Kiến thức ung thư đại trực tràng

Dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát và cách phòng tránh

5/5 - (2 bình chọn)

Theo Trung tâm Ung thư Sloan-Kettering, trong số 1.320 người ung thư đại tràng di căn, có 243 người (18%) bị tái phát. Do đó việc phát hiện dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát và phòng tránh là rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn nhận biết dấu hiệu bệnh đã tái phát để thăm khám kịp thời.

1. Dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát

Ung thư đại tràng tái phát là tình trạng xuất hiện trở lại các tổn thương do tế bào ung thư sau khi điều trị triệt căn ung thư đại tràng.

Một số trường hợp tái phát ung thư đại tràng nhưng không có triệu chứng. Do những khối u mới phát triển trở lại kích thước nhỏ, sau một thời gian, các triệu chứng của ung thư mới rõ rệt hơn.

Dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát thường gặp bao gồm co thắt dạ dày, táo bón, thay đổi khuôn phân, lẫn máu trong phân và nôn ói…. 

Ung thư đại tràng có tỉ lệ tái phát khá cao

1.1. Co thắt dạ dày

Khối u do ung thư đại tràng tái phát có thể tiết các hormon hoặc hóa chất khiến nhu động dạ dày rối loạn, tạo cảm giác đau thắt từng cơn tại dạ dày.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Triệu chứng trên bệnh nhân ung thư đại tràng tái phát thường đột ngột, nặng và tiến triển nhanh hơn. Do bệnh nhân đã phẫu thuật, hóa trị, xạ trị nên đường ruột thay đổi, dễ bị tổn thương. Khi có khối u xuất hiện, triệu chứng bệnh sẽ biểu hiện sớm và nặng nề.

Co thắt dạ dày thường gặp ở ung thư đại tràng tái phát

1.2. Táo bón

Khi ung thư đại tràng tái phát, khối u xuất hiện trở lại và phát triển trong lòng ruột tạo thành khối chèn ép. Khối u lớn sẽ ảnh hưởng tới qua trình bài tiết phân, gây giảm cảm giác đi ngoài và táo bón.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Táo bón trong ung thư đại tràng tái phát có biểu hiện là những đợt phân cứng, khó đại tiện kèm cảm giác ngứa, tức khó chịu vùng hậu môn.

Nguyên nhân của triệu chứng này do khối u tái xuất hiện chèn ép vào thụ cảm thần kinh vùng trực tràng, khiến cơ thể kém nhạy cảm với sự đầy của bóng trực tràng, giảm kích thích đi ngoài.

Táo bón là một trong những triệu chứng của ung thư đại tràng tái phát

1.3. Thay đổi khuôn phân

Thay đổi khuôn phân với biểu hiện đi ngoài phân mỏng dẹt là triệu chứng điển hình của các u cục đường tiêu hóa dưới, đặc biệt là đại tràng.

Nếu phân của người bệnh có hình dạng bất thường, mỏng dẹt như lá, vẹt góc thì có thể lòng ruột đã xuất hiện khối u, nghi ngờ ung thư đại tràng tái phát.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Triệu chứng này có mức độ thay đổi rất nhanh khi ung thư đại tràng tái phát. Do sau khi phẫu thuật, lòng ruột đã có sự thu hẹp so với nguyên mẫu, hơn nữa còn bị khối u choán chỗ.

1.4. Trong phân có lẫn máu

Bề mặt khối u thường mủn nát và dễ chảy máu. Việc khối phân di chuyển qua đó vô tình tổn thương phần bề mặt này khiến máu chảy ra, lẫn trong phân.

Với trường hợp ung thư đại tràng tái phát, khối u phát triển lại trên chính lòng ruột cũ với tính chất bề mặt dễ chảy máu tương tự, do đó xuất hiện triệu chứng này.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Biểu hiện của phân có lẫn máu trong trường hợp tái phát ung thư thường khá dữ dội. Bệnh nhân có thể nhập viện vì đi ngoài phân máu quá nhiều, mệt mỏi, gầy sút nhanh.

1.5. Buồn nôn

Nôn nhiều là triệu chứng báo hiệu sự rối loạn trong hệ thống tiêu hóa. Bệnh nhân có dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát thường bị nôn do tắc nghẽn đường tiêu hóa, có khối u choán chỗ trong lòng ruột.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Việc tái phát ung thư đại tràng khiến triệu chứng nôn xuất hiện đột ngột với cường độ mạnh hơn.

