[Giải đáp] Tầm soát ung thư cổ tử cung bảo vệ sức khoẻ phụ nữ

5/5 - (2 bình chọn)

Ung thư cổ tử cung xếp thứ 4 trong số các loại ung thư phổ biến ở nữ giới. Tuy nhiên nếu tầm soát ung thư cổ tử cung sớm và phát hiện, điều trị kịp thời thì khả năng chữa khỏi bệnh rất cao. Dưới đây là lợi ích, phương pháp và thời điểm tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả.

Theo Globocan 2020, trên thế giới có 604.127 người mắc mới ung thư cổ tử cung, chiếm khoảng 3,1% tổng số người mắc ung thư nói chung. Trong đó, Việt Nam có 4.132 người mắc mới ung thư cổ tử cung. Tỉ lệ mắc vào khoảng 2,3%. [1]

Có thể bạn quan tâm: Tầm soát ung thư cổ tử cung ở đâu tốt?

1. Ý nghĩa quan trọng của tầm soát ung thư cổ tử cung

Tầm soát ung thư tử cung là thực hiện các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên môn. Mục đích để phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm. Từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn hoặc phác đồ điều trị kịp thời.

Vì thế, tầm soát ung thư cổ tử cung có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh như:

  • Giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung: Do không có dấu hiệu rõ ràng nên ung thư cổ tử cung chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm chuyên sâu. Việc sàng lọc, chẩn đoán phát hiện các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành tế bào ung thư giúp điều trị thành công 80 – 90%.
  • Giúp phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, tăng tỷ lệ điều trị thành công: Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị, tỷ lệ sống giai đoạn 0 là trên 90%, giai đoạn I là 80 – 90%, giai đoạn II là 58 – 63%, giai đoạn III là 25 – 35%, giai đoạn IV là dưới 16%.
  • Giảm đau đớn cho người bệnh: Phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung càng sớm thì phương pháp chữa trị càng đơn giản, ít xâm lấn, tác động đến cơ thể người bệnh nên càng ít đau đớn hơn.
  • Giảm thiểu chi phí chữa trị: Khi phát hiện ung thư cổ tử cung sớm, người bệnh sẽ được áp dụng phương pháp điều trị đơn giản, chi phí thấp. Việc điều trị diễn ra trong thời gian ngắn hơn nên tốn ít chi phí.
Tầm soát ung thư tử cung giúp phát hiện cả những yếu tố tiền ung thư để ngăn chặn kịp thời trước khi chuyển thành ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư tử cung giúp phát hiện cả những yếu tố tiền ung thư để ngăn chặn kịp thời trước khi chuyển thành ung thư cổ tử cung

2. Khi nào nên khám tầm soát ung thư cổ tử cung

Khi có những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung thì người bệnh nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung ngay
Khi có những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung thì người bệnh nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung ngay

Ung thư cổ tử cung có triệu chứng ban đầu mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với bệnh viêm âm đạo hay viêm cổ tử cung. Đến giai đoạn ung thư xâm nhập, các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn. Vì thế, khi thấy các dấu hiệu dưới đây thì người bệnh nên đi khám tầm soát ung thư cổ tử cung:

  • Ra máu âm đạo bất thường: Do khối u ung thư cổ tử cung bị vỡ, chảy máu sang các bộ phận xung quanh và ra ngoài. Người bệnh thường bị chảy máu âm đạo vào những ngày không thuộc chu kì kinh nguyệt, sau khi giao hợp hoặc thụt rửa âm đạo.
  • Chảy dịch âm đạo, dịch lỏng trong, lẫn máu hoặc nhày mủ, có mùi hôi: Xảy ra do các khối mô đang bị hoại tử gây ra.
  • Đau vùng xương chậu: Khối u ung thư lan rộng và chèn ép tới vùng xương chậu gây đau. Người bệnh có thể đau vùng xương chậu dữ dội, dai dẳng dù không trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Đau và chảy máu khi giao hợp: Do tế bào ung thư tăng nhanh bất thường tạo thành khối u ở các mô và cơ quan sinh sản. Khi quan hệ, dương vật chạm vào các khối u này gây đau và chảy máu.
  • Tiểu nhiều và đau khi đi tiểu: Do khối u ung thư phát triển và xâm lấn bàng quang gây rò bàng quang, âm đạo dẫn đến đi tiểu mất tự chủ. Người bệnh đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp và đau khi đi tiểu, thậm chí còn tiểu ra máu.
Các dấu hiệu mà bạn cần tầm soát ung thư cổ tử cung
Các dấu hiệu cho thấy ung thư cổ tử cung đã ở giai đoạn xâm nhập

