8+ Cách điều trị ung thư vú tại nhà dễ thực hiện, hiệu quả

5/5 - (1 bình chọn)

Đầu tiên, cần nhấn mạnh với bạn đọc rằng hiện không có cách điều trị ung thư vú tại nhà nào có thể chữa dứt điểm, tận gốc. Bởi ung thư là một loại bệnh nguy hiểm và phức tạp, cần sự can thiệp chuyên môn của bác sĩ. 

Vì vậy, các phương pháp điều trị tại nhà dưới đây là các cách để điều trị triệu chứng và tác dụng phụ của bệnh. Từ đó, sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh hơn để phối hợp điều trị và mang đến kết quả tốt nhất!

5+ Điều cần biết về ung thư vú dạng viêm

1. Không thể điều trị ung thư vú tại nhà, chỉ có thể khắc phục triệu chứng và tác dụng phụ

Các phương pháp điều trị ung thư vú như xạ trị, hoá trị… có thể giúp bệnh tình thuyên giảm. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với một số tác dụng phụ khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh như: mệt mỏi, mất ngủ, căng thẳng, lo lắng, đau vú, đau âm đạo, suy giảm chức năng nhận thức… 

Tùy vào thể trạng mỗi người, các tác dụng phụ này sẽ xuất hiện khác nhau và thậm chí tồn tại ngay cả khi quá trình điều trị đã kết thúc.

Điều trị ung thư vú tại nhà
Các biện pháp điều trị ung thư vú tại nhà giúp bạn hạn chế được các tác dụng phụ và cải thiện chất lượng sống.

Lúc này, các cách điều trị ung thư vú tại nhà có thể giảm bớt các tác dụng phụ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh trong và sau khi điều trị. Bạn sẽ cảm thấy cơ thể thoải mái hơn, bớt căng thẳng lo lắng, các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi, mất ngủ… có thể thuyên giảm dần.

Bạn cần lưu ý rằng: Việc điều trị tại nhà chỉ hỗ trợ giảm tác dụng phụ, khắc phục triệu chứng chứ không thể điều trị ung thư vú tận gốc.

2. 8+ phương pháp thuyên giảm tác dụng phụ ung thư vú tại nhà

Sau đây là các biện pháp cụ thể bạn nên áp dụng tại nhà để cải thiện các tác dụng phụ trong điều trị ung thư vú. 

2.1. Biện pháp khắc phục mệt mỏi

Các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư vú hiện nay như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết… đều ít nhiều gây ra những mệt mỏi cho người bệnh. Bên cạnh đó, các tác dụng phụ của thuốc cũng góp phần gây nên các triệu chứng này. 

Việc mệt mỏi này ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, trạng thái cảm xúc và các chức năng trong cơ thể của bệnh nhân. Lúc này, bệnh nhân có thể tự áp dụng 1 số cách điều trị ung thư vú tại nhà hỗ trợ khắc phục vấn đề này như:

1 – Chế độ sinh hoạt khoa học: 

Hãy cố gắng xây dựng một lịch trình ngủ và sinh hoạt hằng ngày điều độ và tuân thủ chúng để tăng cường và duy trì năng lượng.

Nếu có thể, bạn hãy giới hạn các giấc ngủ trưa trong khoảng 30 phút. Vì việc ngủ nhiều giấc, thời gian ngủ trưa dài có thể khiến bạn mệt hơn và khó ngủ về đêm.

2 – Ăn uống cân bằng dưỡng chất: 

Một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra rằng, chế độ ăn uống và vận động thể chất lành mạnh cũng góp phần làm giảm sự mệt mỏi cho những người bị ung thư vú. Để duy trì chế độ ăn uống cân bằng, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau củ mỗi ngày, đảm bảo cung cấp đủ calo và protein, bổ sung vitamin tổng hợp nếu cần.

Đầy đủ dinh dưỡng
Người bị ung thư vú hãy đảm bảo ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất để giảm bớt mệt mỏi.

3 – Tập luyện, vận động thường xuyên: 

Đồng thời cùng việc áp dụng các cách điều trị ung thư vú tại nhà, bệnh nhân nên cố gắng vận động thể chất từ 20 phút trở lên mỗi ngày. Hãy duy trì hoạt động nhiều nhất có thể dựa trên mức năng lượng và giới hạn của cơ thể bạn. 

  • Bạn có thể kết hợp các hoạt động thể thao như đi dạo, đi xe đạp, bơi lội… vào thói quen hằng ngày của mình. Điều này đem lại cho người bệnh một số lợi ích như: cải thiện chức năng cơ thể, tăng độ bền, giảm căng thẳng và đặc biệt là giảm khả năng tái phát ung thư vú.
  • Khi muốn kết hợp thêm các hoạt động thể chất, bạn cần đảm bảo rằng đó là những hoạt động phù hợp với cơ thể để không bị quá sức. Nếu lo lắng, bạn có thể xin lời khuyên từ bác sĩ để có chế độ luyện tập phù hợp.
  • Nếu bạn bị một trong các trường hợp sau: số lượng bạch cầu thấp, sốt, nhiễm trùng, thiếu máu, ung thư vú đã di căn đến xương… thì bạn không nên tự ý tập thể dục mà không có sự hướng dẫn từ bác sĩ.
Vận động lành mạnh
Vận động lành mạnh giúp người bị ung thư vú giảm bớt mệt mỏi.

2.2. Khắc phục chứng mất ngủ của người bệnh ung thư vú

Người bị ung thư vú thường bị mất ngủ do cảm thấy căng thẳng và lo âu do chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, các tác dụng phụ của việc điều trị cũng gây ra chứng mất ngủ.

Điều này về lâu dài sẽ khiến cho chế độ sinh hoạt của người bệnh bị đảo lộn và cảm thấy mệt mỏi. Người bệnh hãy cố gắng duy trì một thói quen ngủ và tạo một không gian thư giãn cho việc nghỉ ngơi.

Một số mẹo có thể hữu ích để cải thiện chứng mất ngủ của bạn:

  • Giảm độ sáng của đèn khoảng 1 giờ trước khi ngủ để não của bạn nhận ra đã đến lúc vào chế độ ngủ.
  • Phòng ngủ duy trì ở nhiệt độ từ 15,6 °C đến 19,4 °C được coi là môi trường ngủ lý tưởng.
  • Hạn chế tiếng ồn trước khi ngủ và trong đêm để ngon giấc hơn. Bạn hãy tắt TV 1 giờ trước khi ngủ hoặc sử dụng quạt để át các âm thanh không mong muốn.
  • Sử dụng các liệu pháp hương thơm nhẹ nhàng giúp thư giãn, giảm nhịp tim và huyết áp của bạn để vào giấc ngủ tốt hơn.
  • Đi bộ với cường độ vừa phải. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 đã chỉ ra điều này giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những người bị ung thư. Bạn có thể điều chỉnh thời gian đi bộ theo cảm giác của mình.

Lưu ý: Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn muốn thêm đi bộ hằng ngày vào thói quen sinh hoạt của mình. 

Không gian ngủ tốt
Tạo không gian ngủ thư giãn giúp bạn vào giấc dễ dàng hơn.

2.3. Cách khắc phục khi cơ thể cảm thấy nóng ran, bỏng rát

Các tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư vú có thể gây ra sự thay đổi hormone của người bệnh, khiến bạn cảm thấy cơ thể nóng ran, bỏng rát. Điều này gây nên sự khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hằng ngày của người bị ung thư vú, vậy nên việc tìm hiểu cách điều trị ung thư vú tại nhà cho điều này rất cần thiết.

Kết quả của một nghiên cứu năm 2011 đã chỉ ra rằng, những người phụ nữ tham gia một chương trình giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) – đã giảm bớt sự phiền muộn và lo lắng do các cơn nóng ran gây ra. 

Các bệnh nhân ung thư vú có thể thực hành MBRS thường xuyên nếu muốn hạn chế các triệu chứng cơ thể bị nóng ran và bỏng rát. Bạn có thể xem hướng dẫn trên Internet để thực hiện chính xác hơn. Với những người mới bắt đầu, hãy cố gắng thực hiện một hoặc hai phiên 10 phút mỗi ngày.

Lưu ý:

  • Việc rèn luyện chánh niệm vẫn có khả năng mang lại những cảm xúc không thoải mái. Bạn hãy ngừng tập nếu nó gây khó chịu dữ dội.
  • Bạn hãy tránh các yếu tố kích hoạt sau để giảm các cảm giác nóng ran trong cơ thể: thức ăn cay, cafein, rượu, quần áo chật, hút thuốc.
Rèn luyện chánh niệm
Rèn luyện chánh niệm là một phương pháp hiệu quả giúp giảm căng thẳng và lo lắng.

2.4. Biện pháp khắc phục khi người bệnh đau vú

Với người bị ung thư vú, tất cả các khối u dù là kích thước nào cũng gây nên cảm giác đau, sưng và khó chịu ở ngực. Nếu bạn đang bị đau vú, sau đây là những cách điều trị ung thư vú tại nhà giúp giảm đau:

  • Chườm ấm: Bạn có thể dùng khăn ấm để chườm lên vùng ngực để giảm bớt cảm giác đau.
  • Tự massage: Bạn massage nhẹ nhàng lên vùng ngực và các phần xung quanh ngực.
  • Tắm muối Epsom: Điều này giúp bạn cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ thuyên giảm triệu chứng đau vú.
  • Sử dụng loại áo ngực có hỗ trợ để giúp giảm đau.

Về lâu dài, bạn nên cân nhắc bổ sung thêm vitamin. Một nghiên cứu tiến hành năm 2015 đã chỉ ra những phụ nữ bổ sung thêm vitamin E hoặc vitamin B đã giảm đáng kể các cơn đau vú. Tuy vậy, bạn vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại vitamin này.

Tắm muối Epsom
Tắm muối Epsom là biện pháp giúp bạn cải thiện triệu chứng đau vú.

2.5. Cách khắc phục căng thẳng và lo lắng ở người bệnh

Khi bị ung thư vú, việc người bệnh bị căng thẳng và lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc này lại không hề có lợi cho quá trình điều trị và phục hồi. Do vậy, bạn hãy giảm bớt căng thẳng và lo lắng thông qua: 

  • Các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, hình ảnh thị giác, thư giãn cơ bắp tiến bộ…
  • Tập thể dục.
  • Thiền định hoặc thực hành chánh niệm.
  • Yoga.

Bạn có thể tập những bài tập phù hợp với mình để trút bỏ mọi lo lắng, hồi hộp hay căng thẳng.

Yoga
Các nghiên cứu chỉ ra yoga giúp người bị ung thư vú giảm lo lắng, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ.

2.6. Cách cải thiện chức năng nhận thức

Tác dụng phụ thường gặp khác khi điều trị ung thư vú là người bệnh gặp các vấn đề về khả năng tập trung và ghi nhớ. Do đó, bạn hãy thực hiện các hoạt động để tăng cường chức năng tâm thần của mình. Sau đây là một số cách điều trị ung thư vú tại nhà bạn có thể áp dụng: 

  • Loại bỏ tối đa các phiền nhiễu khỏi môi trường làm việc của bạn và nghỉ giải lao thường xuyên để lấy lại năng lượng tốt nhất.
  • Cân bằng hoạt động thể chất và thư giãn để giảm căng thẳng, điều này giúp cải thiện đến các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung.
  • Cố gắng thử những thứ mới, cách làm mới để phá bỏ thói quen thông thường.

Như vậy, qua các cách trên, khả năng nhân thức của người bệnh cũng phần nào được cải thiện tốt hơn.

2.7. Cải thiện chức năng miễn dịch cho người bệnh ung thư vú

Tăng cường khả năng miễn dịch cũng là một hoạt động quan trọng giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật và ngăn ngừa các biến chứng sau này. Bạn có thể thực hiện những hoạt động sau đây để tăng miễn dịch: 

  • Nghỉ ngơi đầy đủ, duy trì hoạt động thể chất và duy trì cân nặng hợp lý. 
  • Bổ sung đủ chất và các loại thực phẩm tăng cường miễn dịch vào chế độ ăn uống như tỏi, gừng, sữa chua, yến mạch, nấm…

Kết quả một nghiên cứu từ năm 2013 cho thấy, những phụ nữ ung thư vú được hóa trị có thể cải thiện chức năng miễn dịch của họ nhờ dùng chiết xuất nấm đông cô. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sử dụng chiết xuất này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Đồng thời, khi sử dụng phương pháp này có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như: khó chịu ở bụng, sưng da, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, dị ứng da, khó thở…

Tỏi
Bổ sung tỏi vào chế độ ăn giúp người bị ung thư vú tăng cường miễn dịch.

2.8. Khắc phục biến chứng đau âm đạo

Một triệu chứng khác mà bệnh nhân ung thư vú có thể gặp là đau âm đạo. Tác dụng phụ này có thể xuất hiện đối với những người điều trị ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết tố. Sau đây là một số cách điều trị ung thư vú tại nhà giúp bạn khắc phục: 

  • Chườm lạnh để giảm đau.
  • Pha loãng giấm táo với nước, sau đó dùng bông gòn thấm hỗn hợp và vệ sinh để giảm ngứa. 
  • Tắm muối Epsom để giảm ngứa

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 phát hiện ra những người trưởng thành nghe nhịp song âm (binaural beats) 20 phút mỗi ngày trong hai tuần có thể giúp giảm đau về lâu dài. Người bệnh có thể nghe 15-30 phút mỗi ngày, trong lúc nghe bạn hãy tập trung hoàn toàn vào âm nhạc. Bạn thậm chí có thể lắng nghe nhịp song âm trong một tư thế yoga thư giãn.

Có thể bạn quan tâm:

3. Một số thực phẩm khắc phục triệu chứng ung thư vú tại nhà

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Dược phẩm Ả Rập Xê Út đã xác nhận nhiều phương pháp chữa trị tự nhiên hơn hay cách điều trị ung thư vú tại nhà rất tốt cho bệnh ung thư vú, bao gồm:

  • Nghệ: Curcumin trong nghệ được biết là có hoạt tính chống ung thư do chứa các chất phenolic. Nghệ có khả năng hạn chế sự lây lan bệnh ung thư vú. 
  • Trà xanh: Trà xanh có hoạt tính kháng u và chống đột biến do các hợp chất polyphenolics. Polyphenol trong trà xanh hạn chế sự phân chia của tế bào ung thư và kích thích sự hoại tử của các tế bào khối u. Bên cạnh đó, catechin trong trà xanh có chức năng kích thích hệ thống miễn dịch và ức chế sự di căn, hình thành mạch trong các tế bào khối u.
  • Nhân sâm: Nhân sâm làm giảm nguy cơ ung thư ở người. Tác dụng của nhân sâm bao gồm tái sinh các tế bào tiêu diệt tự nhiên bị suy giảm trong quá trình hóa trị và xạ trị, cảm ứng đại thực bào và tăng cường hình thành kháng thể. 
  • Hạt lanh: Hạt lanh xay có hoạt tính chống ung thư, có thể tăng khả năng biệt hóa các mô tuyến vú, ngăn ngừa khối u ác tính, giảm sự phát triển của khối u.
  • Ngưu bàng: Ngưu bàng có chứa Tannin – một hợp chất phenolic – giúp kích thích hoạt động của đại thực bào, hạn chế sự lây lan của ung thư và duy trì các đặc tính điều hòa miễn dịch. Hạt ngưu bàng có khả năng loại bỏ các tế bào khối u nhờ chứa hoạt chất gọi là Arctigenin Bên cạnh đó, rễ cây ngưu bàng cũng có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u nhờ chứa flavonoid và chất chống oxy hóa polyphenol. 
Hạt và rễ ngưu
Hạt và rễ ngưu bàng đều có khả năng ức chế sự lây lan của khối u.

Bài viết đã cung cấp một số thông tin về các cách điều trị ung thư vú tại nhà. Bạn cần lưu ý rằng những phương pháp này chỉ giúp hạn chế tác dụng phụ của việc điều trị, giúp người bệnh thoải mái và khỏe mạnh hơn chứ không thể điều trị bệnh tận gốc. 

Nếu bạn có thắc mắc về bệnh lý ung thư vú, hãy liên hệ ngay với Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt qua hotline: 0942.300.707 để được giải đáp và tư vấn.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt