Tầm soát ung thư tuyến giáp | Hiểu đúng và hiểu rõ

5/5 - (1 bình chọn)

Tầm soát ung thư tuyến giáp là việc làm quan trọng, cần được tiến hành sớm nếu có dấu hiệu. Bởi theo Globocan 2020, ung thư tuyến giáp xếp thứ 10 với 586.202 ca mắc. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp xếp thứ 10 với 5.471 ca mắc và 642 ca tử vong xếp thứ 22.[1] Dưới đây là những điều cần biết tầm soát ung thư tuyến giáp để bạn đọc tham khảo. 

1. Tầm soát ung thư tuyến giáp là gì?

Tầm soát ung thư tuyến giáp là việc thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu, để phát hiện ra sự có mặt của tế bào ung thư ở tuyến giáp khi chưa hoặc mới xuất hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh.

Việc tầm soát ung thư tuyến giáp có thể mang lại cho người đi khám nhiều lợi ích như:

  • Phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm với những khối u có đường kính nhỏ hơn 5 mm. Điều này tăng tỷ lệ điều trị thành công và hạn chế biến chứng, di căn.
  • Phát hiện sớm các nguy cơ và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa ung thư tuyến giáp.
  • Giúp người bệnh bớt đau đớn hơn và tiết kiệm chi phí điều trị.

Quá trình tầm soát ung thư tuyến giáp có thể giúp người bệnh phát hiện ra ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang, thể tủy và thể không phân biệt hóa. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra định hướng điều trị phù hợp. Vì vậy, hãy đi tầm soát ngay nếu thấy bản thân có dấu hiệu của ung thư tuyến giáp.  

tầm soát ung thư tuyến giáp
Tầm soát ung thư tuyến giáp khi có dấu hiệu giúp phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời

2. Dấu hiệu cần tầm soát ung thư ung thư tuyến giáp

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp có thể biểu hiện ở cả triệu chứng cơ năng lẫn thực thể tùy theo giai đoạn của bệnh. Cụ thể như sau:

2.1. Triệu chứng cơ năng

Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường xuất hiện rất ít các triệu chứng cơ năng. Hầu hết người bệnh đều vô tình phát hiện ra ung thư tuyến giáp giai đoạn này thông qua việc đi khám sức khỏe tổng quát.

Ở giai đoạn muộn, các triệu chứng cơ năng dần trở nên rõ ràng hơn. Tiêu biểu như các triệu chứng:

  • Xuất hiện khối u xung quanh cổ: Khối u cứng, cố định trước cổ, dưới yết hầu; đau ở cổ, có thể lan sang tai.
  • Đỏ da vùng cổ: Do da ở vùng cổ bị thâm nhiễm, có thể sùi loét, chảy máu.
  • Khàn tiếng hay tắt tiếng: Do khối u đã lan rộng, chèn ép, xâm lấn dây thần kinh quặt ngược của thanh quản nên giọng nói của người bệnh bị khàn hoặc bị mất tiếng.
  • Khó nuốt: Khối u lớn chèn ép vào thực quản nên khi ăn, người bệnh nuốt vướng, khó nuốt hơn.
  • Có thể khó thở: U lớn có thể xâm lấn vào khí quản và làm cho người bệnh cảm thấy khó thở.

2.2. Triệu chứng thực thể

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, người bị ung thư tuyến giáp còn hay xuất hiện các triệu chứng thực thể như:

  • Khối u và hạch cổ lớn có thể nhìn thấy nổi gồ trên da: Khối u thường cứng, bờ rõ, bề mặt gồ ghề hoặc nhẵn; khi nhỏ thì di động; khi lớn, xâm lấn, dính và di động hạn chế. Mỗi khi người bệnh nuốt, khối u này cũng di chuyển theo.
  • Hạch cổ: Phần lớn hạch nằm ở cùng một bên, vùng cảnh thấp, thượng đòn. Đôi khi xuất hiện các hạch cổ nhóm khác (hạch góc hàm, cổ đối bên…) nhưng ít hơn. Hạch thường cứng, rắn, to chậm, không đau; khi chưa xâm lấn thì di động được, khi to hoặc xâm lấn thì di động hạn chế.
nổi hạch ở cổ
Hạch cổ nổi rõ, cứng, có thể di động được là một trong những dấu hiệu cho thấy có thể bạn bị ung thư tuyến giáp