1.6. Đau vùng chậu, đau lưng

Ung thư đại tràng tái phát có thể gây đau vùng chậu, đau lưng. Do các khối u mới có thể xuất hiện cạnh cột sống, tì đè vào thành bụng khiến bệnh nhân xuất hiện cảm giác tức, đau âm ỉ vùng chậu, lưng, hông.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Triệu chứng này không có khác biệt nhiều với ung thư đại tràng nguyên phát, vẫn gây cảm giác đau âm ỉ vùng chậu, lưng, hông do khối u tì đè vào thành bụng. Vì thế, nên tìm hiểu và có sự chăm sóc y tế khi đau đớn kéo dài.

Đau vùng chậu và đau lưng cũng cảnh báo nguy cơ ung thư đại tràng tái phát

1.7. Chướng bụng, đầy hơi

Nếu khối u tái phát trở lại tại đại tràng, việc lưu thông dịch tiêu hóa trở nên khó khăn kéo theo dấu hiệu chướng bụng, đầy hơi. Tình trạng này không cải thiện kể cả khi đã sử dụng thuốc nhuận tràng và men vi sinh đường ruột.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Triệu chứng này xuất hiện sớm với mức độ nặng hơn. Do lòng ruột sau phẫu thuật bị hẹp hơn, tăng mức độ tắc nghẽn so với trước.

1.8. Thiếu máu

Số lượng tế bào hồng cầu có thể giảm đi trên bệnh nhân tái phát ung thư đại tràng vì nhiều lý do là: chảy máu tại vị trí u, mất máu trong phân và thiếu dinh dưỡng.

Biểu hiện của thiếu máu trên người bệnh là các đặc điểm như da tái nhợt, xanh xao, lông tóc móng mỏng, dễ gãy, người mệt mỏi hay đuối sức, hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế.

Phân biệt với ung thư đại tràng lần đầu: Với người bệnh ung thư đại tràng lần đầu biểu hiện thiếu máu diễn ra âm thầm, đôi khi mất tới vài tháng bệnh nhân mới có thể nhận ra. Ngược lại với bệnh nhân tái phát ung thư tình trạng xuất huyết tiêu hóa hoặc thiếu dinh dưỡng có thể tiến triển chỉ vài tuần. Khi người bệnh có dấu hiệu thiếu máu và từng có tiền sử mổ u đại tràng thì cần được thăm khám ngay lập tức.

Các triệu chứng ung thư đại tràng tái phát rất dễ nhầm với những bệnh thông thường khác, người bệnh nên chủ động tầm soát ung thư định kỳ mỗi năm 1 lần để có kết quả chính xác. 

2. 3 dạng ung thư đại tràng tái phát

Ung thư đại tràng tái phát thường có 3 dạng như sau:

  • Tái phát cục bộ: Tái phát tại nơi khối u đại trực tràng bắt đầu. Thường ở vị trí miệng nối đường ruột. Một số trường hợp sẽ xuất hiện trong lòng ruột ở vị trí cao hơn hoặc thấp hơn diện cắt một vài cm, gây ra các triệu chứng như bán tắc ruột, rối loạn đại tiện nhưng rất thoáng qua, dễ bỏ sót.
  • Tái phái tại khu vực xung quanh: Tái phát tới các hạch bạch huyết gần với khối u ban đầu. Do hạch bạch huyết là điểm dừng của các tế bào ung thư, nếu phẫu thuật, hóa trị và xạ trị không giải quyết tận gốc, nơi đây sẽ là điểm ung thư bắt đầu tái phát.
  • Tái phát xa: Thường xuất hiện do ung thư đã di căn ở thời điểm phẫu thuật nhưng không phát hiện ra được, sau đó tế bào ung thư phát triển trở lại.
Ung thư đại tràng tái phát thường có 3 dạng

3. Nguyên nhân khiến ung thư đại tràng tái phát

3.1. Nguyên nhân khách quan

Nguyên nhân khách quan khiến dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát trở lại là do:

  • Khối u ung thư chưa được loại bỏ hoàn toàn: Quá trình phẫu thuật loại bỏ khối u đã không triệt căn hoàn toàn, để lại các tế bào ung thư mà hóa, xạ trị không thể loại bỏ được và phát triển trở lại.
  • Khối u đã di căn xa và không được phát hiện qua thăm khám: Sau khi xử trí tại vị trí u nguyên phát, các tế bào đã di căn tiếp tục phát triển tạo ra ung thư tái phát.
  • Còn tế bào ung thư trong hệ bạch huyết: Các biến chứng trong phẫu thuật khiến tổ chức hạch cạnh khối u không đạt được yêu cầu lấy tối đa hạch vùng, có thể một số hạch đã có tế bào ung thư. Nếu những tế bào này không mẫn cảm với hóa trị, xạ trị thì ung thư sẽ tái phát.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

Nguyên nhân chủ quan khiến ung thư đại tràng tái phát là do:

  • Không chấp nhận và tuân thủ điều trị: Rất nhiều trường hợp bệnh nhân có chỉ định hóa xạ trị sau phẫu thuật, nhưng vì lý do cá nhân như thể trạng yếu, kinh tế gia đình hoặc tâm lý mà dừng quá trình điều trị. Việc này vô tình tạo cơ hội cho tế bào ung thư phát triển trở lại.
  • Do đã chữa khỏi nhưng người bệnh vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư đại tràng ban đầu. Các nguy cơ này bao gồm:
    • Hút thuốc lá và uống rượu: Thuốc lá chứa rất nhiều chất độc làm tăng nguy cơ ung thư tái phát. Còn nghiện rượu gây bào mòn cơ thể, dẫn tới suy gan, xơ gan, giảm khả năng miễn dịch khiến ung thư dễ tái phát.
    • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Các thực phẩm chế biến sẵn, chiên, nướng quá độ chứa nhiều gốc tự do làm tăng nguy cơ tổn thương mã gen, trực tiếp làm tăng khả năng xuất hiện ung thư.
    • Ít vận động: Nếu bệnh nhân không có các hoạt động cơ thể ở mức vừa phải thì sẽ khiến việc trao đổi chất trì trệ, kéo theo nguy cơ táo bón, rối loạn lipid, thoái hóa cột sống. Các bệnh này làm giảm sức miễn dịch cơ thể khiến ung thư dễ tái phát.
    • Béo phì: Sự tồn tại quá mức của tế bào mỡ, các hormone phát triển sẽ sản xuất vượt mức gây rối loạn trao đổi chất, tăng nguy cơ xuất hiện tế bào bất thường, dẫn tới ung thư.

Các trường hợp ung thư đại tràng tái phát sớm tiên lượng xấu hơn trường hợp tái phát muộn. Có khoảng 60 – 80% các ca tái phát xuất hiện trong vòng 2 năm sau phẫu thuật. Do đó việc phòng tránh và kiểm tra phát hiện ung thư tái phát trong giai đoạn này là rất quan trọng.

Việc tuân thủ điều trị là vô cùng quan trọng trong bệnh ung thư đại tràng

4. Cách phòng tránh ung thư đại tràng tái phát

Dưới đây là những phương pháp hỗ trợ, phòng tránh ung thư đại tràng tái phát hiệu quả. Những biện pháp này chỉ có tác dụng nhất định, bệnh nhân cần được hướng dẫn chăm sóc và điều trị theo phác đồ tùy giai đoạn và phân loại ung thư của bác sĩ chuyên khoa.

4.1. Tầm soát ung thư đại tràng định kỳ

Việc tầm soát để tìm ra những dấu hiệu ung thư trực tràng tái phát nên được làm định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường sẽ là mấu chốt để bác sĩ có thể đưa ra được những pháp đồ điều trị hiệu quả. Các phương pháp, xét nghiệm cần thực hiện và tần suất sẽ dựa trên nguy cơ tái phát và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Dưới đây là Hướng dẫn chăm sóc, theo dõi bệnh nhân ung thư đại tràng sau điều trị theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO):

Năm đầu tiên sau khi điều trị:

  • Khám sức khỏe và xét nghiệm CEA từ 3 – 6 tháng/lần.
  • Chụp CT bụng và ngực mỗi năm (6 – 12 tháng/lần đối với những người có nguy cơ tái phát cao).
  • Chụp CT vùng chậu 6 – 12 tháng/lần.
  • Nội soi đại tràng 1 năm sau phẫu thuật.
  • Soi trực tràng 6 tháng/lần cho người bị ung thư trực tràng không xạ trị vùng chậu.

Năm thứ hai sau khi điều trị:

  • Khám sức khỏe và xét nghiệm CEA từ 3 – 6 tháng/lần.
  • Chụp CT mỗi năm (6 – 12 tháng/lần đối với những người có nguy cơ tái phát cao).
  • Chụp CT vùng chậu 6 – 12 tháng/lần.
  • Soi trực tràng 6 tháng/lần cho người bị ung thư trực tràng không xạ trị vùng chậu.

Năm thứ ba sau khi điều trị:

  • Khám sức khỏe và xét nghiệm CEA từ 3 – 6 tháng/lần.
  • Chụp CT mỗi năm (6 – 12 tháng/lần đối với những người có nguy cơ tái phát cao).
  • Chụp CT vùng chậu 6 – 12 tháng/lần.
  • Soi trực tràng 6 tháng/lần cho người bị ung thư trực tràng không xạ trị vùng chậu.

Năm thứ tư sau khi điều trị:

  • Khám sức khỏe và xét nghiệm CEA từ 3 – 6 tháng/lần.
  • Chụp CT vùng chậu mỗi năm.
  • Soi trực tràng 6 tháng/lần cho người bị ung thư trực tràng không xạ trị vùng chậu.

Năm thứ năm sau khi điều trị:

  • Khám sức khỏe và xét nghiệm CEA từ 3 – 6 tháng/lần.
  • Chụp CT vùng chậu mỗi năm.
  • Soi trực tràng 6 tháng/lần cho người bị ung thư trực tràng không xạ trị vùng chậu.

4.2. Chế độ ăn uống lành mạnh

Các thức ăn chứa nhiều chất béo, đồ nướng, thịt đỏ, đường tinh luyện và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư đại tràng. Việc giảm bớt và thay thế các loại thực phẩm này đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tái phát ung thư.

Bệnh nhân ung thư đại tràng nên ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung chất xơ và các dưỡng chất giúp hỗ trợ tiêu hóa, làm tăng sức đề kháng cho đường ruột. Trong thời gian đầu sau phẫu thuật, tốt nhất nên ăn các món mềm để dễ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho đại tràng. Đồng thời cần hạn chế các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá, cà phê.

4.4. Tăng cường vận động

Việc có một cơ thể khỏe mạnh, vận động vừa phải là điều kiện cơ bản để ung thư không “ghé thăm” bạn. Sau một thời gian điều trị và chăm sóc sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tập luyện và vận động theo lộ trình phục hồi sau mổ của bác sĩ.

Duy trì một cơ thể khỏe khoắn, mức vận động phù hợp với lứa tuổi sẽ khiến hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tránh gặp các bệnh kèm theo, qua đó phát hiện sớm nếu có triệu chứng của khối u tái phát.

4.5. Duy trì cân nặng ổn định, tránh béo phì

Bằng các nghiên cứu gen và tế bào học những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại protein gây viêm, được gọi là PAR2, trong các tế bào mỡ bụng của những người thừa cân và béo phì. Viêm mãn tính trong cơ thể có thể gây tổn thương DNA và làm tăng nguy cơ tái phát ung thư.

Do vậy những người đã từng bị ung thư đại tràng nên kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể của mình bằng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, không nên để tăng cân quá mức.

Béo phì là yếu tố đứng hàng thứ 2 trong số các yếu tố nguy cơ xuất hiện ung thư

Dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát có thể xảy ra với mỗi bệnh nhân đã điều trị triệt căn ung thư đại tràng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì tiên lượng sống sẽ rất cao, lên tới 74%. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư đại tràng và tăng cường sức đề kháng, có chế độ sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa yếu tố ung thư. 

 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Quản Trị Viên

Recent Posts

Khám phát hiện sớm Ung thư Vú – Cổ tử cung cho độc giả báo Dân Trí

Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và hưởng ứng tháng hành động…

55 năm ago

CBNV Ngân Hàng TMCP Liên Việt: Yên tâm khi được khám sức khoẻ phát hiện sớm ung thư

Ngày 30/7/2015 Ban lãnh đạo cùng CBNV Ngân Hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã…

55 năm ago

Khám sức khỏe phát hiện sớm ung thư cho 200 phụ nữ là đối tượng chính sách tại Phú Thọ

Ngày 19/7/2015, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt phối hợp với Trung tâm Thông tin,…

55 năm ago

Chương trình nâng cao nhận thức ung thư tại Phú thọ nhân kỷ niệm ngày 27/7

Tiếp nối hoạt động thăm khám bệnh cho thương binh, bệnh binh...những người có công…

55 năm ago

BVUB Hưng Việt khám miễn phí phát hiện sớm ung thư cho 36 thương, bệnh binh dịp 27/7

Đây là hoạt động “Uống nước nhớ nguồn" ý nghĩa, chăm sóc sức khỏe cộng…

55 năm ago

20 độc giả đầu tiên của Dân trí được khám phát hiện sớm ung thư miễn phí

Nằm trong chương trình tặng 200 suất khám phát hiện sớm ung thư của bệnh…

55 năm ago

This website uses cookies.