Quy trình tầm soát ung thư lưỡi từ A đến Z 

2.7/5 - (3 bình chọn)

Quy trình tầm soát ung thư lưỡi tại các bệnh viện hàng đầu luôn bao gồm đầy đủ các bước. Từ khám lưỡi, khám hạch, sinh thiết, siêu âm, chụp X-quang, chụp CT… sẽ cho kết quả tầm soát ung thư lưỡi chính xác nhất. Để biết các bước cụ thể trong quy trình, hãy đọc bài viết dưới đây.

Trong các loại ung thư khoang miệng hiện nay, ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp nhất. Theo thống kê “Số ca ung thư và tử vong ước tính 2020 của chương trình SEER“, ung thư lưỡi chiếm gần 1% trong số các ca ung thư tại Mỹ với khoảng 17.660 ca mắc mới và 2.830 ca tử vong (chiếm 0,4%).

Còn ở Việt Nam, vào năm 2010, có 1.716 nam giới và 669 nữ giới mắc mới ung thư khoang miệng. Vì vậy, tầm soát ung thư khoang miệng, trong đó có ung thư lưỡi là rất quan trọng. Phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu giúp tăng tỷ lệ sống lên tới 78% (Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ).

Ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi là bệnh ung thư chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong các bệnh ung thư khoang miệng

Quy trình tầm soát ung thư lưỡi gồm 3 bước là khám lâm sàng, thực hiện các phương pháp tầm soát và nhận kết quả, phương án điều trị (nếu có). Cụ thể như sau:

1. Bước 1: Khám lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ khai thác tiền sử bệnh bản thân, tiền sử bệnh gia đình… để có đánh giá sơ bộ ban đầu về các yếu tố ảnh hưởng. Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám sơ qua các dấu hiệu bất thường ở khoang miệng, lưỡi, hạch ở vùng cổ của người bệnh.

Tùy từng giai đoạn mà dấu hiệu bệnh ở bệnh nhân có thể khác nhau:

  • Ở giai đoạn đầu: Bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, nhưng cảm giác này qua đi nhanh.
  • Ở giai đoạn toàn phát: Người bệnh tăng tiết nước bọt, đau, chảy máu, hơi thở có mùi hôi, bị sốt do nhiễm trùng, không ăn được, cơ thể suy kiệt. Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn bị khít hàm, cố định lưỡi, nói và nuốt khó khăn.
khám lâm sàn trong tầm soát ung thư lưỡi
Bác sĩ khám lâm sàng làm căn cứ chỉ định các phương pháp tầm soát ung thư lưỡi chuyên sâu khác

2. Bước 2: Các phương pháp tầm soát ung thư lưỡi

Dựa trên kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp tầm soát ung thư lưỡi dưới đây:

2.1. Khám lưỡi

Khám lưỡi là phương pháp tầm soát ung thư lưỡi đầu tiên và phổ biến nhất. Mục đích của phương pháp là phát hiện được các bất thường của lưỡi. Những điểm bất thường này có thể chính là dấu hiệu của ung thư lưỡi.

Triệu chứng ở giai đoạn đầu khi khám lưỡi: Lưỡi xuất hiện điểm nổi phồng và có sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương (vết loét nhỏ). Khi sờ, phần lưỡi tổn thương rắn, chắc, không mềm mại như bình thường.

Triệu chứng ở giai đoạn toàn phát khi khám lưỡi: Lưỡi xuất hiện ổ loét. Trên ổ loét là giả mạc, dễ chảy máu. Ổ loét phát triển nhanh, lan ra rộng làm lưỡi khó vận động hoặc không di động được.

  • Khi khối u mới lây lan: Lưỡi bị sùi loét, bờ nham nhở, có máu và mủ ở đáy, chảy máu. Ở trường hợp lưỡi không bị loét nhưng xuất hiện nhân lớn, màu tím nhạt, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lỗ nhỏ, khi ấn thấy rỉ ra chất màu trắng.
  • Khi khối u tiến triển: Vết loét sâu, lan rộng xuống bề mặt hoặc mặt dưới lưỡi gây bội nhiễm. Lưỡi có mùi hôi, dễ chảy máu và có thể chảy máu nhiều, gây cảm giác đau đớn cho người bệnh.