3. Khi nào nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp?

Nếu người bệnh chủ quan, đợi đến khi xuất hiện các triệu chứng nặng như trên mới đi khám thì rất có thể đã mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn muộn. Điều này làm cho quá trình điều trị và phục hồi khó khăn hơn. Vì thế, ngay khi có các yếu tố dưới đây, người bệnh cần đi tầm soát sớm: 

  • Những người trưởng thành trong độ tuổi 30 – 50, đặc biệt là nữ giới: Theo Hiệp hội quốc tế phòng chống ung thư (UICC), tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nữ cao hơn nam 2 – 3 lần. Đó là do trong cơ thể phụ nữ có hormone riêng biệt kích thích sự hình thành và phát triển của bướu, hạch ở tuyến giáp. Sau một thời gian, phần hạch và bướu này có nguy cơ chuyển biến thành ung thư.
  • Người bệnh đã xạ trị vùng đầu cổ lúc còn bé, đặc biệt là u giáp đơn nhân.
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư tuyến giáp, nhất là ung thư tuyến giáp thể tủy: Một số đột biến gen di truyền có liên quan đến ung thư tuyến giáp như RAS, RET, BRAF…
  • Người thường xuyên tiếp xúc với phóng xạ hoặc đã từng nhiễm phóng xạ: Do phóng xạ có thể đi qua đường tiêu hóa, hô hấp và tác động đến tuyến giáp, gây ung thư.
  • Người mắc các bệnh về tuyến giáp: Người bị bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp mạn tính, viêm tuyến giáp bán cấp, ung thư biểu mô tuyến giáp, bệnh Basedow, u đơn nhân hoặc đa nhân tuyến giáp… làm hormone tuyến giáp bị suy giảm, tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.

Lưu ý: Lực lượng đặc nhiệm phòng bệnh của Mỹ (U.S. Preventive Services Task Force) đã đưa ra khuyến cáo:

  • Người lớn không có triệu chứng không nên khám sàng lọc ung thư tuyến giáp.
  • Chưa có đầy đủ bằng chứng về việc khám lâm sàng và siêu âm giúp sàng lọc ung thư tuyến giáp ở người không có triệu chứng chính xác.
  • Người có nguy cơ mắc bệnh thấp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi tầm soát. Dưới đây là bảng một số yếu tố nguy cơ có khả năng gây ung thư tuyến giáp. 
Nguy cơ thấp Nguy cơ cao
  • Tuổi: Trẻ hơn 15 hoặc lớn hơn 45.
  • Nam giới.
  • U giáp lớn hơn 4 cm đường kính.
  • Tiền sử xạ trị vùng cổ.
  • U giáp lớn nhanh.
  • Mật độ cứng khi khám.
  • Dính vào các cấu trúc lân cận.
  • Tiền sử gia đình có ung thư tuyến giáp.
  • Khàn tiếng.
  • Khó nuốt, nuốt vướng do u chèn ép.
  • Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
  • Có hạch cổ.
bướu tuyến giáp
Người bị bướu tuyến giáp có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn người bình thường

4. Tần suất tầm soát ung thư tuyến giáp phù hợp

Tần suất tầm soát ung thư tuyến giáp cần căn cứ vào từng đối tượng:

  • Với nhóm đối tượng nguy cơ cao: Nên tầm soát 6 tháng/lần.
  • Với trường hợp xuất hiện các triệu chứng trên: Cần thực hiện tái tầm soát càng sớm càng tốt.

5. Các phương pháp tầm soát ung thư tuyến giáp phổ biến

Khi tầm soát ung thư tuyến giáp, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp sau:

5.1. Khám lâm sàng

Đây là phương pháp thăm khám ung thư tuyến giáp đầu tiên, phố biến nhất và thường dùng làm các căn cứ chỉ định các phương khác. Mục tiêu của khám lâm sàng là phát hiện các dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp và các yếu tố ảnh hưởng như tiền sử bệnh gia đình và bản thân bệnh nhân, các loại thuốc đang sử dụng.

