NẮNG TRONG MẮT TÔI

5/5 - (1 bình chọn)

Chúng tôi gặp lại chị trong một ngày mưa lất phất ở Hà Nội, trong căn phòng trọ thuê tạm ở tầng 2 gần bệnh viện. Người phụ nữ đang chống chọi với căn bệnh K vú với một nghị lực kiên cường và lạc quan vô cùng. Chị cười với chúng tôi mà như mang cả ngày nắng rực rỡ của núi rừng đến với chốn phồn hoa Hà Thành!

Từ quê ra phố

Đó là chị Dư Thị Thập (48 tuổi, Yên Lập, Phú Thọ), người mà chúng tôi thường trân trọng gọi với cái tên “bộ trưởng bộ lạc quan”. Là một người phụ nữ chất phác, hiền hậu nhưng đối mặt với bệnh tật, chị lạc quan đến lạ, khiến ai bất giác nhìn vào cũng thấy bình yên. 

Chị biết đến và bắt đầu điều trị tại Hưng Việt từ tháng 2/2023, lần đầu đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn 2 nhưng di căn xa. Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt một bên ngực, sau đó là hóa trị, và giờ là xạ trị. Vậy nên chị mới hay cười đùa với chúng tôi rằng mình đi đi về về như đi chợ.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi nghèo Yên Lập (Phú Thọ), ngày lo ba bữa đã khó, nay lại càng khó khi phải chạy chữa căn bệnh ung thư vú. Có những hôm trời mưa, đường trơn trượt, sụt lún, chị và người nhà phải cuốc bộ 4-5 km xuống núi để bắt xe. Oái ăm hơn, ngày chị biết tin mình bị K vú cũng là lúc chị biết tin mình được lên chức bà nội. Vui buồn lẫn lộn, chị thương con vì đứa nào cũng nghèo mà hết lòng chạy vạy lo chữa trị cho mẹ, rồi cháu chị không biết tính sao. Thu nhập gia đình ít ỏi trong khi chi phí đi lại và chữa trị nhiều nên chị không dám chi tiêu gì nhiều, mỗi bữa chỉ dám ăn 10 nghìn đồng.

“Bác sĩ ở đây tốt lắm, không bao giờ chị nghĩ đi viện mà được thế này.  Đây không còn là bệnh viện, mà là nhà. Tư tưởng ban đầu mọi người hay nghĩ đến bệnh viện tư khó, đắt đỏ nhưng đến Hưng Việt nhận định đó thay đổi hoàn toàn.”

Chúng tôi hỏi chị về những nỗi sợ, sợ đau đớn, bệnh tật, cô đơn, sợ bệnh viện hay sợ cả tương lai… Câu trả lời là có nhưng nó không nằm trong phỏng đoán của chúng tôi. Sống từ nhỏ ở vùng núi cao, ở đất Hà Nội chị chỉ sợ lạc đường, sợ qua đường. Không quen phố xá nên không dám đi xa, chỉ quanh quẩn từ nhà ra viện và từ viện về nhà. 

Lúc sang thăm chị, lúc đấy cũng là xế chiều, hỏi chị hôm nay ăn gì thì chị bảo có ổ bánh mì không và gói mì trong tủ, chị cười tươi rói bảo ăn thế là ngon rồi, chị vẫn khỏe lắm. Chúng tôi đưa chị đi ăn bát bún Hà Nội, chị khen nức nở vì đây là lần đầu tiên chị ăn đồ Hà Nội mặc dù đã xuống đây gần 1 năm. Ánh mắt chị nhìn đường phố, nhìn những tòa nhà cao chọc trời đầy hiếu kỳ như ánh mắt của những đứa trẻ lên ba…

Một Hà Nội – Cả trời thương

Người ta thường nghĩ tới bệnh viện với một nỗi sợ vô hình, nhưng với những chiến binh K, trong tận cùng khó khăn của bệnh tật, sự tử tế và tình người đã giúp cuộc sống hồi sinh trở lại.

“Trước khi xuống Hà Nội chị sợ lắm, mình ở quê không biết nhiều nên cái gì cũng sợ. Nhưng mà xuống rồi mới thấy sao mình được nhiều người thương thế, nhiều đêm nằm nghĩ chị không biết nên cảm ơn mọi người như thế nào…” – Chị Thập xúc động nói với chúng tôi. 

Có những hôm nằm viện, chị và con thường chia nhau 1 suất cơm vì sức ăn ít, chồng chị thường mua mì sẵn để tiện chăm vợ. Chị bảo với chúng tôi không thấy kham khổ, chị và người nhà quen rồi, nhưng mọi người thì thấy thương nên cứ giúp miết thôi.

Cũng chưa bao giờ chị nghĩ với những bệnh viện lớn, đặc biệt là bệnh viện tư như Hưng Việt, các bác sĩ, điều dưỡng viên lại luôn hết mình chăm lo và đồng hành với bệnh nhân như vậy. “Chị phải cảm ơn Bs. Khánh thời gian đầu sau phẫu thuật, 3 ngày 3 đêm bác ấy đều đến thăm chị. Xong đến đợt cuối gặp bác sĩ Bách cũng vậy, bác ấy nhân ái, quan tâm, còn đề xuất với Bệnh viện hỗ trợ, tính ra chị chỉ mất chi phí điều trị, còn lại bệnh viện lo hết rồi”. Chị còn kể về cô Hậu, cô điều dưỡng vui vẻ thường xuyên nói chuyện, động viên chị, hay là về chị N, một bệnh nhân cùng phòng, chị ấy thường cho chị gạo, cho tiền, cho từ trái nho trái ổi đến tận gói mì chính.