3. Đối tượng nào nên kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung

Những đối tượng có các dấu hiệu trên nên đi kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, các dấu hiệu này cho thấy ung thư cổ tử cung đã bước vào giai đoạn tiến triển. Vì thế, nếu thuộc các đối tượng có nguy cơ cao dưới đây, người bệnh nên đi tầm soát định kỳ:

  • Nhiễm virus HPV: Virus HPV là “thủ phạm” chính gây ung thư cổ tử cung, chiếm 99,7%. Loại virus này thường lây nhiễm qua đường tình dục và có thể gây ra các tổn thương ở cổ tử cung như loạn sản, ung thư tại chỗ, ung thư xâm lấn.
  • Phụ nữ ngoài 35 – 44 tuổi: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phụ nữ ngoài 35 đến 44 tuổi dễ bị ung thư cổ tử cung nhất. Bởi Ung thư cổ tử cung có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trung niên.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư cổ tử cung: Nếu người thân từng bị ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư buồng trứng thì người bệnh có tỉ lệ mắc cao hơn.
  • Phụ nữ sinh con đầu lòng sớm và đẻ nhiều (trên 5 lần): Sự gia tăng phơi nhiễm với virus HPV trong hoạt động tình dục và sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ dẫn đến nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao.
  • Người quan hệ tình dục không an toàn: Những người quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người dễ mắc các loại virus qua đường sinh dục, trong đó có virus HPV.
  • Người quan hệ tình dục quá sớm (dưới 17 tuổi): Do những người này bị nhiễm virus HPV sớm thông qua quan hệ tình dục và loại virus này có nhiều thời gian để tác động gây ung thư cổ tử cung hơn.
  • Phụ nữ hút thuốc lá nhiều hoặc hút thuốc lá thụ động: Hóa chất gây ung thư trong khói thuốc được hấp thụ qua phổi và theo đường máu đi khắp cơ thể. Nó có mặt ở chất nhầy của cổ tử cung, làm hỏng DNA của các tế bào cổ tử cung và dễ gây ung thư cổ tử cung.
Bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ
Người bị nhiễm virus HPV thuộc đối tượng có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao, nên đi tầm soát định kỳ

4. Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến

Khi những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao hoặc có dấu hiệu ung thư cổ tử cung đi tầm soát, bác sĩ thường chỉ định làm các xét nghiệm sau:

4.1. Xét nghiệm Pap smear

Xét nghiệm Pap smear (xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung) thường áp dụng cho phụ nữ từ 21 – 65 tuổi. Mục đích của xét nghiệm là phát hiện những tế bào cổ tử cung bất thường có khả năng tiến triển thành ung thư.

Cách làm: Bác sĩ lấy que thu thập tế bào ở cổ tử cung. Sau đó bác sĩ phết tế bào lên một nửa lam kính ở bên phần kính mờ và một nửa lam kính còn lại. Cuối cùng, bác sĩ đem đi phân tích để phát hiện cấu trúc và hoạt động bất thường của tế bào.

Ưu điểm:

  • Độ đặc hiệu trên 90%.
  • Đơn giản, nhanh chóng và không tạo cảm giác đau đớn cho người bệnh.
  • Không cần kỹ thuật, trang biết bị hiện đại.

Nhược điểm:

  • Độ nhạy thấp, khoảng 50 – 75%.
  • Kết quả phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ xét nghiệm. Trên thực tế, có khoảng 33% trường hợp phụ nữ bị ung thư cổ tử cung có kết quả xét nghiệm Pap bình thường.
  • Có nguy cơ âm tính giả, nên khuyến khích thực hiện thêm các phương pháp khác theo chỉ định của bác sĩ.
  • Có thể hơi khó chịu, chuột rút, chảy máu âm đạo rất nhẹ.
  • Phải thực hiện hàng năm.

Chi phí: 400.000 – 700.000 VNĐ.