2.1.1. Ưu, nhược điểm của phương pháp khám lưỡi

Phương pháp khám lưỡi có ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm

  • Có thể quan sát, phát hiện các tổn thương ở lưỡi một cách trực quan bằng mắt thường.
  • Đo được kích thước khối u.
  • Có thể đánh giá được mức độ thâm nhiễm của khối u xuống phía dưới, độ xâm lấn của khối u vào các mô tiếp cận như sàn miệng, amidan, trụ amidan, rãnh lưỡi…

Nhược điểm

  • Không thể đánh giá được sâu bên trong khối u.
  • Không xác định được khối u là lành tính hay ác tính.

2.1.2. Cách thực hiện phương pháp khám lưỡi

Khi khám lưỡi bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Cho que gỗ chuyên dụng vào miệng người bệnh để giữ lưỡi và quan sát.
  • Bước 2: Dùng ngón tay thăm khám lưỡi và đánh giá tình trạng khối u (nếu có).

Lưu ý: Nếu ung thư đã ở giai đoạn tiến triển, vết loét lan rộng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê cho bệnh nhân trước khi khám để giảm phản ứng của bệnh nhân khi đau đớn.

2.1.4. Chi phí khám lưỡi

Khám lưỡi thường có giá khoảng 100.000 VNĐ. Mức chi phí này còn tùy thuộc vào địa chỉ khám, bác sĩ khám và tình trạng của bệnh nhân để quyết định thực hiện các chỉ định.

khám lưỡi
Bác sĩ dùng que gỗ giữ lưỡi và quan sát, dùng ngón tay kiểm tả các tổn thương ở lưỡi

2.2. Khám hạch

Phương pháp khám hạch cũng quan trọng như khám lưỡi. Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng di căn hạch của người bệnh.

  • Hạch khi ở giai đoạn đầu: 50% người bị ung thư lưỡi xuất hiện hạch ở dưới hàm, dưới cằm, hạch cảnh cao ngay trong giai đoạn này.
  • Hạch khi ở giai đoạn toàn phát: 40 – 50% trường hợp phát hiện hạch ngay từ lần khám đầu tiên và 3/4 là hạch di căn. Hạch thường xuất hiện 80% ở mặt dưới lưỡi, 8% gặp ở trên mặt trên lưỡi, 2% gặp ở đầu lưỡi. Lưỡi có thể sùi, loét, thâm nhiễm.

2.2.1. Ưu, nhược điểm của phương pháp khám hạch

Khám hạch có ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm

  • Có thể đánh giá tình trạng di căn hạch, mức độ di căn một cách trực quan bằng mắt thường.

Nhược điểm

  • Không đánh giá được các tổn thương sâu bên trong và tính chất hạch.

2.2.2. Cách thực hiện phương pháp khám hạch

Bác sĩ thường quan sát bằng mắt thường để phát hiện hạch quanh vùng hàm, cằm, cổ và có thể sờ bằng tay (nếu cần).

2.2.3. Chi phí khám hạch

Mức chi phí khám khách phụ thuộc nhiều vào địa chỉ, bác sĩ và các chỉ định cần thực hiện khi khám. Mức giá trung bình khi khám hạch khoảng 100.000 VNĐ.

khám hạch trong tầm soát ung thư lưỡi
Bác sĩ quan sát và dùng tay sờ nắn vùng hàm, cằm, cổ để kiểm tra tình dạng di căn hạch của ung thư lưỡi

2.3. Sinh thiết

Sinh thiết là phương pháp chẩn đoán mô bệnh học qua mảnh sinh thiết tại u ở lưỡi hoặc cổ. Mục đích nhằm tìm tế bào ác tính tại khối u tổn thương ở lưỡi, từ đó khẳng định chắc chắn người bệnh có bị ung thư lưỡi hay không.

2.3.1. Ưu, nhược điểm của phương pháp sinh thiết

Phương pháp sinh thiết có ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm

  • Là phương pháp duy nhất giúp xác định tế bào ác tính và đánh giá chính xác bệnh nhân có bị ung thư lưỡi không.
  • An toàn, ít gây cảm giác khó chịu cho người đi khám.

Nhược điểm

  • Kết quả sinh thiết phụ thuộc vào thời điểm lấy mẫu. Do tình trạng khối u khác nhau ở từng thời điểm.
  • Độ chính xác của phương pháp phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ lấy mẫu. Nếu lấy mẫu ở đúng vị trí tổn thương thì kết quả sẽ chính xác hơn.

2.3.2. Cách thực hiện sinh thiết

Bác sĩ tiến hành sinh thiết theo 2 bước sau:

  • Bước 1: Áp lam vào khu vực tổn thương của lưỡi hoặc dùng kim nhỏ chọc hút hạch bất thường ở cổ để lấy mẫu tế bào.
  • Bước 2: Đem mẫu tế bào đi soi dưới kính hiển vi và phân tích, xác định xem đó là tế bào lành tính hay ác tính.

Lưu ý: Người bệnh cần thông báo trước cho bác sĩ loại thuốc đang dùng, hiện tượng dị ứng thuốc của bản thân. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để chọn loại thuốc phù hợp khi thực hiện thủ thuật.

2.3.4. Chi phí sinh thiết

Chi phí sinh thiết lưỡi khoảng 300.000 – 400.000 VNĐ. Tuy nhiên, mức giá này còn phụ thuộc vào nơi khám, trình độ bác sĩ khám và các chỉ định mà bệnh nhân cần thực hiện.

sinh thiết để tầm soát ung thư lưỡi
Tế bào của khối u ở lưỡi hoặc hạch được đem đi soi dưới kính hiển vi để xác định xem có phải là tế bào ung thư không

2.4. 5 phương pháp tầm soát ung thư lưỡi khác

Bên cạnh 3 phương pháp trên, khi tầm soát ung thư lưỡi, bác sĩ còn chỉ định thêm 5 phương pháp để phát hiện di căn của bệnh.

2.4.1. Siêu âm

Siêu âm hạch cổ là phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để tái hiện lại cấu trúc bên trong của khu vực cổ, phát hiện những điểm bất thường. Mục đích của phương pháp này là phát hiện di căn hạch ở cổ mà khám lâm sàng không sờ thấy.

Ưu điểm:

  • Thấy rõ được hình ảnh các mô mềm mà phương pháp chụp X-quang không thể thấy rõ và giúp phát hiện di căn xa của tế bào ung thư ở cổ.
  • An toàn, không xâm lấn, không tạo cảm giác đau cho người bệnh.
  • Có kết quả nhanh, giá thành rẻ.

Nhược điểm:

  • Không thể thấy được sự di căn của tế bào ung thư vào xương ở khu vực cổ.
  • Kết quả phụ thuộc nhiều vào bác sĩ siêu âm.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bác sĩ bôi gel chuyên dụng vào khu vực hạch cổ của bệnh nhân rồi dùng đầu dò siêu âm quét liên tục các nhóm hạch vùng cổ.
  • Bước 2: Hình ảnh các mô mềm ở khu vực cổ sẽ hiển thị lên máy tính để bác sĩ quan sát, đánh giá khối u di căn (nếu có).

Lưu ý trước khi siêu âm: Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia… Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, thức ăn nhiều muối hoặc lên men. Bởi những thứ này gây hại cho cổ họng và có thể ảnh hưởng đến kết quả siêu âm.

Chi phí: Khoảng 100.000 – 300.000 VNĐ.

siêu âm hạch cổ đánh giá di căn ung thư lưỡi
Đầu dò siêu âm được đưa đi đưa lại qua phần da vùng cổ để bác sĩ quan sát, đánh giá di căn hạch ở cổ

2.4.2. Chụp X-quang

Khi tầm soát ung thư lưỡi, bác sĩ thường sử dụng phương pháp chụp X-quang để chụp X-quang xương hàm dưới hoặc tim phổi. Đây là phương pháp cho các chùm tia X bức xạ cao đi qua mô mềm và dịch ở hàm dưới, ngực để tái hiện lại hình ảnh vùng xương hàm dưới, tim, phổi.

Mục đích của phương pháp chụp X-quang xương hàm dưới nhằm đánh giá tổn thương xâm lấn xương hàm dưới. Còn chụp X-quang tim phổi để đánh giá di căn ở tim phổi của tế bào ung thư.

Ưu điểm:

  • Có thể đánh giá được mức độ xâm lấn, làm tổn thương, phá hủy xương hàm dưới, tim, phổi của tế bào ung thư.
  • Chi phí thấp.

Nhược điểm:

  • Hình ảnh có độ phân giải thấp hơn các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác và khó phát hiện được các khối u có đường kính nhỏ hơn 2 cm.
  • Tia X có thể tác dụng không tốt đến sức khỏe người bệnh.
  • Có thể xảy ra tình trạng âm tính giả và dương tính giả nếu nhầm u với các nang, tổn thương viêm. Tỉ lệ sai số khá cao, khoảng 20 – 30%.

Cách thực hiện: Bác sĩ dùng máy chụp X-quang chụp lại vùng cổ và vùng ngực của người bệnh. Sau đó, dựa vào ảnh chụp X-quang, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của khối u.

Lưu ý: Trước khi chụp, bệnh nhân phải tháo các đồ bằng kim loại ở khu vực cổ, ngực ra và uống dung dịch bari để hình ảnh hiển thị rõ nét. Không chụp X-quang cho phụ nữ có thai để tránh tác hại của tia X.

Chi phí: 200.000 – 400.000 VNĐ.

Chụp X-quang xương hàm dưới
Chụp X-quang xương hàm dưới giúp xác định sự di căn của tế bào ung thư lưỡi đến khu vực xương hàm dưới

2.4.3. Chụp CT

Chụp CT cổ là phương pháp dùng tia X quét lên vùng cổ theo lát cắt ngang và đo độ hấp thụ năng lượng tia X. Tái hiện lại hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều của vùng cổ lên máy tính để bác sĩ quan sát, đánh giá tình trạng khối u. Mục đích của phương pháp là phát hiện khối u ở lưỡi và di căn của tế bào ung thư sang vùng cổ.

Ưu điểm:

  • Hình ảnh rõ nét, độ chính xác cao hơn chụp X-quang.
  • Giúp phát hiện khối u ở lưỡi có kích thước xấp xỉ 1 cm và đánh giá mức độ xâm lấn của tế bào ung thư vào lớp cơ sâu của lưỡi, tổ chức xung quanh, trong đó có xương hàm dưới.
  • Giúp phát hiện di căn hạch ở cổ với khối hạch có đường kính lớn hơn 10 mm hoặc bị hoại tử trung tâm.

Nhược điểm:

  • Hình ảnh không có độ phân giải cao như phương pháp chụp MRI, khó phát hiện các tổn thương nhỏ (nhất là ở phần mềm) và các hạch chưa xâm lấn vỏ hạch hoặc không hoại tử trung tâm, hạch có kích thước giáp ranh.
  • Người bệnh có thể nhiễm phóng xạ từ tia X, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách thực hiện: Bác sĩ dùng máy chụp CT để tái hiện lại hình ảnh vùng cổ người bệnh trên máy tính. Sau đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào hình ảnh hiển thị đánh giá khối u ở lưỡi và hạch di căn.

Lưu ý: Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể phải tiêm thuốc cản quang cho người bệnh trước khi chụp. Nếu tiêm thuốc cản quang, người bệnh cần nhịn ăn 4 – 6 tiếng trước khi chụp. Sau khi chụp, người bệnh cần uống nhiều nước và có thể phải nghỉ ngơi để theo dõi thêm (nếu cần).

Chi phí: 1.000.000 – 2.000.000 VNĐ.

Chụp CT cổ giúp phát hiện khối u ở lưỡi
Chụp CT cổ giúp phát hiện khối u ở lưỡi và khối u di căn ở khu vực cổ

2.4.4. Chụp MRI

Chụp MRI cổ là phương pháp sử dụng từ trường và sóng radio để tái hiện lại hình ảnh 3 chiều của vùng cổ lên máy tính để bác sĩ quan sát, đánh giá tình trạng khối u. Mục đích của phương pháp là đánh giá mức độ xâm lấn của tế bào ung tư sang mô mềm, xương ở khu vực cổ họng.

Ưu điểm:

  • Có thể đánh giá tổn thương mô mềm, phân biệt khối u dưới niêm để bổ sung cho phương pháp chụp CT.
  • Hình ảnh rõ nét hơn phương pháp chụp X-quang, chụp CT.
  • Có thể phát hiện được cả những điểm bất thường, rất nhỏ trong xương, mạch máu mà các phương pháp khác không thực hiện được.
  • Không có tia X nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như phương pháp chụp X-quang, chụp CT.

Nhược điểm: Giá thành cao, chờ đợi kết quả  lâu nên chưa được ứng dụng nhiều ở các bệnh viện.

Cách thực hiện: Bác sĩ sử dụng máy MRI để chụp và tái hiện lại hình ảnh vùng cổ họng của người bệnh trên máy tính. Sau đó quan sát, đánh giá khối u ở lưỡi và tình trạng di căn.

Lưu ý: Tùy theo từng hình thức chụp, bệnh nhân có thể cần tiêm chất tương phản. Không chụp MRI cho phụ nữ có thai, người bị một số bệnh mạn tính (hội chứng sợ không gian kín, suy thận, suy gan, viêm phổi nặng,…) vì lực hút nam châm, sóng vô tuyến, không gian kín có thể ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe người bệnh.

Chi phí: 1.500.000 – 3.500.000 VNĐ.

Chụp MRI cổ
Chụp MRI cổ giúp phát hiện những tổn thương rất nhỏ ở xương, mạch máu vùng cổ mà phương pháp chụp X-quang, chụp CT không làm được

2.4.5. Xạ hình toàn thân

Xạ hình toàn thân là phương pháp ứng dụng y học hạt nhân để tái hiện toàn bộ hình ảnh cơ thể của người bệnh lên máy tính. Nhằm giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương của cơ thể người bệnh.

Mục đích của xạ hình toàn thân là phát hiện, đánh giá mức độ di căn xa của tế bào ung thư (nếu có) đến toàn bộ cơ thể người bệnh. Trong đó, xạ hình xương giúp phát hiện di căn xương.

Phương pháp này ít được sử dụng trong tầm soát ung thư lưỡi và thường được chỉ định khi ung thư đã bước sang giai đoạn di căn. Có các ưu điểm và nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

  • Có thể phát hiện di căn xa của tế bào ung thư đến tất cả các cơ quan trên cơ thể người bệnh. Từ đó, bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp.
  • Có thể phát hiện được cả những tổn thương ở mức độ sinh hóa, những bất thường ở mức độ chuyển hóa. Lúc này, khối u ung thư chưa thay đổi cấu trúc, còn rất nhỏ với đường kính nhỏ hơn 1 cm.
  • Có thể thấy được các tế bào ung thư đã di căn vào xương sớm hơn phương pháp chụp X-quang từ 3 – 6 tháng.

Nhược điểm: Giá thành cao, không dùng để phát hiện ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu.

Cách thực hiện: Bác sĩ dùng máy xạ hình để tái hiện lại hình ảnh toàn thân của người bệnh trên máy tính và quan sát, đánh giá mức độ di căn của tế bào ung thư.

Lưu ý: Không sử dụng phương pháp xạ hình toàn thân cho phụ nữ có thai vì dược chất phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Đối với phụ nữ cho con bú, sau khi chụp 6 tiếng mới được cho con bú vì chất phóng xạ có thể bài tiết qua sữa mẹ.

Chi phí: Liên hệ.

xạ hình toàn thân
Xạ hình toàn thân giúp đánh giá mức độ di căn của tế bào ung thư lưỡi đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể sớm hơn chụp X-quang 3 – 6 tháng

3. Bước 3: Nhận kết quả và phương án điều trị (nếu có)

Sau khi đã có kết quả của các kiểm tra, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ thông báo kết quả cho bệnh nhân, định hướng phương án điều trị (nếu có) hoặc tư vấn cách phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe, tần suất tầm soát…

Thông thường, tần suất tầm soát ung thư lưỡi sẽ được xác định dựa trên từng đối tượng cụ thể:

  • Người thuộc nhóm nguy cơ cao: 6 – 12 tháng/lần.
  • Người bình thường: 1 – 2 năm/lần.

Để có kết quả chính xác, bạn nên tầm soát ung thư lưỡi ở các địa chỉ uy tín, chất lượng. Là bệnh viện tư nhân chuyên sâu ung bướu duy nhất ở miền Bắc, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là địa chỉ tầm soát ung thư lưỡi đáng tin cậy mà bạn nên lựa chọn.

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho kết quả tầm soát ung thư lưỡi chính xác nhờ đội ngũ bác sĩ giỏi. Đồng thời, quá trình tầm soát cũng nhanh chóng; dịch vụ y tế tận tâm, nhiệt tình, chu đáo.

tầm soát ung thư lưỡi ở bệnh viện Ung bướu Hưng Việt
Tầm soát ung thư lưỡi ở bệnh viện Ung bướu Hưng Việt để nhận được kết quả nhanh, chính xác nhất và những lời tư vấn tận tình nhất

Chi tiết tìm hiểu thêm: [TƯ VẤN] Nên tầm soát ung thư lưỡi ở đâu?

Hy vọng các bước chi tiết trong quy trình tầm soát ung thư lưỡi trên đây đã giúp người đọc có cái nhìn toàn diện nhất. Nếu muốn biết thông tin chi tiết hơn về gói tầm soát ung thư lưỡi tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, xin vui lòng liên hệ:

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

2.7/5 - (3 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt