Bệnh nhân tiểu đường thường phải dùng thuốc uống kiểm soát đường huyết để giữ mức đường huyết ở mức an toàn. Tuy nhiên vẫn có những cách kiểm soát đường huyết không dùng thuốc mà vẫn an toàn vừa hiệu quả.
1. Uống nhiều nước hàng ngày
Lượng đường huyết tăng dẫn đến quá trình đào thải nước tiểu gia tăng với mục đích đưa lượng đường ra ngoài cơ thể. Lượng nước tiểu bài tiết ra ngoài nhiều có thể dẫn tới mất nước cơ thể. Khi cơ thể bệnh nhân tiểu đường mất nước có thể dẫn đến tình trạng cô đặc máu, tăng nồng độ chất hòa tan gây khó khăn cho việc đào thải lượng đường thừa và các chất cặn bã khác, dẫn đến nguy cơ hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu.
Bệnh nhân đái tháo đường cần uống nhiều hơn 2.5 lít nước mỗi ngày để bù lại lượng nước bị mất; cải thiện tốc độ tuần hoàn ngoại vi, ngăn sự phát sinh và phát triển các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
2. Bổ sung nhiều chất xơ
Chất xơ không tạo năng lượng, làm mau no, giúp làm chậm hấp thu các chất bột đường trong ruột, kích thích hoạt động co bóp của ruột và tiêu hóa các thức ăn khác. Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới, những người mắc bệnh đái tháo đường nên bổ sung ít nhất 25g chất xơ hàng ngày, điều này giúp insulin hoạt động tốt hơn và làm thức ăn chậm xuống ruột hơn, giúp đường máu sau ăn không tăng nhanh.
3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Chia nhỏ các bữa ăn, tốt nhất nên chia thành 3 bữa chính, 1-3 bữa phụ với lượng calo phân bổ trong các bữa ăn hợp lý.
- Duy trì ăn đúng giờ và đều đặn giữa các bữa, không bỏ ăn ngay cả khi bệnh nặng hoặc không muốn ăn.
- Giữ lượng tinh bột ổn định (chiếm 50-60% nhu cầu) và phù hợp bằng cách thay thế thức ăn giàu chất bột đường (gạo trắng, bánh mì, xôi, mì tôm..) bằng cách chọn dùng thức ăn có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, khoai sọ, khoai tây, ngũ cốc thô.
- Không dùng đồ ăn, đồ uống có đường hóa học như nước ngọt có gas, bánh kẹo, bia rượu, sữa chế biến, trái cây đóng hộp…
- Bổ sung trái cây (chín ươm),rau xanh để cung cấp vitamin. Tuy nhiên nên tránh các loại hoa quả chín, mềm có độ ngọt quá cao như: xoài, nhãn, sầu riêng…
- Hạn chế tối đa chất béo từ động vật, thay thế bằng dầu thực vật như dầu olive, dầu đậu nành, dầu mè…nên hạn chế đồ chiên xào, độ béo cao.
Có thể bạn quan tâm:
- Tin tức & các chương trình khuyến mại tại Hưng Việt
- Theo dõi Fanpage cung cấp Kiến thức: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân: Fanpage của Hệ thống Hưng Việt
4. Kiểm soát tốt stress
Bệnh nhân đái tháo đường nên có lối sống lạc quan, thư giãn, vui chơi, giải trí lành mạnh, tập thể dục thường xuyên hoặc thiền để giúp cân bằng tâm lý, cảm xúc tốt hơn.
5. Thường xuyên vận động, tập thể dục
Tập thể dục rất cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường vì hoạt động này giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng hơn, giảm lượng đường trong máu. Bệnh nhân có thể cân nhắc những bộ môn như: đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp, bơi lội…tùy theo sở thích và khả năng của mình.
TS. BS Lê Quang Toàn
TS. BS Lê Quang Toàn
Tiến sĩ, Bác sĩ
Hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh đái tháo đường, nội tiết, rối loạn chuyển hóa (Béo phì, rối loạn lipid máu…) Tham gia nhiều hội đồng biên soạn các tài liệu hướng dẫn điều trị đái tháo đường, các bệnh nội tiết của Bộ Y tế và Khu vực Đông Nam Á. 10 năm giảng dạy lý thuyết, thực hành về nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa cho sinh viên Y, bác sĩ chuyên khoa I và sau đại học. Tham gia báo cáo thường xuyên tại các Hội nghị khoa học cấp quốc gia…