Kiến thức ung thư vú

Điều trị ung thư vú bằng hoá chất | Tác dụng phụ và kinh nghiệm xử lý

5/5 - (2 bình chọn)

Điều trị ung thư vú bằng hóa chất là một trong những phương pháp quan trọng và phổ biến thường được sử dụng tại các thời điểm: trước phẫu thuật, sau phẫu thuật và điều trị giảm nhẹ giai đoạn cuối

Các loại hoá chất điều trị ung thư vú phổ biến:

  • Thuốc sử dụng trong hóa trị bổ trợ: 5-Fluorouracil, Cyclophosphamide, Carboplatin, nhóm thuốc Anthracyclines (Doxorubicin, Epirubicin…), nhóm thuốc Taxanes (Paclitaxel, Docetaxel…)
  • Thuốc sử dụng trong điều trị ung thư vú đã di căn: Nhóm thuốc Taxanes (Paclitaxel, Docetaxel…), nhóm thuốc Anthracyclines (Doxorubicin, Epirubicin…), Cisplatin, Carboplatin, Vinorelbine, Capecitabine, Eribulin…

Khi điều trị ung thư vú bằng hóa chất có thể gây ra một số tác dụng phụ ở bệnh nhân ung thư vú như chán ăn, rụng tóc, buồn nôn, nôn, mệt mỏi… Dưới đây là một số những tác dụng phụ điển hình và cách giúp bệnh nhân có thể khắc phục đơn giản tại nhà.

Bạn cần lưu ý rằng: Mỗi bệnh nhân sẽ có phản ứng khác nhau, phụ thuộc nhiều vào loại hóa chất sử dụng cũng như tình trạng sức khỏe người bệnh. Do đó, với từng bệnh nhân bác sĩ sẽ tư vấn kỹ hơn về các tác dụng phụ có thể gặp và cách xử lý khi gặp phải.
Hóa trị giúp giảm hoặc ngăn ngừa sự tái phát của ung thư vú

1. Tác dụng phụ ngắn hạn của việc điều trị ung thư vú bằng hóa chất

Tác dụng phụ ngắn hạn là những tác dụng phụ xảy ra trong hoặc ngay sau khi điều trị. Chúng thường nhẹ và hết sau vài tuần khi kết thúc điều trị. Vì vậy, người bệnh và người nhà không cần quá lo lắng khi sử dụng các hoá chất điều trị ung thư vú và khi gặp các tác dụng phụ có thể áp dụng một số cách xử lý sau đây:

1.1. Buồn nôn và nôn

Buồn nôn, nôn có thể xuất hiện ngay sau khi hóa trị, vài giờ hoặc vài ngày sau đó phụ thuộc vào loại thuốc đang sử dụng. Khi gặp tình trạng này, người bệnh nên:

  • Uống nhiều chất lỏng, uống từng ngụm nhỏ.
  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn ít một, chế biến dạng mềm, lỏng
  • Sử dụng trà thảo mộc như trà gừng, bạc hà.
  • Hạn chế ăn thực phẩm nặng mùi như tỏi, hành tây, cà ri…
  • Ăn ít đồ nhiều dầu mỡ, chiên rán, mặn hoặc cay

1.2. Rụng tóc

Rụng tóc có thể được coi là tác dụng phụ gây lo lắng và e ngại nhất đối với nhiều bệnh nhân. Khả năng rụng tóc phụ thuộc nhiều vào loại thuốc hóa chất và hàm lượng thuốc sử dụng.

Một số biện pháp mà người bệnh có thể áp dụng để hạn chế tình trạng rụng tóc như:

  • Gội đầu nhẹ nhàng, không gãi, chà xát mạnh
  • Sử dụng dầu gội và dầu xả dịu nhẹ, thành phần tự nhiên.
  • Chải tóc nhẹ nhàng, không buộc tóc chặt
  • Dùng mạng lưới để giữ tóc khi ngủ
  • Không nhuộm tóc
  • Đội tóc giả, khăn quàng cổ hoặc đội mũ

Tuy nhiên, rụng tóc do hóa trị hầu như là tạm thời nên tóc thường sẽ bắt đầu mọc lại sau khi quá trình điều trị kết thúc, vì thế người bệnh không cần quá lo lắng.