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn.
Xét nghiệm Pap trong tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm Pap giúp phát hiện những tế bào bất thường ở cổ tử cung và thường dùng cho phụ nữ từ 21 – 65 tuổi

4.2. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm hai xét nghiệm là xét nghiệm SCC và xét nghiệm beta HCG.

4.2.1. Xét nghiệm SCC

Xét nghiệm SCC là xét nghiệm tìm chỉ số SCC trong máu. Mục đích của xét nghiệm là để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tế bào vảy.

Xét nghiệm này thường được chỉ định khi người bệnh có một số triệu chứng của ung thư cổ tử cung tế bào vảy như tiết dịch âm đạo bất thường, lúc quan hệ tình dục thường bị đau, ra máu…

Cách làm: Bác sĩ lấy máu của người bệnh đi phân tích để tìm chỉ số SCC trong đó.

Ưu điểm: Đơn giản, dễ làm.

Nhược điểm: Có thể nhầm lẫn với các bệnh ung thư khác hoặc bệnh lành tính khác.

4.2.2. Xét nghiệm beta HCG

Xét nghiệm beta HCG là xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ HCG. Mục đích của xét nghiệm là để phát hiện sớm ung thư tế bào nuôi, tế bào mầm. Xét nghiệm này thường được chỉ định khi người bệnh xuất hiện khối tăng sinh bất thường ở tử cung.

Cách làm: Bác sĩ lấy máu người bệnh đi phân tích để xác định nồng độ beta HCG.

Ưu điểm: Độ chính xác cao, đơn giản, dễ thực hiện.

Nhược điểm: Đòi hỏi trình độ kỹ thuật của bác sĩ xét nghiệm và chưa phân biệt được với một số bệnh ung thư khác.

Xét nghiệm máu để tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả
Xét nghiệm máu tìm chỉ số SCC, βHCG giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tế bào vảy và ung thư tế bào nuôi, tế bào mầm

4.3. Xét nghiệm HPV (Cobas test)

Xét nghiệm HPV (Cobas test) thường áp dụng cho phụ nữ trên 30 tuổi. Mục đích của xét nghiệm nhằm phát hiện sự có mặt của virus HPV – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung. Trong đó, cần xác định 2 type HPV 16 và 18, chiếm 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.

Cách làm: Bác sĩ dùng que quấn bông dài lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung. Sau đó đem đi phân tích bằng hệ thống máy cobas 4800 của Roche để phát hiện virus HPV.

Ưu điểm:

  • Lấy mẫu bệnh phẩm đơn giản.
  • Có độ chính xác đạt 92%.
  • Tỷ lệ âm tính giả thấp.
  • Giúp phát hiện cả những dấu hiệu tiền ung thư trước khi các tế bào cổ tử cung biến đổi. Nhờ đó, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nhược điểm:

  • Cần trang thiết bị y tế thiên tiến nên thường chỉ áp dụng ở các bệnh viện lớn và hiện đại.
  • Thời gian chờ kết quả dài, mất 7 – 10 ngày.
Xét nghiệm virus HPV để tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm HPV nhằm xác định sự có mặt của virus HPV ở cổ tử cung người bệnh

4.4. Xét nghiệm sàng lọc VIA

Xét nghiệm sàng lọc VIA thường được dùng phổ biến ở các cơ sở y tế không có điều kiện thực hiện xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV. Mục đích của xét nghiệm là phát hiện tổn thương cổ tử cung tiền ung thư và ung thư.

Cách làm: Bác sĩ dùng acid acetic rửa cổ tử cung người bệnh và đưa mỏ vịt vào âm đạo, cố định vùng khám rồi quan sát bằng mắt thường.

Ưu điểm:

  • Dễ làm, không đòi hỏi máy móc, kỹ thuật cao.
  • Có thể phát hiện hầu hết các tổn thương ở cổ tử cung.

Nhược điểm: Có nhiều trường hợp dương tính giả.

Xét nghiệm sàng lọc VIA trong tầm soát ung thư cổ tử cung
Khi xét nghiệm sàng lọc VIA, bác sĩ sẽ quan sát cổ tử cung bằng mắt thường để phát hiện tổn thương cổ tử cung tiền ung thư và ung thư

4.5. Xét nghiệm Thinprep

Xét nghiệm Thinprep thường được thực hiện với mọi phụ nữ nghi ngờ bị ung thư cổ tử cung. Mục đích của phương pháp là định hướng chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

Cách làm: Bác sĩ dùng chổi tế bào để lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung rồi cho vào lọ Thinprep. Sau đó, tế bào được chuyển đến phòng thí nghiệm làm tiêu bản tự động và kiểm tra, phân tích.

Ưu điểm: Giảm tình trạng bỏ sót mẫu tế bào bất thường nên giảm tỷ lệ âm tính giả, tăng độ chính xác của kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung.

Nhược điểm: Thường chỉ được sử dụng tại các bệnh viện lớn và hiện đại do cần trang thiết bị, máy móc tiên tiến.

Xét nghiệm Thinprep trong tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm Thinprep có tác dụng định hướng chẩn đoán ung thư cổ tử cung và có thể thực hiện với mọi phụ nữ nghi ngờ bị ung thư cổ tử cung

4.6. Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là phương pháp phóng đại cổ tử cung để quan sát tổn thương cổ tử cung, phát hiện tế bào bất thường, dấu hiệu bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Phương pháp này thường được chỉ định khi bác sĩ không thấy tổn thương ở tử cung lúc khám bằng mỏ vịt nhưng người bệnh lại có triệu chứng lâm sàng của bệnh. Người bệnh bị ung thư trong biểu mô hay loạn sản theo kết quả của xét nghiệm Pap hoặc xuất hiện tế bào tuyến bất thường.

Cách làm: Bác sĩ dùng máy soi âm đạo quan sát và đánh giá tình trạng cổ tử cung.

Ưu điểm:

  • Dễ thực hiện, có thể tìm ra các tổn thương ở cổ tử cung mà mắt thường không thấy được.
  • Ngoài ung thư cổ tử cung, phương pháp này còn giúp phát hiện viêm cổ tử cung, polyp cổ tử cung.
Soi cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả
Soi cổ tử cung giúp bác sĩ quan sát rõ toàn bộ cổ tử cung và phát hiện những điểm bất thường

4.7. Sinh thiết

Sinh thiết thường được thực hiện đồng thời với phương pháp nội soi khi phát hiện các khối u bất thường và thường được thực hiện cuối cùng trong tầm soát ung thư cổ tử cung. Phương pháp này giúp xác định xem khối u có phải u ác tính hay không và người bệnh có bị ung thư cổ tử cung không.

Cách làm: Bác sĩ lấy mẫu sinh thiết ở khối u cổ tử cung và đem đi soi dưới kính hiển vi để quan sát, phân tích xem có phải là tế bào ác tính không.

Ưu điểm: Độ chính xác cao và có tính chất quyết định đối với việc xác định người bệnh có bị ung thư cổ tử cung không.

Nhược điểm: Kết quả phụ thuộc vào thời điểm sinh thiết và kinh nghiệm của bác sĩ lấy mẫu sinh thiết.

Sinh thiết mô trong tầm soát ung thư cổ tử cung
Sinh thiết có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh nhân có bị ung thư cổ tử cung hay không

4.8. Các phương pháp khác

Bên cạnh các phương pháp xét nghiệm trên, khi tầm soát ung thư cổ tử cung, bác sĩ còn chỉ định người bệnh thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp X-quang: Bác sĩ thường chỉ định người bệnh chụp X-quang phổi để đánh giá di căn phổi. Chụp X-quang đại tràng có thụt cản quang khi bệnh nhân có triệu chứng tổn thương đại trực tràng hoặc đang ở giai đoạn IIB, III và IVA của bệnh.
  • Chụp CT: Phương pháp chụp CT có tiêm cản quang tĩnh mạch thường được dùng để thay thế niệu đồ tĩnh mạch và dùng để đánh giá di căn hạch.
  • Chụp MRI: Giúp đánh giá xâm lấn u ngoài cổ tử cung, di căn hạch. Phương pháp này thường được chỉ định cho người bệnh bị rối loạn chức năng thận hoặc bị dị ứng chất cản quang iode.
  • Chụp FDG-PET/CT: Giúp phát hiện di căn xa của tế bào ung thư cổ tử cung. Phương pháp này chưa được sử dụng phổ biến ở các cơ sở y tế do giá còn cao.
Xét nghiệm X quang phổi trong tầm soát ung thư cổ tử cung
Thông qua phim chụp X-quang phổi, bác sĩ sẽ xác định được tế bào ung thư cổ tử cung đã di căn đến phổi chưa

5. Lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung

Để việc tầm soát ung thư thực sự có hiệu quả và các phương pháp tầm soát trên cho kết quả chính xác, người bệnh cần lưu ý những điều sau trước khi đi tầm soát:

  • Không đi tầm soát ung thư cổ tử cung vào ngày có kinh nguyệt, thời gian tốt nhất là 5 ngày trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt.
  • Không quan hệ tình dục trong vòng 2 – 3 ngày trước khi tầm soát.
  • Không sử dụng tăm bông, thoa kem vào âm đạo, thụt rửa âm đạo, băng vệ sinh,… trước khi làm xét nghiệm 2 – 3 ngày.
  • Cần thông báo với bác sĩ khi đang đặt thuốc hoặc đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
  • Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung có thể xảy ra tình trạng dương tính giả hoặc âm tính giả. Vì thế, người bệnh cần bình tĩnh nghe theo tư vấn của bác sĩ và có thể thực hiện các chỉ định chuyên sâu hơn.
Người bệnh nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung trong 5 ngày trước hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt
Người bệnh nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung trong 5 ngày trước hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt

6. Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt trước khi tầm soát, người bệnh cũng cần chọn thời điểm tầm soát ung thư cổ tử cung phù hợp. Thời gian thực hiện tầm soát sẽ tùy vào từng độ tuổi và tiền sử bệnh. Cụ thể như sau:

  • Người có tiền sử gia đình có người mắc ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại tràng hoặc bản thân từng có tiền sử ung thư nên thực hiện 3 năm/lần.
  • Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap khoảng 3 năm/lần.
  • Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap cùng xét nghiệm HPV khoảng 5 năm/lần. Trường hợp dương tính với virus HPV, người bệnh cần thực hiện hai phương pháp trên 1 năm/lần.

Lưu ý: Không khuyến khích xét nghiệm HPV nếu chưa quan hệ tình dục hoặc đã từng quan hệ tình dục không an toàn.

Tần suất tầm soát ung thư cổ tử cung và phương pháp thực hiện cần căn cứ vào độ tuổi
Tần suất tầm soát ung thư cổ tử cung và phương pháp thực hiện cần căn cứ vào độ tuổi

7. Bảng giá tầm soát ung thư cổ tử cung

Chi phí tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cụ thể phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân, các xét nghiệm cần thực hiện và địa chỉ tầm soát. 

8. Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không?

Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không luôn là mối lo ngại hàng đầu của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, với sự phát triển của hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại nên quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung có thể diễn ra nhanh chóng, hoàn toàn không gây đau đớn, khó chịu.

Việc lựa chọn nơi tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất quan trọng. Người bệnh nên chọn bệnh viện uy tín, chất lượng để tầm soát ung thư cổ tử cung cho kết quả chính xác nhất và ít đau đớn.

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt chính là địa chỉ tin cậy được nhiều người lựa chọn để tầm soát ung thư cổ tử cung. Với đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, cùng sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nên quy trình tầm soát diễn ra êm ái, thoải mái và nhanh chóng, giúp người bệnh có kết quả chính xác nhất.

Nếu còn thắc mắc, liên hệ hotline 094 230 0707 hoặc nhắn tin tới fanpage Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt để được tư vấn miễn phí!

ThS.BS Bùi Tiến Dũng - Chuyên gia trong tư vấn, tầm soát và điều trị ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt và phòng khám Đa khoa Hưng Việt
ThS.BS Bùi Tiến Dũng – Chuyên gia trong tư vấn, tầm soát và điều trị ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt và phòng khám Đa khoa Hưng Việt

Tầm soát ung thư cổ tử cung là “chìa khóa vàng” giúp phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung và chữa trị kịp thời ngay cả khi bệnh chưa có dấu hiệu rõ ràng. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về tầm soát ung thư cổ tử cung và thường xuyên tầm soát định kỳ khi thuộc đối tượng có nguy cơ.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ
Nguồn tham khảo

1. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdfXem chi tiết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt