Hiểu rõ về quy trình tầm soát ung thư đại tràng

5/5 - (1 bình chọn)

Dù có cơ sở vật chất, trang thiết bị khác nhau nhưng quy trình tầm soát ung thư đại tràng ở các bệnh viện đều gồm 3 bước: khám nội lâm sàng, thực hiện các chỉ định cần thiết và nhận kết quả, tư vấn. Trong bài viết sau, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt sẽ trình bày chi tiết 3 bước này để bạn đọc có thể hiểu rõ nhất và yên tâm thăm khám.

1. Bước 1: Khám nội lâm sàng

Bước đầu tiên trong quy trình tầm soát ung thư đại tràng, bác sĩ hỏi thăm tiền sử bệnh của gia đình và bản thân người bệnh cùng các triệu chứng liên quan.

Đồng thời, bác sĩ cũng tiến hành khám lâm sàng để đánh giá tình trạng chung, phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ như hạch ở các vị trí của cơ thể, khối u ở bụng…

Khám tầm soát ung thư đại trực tràng
Khi tầm soát ung thư đại trực tràng, đầu tiên, bác sĩ sẽ khám nội lâm sàng trước để làm căn cứ chỉ định các xét nghiệm cần thiết

2. Bước 2: Thực hiện các chỉ định cần thiết

Dựa trên dấu hiệu hay các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một hoặc nhiều các phương pháp sau:

1. Xét nghiệm máu tìm các dấu ấn ung thư đại tràng

Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư đại tràng được thực hiện bằng cách tìm ra các dấu ấn ung thư như CEA, CA 19-9, CA 125…

Ưu điểm:

  • Thấy được sự xâm nhập của các tế bào ung thư và là cơ sở để thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư đại tràng khác.
  • Giúp theo dõi và phát hiện ung thư trực tràng khi dấu ấn không rõ ràng.

Nhược điểm: Không thể xác định chính xác được người được khám đã mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay chưa.

Lưu ý: Các chỉ số như CEA, CA 19-9, CA 125… cũng tăng trong nhiều bệnh mãn tính khác. Và cũng có đến 30% người bệnh bị ung thư đại trực tràng nhưng các chỉ số này vẫn ở mức bình thường. Vì thế, ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ cần kết hợp cùng các phương pháp khác để có chẩn đoán chính xác nhất.

Xét nghiệm máu CEA tầm soát ung thư đại tràng
Xét nghiệm máu tìm ra chất chỉ điểm gây ung thư CEA thường được sử dụng để xác định sự xâm nhập của các tế bào ung thư đại trực tràng

2. Xét nghiệm máu ẩn trong phân FOBT

Xét nghiệm máu ẩn trong phân là phương pháp cơ bản, thường được chỉ định trong quy trình tầm soát ung thư đại tràng. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu các tổn thương không gây chảy máu thì rất dễ bỏ sót khối u hoặc polyp.

Các loại xét nghiệm máu trong phân:

  • Xét nghiệm gFOBT
  • Xét nghiệm iFOBT

Quy trình thực hiện:

  • Bước 1: Người bệnh thay đổi chế độ ăn uống, thuốc men trong 3 ngày liên tục 
  • Bước 2: Lấy 3 mẫu phân khác nhau cho vào các ống chứa nhỏ.
  • Bước 3: Phòng thí nghiệm nhận mẫu, tiến hành phân tích, thực hiện các phản ứng hóa học và cho ra kết quả.

Cách đọc kết quả xét nghiệm:

  • Kết quả âm tính: Máu không có ở trong phân và người được khám có nguy cơ bị ung thư đại tràng rất thấp. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, người được khám nên làm lại xét nghiệm sau 2 năm.
  • Kết quả dương tính: Có máu ở trong phân, nghi ngờ người bệnh mắc ung thư đại tràng, cần làm thêm các xét nghiệm khác.

Ưu điểm: Độ nhạy cao, dễ thực hiện, chi phí thấp

Nhược điểm: Độ đặc hiệu không cao. Việc chuẩn bị trước khi xét nghiệm tương đối phức tạp. Kết quả có thể bị ảnh hưởng nếu người bệnh dùng thuốc ibuprofen, aspirin… hoặc ăn các loại thịt đỏ, nước chanh, vitamin C…

Phân tích chi tiết: Xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại tràng

Xét nghiệm máu ẩn trong phân
Xét nghiệm máu ẩn trong phân giúp phát hiện dấu hiệu ung thư đại trực tràng

3. Nội soi đại tràng trong tầm soát ung thư đại tràng

Nội soi đại tràng là phương pháp quan trọng, có độ đặc hiệu cao và thường được sử dụng nhiều nhất để tầm soát ung thư đại trực tràng. Phương pháp này giúp phát hiện các điểm bất thường trong đại trực tràng như khối polyp, khối u lành tính hoặc ác tính, viêm loét, các tổn thương gây chảy máu…

Quy trình thực hiện nội soi đại trực tràng như sau:

  • Bước 1 – Chuẩn bị trước khi nội soi: Trước khi nội soi 1 ngày, bệnh nhân cần ăn nhẹ, làm sạch đại trực tràng (dùng thuốc, thụt nước, thụt rửa qua đường hậu môn) để bác sĩ dễ quan sát.
  • Bước 2 – Tiến hành nội soi: Bác sĩ dùng ống nội soi có gắn camera cho đi vào từ đường hậu môn lên trực tràng, đại tràng.
  • Bước 3 – Đọc kết quả nội soi: Toàn bộ hình ảnh của trực tràng, đại tràng sẽ được thu lại và truyền tải lên máy tính để bác sĩ quan sát, chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật khác (nếu cần).

Quá trình nội soi này thường diễn ra trong vòng 10 – 30 phút.

Ưu điểm: Giúp bác sĩ quan sát toàn bộ mặt trong của hậu môn, trực tràng, đại tràng; phát hiện, xác định vị trí, kích thước tổn thương để chẩn đoán bệnh một cách tốt nhất. Có thể tiến hành đồng thời các thủ thuật khác như sinh thiết. Thực hiện nhanh, ít biến chứng và có thể làm nhiều lần.

Nhược điểm: Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu (chướng hơi, đầy bụng) và tổn thương đường tiêu hóa. Đồng thời giá thành phương pháp này cao.

nội soi đại tràng
Nội soi đại trực tràng giúp nhìn rõ bên trong đại tràng, trực tràng, hậu môn và phát hiện những tổn thương trong đại trực tràng một cách rõ nét

4. Chụp X-quang đại tràng

Chụp X-quang đại tràng là phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng được sử dụng từ lâu. Mục đích của phương pháp là phát hiện khối u, polyp. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ hạn chế chỉ định chụp X-quang trong trường hợp tắc đại tràng do ung thư đại tràng và chống chỉ định trong trường hợp nghi ngờ ung thư đại tràng thủng.

Quy trình thực hiện:

  • Bước 1 – Trước khi thực hiện: Người bệnh áp dụng chế độ ăn hạn chế chất xơ trước 48 giờ. Đồng thời, cần dùng thuốc nhuận tràng và thụt tháo kĩ để làm sạch đại tràng. Trước khi chụp X-quang, người bệnh sẽ được uống dung dịch bari.
  • Bước 2 – Tiến hành chụp X-quang: Bác sĩ sử dụng máy chụp X-quang để chụp đại tràng của người bệnh ở các tư thế khác nhau. Bác sĩ cũng sẽ chụp hình ảnh của đại tràng ở trạng thái rỗng sau khi đại tiện để đánh giá.
  • Bước 3 – Nhận định kết quả: Hình ảnh của toàn bộ khung đại tràng và chi tiết từng đoạn giải phẫu sẽ được chụp thành phim để bác sĩ chuyên khoa quan sát, phân tích, phát hiện các bệnh lý của đại tràng.

Ưu điểm: Độ chính xác của  phương pháp chụp X-quang đại tràng là 70 – 85%. Giúp thấy rõ được vị trí, kích thước của khối u, tương quan của khối u với các đoạn còn lại của đại tràng. Từ đó, bác sĩ có thể tiên lượng được tiến trình phát triển của bệnh, lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Nhược điểm: Khó phát hiện các tổn thương tiền ung thư, tổn thương vùng bóng trực tràng, vùng hồi manh tràng và khó chẩn đoán phân biệt với polyp đại tràng. Có thể gây khó chịu khi đại tràng được làm đầy.

chụp Xquang tầm soát ung thư đại tràng
Chụp X-quang giúp phát hiện các khối u, polyp có trong đại trực tràng để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp

5. Chụp CT đại tràng

Chụp CT đại tràng được chỉ định khi bác sĩ phát hiện ra các dấu hiệu lạ trong quá trình nội soi đại tràng. Đặc biệt, bác sĩ thường chỉ định chụp CT để chẩn đoán, xác định nguyên nhân ung thư đại tràng ở những bệnh nhân bị hội chứng viêm phúc mạc hay tắc ruột.

Mục tiêu của phương pháp này còn là đánh giá mức độ tổn thương của đại trực tràng, sự xâm lấn của các tế bào ung thư, tình trạng hạch ổ bụng (nếu nghi ngờ di căn).

Quy trình thực hiện:

  • Bước 1 – Trước khi chụp CT đại tràng: Bệnh nhân nhịn ăn 4 – 6 giờ và làm sạch ruột, bỏ các các đồ vật bằng kim loại trên người trước khi chụp.
  • Bước 2 – Tiến hành chụp CT đại tràng: Người bệnh nằm lên giường của máy chụp CT. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm hơi theo đường hậu môn vào đại trực tràng để cho kết quả rõ nét hơn. Bệnh nhân thay đổi các tư thế như nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm úp để thu được các hình ảnh khác nhau. Thời gian chụp khoảng 10 – 15 phút.
  • Bước 3 – Đọc kết quả CT đại tràng: Hình ảnh được tái hiện lên máy tính. Bác sĩ sẽ quan sát và tìm kiếm, đánh giá các dấu hiệu bất thường, khối u trong đại trực tràng và các vùng xung quanh (nếu có).

Ưu điểm:

  • Có thể thấy được toàn bộ lòng đại tràng, đánh giá được tình trạng xâm lấn, di căn… mà không cần sử dụng ống nội soi.
  • Quan sát được các mô mềm, vị trí, kích thước khối u từ 6mm trở lên.
  • Hiện đại, ưu việt, không xâm lấn, không cần gây mê, tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh.

Nhược điểm: Có thể tạo cảm giác đầy hơi, khó chịu cho người bệnh khi bơm khí vào trực tràng. Không thể đánh giá chi tiết tình trạng trong lòng đại trực tràng như nội soi. Không thể lấy mẫu sinh thiết.

Hình ảnh chụp CT đại tràng
Hình ảnh chụp CT đại tràng có thể giúp bác sĩ thấy được mức độ tổn thương của đại tràng và sự di căn của các tế bào ung thư (nếu có)

6. Một số các phương pháp khác thực hiện khi có chỉ định

Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp trên, tùy theo từng trường hợp bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp như:

  • Sinh thiết: Sinh thiết là một trong hai phương pháp quan trọng giúp xác định bệnh nhân có bị ung thư đại trực tràng hay không. Ngay khi nội soi thấy dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ lấy mẫu để sinh thiết và xác định được khối u là u lành tính hay ác tính
  • Chụp MRI: Đây là phương pháp tốt nhất để đánh giá sự xâm lấn tại chỗ và di căn hạch thông qua hình ảnh 3 chiều.
  • Chụp PET: Giúp bổ sung thêm thông tin cho phương pháp chụp CT, MRI, đặc biệt là trong phát hiện di căn xa. Phương pháp này thường ít được chỉ định trước khi phẫu thuật đại trực tràng.
  • Xét nghiệm DNA trong phân (stool DNA test): Giúp phát hiện một số đoạn bất thường DNA của tế bào ung thư hay tế bào polyp trong phân do đột biến gen của tế bào ung thư đại trực tràng gây ra. Phương pháp xét nghiệm này chưa quá phổ biến và chưa được tiến hành tại Việt Nam.
  • Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (fecal immunochemical test): Giúp phát hiện hemoglobin protein  (thành phần trong hồng cầu của người) có trong phân. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm này chưa quá phổ biến ở Việt Nam.
  • Xét nghiệm gen: Được chỉ định cho nhóm đối tượng có hội chứng di truyền gia đình, bao gồm các xét nghiệm như xét nghiệm gen APC trong hội chứng đa polyp đại tràng gia đình (FAP), xét nghiệm gen hMLH1, hMLH2 trong hội chứng ung thư đại tràng di truyền không polyp. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chưa phổ biến.
Xét nghiệm gen tầm soát ung thư đại tràng
Bác sĩ lấy mẫu tế bào trong quá trình nội soi rồi soi dưới kính hiển vi xem tế bào có phải là tế bào ác tính không

3. Bước 3: Nhận kết quả và tư vấn

Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ thông báo kết quả chẩn đoán ung thư đại trực tràng cho bệnh nhân và tư vấn cách chữa trị (nếu có) hoặc cách phòng tránh phù hợp. Đây cũng là bước cuối cùng trong quy trình tầm soát ung thư đại tràng

4. Một số lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư đại tràng

Khi tầm soát ung thư đại tràng, người bệnh cần tuân thủ các lưu ý sau để đạt được kết quả chính xác nhất:

Trước khi tầm soát

  • Vào ngày trước ngày thăm khám, người bệnh chỉ nên ăn nhẹ và không nên ăn thực phẩm và uống sữa, nước có ga, bia rượu, cà phê sau 21 giờ.
  • Trước khi nội soi, người bệnh cần nhịn ăn từ 8 – 12 tiếng và nhịn uống 2 – 3 giờ. Đồng thời, người bệnh cần uống thuốc xổ theo chỉ định của bác sĩ tại bệnh viện và chờ 3 – 4 tiếng.
  • Phụ nữ chỉ nên nội soi đại trực tràng sau khi đã sạch kinh nguyệt. Nếu có thai, phụ nữ không nên chụp CT, X-quang vì tia X có thể gây dị tật cho thai nhi.
  • Nếu thực hiện phương pháp chụp CT, X-quang, người bệnh cần tháo bỏ các vật dụng kim loại trên người. Đồng thời, thông báo trước với bác sĩ nếu có tiền sử bị tiểu đường, dị ứng, suy thận.

Sau khi tầm soát:

  • Nếu có một vài biểu hiện khó chịu như chướng bụng, đầy hơi…thì đây là phản ứng bình thường, sẽ tự hết nên người bệnh không cần lo lắng.
chụp CT tầm soát ung thư đại tràng
Khi chụp CT đại tràng, người bệnh phải thác bỏ tất cả các đồ trang sức bằng kim loại ra

5. Chi phí tầm soát ung thư đại tràng

Chi phí tầm soát ung thư đại tràng phụ thuộc vào tình trạng bệnh, các phương pháp thực hiện, địa chỉ thăm khám…

Một trong những bệnh viện được người dân tin tưởng và đến tầm soát ung thư đại tràng là bệnh viện Ung bướu Hưng Việt. Để tìm hiểu thêm về chi phí tầm soát ung thư đại tràng của các bệnh viện nói chung và bệnh viện Ung bướu Hưng Việt nói riêng, bạn có thể tham khảo thêm:  Giá tầm soát ung thư đại trực tràng tại các bệnh viên uy tín

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn

Trên đây là quy trình tầm soát ung thư đại tràng chung của rất nhiều bệnh viện hiện nay. Hy vọng những thông tin này giúp bạn hiểu hơn về quá trình tầm soát ung thư đại trực tràng, sẵn sàng tầm soát khi cần thiết. Bạn có thể gọi đến hotline 094 230 0707 hoặc nhắn tin tới Fanpage để nhận tư vấn miễn phí và đặt lịch khám.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt