tin và cũng cho chúng ta hy vọng, mỗi người một tiếng nói, để điều dưỡng có được sự tôn trọng nhất định và ngược lại, điều dưỡng cũng đáp lại sự tin tưởng đó bằng tình yêu, bằng trách nhiệm nghề nghiệp.
Từ năm 60, bà Phoebe (Hy Lạp) đã đến từng gia đình có người ốm đau để chăm sóc. Thế kỷ thứ IV, bà Fabiola (La Mã) đã tự nguyện biến căn nhà sang trọng của mình thành bệnh viện, đón những người nghèo khổ đau ốm về để tự bà chăm sóc nuôi dưỡng. Đó là những người đã đặt nền móng cho sự ra đời của điều dưỡng.
Bà Florence Nightingale (1820-1910) đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và sau 2 năm bà đã làm giảm tỷ lệ chết do nhiễm khuẩn từ 42 xuống còn 2%. Khi bà và các cộng sự điều dưỡng cho các binh sĩ Anh bị thương trong thập niên 1850, tỷ lệ sống còn gia tăng một cách đột ngột.
Bà lập ra trường điều dưỡng đầu tiên và cũng là khởi điểm cho nghề điều dưỡng trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình luôn là các bà mẹ. Với kinh nghiệm qua những bài thuốc dân gian, thuốc đông y cộng với sự tảo tần chu đáo của người phụ nữ Việt, dần dần người ta đã nhận ra được vai trò to lớn của chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ đóng góp rất lớn vào việc hồi phục sức khỏe của người bệnh.
Cho đến nay, điều dưỡng tại Việt Nam đã trở thành một nghề mà nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, so với bác sĩ, điều dưỡng không được tôn trọng như bản chất cao quý của nghề.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, toàn quốc hiện nay có 80.000 điều dưỡng chiếm hơn 50% nhân lực trong các cơ sở y tế. Còn theo điều tra của Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ y tế) mỗi một điều dưỡng tại Việt Nam phải chăm sóc từ 6 đến 23 bệnh nhân. Con số này còn tăng lên rất nhiều tại các bệnh viện công, bệnh viện trung ương với tình trạng quá tải bệnh nhân gây nhức nhối hiện nay. Cũng chính vì lý do đó, điều dưỡng phải làm việc 24/24, chăm lo toàn diện cho sức khỏe bệnh nhân, một người nhưng làm dâu “trăm họ”, khó tránh khỏi những câu chuyện thị phi. Đặc biệt, cũng có một vài “con sâu làm rầu nồi canh” dẫn đến cái nhìn sai lệch về đội ngũ điều dưỡng.
Tuy vậy, chuyện khó khăn, chuyện trăn trở “nghề nào cũng có”. Trong hoàn cảnh như vậy, vẫn có những người thực sự yêu nghề, thực sự gắn bó với nghề với cái tâm của “lương y như từ mẫu” như cô Ngọc, như Nhung hay bạn điều dưỡng nam kia. Họ thực sự là những tấm gương để xã hội nhìn nhận lại về nghề điều dưỡng, và cũng để lòng tin cho người dân Việt đặt đúng chỗ cho một nghề đáng được tôn vinh.
Nếu tính theo đúng tiêu chuẩn 12 điều y đức của nghề y và 8 chuẩn y đức của nghề điều dưỡng thì đây là kết hợp các ngành khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật và tự nhiên. Bởi ở đó, điều dưỡng phải có chuyên môn về nghề y, là cánh tay của bác sĩ trong các thao tác về sức khỏe. Bên cạnh đó, điều dưỡng phải có trái tim nhân hậu, biết cảm thông, yêu thương, sẻ chia với người bệnh; bỏ qua tự ái cá nhân để đứng vào vị trí của người bệnh, sẵn sàng lên tiếng khi có các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nhân. Điều dưỡng phải có thể chất vững vàng, bền bỉ do tính chất công việc và nhu cầu thực tế của người bệnh. Điều dưỡng phải biết giao tiếp, dùng giao tiếp làm công cụ để xoa dịu những cơn đau về thể xác cũng như những lo lắng, bối rối, cô đơn về tinh thần cho bệnh nhân…
Điều này chứng tỏ, điều dưỡng giỏi là một người hoàn thiện cả về tri thức, về tâm hồn, về thể chất. Điều dưỡng phải đóng nhiều vai trò trong công việc của mình: họ vừa là người thầy thuốc, vừa là hộ lý, vừa là người giúp việc, vừa là nghệ sĩ của tâm hồn… Một nghề của nhiều nghề là như vậy.
PGS. Nguyễn Hoàng Sơn – Chủ tịch Hội Tai mũi họng Hà Nội, Cố vấn chuyên môn bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt khẳng định: “Hai công việc khám, điều trị và chăm sóc là quan trọng nhất đối với bệnh nhân và hình thành nên một bệnh viện. Một bệnh viện có uy tín, chất lượng chuyên môn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của bác sĩ và điều dưỡng. Nếu bộ phận điều dưỡng làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo 8 chuẩn y đức của điều dưỡng, sẽ để lại ấn tượng, thiện cảm về bệnh viện với bệnh nhân…”
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn và Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc thăm nữ bệnh nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3
Chính vì lý do đó, cô Ngọc luôn tâm huyết với việc đào tạo lớp điều dưỡng trẻ tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt. Cô Ngọc cũng là một trong những người tham gia sáng lập Hội điều dưỡng Việt Nam, cô muốn “đào tạo, xây dựng đội ngũ điều dưỡng thực sự có tâm huyết với nghề có nghĩa là tâm huyết với bệnh nhân bao gồm tâm lý tiếp xúc, kỹ năng giao tiếp, tay nghề chuyên môn và chuẩn đạo đức, tất cả phục vụ chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Xã hội này cũng giống như bà mẹ chồng khó tính. Nhưng nếu như những “cô con dâu” luôn chăm ngoan, lễ phép, yêu thương “mẹ chồng” hết mực thì không bao giờ có chuyện “mẹ chồng” lại hắt hủi “con dâu” mãi…”
Còn có những người như cô Ngọc, như bạn Nhung hay những người thực sự tâm huyết với nghề điều dưỡng thì tin rằng, xã hội công nhận vai trò của họ, bệnh nhân yêu quý họ và niềm tin của người dân Việt Nam về nghề điều dưỡng, về những “lương y” ngày càng vững chắc hơn.
Tiểu Yến
Có thể bạn quan tâm:
Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và hưởng ứng tháng hành động…
Ngày 30/7/2015 Ban lãnh đạo cùng CBNV Ngân Hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã…
Ngày 19/7/2015, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt phối hợp với Trung tâm Thông tin,…
Tiếp nối hoạt động thăm khám bệnh cho thương binh, bệnh binh...những người có công…
Đây là hoạt động “Uống nước nhớ nguồn" ý nghĩa, chăm sóc sức khỏe cộng…
Nằm trong chương trình tặng 200 suất khám phát hiện sớm ung thư của bệnh…
This website uses cookies.