Rụng tóc là tác dụng phụ đáng lo ngại với nhiều bệnh nhân điều trị hoá chất

1.3. Mệt mỏi

Mệt mỏi là tác dụng phụ rất phổ biến khi điều trị ung thư vú bằng hóa chất. Tác dụng phụ này thường ảnh hưởng nhiều đến thể chất và cảm xúc của người bệnh. Bệnh nhân cảm thấy khó khăn khi thực hiện những công việc dù đó là công việc đơn giản hàng ngày.

Để kiểm soát sự mệt mỏi, người bệnh hãy:

  • Cho bác sĩ biết tình trạng của mình để xác định các nguyên nhân gây mệt mỏi và đưa ra phương án điều trị phù hợp như: Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hàng ngày, bổ sung thuốc, vitamin cần thiết…
  • Tập thể dục thường xuyên, lưu ý bệnh nhân nên tập với cường độ vừa phải phù hợp với tình trạng sức khỏe.
  • Nghỉ ngơi và ăn uống điều độ.

1.4. Các phản ứng ở da

Một số loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide, doxorubicin, paclitaxel… có thể gây các phản ứng ở da làm cho da khô, nhạy cảm hơn, phát ban, xuất hiện phản ứng da gọi là hội chứng bàn tay – bàn chân (hội chứng Palmar-Plantar).

Các phản ứng này khiến cho các công việc hàng ngày trở nên khó khăn hơn và có thể giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu gặp tình trạng phát ban, phản ứng da để được hướng dẫn sử dụng loại kem bôi da phù hợp.

1.5. Ảnh hưởng đến móng

Hóa trị có thể làm thay đổi màu sắc, kết cấu của móng như: Hình thành các đường gờ ở móng tay, móng chân; móng tay trở nên giòn, nứt nẻ hơn; móng tay có thể bong ra khỏi nền móng…

Để giảm tình trạng này, người bệnh có thể:

  • Dùng kem dưỡng ẩm cho bàn tay, bàn chân và móng tay.
  • Sử dụng găng tay khi làm việc nhà.
  • Tránh đi giày chật, sơn móng tay, móng chân…

Lưu ý: Tác dụng phụ của điều trị ung thư vú bằng hóa chất làm ảnh hưởng đến móng thường không nghiêm trọng. Nhưng nếu bệnh nhân thấy các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng đỏ, đau ở hoặc dưới móng tay, móng chân thì cần báo ngay với bác sĩ.

Người bệnh có thể dùng kem dưỡng ẩm để hạn chế ảnh hưởng đến da, móng của hóa trị

1.6. Tê và ngứa ở bàn tay, bàn chân

Những người đang hóa trị có thể đau, tê, ngứa ở bàn tay, bàn chân do tác động của một số loại thuốc hóa trị (paclitaxel, cisplatin, docetaxel…) lên thần kinh ngoại biên.

Nếu cảm thấy ngứa ran hoặc khó cảm nhận sự khác biệt giữa nóng và lạnh, hãy đề cập với bác sĩ để theo dõi triệu chứng và có biện pháp xử trí. Người bệnh nên tránh các chấn thương, giữ ấm bàn tay, bàn chân… để hạn chế tác dụng phụ này.

1.7.  Loét miệng và họng

Hóa trị có thể ảnh hưởng đến miệng gây đau miệng, khô miệng, loét, chảy máu chân răng, tăng nguy cơ sâu răng… Hãy thông báo với bác sĩ để được tư vấn các loại nước súc miệng phù hợp. Và nên đến gặp nha sĩ để kiểm tra sức khỏe răng miệng và tránh điều trị nha khoa trong thời gian hóa trị. Để giảm đau miệng, người bệnh cần lưu ý:

  • Đánh răng và lưỡi theo những chuyển động nhẹ nhàng sau mỗi bữa ăn. Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm
  • Súc miệng bằng nước súc miệng không cồn hoặc pha muối. Pha 1 thìa cà phê muối với nửa lít nước ấm.
  • Tránh ăn thức ăn cứng khó nhai hoặc có thể gây kích ứng miệng
  • Không hút thuốc hoặc uống rượu

1.8. Thay đổi khẩu vị

Một số người bệnh thấy khẩu vị của họ bị thay đổi trong khi hóa trị, tuy nhiên tình trạng này sẽ trở lại bình thường sau khi điều trị xong. Một số thực phẩm có thể có vị khác như mặn hơn, đắng hơn. Hoặc bệnh nhân có thể không còn thấy thích các món ăn đã từng thích. Nếu tình huống này xảy ra, hãy nói chuyện với bác sĩ và có thể thử các loại thực phẩm khác nhau để tìm ra loại mình thích.

Thay đổi khẩu vị có thể xảy ra khi điều trị ung thư vú bằng hóa trị

1.9. Đau chỗ tiêm

Sưng, nóng, đỏ, đau có thể xảy ra ở vị trí kim được tiêm vào hoặc bất kỳ nơi nào dọc theo tĩnh mạch đưa thuốc vào cơ thể. Hãy cho y tá biết ngay nếu cảm thấy đau, châm chích, nóng bỏng xung quanh vị trí đặt đường truyền khi truyền thuốc.

1.10. Các tác dụng phụ khác:

Ngoài tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp ở trên, một số người có gặp phải:

  • Tăng cân: Một số loại thuốc hóa trị có thể kích thích sự thèm ăn, giữ nước làm người bệnh tăng cân. Do đó, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy: Hóa trị có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa theo những cách khác nhau, một số bệnh nhân sẽ bị táo bón, một số thì gặp tình trạng tiêu chảy…

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÚ MẤT BAO LÂU?

2. Tác dụng phụ dài hạn của việc điều trị ung thư vú bằng hóa chất

Bên cạnh tác dụng phụ ngắn hạn, tác dụng phụ dài hạn cũng có thể xuất hiện trong việc điều trị ung thư vú bằng hóa chất nhưng với tần suất ít gặp hơn. Thông thường, chúng có thể xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau quá trình điều trị. Một số tác dụng phụ dài hạn sẽ được trình bày ngay dưới đây:

2.1. Ảnh hưởng đến máu

Hóa trị có thể ảnh hưởng đến số lượng các tế bào máu trong cơ thể. Vì thế người bệnh cần xét nghiệm công thức máu thường xuyên để bác sĩ đánh giá và quyết định đến việc điều trị tiếp theo. Nếu số lượng tế bào máu quá thấp, chu kỳ điều trị tiếp theo có thể bị hoãn hoặc giảm liều hóa trị.

Các biểu hiện người bệnh có thể gặp phải như:

  • Thiếu máu xảy ra khi số lượng hồng cầu giảm thấp hơn mức bình thường. Nếu cảm thấy có các dấu hiệu của thiếu máu như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu… hãy cho bác sĩ điều trị biết.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng khi số lượng bạch cầu giảm xuống dưới một mức nhất định, không có đủ bạch cầu để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng. Hãy liên hệ với bác sĩ khi gặp biểu hiện:
    • Nhiệt độ cao trên 37,5°C hoặc thấp dưới 36°C.
    • Đột nhiên cảm thấy không khỏe dù nhiệt độ cơ thể bình thường.
    • Có các triệu chứng của nhiễm trùng như đau họng, ho, tiểu buốt, tiểu rắt…
  • Xuất huyết do giảm số lượng tiểu cầu. Người bệnh dễ bị bầm tím hơn, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết, người bệnh cần lưu ý:

  • Rửa tay đúng cách
  • Đeo khẩu trang y tế
  • Tránh tiếp xúc với những người ốm yếu
  • Tránh đám đông
  • Tránh mọi vết trầy xước, vết cắt
  • Nếu bạn có một ống thông tiểu, hãy hỏi ý kiến ​​các y tá của bạn để giữ vệ sinh ống thông.
Hóa trị ung thư vú có thể làm giảm các tế bào máu trong cơ thể

2.2. Nguy cơ đông máu

Mặc dù những người bệnh ung thư vú có nguy cơ hình thành cục máu đông thấp tuy nhiên các huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy điều quan trọng là cần thông báo cho bác sĩ các triệu chứng càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời.

Người bệnh cần lưu ý một số dấu hiệu:

  • Sưng một bên chi thể: cánh tay hoặc chân
  • Đau vị trí huyết khối: cánh tay hoặc chân
  • Khó thở hoặc đau ngực
  • Nồng độ oxy trong máu thấp

Để ngăn ngừa hình thành cục máu đông, người bệnh có thể thường xuyên đi bộ hoặc tập các bài tập chân đơn giản.

2.3. Gặp các vấn đề với hormone

Thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến hormone, nhất là hormone được sản xuất ở buồng trứng. Rối loạn nội tiết tố có thể dẫn đến:

  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Kinh nguyệt không đều, mãn kinh sớm.
  • Khô âm đạo, dễ nhiễm trùng âm đạo…

2.4. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá

Hệ tiêu hóa là một trong các cơ quan bị ảnh hưởng bởi hóa trị. Người bệnh có thể cảm thấy khó nhai, khó nuốt vì khô miệng, lở miệng. Lưỡi, môi, nướu răng, cổ họng cũng có thể bị đau. Một số có thể gặp táo bón, tiêu chảy, đầy hơi hoặc có thể không tiêu hóa được thức ăn.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể mất cảm giác ngon miệng hay cảm thấy no ngay cả khi không ăn nhiều. Dẫn đến hệ quả là sụt cân. Do đó bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp cùng vận động phù hợp để cải thiện tình hình.

Hệ tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa trị

2.5. Các vấn về sinh sản

Hóa trị gây ra thay đổi trong buồng trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai tùy thuộc vào loại thuốc, liều lượng sử dụng, độ tuổi và khả năng sinh sản trước khi điều trị. Người bệnh nên cân nhắc các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị. Nếu muốn có con trong tương lai, bệnh nhân hãy thảo luận với bác sĩ điều trị.

2.6. Gây mãn kinh sớm

Hóa trị ảnh hưởng đến buồng trứng, nơi sản xuất estrogen gây mãn kinh sớm ở người bệnh. Các triệu chứng mãn kinh phổ biến nhất gồm:

  • Nóng bừng
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Khô âm đạo
  • Thay đổi ham muốn tình dục
  • Tăng cân, khó ngủ
  • Cảm thấy lo lắng, cáu kỉnh…

Đôi khi kinh nguyệt chỉ dừng lại tạm thời. Trong các trường hợp này, các triệu chứng mãn kinh sẽ cải thiện khi có kinh trở lại. Điều này có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi quá trình hóa trị kết thúc.

Hóa trị có thể gây mãn kinh sớm ở người bị ung thư vú

2.7. Các vấn đề khác

Ngoài các tác dụng phụ hay gặp, một số vấn đề hiếm gặp hơn khi điều trị ung thư vú bằng hóa trị bao gồm:

  • Ảnh hưởng đến các vấn đề về tim như suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp tim…
  • Tổn thương phổi: Viêm phổi, tràn dịch màng phổi…
  • Ảnh hưởng đến sự tập trung: Người bệnh cảm thấy dễ quên hơn, khả năng tập trung giảm. Điều này có thể gọi là “sương mù hóa trị” hay suy giảm nhận thức. Nó có thể cải thiện theo thời gian sau khi điều trị xong nhưng cũng có thể tiếp tục lâu hơn.
  • Các vấn đề về não và hệ thần kinh: Mất thị lực, tổn thương não, tủy sống, dây thần kinh ngoại vi…
  • Các vấn đề về sức khỏe răng miệng: hỏng men răng, vàng răng…
  • Tăng nguy cơ bệnh bạch cầu: Rất hiếm khi thuốc hóa trị có thể gây bệnh về tủy xương, nếu có thường là trong vòng 10 năm sau hóa trị.

Có thể bạn quan tâm:

3. Kinh nghiệm ứng phó với các tác dụng phụ

3.1. Cần làm gì để hạn chế tác dụng phụ khi hoá trị?

Tác dụng phụ là điều không thể tránh khỏi trong điều trị ung thư vú bằng hóa trị. Vì vậy, để hạn chế tác dụng phụ, trước khi hóa trị người bệnh cần lưu ý vài điều sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối, lành mạnh, kết hợp nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh căng thẳng, stress.
  • Giữ vệ sinh và hạn chế tiếp xúc nơi đông người để tránh các bệnh lý như cảm cúm….
  • Xét nghiệm máu và chụp phim theo chỉ định của bác sĩ  để đảm bảo các chức năng tim, gan, thận đang hoạt động bình thường.
Chế độ ăn lành mạnh giúp hạn chế tác dụng phụ của hóa trị

3.2. Làm thế nào để hạn chế rụng tóc khi hoá trị?

Rụng tóc là tác dụng phụ phổ biến ở các bệnh nhân ung thư vú điều trị hóa chất và gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và ngoại hình của phụ nữ. Lúc này người bệnh có thể tìm hiểu và sử dụng  phương pháp mũ lạnh để làm giảm rụng tóc.

Mũ lạnh giúp làm mát da đầu trước, trong và sau điều trị hóa chất làm thắt chặt mạch máu trên da đầu giúp giảm lượng thuốc hóa trị đến nang tóc. Sử dụng dầu gội dịu nhẹ, tự nhiên và đội túi lưới giữ tóc khi ngủ là những phương pháp được bác sĩ khuyên dùng. Bên cạnh đó, người bệnh có thể chọn đội tóc giả, mũ hoặc khăn đến khi tóc mọc trở lại.

3.3. Cách nhận biết tình trạng khẩn cấp cần liên hệ bác sĩ

Một số tác dụng phụ có thể tự hết nhưng một số lại được coi là tình trạng khẩn cấp cần phải liên hệ với bác sĩ như:

  • Nhiệt độ trên 38 độ C.
  • Đau ngực hoặc khó thở.
  • Ớn lạnh.
  • Đau đầu dữ dội, cứng cổ.
  • Vết loét hoặc mảng mới ở miệng, sưng lưỡi hoặc chảy máu chân răng.
  • Họng khô, rát, trầy xước hoặc sưng tấy.
  • Ho có đờm, ho ra máu.
  • Tiểu nhiều hơn, tiểu buốt, tiểu rắt, có máu trong nước tiểu.
  • Ợ chua, buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 2 hoặc 3 ngày.
  • Có máu trong phân…
Cần liên hệ với bác sĩ khi nhiệt độ trên 38 độ C

3.4. Chế độ ăn uống và bổ sung dinh dưỡng sau hoá trị- ăn uống cần trước, trong và sau khi điều trị.

Chế độ ăn uống sau hóa trị của người bị ung thư vú có thể bình thường hoặc thay đổi thói quen ăn uống do tác dụng phụ. Người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.

  • Nên ăn nhiều trái cây tươi, hoa quả.
  • Chọn các loại bánh mì, ngũ cốc làm từ ngũ cốc nguyên hạt.
  • Chọn thức ăn, đồ uống ít chất béo.
  • Cân đối lượng đường, chất béo, đạm theo tỉ lệ phù hợp với cơ thể

Một số chất bổ sung có thể được cân nhắc sử dụng nhưng cần phải được sự chấp thuận của bác sĩ điều trị như:

  • Các loại vitamin và khoáng chất.
  • Các biện pháp chữa bệnh bằng thảo dược.
  • Sử dụng thực phẩm chức năng.

4. Giải đáp các thắc mắc khác

Câu 1: Mỗi đợt hoá trị ung thư vú kéo dài bao lâu?

Thông thường, người bệnh sẽ được hóa trị theo chu kỳ. Bệnh nhân có thể nhận hóa trị hai,  hoặc ba tuần một lần. Tổng số chu kỳ có thể dao động từ 4 đến 8 lần truyền . Tổng thời gian điều trị có thể kéo dài từ ba đến sáu tháng. Giữa các chu kỳ sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi.

Thời gian hóa trị có thể kéo dài từ ba đến sáu tháng tùy vào phác đồ

Câu 2: Thời gian phục hồi sau điều trị ung thư vú bằng hoá chất là bao lâu?

Khi kết thúc hóa trị, người bệnh có thể trải qua các tác dụng phụ của quá trình điều trị. Tùy vào tác dụng phụ mà thời gian hồi phục khác nhau. Những triệu chứng này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để biến mất. Người bệnh có thể gặp phải:

  • Những thay đổi về tóc: tóc mọc trở lại với kết cấu, màu sắc khác.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Mệt mỏi.
  • Căng thẳng hoặc “não hóa trị” trong sáu tháng đến một năm.

Câu 3: Hoá trị có khiến bệnh nhân ung thư vú mãn kinh sớm không?

Một trong các tác dụng phụ của hóa trị chính là mãn kinh sớm. Hóa trị có thể ngăn buồng trứng sản xuất estrogen khiến người bệnh mãn kinh sớm. Vì vậy, nếu người bệnh muốn có con hãy lựa chọn các biện pháp kiểm soát sinh sản.

Tác dụng phụ của điều trị ung thư vú bằng hóa chất là thường có, vì thế bệnh nhân cần chuẩn bị tinh thần cũng như kiến thức để có thể kịp thời ứng phó. Ngoài ra, hãy thông báo với bác sĩ điều trị những tác dụng phụ để được tư vấn và có biện pháp xử trí phù hợp.

Nếu có thắc mắc gì thêm về điều trị ung thư vú, vui lòng liên hệ Hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: 0942 300 707 để được tư vấn miễn phí.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Quản Trị Viên

Recent Posts

Khám phát hiện sớm Ung thư Vú – Cổ tử cung cho độc giả báo Dân Trí

Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và hưởng ứng tháng hành động…

55 năm ago

CBNV Ngân Hàng TMCP Liên Việt: Yên tâm khi được khám sức khoẻ phát hiện sớm ung thư

Ngày 30/7/2015 Ban lãnh đạo cùng CBNV Ngân Hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã…

55 năm ago

Khám sức khỏe phát hiện sớm ung thư cho 200 phụ nữ là đối tượng chính sách tại Phú Thọ

Ngày 19/7/2015, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt phối hợp với Trung tâm Thông tin,…

55 năm ago

Chương trình nâng cao nhận thức ung thư tại Phú thọ nhân kỷ niệm ngày 27/7

Tiếp nối hoạt động thăm khám bệnh cho thương binh, bệnh binh...những người có công…

55 năm ago

BVUB Hưng Việt khám miễn phí phát hiện sớm ung thư cho 36 thương, bệnh binh dịp 27/7

Đây là hoạt động “Uống nước nhớ nguồn" ý nghĩa, chăm sóc sức khỏe cộng…

55 năm ago

20 độc giả đầu tiên của Dân trí được khám phát hiện sớm ung thư miễn phí

Nằm trong chương trình tặng 200 suất khám phát hiện sớm ung thư của bệnh…

55 năm ago

This website uses cookies.