Không phải tự nhiên chị được mọi người yêu quý, nguồn năng lượng và sự chân chất toát ra từ chị là điều bất cứ ai gặp cũng ấn tượng. “Gia đình có điều kiện được mọi người chăm sóc nhưng chị nhìn thế chị không tủi, một mình chị thấy vẫn ổn, chị cứ cắp dây chuyền vào nách rồi đi dạo quanh viện thôi.” Có những lúc gặp bệnh nhân khó, cần trấn an nỗi sợ trước khi thực hiện phẫu thuật, hóa – xạ trị thì chị Thập là người cùng các y bác sĩ động viên tinh thần họ. Có chăng khi người ta cùng cảnh ngộ thì họ mới có sự đồng cảm và thấu hiểu nhau hơn. 

“Mình bệnh nhưng mình vẫn muốn người xung quanh mình vui” – Chị phấn khởi chia sẻ. Do cũng đang trong đợt cuối của phác đồ điều trị, nên chị đã từ chối nhận món quà từ “Giải chạy online 10.000 bước chân hạnh phúc” của viện, chị hy vọng món quà này sẽ đến được những mảnh đời khác giống chị.

Chẳng thể kể hết, chẳng thể nói đủ bằng lời về những việc làm, nghĩa cử thấm đẫm tình người qua những thời khắc khó khăn bủa vây. Nhìn vào câu chuyện của chi Thập, cho phép chúng ta tin vào một cuộc sống đầy tình yêu thương. Mong sao những khó khăn sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn để cuộc sống ngày càng ý nghĩa.

Hưng Việt là nhà

Với những người từng bị ung thư, bị trở nặng và phải điều trị trong bệnh viện thì cảm nhận về cuộc sống giờ đây chắc chắn là rất khác. Không phải ai cũng can đảm đối diện với bệnh tật, không phải ai cũng tâm thế vững vàng bước đến bệnh viện như chính ngôi nhà của mình.

“Nếu mà bệnh nhân ai cũng như chị, tin tưởng Hưng Việt, tin tưởng các y bác sĩ, thì lúc đối diện với ung thư, sẽ thấy nó nhẹ nhàng lắm, giờ chị đến đây rồi còn không muốn về nữa là. Chị không biết nói xa hoa nó như thế nào, bởi chị nghĩ như thế nào thì chị nói như thế ấy…” Chị hài hước chia sẻ nhưng chúng tôi thật sự trân quý điều ấy.

Từ những ngày chân ướt chân ráo lên Hà Nội chữa bệnh với khung cảnh phố xá xa lạ, đứng trước cổng bệnh viện đầy những lo sợ, ánh mắt né tránh khi gặp bác sĩ với những dòng suy nghĩ xáo trộn trong đầu. Thì cũng là người phụ nữ ấy, giờ đây, chị lạc quan, vui vẻ, chị không chỉ giữ lửa cho mình, mà còn là người truyền lửa cho những người xung quanh.

Qua nhiều lần xạ trị, hóa trị, tác động của hóa chất khiến tóc chị bị rụng, có những mảng tóc mới mọc màu trắng do truyền hóa chất, nhưng chị vẫn tươi cười xoa xoa đầu mình, chị bảo có sao đâu, chị có bộ tóc giả, khăn trùm đầu mà mọi người tặng đó, nhưng chị không e dè ánh mắt của người khác nhìn mình, chị tự tin với dáng vẻ hiện tại của bản thân.

Chị bồi hồi khi nhìn về bó hoa đang để ngay ngắn trên đầu giường. 49 năm qua chị không biết được tặng hoa là cảm giác như thế nào, và bông hoa hôm 20/10 từ bệnh viện, đấy là lần đầu tiên, hôm đấy chị đã khóc! Cuộc sống bộn bề khiến vợ chồng chị quay cuồng, có những lúc người ta quên mất mình cần được yêu thương. 

Chị còn vui vẻ nói với chúng tôi rằng: “Chị cố gắng ăn uống đầy đủ, hợp vía bệnh viện nên tinh thần và sức khỏe dạo này tốt lắm. Mọi người tuy có điều kiện nhưng khéo đi chữa trị cũng không thấy thoải mái, vui vẻ bằng chị…”

Đối với cán bộ nhân viên Hưng Việt, chị Thập luôn dành cho họ sự quý mến như người trong gia đình, cũng như cách họ luôn ở bên động viên, hỗ trợ cho chị khi chị khó khăn nhất. Trung tâm xạ trị dường như cũng trở nên thân quen hơn, từ nhân viên đến y bác sĩ, chị vui vẻ, tự nhiên như chính nhà của mình.

Chị may mắn đến với Hưng Việt từ những ngày đầu xuống Hà Nội, con rể chị thương mẹ, đã hỏi thông tin người quen từng thăm khám, phẫu thuật ở Hưng Việt thì may mắn biết đến Bs.Khánh. Xuống Hà Nội với vô vàn nỗi lo, chị chưa từng nghĩ mình sẽ được yêu thương đến vậy: “Như người ta làm xong còn có quà có cáp gửi cho bác sĩ, mình cũng có tí tấm lòng nhưng mình không có tiền nên không làm được, lắm lúc cũng áy náy…”, chị bảo chị đang sáng tác bài hát mà chưa xong, nên chị hát tặng chúng tôi một khúc trong “Bài ca Hưng Việt” – thực sự là một món quà tinh thần vô giá.

💞Cảm ơn tấm lòng của chị, cảm ơn vì đã tin tưởng lựa chọn Hưng Việt. Và bất cứ bệnh nhân nào đến chữa trị cũng được nhân sự chăm sóc, quan tâm ân cần và yêu thương bằng tất thảy cái tâm của người làm nghề. Và bởi bệnh viện không phải là nơi kết thúc, đó còn là nhà, là nơi bắt đầu. 

 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt