Những kinh nghiệm điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hoá, thể tuỷ, thể không biệt hoá
5/5 - (2 bình chọn)
Mỗi thể ung thư tuyến giáp sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. Vì vậy cần chuẩn bị và lưu ý những gì khi thăm khám, chăm sóc, điều trị cho người bệnh ung thư tuyến giáp? Hãy theo dõi bài viết chia sẻ về kinh nghiệm chữa ung thư tuyến giáp để có cái nhìn tổng quan, đúng đắn và sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chiến trường kỳ với căn bệnh ung thư tuyến giáp này.
1. Kinh nghiệm chung trong chữa ung thư tuyến giáp
Việc cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả điều trị cho người bệnh ung thư tuyến giáp đang tăng lên cùng với công nghệ hiện đại, phác đồ điều trị riêng biệt và đặc biệt là khả năng tuân thủ điều trị của từng người bệnh.
Chính vì vậy, trong cuộc chiến đối mặt với căn bệnh ung thư tuyến giáp cần phải nắm chắc và ghi nhớ những kinh nghiệm chung sau:
Chuẩn bị tinh thần, tâm lý thoải mái, lạc quan, tích cực ở cả người bệnh và người thân trong gia đình. Đặc biệt, lúc này người bệnh cần có niềm tin và tuân thủ tuyệt đối phác đồ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.
Nên chọn đơn vị điều trị ung thư tuyến giáp có Hội đồng Hội chẩn đa chuyên khoa (Tumor Board) để đưa ra được phác đồ điều trị tối ưu với từng người bệnh. Việc hội chẩn đánh giá các kết quả xét nghiệm, tình trạng diễn biến bệnh, kết quả vi sinh, giải phẫu,… được thảo luận kỹ lưỡng, cẩn trọng bởi những chuyên gia đầu ngành để đưa ra phác đồ phù hợp nhất cho từng ca bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh có Hội đồng Hội chẩn đa chuyên khoa có thể kể đến như: Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Bệnh viện K…
Chuẩn bị kỹ cho các buổi khám bệnh: Người bệnh nên đi thăm khám cùng với người thân trong gia đình. Hãy chuẩn bị những câu hỏi còn thắc mắc về tình trạng bệnh, kế hoạch điều trị, chế độ sinh hoạt,… trước khi đến thăm khám. Đồng thời, người nhà nên ghi lại những giải đáp, dặn dò của bác sĩ để hiểu rõ về bệnh và quá trình điều trị.
Theo dõi, chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau điều trị. Do điều trị ung thư là một quá trình lâu dài, vì vậy cần đảm bảo và tạo điều kiện tốt nhất cho sức khỏe người bệnh để đáp ứng với quá trình điều trị.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đáp ứng yêu cầu của liệu pháp điều trị. Tùy vào các phương pháp được sử dụng như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị,… mà có những yêu cầu và chế độ dinh dưỡng riêng. Người bệnh và người nhà cần lưu ý và đảm bảo thực hiện đúng để quá trình điều trị đạt kết quả cao nhất.
Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị, không bỏ thuốc, thay đổi thuốc, thay đổi liều lượng hay cách dùng thuốc,…
Tái khám đúng hướng dẫn, phòng tái phát, di căn. Tái khám đúng hạn để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm những bất thường, tái phát, di căn và đưa ra chiến lược điều trị tiếp theo.
2. Kinh nghiệm chữa ung thư tuyến giáp thể biệt hóa
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa chiếm phần lớn (khoảng 90%) tổng số ca ung thư tuyến giáp được ghi nhận, bao gồm thể nhú, thể nang và thể kết hợp thể nhú và nang. Thể ung thư này có mức độ ác tính thấp hơn các dạng ung thư khác, phát triển chậm và thường chỉ di căn đến các cơ quan gần.
Vì vậy đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hoá đa phần thường có tiên lượng tốt. Tỷ lệ sống của người bệnh trên 10 năm có thể lên tới 90%.
Đối với ung thư thể biệt hoá, các phương pháp điều trị chính thường được áp dụng là:
Phẫu thuật là phương pháp chính, then chốt giúp loại bỏ khối u trong điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu này.
Xạ trị I131 giúp loại bỏ phần tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
Điều trị Hormon thay thế thường được chỉ định sau khi cắt toàn bộ hay gần toàn bộ tuyến giáp.
Chăm sóc người bệnh ung thư giai đoạn biệt hóa cần lưu ý những kinh nghiệm sau:
Trước điều trị:
Giữ vững tâm lý lạc quan, tin tưởng: Tỷ lệ sống và chữa trị khỏi của ung thư tuyến giáp thể biệt hoá tương đối cao, do đó người bệnh cần có niềm tin và thái độ tích cực với phác đồ điều trị.
Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho liệu pháp điều trị: Mỗi phương pháp có yêu cầu riêng về chế độ dinh dưỡng như: Nhịn ăn 6-8 giờ trước phẫu thuật, thực hiện chế độ ăn kiêng Iod 2 tuần và ngừng thuốc hormon giáp trạng 4 tuần trước xạ trị I131,…
Sẵn sàng chi phí điều trị: Tùy thuộc phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định mà số tiền điều trị cần thiết là khác nhau, thông thường chi phí có thể bao gồm: phẫu thuật (10 – 30 triệu đồng), xạ trị (3 – 10 triệu đồng mỗi đợt), liệu pháp hormon thay thế, chi phí xét nghiệm (200 – 300 nghìn đồng mỗi xét nghiệm), chi phí đi lại,… Tổng chi phí có thể mất tới hơn 50 triệu đồng.
Trong điều trị:
Giữ vững tinh thần, phối hợp với bác sĩ.
Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật.
Trước khi xạ trị cần cởi bỏ trang sức, đồ dùng kim loại nằm trong vùng xạ trị.
Người nhà cần tích cực động viên và chăm sóc người bệnh.
Sau điều trị:
Nắm được một số vấn đề có thể xảy ra khi thực hiện điều trị: Các biến chứng sau phẫu thuật có thể xảy ra gồm liệt dây thần kinh, suy cận giáp, chảy máu sau mổ,… Người nhà bệnh nhân cần nắm rõ các triệu chứng này để phát hiện biểu hiện bất thường và thông báo với bác sĩ kịp thời.
Chế độ dinh dưỡng khoa học: Sau phẫu thuật, người bệnh cần ăn các bữa ăn nhỏ, chia thành 5 – 6 bữa/ngày, ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu và uống nhiều nước.
Phục hồi thể chất sau phẫu thuật: Bệnh nhân cần phối hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ và điều dưỡng. Người nhà cần chăm sóc bệnh nhân đúng cách theo hướng dẫn để bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Lưu ý đến một số vấn đề khác sau xạ trị: Không mang thai hoặc cho con bú trong và sau quá trình xạ trị, hạn chế việc thăm hỏi bệnh nhân sau xạ trị do cơ thể người bệnh còn chất phóng xạ.
Trong ung thư tuyến giáp thể tủy, các tế bào ung thư có thể đã xâm lấn vào các hạch bạch huyết và di căn đến các cơ quan khác.
Phát hiện ung thư tuyến giáp thể tủy càng sớm thì tiên lượng bệnh càng cao. Tuy nhiên, ung thư thể này thường khó phát hiện sớm và khi tế bào ung thư di căn đến gan, phổi, xương, não thì tiên lượng rất xấu. Với ung thư tuyến giáp thể tủy, tỷ lệ sống ở nhóm người dưới 40 tuổi sau 5 năm là 95%, còn trên 40 tuổi thì tỷ lệ này là 65%.
Ở thể này, đa số tổn thương đa ổ với mức độ ác tính, thường có di căn và tái phát cao vì vậy phương pháp điều trị chính là:
Cắt toàn bộ tuyến giáp cho tất cả trường hợp.
Vét hạch cổ khi đã có bằng chứng di căn.
Xạ trị bổ trợ cho những trường hợp không còn chỉ định phẫu thuật, hoặc tại những tổn thương tại vị trí không loại bỏ bằng phẫu thuật được.
Với điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy, ngoài kinh nghiệm trong phẫu thuật đã nêu trên thì người bệnh và người thân trong gia đình cần lưu ý nhiều hơn về kinh nghiệm chuẩn bị tâm lý, chăm sóc người bệnh trước và sau điều trị. Cụ thể những lưu ý sẽ được trình bày sau đây:
Trước điều trị:
Chuẩn bị tâm lý: Tiên lượng bệnh còn phụ thuộc vào độ tuổi và giai đoạn tiến triển của ung thư. Vì vậy người bệnh vẫn có thể hy vọng vào tỷ lệ sống và thời gian sống sau điều trị. Người nhà bệnh nhân cần tích cực động viên, khích lệ tinh thần giúp người bệnh có niềm tin và tâm lý vững vàng trong quá trình điều trị.
Đảm bảo dinh dưỡng người bệnh: Ngoài chú ý đến chế độ ăn phù hợp trước khi phẫu thuật thì việc bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh trước quá trình điều trị cũng cần được chú trọng. Nên xây dựng thực đơn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng để người bệnh có sức khỏe tốt và chiến đấu trường kỳ với căn bệnh ung thư quái ác.
Ước lượng chi phí điều trị: Với điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy, tổng chi phí khoảng 50 triệu đồng, bao gồm: Chi phí phẫu thuật (20 – 30 triệu đồng), chi phí xét nghiệm (200 – 300 nghìn đồng mỗi xét nghiệm), chi phí xạ trị (1,5 – 5 triệu đồng), chi phí đi lại,…
Trong điều trị:
Người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn và chủ động phối hợp với bác sĩ.
Gia đình nên đồng hành, chăm sóc người bệnh trong quá trình điều trị giúp người bệnh có trạng thái tinh thần yên tâm, vững tin nhất.
Sau điều trị:
Phục hồi thể chất sau phẫu thuật: Cần chăm sóc bệnh nhân theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng để bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Chế độ dinh dưỡng: Người nhà bệnh nhân cần đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất, bồi bổ sức khỏe cho người bệnh sau phẫu thuật.
4. Kinh nghiệm điều trị ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thường chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh ung thư tuyến giáp. Thể này tế bào ung thư thường tiến triển nhanh, xâm lấn lan rộng và di căn sớm. Vì vậy, tiên lượng bệnh thường xấu, tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân trung bình khoảng 6 – 8 tháng.
Thể không biệt hóa phát triển nhanh và có tính xâm lấn mạnh, nên phương pháp và phác đồ điều trị sẽ có sự khác biệt:
Cắt giáp và vét hạch cổ được chỉ định khi còn khả năng phẫu thuật
Phương pháp hóa trị được sử dụng nhằm thu nhỏ kích thước khối u hỗ trợ cho phẫu thuật.
Xạ trị là phương pháp dùng để loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
Do bệnh nhân có thể được chỉ định hóa trị ở thể không biệt hóa này, nên người thân trong gia đình nên lưu ý thêm những kinh nghiệm trong điều trị bằng hóa trị sau:
Trước điều trị:
Chuẩn bị tâm lý cho người bệnh là rất quan trọng trong thể bệnh này: Người thân bệnh nhân nên đồng hành, chia sẻ, động viên giúp người bệnh có thêm sức mạnh, niềm tin và thái độ tin tưởng vào phác đồ điều trị.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Người bệnh khi điều trị bằng liệu pháp hóa trị thì cơ thể thường mệt mỏi và gặp nhiều tác dụng phụ. Chính vì vậy cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp người bệnh có sức khỏe tốt nhất trước khi điều trị.
Chuẩn bị chi phí: Hóa trị thường thực hiện theo liệu trình nhiều đợt nên rất tốn kém, trung bình khoảng 50 – 60 triệu đồng. Do đó tổng chi phí cho điều trị ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa có thể lên tới hơn 80 triệu đồng bao gồm cả chi phí thuốc men, chi phí xét nghiệm, chi phí sinh hoạt,…
Trong điều trị:
Phối hợp với hướng dẫn của bác sĩ.
Tiến hành xạ trị, hóa trị theo đúng lịch.
Sau điều trị:
Chế độ dinh dưỡng: Cần tăng cường chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất cho người bệnh sau hóa trị. Một số thực phẩm có thể bổ sung như yến mạch, bơ, rau củ quả, sinh tố hoa quả, trứng,…
Chế độ vận động: Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ và cường độ bài tập phù hợp.
Ngoài những kinh nghiệm trong điều trị ung thư tuyến giáp theo thể bệnh trên, nhiều người bệnh và người thân trong gia đình vẫn còn nhiều thắc mắc xung quanh việc điều trị căn bệnh này. Dưới đây, chúng tôi đã tổng hợp và giải đáp những câu hỏi thường gặp nhất.
5. Giải đáp thắc mắc về điều trị ung thư tuyến giáp
Câu 1: Ung thư tuyến giáp có chữa được không?
Ung thư tuyến giáp là một trong những căn bệnh ung thư tuyến nội tiết có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất. Thời gian phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. Bệnh nhân sau khi được điều trị tích cực thì tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến gần 100%.
Ngoài ra tỷ lệ này còn tùy thuộc thể bệnh, ví dụ như ung thư tuyến giáp biệt hoá thể nhú, khối u phát triển chậm và chưa di căn tỷ lệ chữa khỏi cao. Các thể khác của ung thư tuyến giáp như thể tuỷ, thể không biệt hoá có di căn, giai đoạn muộn thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ thấp hơn.
Câu 2: Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?
Ung thư tuyến giáp thường gặp phần lớn là ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang. Đây là những thể bệnh nhẹ, khả năng điều trị đạt hiệu quả cao, vì vậy tỷ lệ sống của người bệnh trung bình trên 5 năm khá cao, đạt khoảng 98%. Tuy nhiên, tùy thuộc thời gian phát hiện bệnh và loại bệnh mắc phải thì tỷ lệ này có sự thay đổi.
Tỷ lệ sống sau 5 năm của các thể bệnh:
Thể bệnh
Khối u còn khu trú
Di căn đến cơ quan lân cận
Di căn xa
Ung thư tuyến giáp thể nhú
100%
99%
76%
Ung thư tuyến giáp thể nang
100%
97%
67%
Ung thư tuyến giáp thể tủy
100%
91%
38%
Ung thư tuyến giáp không biệt hóa
31%
10%
3%
Câu 3: Ung thư tuyến giáp có nên phẫu thuật không?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong hầu hết mọi trường hợp ung thư tuyến giáp và thường được bác sĩ chỉ định: cắt bỏ thùy, cắt bỏ tuyến giáp, vét hạch cổ,…
Việc bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị có phẫu thuật tuyến giáp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, tuổi, giới tính, kết quả xét nghiệm, kích thước khối u,… Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến từ các bác sĩ, chuyên gia trong ngành để có phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp phù hợp nhất.
Câu 4: Xạ trị ung thư tuyến giáp cách ly bao lâu?
Xạ trị là phương pháp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng chất phóng xạ. Vì vậy, để tránh chất phóng xạ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh thì người bệnh phải cách ly sau quá trình xạ trị.
Tùy thuộc vào liều điều trị mà người bệnh được yêu cầu cách ly với thời gian khác nhau để đảm bảo lượng phóng xạ đã được đào thải đến mức an toàn.
Thông thường thời gian cách ly tối thiểu là 24 – 48 giờ sau điều trị, đặc biệt không tiếp xúc với phụ nữ đang mang thai trong thời điểm này. Với bệnh nhân điều trị liều cao, thời gian cách ly có thể lên tới 3 – 7 ngày và chỉ được xuất viện khi có đánh giá an toàn phóng xạ từ bác sĩ.
Trên đây là chia sẻ kinh nghiệm điều trị ung thư tuyến giáp từ các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt. Bạn hãy tham khảo và chuẩn bị tốt nhất cho người bệnh để đạt được kết quả điều trị hiệu quả nhất hoặc liên hệ ngay tới số hotline 094 230 0707 để được tư vấn thêm.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nếu bạn yêu thích các bài viết cung cấp kiến thức về dinh dưỡng & sức khỏe, kiến thức bệnh học trong dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân, đừng bỏ lỡ kênh Fanpage của Hệ thống Hưng Việt nhé