  • Ưu điểm: Có thể phát hiện ra các triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp ở bên ngoài cơ thể bệnh nhân như tuyến giáp to bất thường, khối u, hạch nổi tại xương đòn, cổ họng…
  • Nhược điểm: Không thể thấy rõ được tình trạng ung thư tuyến giáp bên trong cơ thể người bệnh.
  • Chi  phí: 100.000 – 300.000 VNĐ.
Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn.

5.2. Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp thường được bác sĩ chỉ định đầu tiên để kiểm tra tuyến giáp. Phương pháp này hay được áp dụng cho người bệnh không thể thực hiện xét nghiệm máu. Mục tiêu của phương pháp là phát hiện, xác định kích thước, giới hạn, u đơn nhân hay đa nhân và đánh giá cấu trúc tuyến giáp.

  • Ưu điểm: 
    • Giúp bác sĩ thấy rõ số lượng, vị trí, tính chất, kích thước, sự xâm lấn của u tuyến giáp và hạch cổ. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra kết luận các nhân là u nang (nang dịch, thường là u lành) hay các u đặc (u rắn, thường là u ác tính).
    • Đơn giản, dễ thực hiện, nhanh chóng, không tạo cảm giác đau đớn.
    • Độ chính xác cao.
  • Nhược điểm: 
    • Ranh giới hình ảnh khối u đặc không rõ.
    • Bác sĩ chưa xác định được u lành tính hay ác tính.
siêu âm cổ
Siêu âm tuyến giáp giúp bác sĩ thấy rõ khối u và hạch cổ để đưa ra kết luận là nang dịch hay u rắn

5.3. Xét nghiệm các chất chỉ điểm khối u

Để kiểm tra chức năng tuyến giáp của bệnh nhân có dấu hiệu bị ung thư tuyến giáp, bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm máu. Mục tiêu của phương pháp là tìm ra và xác định được nồng độ của các chất chỉ điểm gây ung thư như Tg, anti Tg, CEA, Calcitonin…

  • Ưu điểm: Là phương pháp hiệu quả nhất trong việc kiểm tra, đánh giá tình trạng tuyến giáp và phát hiện các dấu ấn gây ung thư; giúp phân biệt ung thư tuyến giáp hay bướu cổ. Phương pháp này có kết quả nhanh, ít gây đau đớn.
    • Xét nghiệm Thyroglobulin (Tg và anti Tg): Hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp loại biệt hóa.
    • Có thể là CEA hay Calcitonin: Giúp sàng lọc các thành viên trong gia đình có người bị ung thư tuyến giáp thể tủy.
  • Nhược điểm: Độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp thể tủy không cao, không phân biệt được ung thư tuyến giáp với các bệnh lành tính, ung thư khác. Phương pháp này cũng không thể xác định được kích thước khối u, mức độ phát triển của bệnh.

Xem chi tiết: Xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến giáp

5.4. Sinh thiết

Sinh thiết là phương pháp thường được bác sĩ chỉ định khi phát hiện ra khối u trong tuyến giáp lớn hơn 1 mm sau khi chụp CT, siêu âm màu hoặc bệnh nhân có giáp hạt sờ thấy được. Mục tiêu của phương pháp là xác định khối u là lành tính hay ác tính và bệnh nhân có bị ung thư tuyến giáp không, dạng ung thư.

  • Ưu điểm: Đây là phương pháp chắc chắn nhất giúp xác định bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp hay không với độ chính xác cao lên đến 95%.
  • Nhược điểm
    • Phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ lấy mẫu sinh thiết và phân tích.
    • Có thể cho kết quả âm tính giả.
    • Có nguy cơ chảy máu.
  • Chi phí: 200.000 – 500.000 VNĐ.
Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn.
sinh thiết tầm soát ung thư tuyến giáp
Bác sĩ lấy mẫu sinh thiết để đem đi phân tích xem tế bào khối u tuyến giáp người bệnh là lành tính hay ác tính

5.5. Xạ hình tuyến giáp

Phương pháp xạ hình tuyến giáp thường được chỉ định khi bác sĩ muốn kiểm tra độ hấp thụ i-ốt và ghi hình tuyến giáp để chẩn đoán, theo dõi bệnh ung thư tuyến giáp nếu xét nghiệm máu có nồng độ TSH thấp. 

Phương pháp này cũng được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng u tuyến giáp, bướu cổ hoặc cần đánh giá mức độ di căn của ung thư tuyến giáp. Trong đó, xạ hình tuyến giáp với 201-T1 được chỉ định khi xuất hiện các nhân lạnh trên xạ hình tuyến giá I-131. 

  • Ưu điểm: Giúp xác định được vị trí, kích thước và đưa ra nhận định về tình trạng của nhân tuyến giáp; phát hiện tuyến giáp lạc chỗ, ung thư tuyến giáp di căn để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
    • Xạ hình tuyến giáp với I-131: Giúp đánh giá chức năng của tuyến giáp, theo dõi tuyến giáp sau điều trị hoặc phẫu thuật ở người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.
    • Xạ hình tuyến giáp với 201-T1: Giúp chẩn đoán, theo dõi tình trạng tái phát, di căn ung thư tuyến giáp thể tủy sau phẫu thuật. Đặc biệt, phương pháp này giúp phát hiện cả những tổn thương không bắt được i-ốt phóng xạ trong xạ hình tuyến giáp với I-131.
  • Nhược điểm: Thời gian chờ kết quả lâu. Xạ hình tuyến giáp với I-131 có hình ảnh nhiễu, thời gian bán hủy vật lý phóng xạ dài, liều xạ cao, hay bỏ sót những u nhỏ.

5.6. Chẩn đoán tế bào học

Chẩn đoán tế bào học là phương pháp áp dụng kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ tại u và hạch. Phương pháp này được chỉ định khi kết quả siêu âm, xạ hình bất thường hoặc nhân giáp có kích thước lớn hơn 1 mm, bác sĩ nghi ngờ nhân tuyến giáp có tế bào ác tính. 

Đây là phương pháp được bác sĩ sử dụng cuối cùng để xác định bệnh nhân có bị ung thư tuyến giáp không. Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể làm nhiều lần.

  • Ưu điểm:
    • Nếu được thực hiện bởi chuyên gia nhiều kinh nghiệm thì độ chính xác tới 90%.
    • Nhanh, an toàn.
    • Có giá trị cao đối với ung thư tuyến giáp thể nhú.
  • Nhược điểm: Đối với ung thư tuyến giáp thể nang, phương pháp này có độ nhạy không cao.
Kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ tại u và hạch
Kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ tại u và hạch để lấy mẫu phân tích giúp bác sĩ xác định bệnh nhân có bị ung thư tuyến giáp không

5.7. Các phương pháp khác

Bên cạnh 6 phương pháp trên, khi tầm soát ung thư tuyến giáp, bác sĩ còn sử dụng một số phương pháp như:

  • Chụp X-quang: Thường dùng để xác định mối quan hệ giữa khí quản và tuyến giáp.
    • Ưu điểm: Giúp kiểm tra khí quản có bị lệch hay chèn ép không, phát hiện di căn xương, dấu hiệu nhiễm vôi của tuyến giáp.
    • Nhược điểm: Có thể gây cảm giác khó chịu cho người đi khám khi uống bari.
    • Chi phí: 100.000 – 200.000 VNĐ.
  • Chụp CT, MRI: Thường được chỉ định khi bác sĩ cần xác định giai đoạn xâm lấn tại chỗ của ung thư tuyến giáp, di căn hạch vùng cổ, di căn xa. Phương pháp này cũng được dùng để xác định vị trí tái phát của khối u sau điều trị nếu người bệnh có TG cao nhưng khi khám lâm sàng, siêu âm, xạ hình không phát hiện được vị trí tổn thương.
    • Ưu điểm: Thấy được rõ nét vị trí, kích thước, trạng thái của khối u trong mối quan hệ với cổ họng, thực quản, khí quản và những tổn thương nhỏ 3 – 4 mm. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá chính xác hơn vị trí u nguyên phát, mức độ xâm lấn của khối u, góp phần chẩn trị ung thư tuyến giáp hiệu quả.
    • Nhược điểm: Không xác định được u lành hay u ác. Phương pháp này tốn chi phí mà lại ít có giá trị.

6. Chi phí tầm soát ung thư tuyến giáp

Mức giá tầm soát ung thư tuyến giáp ở mỗi viện, mỗi cơ sở đều khác nhau do các bệnh viện có đội ngũ bác sĩ, cơ sở vật chất, trang thiết bị khác biệt và có thể áp dụng nhiều phương pháp tầm soát ung thư tuyến giáp khác nhau nên không có một mức chi phí thống nhất. 

Tuy nhiên bên cạnh chi phí, người bệnh nên căn cứ vào chất lượng, chọn bệnh viện uy tín để có kết quả chính xác và yên tâm thăm khám hơn.

7. Lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp

Khi tầm soát ung thư tuyến giáp, để thăm khám nhanh chóng, có kết quả chính xác nhất, bạn nên thực hiện đúng các lưu ý sau:

  • Nên đặt lịch trước qua tổng đài, website trước để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể trước khi khám.
  • Chuẩn bị trước và thông báo chính xác cho bác sĩ các thông tin như tiểu sử bệnh lý gia đình, bản thân, đơn thuốc đang dùng.
  • Nên khám vào buổi sáng vì chỉ số TSH trong máu có thể biến động cả ngày, ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.
  • Đối với một số xét nghiệm, cần nhịn ăn 6 – 8 tiếng trước khi làm.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất đạm, uống đồ ngọt.
  • Không uống đồ uống có cồn (bia, rượu…), hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích trước khi làm xét nghiệm.
  • Chỗ chọc hút tế bào tuyến giáp có thể bị đau 1 – 2 ngày nhưng người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau mà nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
khám tầm soát ung thư tuyến giáp
Bệnh nhân cần khai báo trung thực với bác sĩ  các thông tin để làm căn cứ cho các chỉ định tầm soát ung thư tuyến giáp về sau

8. Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Để không bị bệnh ung thư tuyến giáp, tốt nhất bạn nên áp dụng các cách phòng ngừa sau:

  • Ăn uống khoa học: Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây, rau xanh, chất xơ để cung cấp nhiều vitamin tốt cho cơ thể, bổ sung lượng i-ốt nhất định vào mỗi bữa ăn. Tránh ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản có hại cho sức khỏe. Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích.
  • Tránh tiếp xúc với bức xạ: Tránh sống và làm việc trong môi trường có nhiều tia bức xạ như nhà máy năng lượng hạt nhân, chỗ sản xuất linh kiện điện tử… Vì tia bức xạ có thể gây biến đổi gen, hình thành tế bào ung thư trong cơ thể. Nếu làm việc trong môi trường không đảm bảo, cần trang bị các đồ bảo hộ lao động đạt chuẩn.
  • Giữ vóc dáng, hình thể cân đối: Để đạt được điều này bạn hãy có thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học; ngủ đúng giờ, đủ giấc; luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên…
  • Đối với trẻ nhỏ, tránh xạ trị vùng tuyến giáp: Để giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
  • Tầm soát ung thư định kỳ: Nên tầm soát ung thư tại các cơ sở uy tín để có kết quả chính xác, biết cách phòng ngừa, điều trị kịp thời.
tránh tiếp xúc với bức xạ
Tránh tiếp xúc với bức xạ nhiều vì đây có thể là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp

9. Tầm soát ung thư tuyến giáp ở đâu?

Khi tầm soát ung thư tuyến giáp, bạn nên chọn những địa chỉ uy tín, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ là chuyên gia ngành ung bướu với chuyên môn cao để có kết quả chính xác. 

Bên cạnh đó, dịch vụ thăm khám tiện lợi, giá cả hợp lý cũng là những yếu tố cần quan tâm. Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là một địa chỉ có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên.

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi để tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tầm soát ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp sẽ không còn là nỗi lo đáng sợ nếu bạn phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế, hãy chủ động tầm soát ung thư tuyến giáp khi có triệu chứng để có biện pháp chăm sóc sức khỏe tốt và phù hợp nhất. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì hãy liên hệ hotline 094 230 0707 để được tư vấn.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt