BSCKII Trần Đình Tú, Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức – Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, người vẫn được đồng nghiệp gọi với cái tên “phù thủy” gây mê, kể chuyện nghề với những thăng trầm trong 40 năm cùng phóng viên báo Gia Đình Việt Nam…
Đối với mỗi ca phẫu thuật, việc thực hiện gây mê, gây tê hồi sức là điều bắt buộc, góp phần quan trọng quyết định sự thành công hay không. Việc gây mê, gây tê hồi sức cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác, nếu không sẽ xảy ra những tai biến khôn lường.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, công đoạn này hiếm khi được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến mọi người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của nó. Đi tìm câu hỏi này, chúng tôi may mắn gặp được BSCKII Trần Đình Tú, Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, người vẫn được đồng nghiệp gọi với cái tên “phù thủy” gây mê, chia sẻ câu chuyện về nghề hết sức thú vị này…
Nghe về “phù thủy” gây mê Trần Đình Tú từ lâu, nhưng muốn gặp thì không phải dễ, bởi ông luôn bận rộn với công việc của mình. Sau nhiều lần liên lạc, đặt lịch, cuối cùng chúng tôi mới gặp được ông vào một buổi chiều mưa giữa hạ. Dù là cuối buổi chiều, nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi vẫn thường bị xen ngang khi thỉnh thoảng “phù thủy” gây mê bị “triệu tập” để phục vụ cho ca mổ nào đó. Mỗi lần như thế, người bác sỹ già này lại cười hiền, tỏ vẻ mong chúng tôi thông cảm rồi lại vội vàng sang phòng mổ để gây mê vì: “Ca này nặng, nếu tôi không trực tiếp gây mê thì bệnh nhân rất dễ bị tai biến, ảnh hưởng đến tính mạng như chơi”.
Sinh năm 1949 trong một gia đình trí thức, từ nhỏ Trần Đình Tú đã ước mơ mình trở thành một bác sỹ giỏi, giúp ích cho đời. Ước mơ dần trở thành hiện thực khi ông liên tiếp đạt sinh giỏi trong các cấp học rồi thi đỗ vào trường Đại học y Hà Nội.
Trong suốt quá trình theo học về đa khoa tại trường, ông được làm quen với gây mê hồi sức. Chính sự kỳ diệu của môn học này đã thúc đẩy ông tự mày mò nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước, rồi tìm đến những bác sỹ chuyên gây mê hồi sức giỏi của các bệnh viện lớn để học hỏi. Với những kiến thức, kinh nghiệm học được, đã khiến ông ngày càng yêu thích môn học này hơn.
Theo bác sỹ Tú thì: “Gây mê là phương pháp điều trị đặc biệt, nó làm cho bệnh nhân ngủ, không gây đau, không lo sợ, không nhớ gì về cuộc mổ, cũng như không có các phản ứng thần kinh nội tiết trong mổ và không độc, đáp ứng với yêu cầu của cuộc mổ, sau mổ hồi tỉnh nhanh và các chức năng sống cũng phục hồi nhanh và đảm bảo. Đó cũng chính là yêu cầu của cuộc gây mê… Chính sự kỳ diệu của gây mê đã giúp tôi theo nghề này cho đến tận hôm nay”.
Nói như vậy, ông Tú muốn khẳng định rằng, việc gây mê không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ, bởi người làm việc này ngoài việc phải biết hết các chuyên khoa, biết tác dụng của các loại thuốc còn phải nắm rõ được các bệnh để biết cách pha liều lượng thuốc cho hợp lý.
Theo bác sỹ Trần Đình Tú, người được đồng nghiệp yêu mến đặt cho cái tên “phù thủy” gây mê.
Cũng theo bác sỹ Tú thì liều lượng thuốc rất quan trọng, bởi gây mê cho một ca mổ cần phải tiêm đến 4 loại thuốc khác nhau, nếu sơ sảy, có thể gây tai biến ngay. Cụ thể, nếu tiêm quá liều, bệnh nhân có thể tụt huyết áp, suy tim, ngộ độc… Còn nếu thiếu liều lượng sẽ gây co tắc, đau đớn cho bệnh nhân, thậm chí là chết trên bàn mổ. Do đó, người bác sỹ gây mê ngoài kiến thức được học tại trường còn phải ham mê học hỏi, nghiên cứu tài liệu để hiểu được các quá trình sinh lý, sinh lý bệnh, giải phẫu, quá trình bệnh lý ngoại khoa nói chung, các bệnh lý chuyên khoa, dược lý học, các kỹ thuật gây mê hồi sức, cũng như làm việc phải nghiêm túc, chuẩn xác và bằng trực giác, tư duy của người bác sỹ.
Có lẽ nhờ những suy nghĩ nghiêm túc về công việc gây mê ngay từ đầu nên Trần Đình Tú đã sớm lọt vào “mắt xanh” của bác sỹ gây mê nổi tiếng có tên Trần Tấn Anh, Trưởng khoa gây mê hồi sức – Bệnh viện Bảo vệ Bà mẹ trẻ em (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương – PV). Chẳng thế mà khi vừa tốt nghiệp đại học, Trần Đình Tú được mời về bệnh viện nơi bác sỹ Anh công tác. Cũng từ đây, công việc của Trần Đình Tú luôn gắn liền với gây mê, gây tê hồi sức.
Với niềm đam mê, ham học hỏi, nghiêm túc trong công việc, nên dù công tác tại Viện bảo vệ bà mẹ trẻ em, Bệnh viện đa khoa Lai Châu, Angieri, Pháp hay những bệnh viện tư nhân như Hồng Ngọc, Ung bướu Hưng Việt, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài việc trực tiếp gây mê, gây tê hồi sức, bác sỹ Trần Đình Tú còn tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, viết sách, giảng dạy cho những bác sỹ sau đại học. Nhờ ông, đã có biết bao thế hệ học trò ra trường với nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp tốt.
Các bác sĩ bệnh viện Ung bướu Hưng Việt trong ca phẫu thuật
Trò chuyện với ông, chúng tôi dường như bị cuốn vào câu chuyện của một người say nghề. Ngoài câu chuyện chuyên môn, trăn trở làm sao nghiên cứu ra được phương pháp gây mê, gây tê tốt, ít tốn kém, bệnh nhân không phải chịu tai biến, đau đớn thì ông rất ít khi nói về thành tích của mình. Do đó để thực hiện bài viết này chúng tôi phải tìm hiểu thông tin một cách độc lập, thông qua những người bạn đồng nghiệp của ông. Theo đó, mọi người đều dành những tình cảm tốt đẹp, sự tôn trọng đối với bác sỹ Tú như một con người hết lòng với nghề y, một “phù thủy” gây mê tài tình, một bác sỹ chỉ nghĩ đến bệnh nhân…
Với những cống hiến của mình cho ngành y, bác sỹ Trần Đình Tú vinh dự được phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú, danh hiệu thầy thuốc nhân dân, Huân chương lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng lao động sáng tạo về gây tê tủy sống để giảm đau khi sinh.
Trong quá trình làm nghề, nghiên cứu khoa học, bác sỹ Tú đã sáng tạo ra nhiều phương pháp gây mê, gây tê hồi sức mới, được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Đó là việc áp dụng phương pháp gây tê tủy sống để thay thế cho gây tê ngoài màng cứng. Phương pháp gây tê tủy sống nghe có vẻ đáng sợ, nhưng trên thực tế kỹ thuật này lại rất an toàn, ít bị tai biến và ít tốn kém hơn so với những phương pháp gây mê, gây tê hồi sức trước đó. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một liều duy nhất thuốc tê Bupivacain liều rất thấp, kết hợp với một loại thuốc giảm đau trung ương vào khoảng liên đốt sống L2 – L3 hoặc L3 – L4. Đây là vùng chỉ có dịch não tủy, còn tủy sống nằm ở phía trên, do đó không sợ kim làm chấn thương tủy. Sau đó, sản phụ được truyền oxytocin để điều chỉnh cơn co tử cung, giúp sinh dễ dàng nhanh chóng hơn. Trong quá trình chờ sinh, sản phụ vẫn đi lại được bình thường.
Theo bác sĩ Tú, phương pháp này rất phù hợp với điều kiện Việt Nam vì an toàn (sau hơn 10 năm thực hiện không có ca tai biến nào), dễ làm, giảm chi phí 4 – 5 lần so với gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ tuyến tỉnh cũng thực hiện được nên giờ đây phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Gần 40 năm theo nghề gây mê, gây tê hồi sức, bác sỹ Tú đã đồng hành với không biết bao nhiêu bệnh nhân cận kề cái chết, bao trường hợp bệnh nhân đặc biệt, nhưng ông nhớ nhất là trường hợp một sản phụ bị tiền sản giật, suy thận, cần phải mổ lấy thai. Với những trường hợp thai phụ bị tiền sản giật, sản giật tỉ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh rất cao. Nhận thấy tính nguy hiểm của trường hợp này, các bác sỹ đã huy động máy chạy nhân tạo ngay tại chỗ, sau đó thực hiện gây tê tủy sống để mổ lấy thai nhi. Trong quá trình phẫu thuật, sản phụ bị ngừng tim đến 5 lần, huyết áp thay đổi liên tục, khiến các bác sỹ hết sức vất vả.
Khi được hỏi về động lực để theo cái nghề được cho là “nhàm chán”, thu nhập thấp như gây mê, gây tê hồi sức như thế, bác sỹ Tú chỉ cười hiền bảo rằng: “Bạn hãy yêu và tìm niềm vui trong sự nhàm chán ấy đi. Theo nghề, nghề sẽ không phụ đâu”.
Câu đúc rút mà bác sỹ Tú nói có vẻ lý thuyết sách vở, nhưng nếu ta chịu khó suy ngẫm thì đó lại chính là kim chỉ nam cho tất cả những thành công trong mọi lĩnh vực.
Có thể bạn quan tâm:
Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và hưởng ứng tháng hành động…
Ngày 30/7/2015 Ban lãnh đạo cùng CBNV Ngân Hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã…
Ngày 19/7/2015, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt phối hợp với Trung tâm Thông tin,…
Tiếp nối hoạt động thăm khám bệnh cho thương binh, bệnh binh...những người có công…
Đây là hoạt động “Uống nước nhớ nguồn" ý nghĩa, chăm sóc sức khỏe cộng…
Nằm trong chương trình tặng 200 suất khám phát hiện sớm ung thư của bệnh…
This website uses cookies.