Bệnh trĩ và ung thư đại tràng là hai bệnh về đường tiêu hóa có xu hướng ngày càng tăng ở nước ta. Mặc dù có bản chất, mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị khác nhau nhưng dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng và bệnh trĩ tương đối giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn. Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt sẽ giúp bạn phân biệt chính xác dấu hiệu của hai bệnh lý này.
1. Tại sao ung thư đại trực tràng và bệnh trĩ dễ nhầm lẫn?
Bệnh trĩ và ung thư đại tràng về bản chất là hoàn toàn khác nhau, nhưng biểu hiện ra bên ngoài để nhận biết cả hai bệnh đều là đi ngoài ra máu. Vì vậy thực tế vẫn có nhiều người không phân biệt được hai căn bệnh này.
- Ung thư đại trực tràng là một bệnh lý ác tính bắt nguồn từ ruột già hoặc trực tràng. Nguyên nhân là do sự tăng sinh tế bào một cách vô độ, không tuân theo các cơ chế kiểm soát của cơ thể và có khả năng xâm lấn, di căn tới các tế bào khỏe mạnh khác. Bài chia sẻ này sẽ giúp bạn làm rõ về các dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng gặp phải.
- Bệnh trĩ là bệnh lành tính ở vùng trực tràng, được gây ra không chỉ đơn thuần bởi sự giãn nở quá mức của đám rối tĩnh mạch, mà còn liên quan đến hệ thống thông nối tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Búi trĩ sẽ phát triển ngày một lớn, đồng thời càng lớn tuổi, cấu trúc mô liên kết càng lỏng lẻo, các búi trĩ tụt dần và có thể ra bên ngoài hậu môn.
Các nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng
- Yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng trong ung thư đại tràng vì vị trí khởi bệnh là tại đường tiêu hóa. Ung thư đại trực tràng có liên quan chặt chẽ với việc ăn nhiều thịt, mỡ động vật.Những thực phẩm có các hóa chất gây ung thư như benzopyrene trong thuốc lá, nitrosami trong các loại dưa muối. Ngoài ra, chế độ ít chất xơ và thiếu vitamin A, B, C, E cũng làm tăng nguy cơ gây ung thư.
- Các tổn thương tiền ung thư như viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại trực tràng.
- Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng với gen sinh ung thư và các hội chứng di truyền gồm hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lunch), bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz – Jeghers, hội chứng Gardner.
Các nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ:
- Táo bón lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Động tác rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây ứ máu và căng giãn.
- Chế độ ăn ít chất xơ dễ gây táo bón và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
- Giao hợp qua đường hậu môn.
- Tăng áp lực ổ bụng ở những người thường xuyên lao động nặng, vận động viên cử tạ, đứng lâu, ngồi nhiều cũng cản trở sự hồi lưu máu về tim dẫn đến giãn tĩnh mạch hậu môn.
- U vùng tiểu khung bao gồm u ở đại trực tràng, ở tử cung, buồng trứng hay có hại cũng gây cản trở hồi lưu máu về tim.
Đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng:
Ung thư đại tràng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong mọi lứa tuổi. Dưới đây là những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao dễ mắc ung thư đại tràng:
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại tràng.
- Người ăn nhiều thịt đỏ, đồ ăn nhanh, chất béo.
- Có tiền sử polyp đại trực tràng.
- Người trên 40 tuổi.
Đối tượng dễ mắc bệnh trĩ
Bệnh trĩ tăng theo tuổi do các cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn trở nên lỏng lẻo. Dưới đây là những đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ:
- Người mắc bệnh táo bón lâu ngày.
- Phụ nữ có thai và sau sinh.
- Người có chế độ ăn uống thiếu chất xơ.
- Những người đứng nhiều, ngồi lâu, lao động nặng, vận động viên cử tạ.
Về bản chất, bệnh trĩ là bệnh lành tính, khác hoàn toàn với các bệnh ác tính nên không thể tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên nguyên nhân gây ra bệnh trĩ thường là do táo bón kéo dài, ăn thiếu chất xơ, đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng. Do đó, để biết chính xác bệnh trĩ có tiến triển thành ung thư đại tràng không còn phụ vào thái độ điều trị và việc thay đổi nếp sinh hoạt của người bệnh.
2. Phân biệt dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng và bệnh trĩ
Về bản chất ung thư đại trực tràng và bệnh trĩ là khác nhau, nhưng dấu hiệu đi ngoài ra máu và ảnh hưởng đến vùng hậu môn làm cho hai bệnh dễ nhầm lẫn. Việc phân biệt ung thư đại trực tràng và bệnh trĩ không chỉ giúp người bệnh hiểu rõ về bệnh cơ thể mà còn được điều trị đúng hướng.
Ung thư đại trực tràng ban đầu | Bệnh trĩ | |
Đi ngoài ra máu | Có | Có |
Rối loạn tiêu hóa, thay đổi thói quen đại tiện | Có | Có |
Đau quặn bụng | Có | Không |
Xuất hiện u cục | Có | Có |
Mệt mỏi, gầy sút | Có | Có |
2.1. Đi ngoài ra máu
Đi ngoài ra máu là hiện tượng thấy máu mỗi lần đi đại tiện, máu có thể dính lẫn phân, dính trên giấy vệ sinh, chảy thành giọt hoặc thành tia. Máu có thể có màu đỏ tươi, đỏ thâm, đen. Số lượng và thời gian chảy máu còn phụ thuộc vào mức độ bệnh.
Đi ngoài ra máu biểu hiện ở nhiều bệnh khác nhau, trong đó có bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, chúng có những đặc điểm khác nhau để ta có thể phân biệt được.
Đối với dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng:
- Khi đại tiện, máu thường lẫn vào phân, màu đỏ thẫm (khi vị trí chảy máu ở gần hậu môn) hoặc màu đen (khi vị trí chảy máu ở xa ống hậu môn).
- Số lượng máu chảy không theo quy luật hoặc một thời điểm nhất định.
- Đau quặn vùng bụng dưới khi đi tại tiện. Phân lúc lỏng, lúc táo bón mà không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết, khuôn phân thu nhỏ, thay đổi hình dạng khuôn phân.
Đối với dấu hiệu ban đầu bệnh trĩ:
- Khi đi đại tiện, máu không lẫn vào phân hay đi liền theo phân mà chảy thành dòng, nhỏ giọt hoặc chỉ dính trên giấy vệ sinh khi lau.
- Số lượng máu chảy sẽ phụ thuộc giai đoạn của bệnh.
- Tình trạng chảy máu sẽ nhiều hơn khi táo bón, ăn đồ cay nóng.
- Đau rát và ngứa vùng hậu môn sau khi đi đại tiện.
2.2. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một biểu hiện thường gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh biểu hiện bởi chứng táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ nhau, có thể là thay đổi các thói quen đại tiện, số lần đi và thời gian đi, gây nhiều khó chịu cho người bệnh.
Rối loạn tiêu hóa là triệu chứng sớm và thường thấy ở ung thư đại trực tràng. Còn với bệnh trĩ, nó liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bệnh.
Đối với dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng:
- Rối loạn tiêu hóa là nguyên phát do tăng sinh tế bào không kiểm soát.
- Thay đổi thói quen đại tiện: thay đổi giờ giấc, số lần đi ngoài trong 1 ngày.
- Tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ cả táo bón lẫn đi ngoài phân lỏng, trong phân thường có lẫn máu và mủ.
- Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn.
Bệnh trĩ:
- Rối loạn tiêu hóa liên quan mật thiết với chế độ ăn thiếu chất xơ, nhiều đồ cay nóng, chủ yếu là táo bón.
- Do phân tích tụ ở ruột kéo dài nên kéo dài khoảng cách giữa 2 lần đại tiện.
2.3. Đau quặn bụng
Đau quặn bụng là mức độ đau tương đối nặng. Tính chất đau dội từng cơn và quặn lại cục bộ. Cảm giác đau có thể xuất hiện ở một vị trí, thường là ở bụng dưới đối với bệnh liên quan đại tràng, cũng có thể lan lên bụng trên hoặc lan ra khắp bụng.
- Ung thư đại trực tràng là bệnh bắt nguồn từ đại tràng hoặc trực tràng, nên có triệu chứng hay dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng là đau quặn bụng và thường là vùng bụng dưới. Cơn đau quặn bụng khiến người bệnh đau tái mặt, và càng về sau, các cơn đau càng mạnh lên về cường độ và tần số xuất hiện các cơn đau cũng tăng lên.
- Đối với bệnh trĩ, do nó xuất hiện ở vùng ống hậu môn – trực tràng, nên có gây đau bụng dưới. Nhưng cơn đau bụng trong bệnh trĩ có đặc điểm khác hoàn toàn, không phải cơn đau quặn bụng, mà đó là cảm giác đau rát, khó chịu, đặc biệt là vùng hậu môn khi người bệnh nằm, ngồi hoặc vận động mạnh làm chèn ép vào các búi trĩ.
2.4. Xuất hiện u, cục
Xuất hiện u, cục là hiện tượng bất thường của cơ thể. Nó có thể lành tính hoặc ác tính. Việc phát hiện được u, cục thường trong quá trình thăm khám, trong một số bệnh, người bệnh cũng có thể tự cảm nhận.
- Dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng thường không có triệu chứng, hoặc là rất thầm kín, nên việc khám bụng phát hiện ra khối u là rất khó. Tuy nhiên, nếu khối u ở trực tràng, bằng cách thăm trực tràng có thể phát hiện khối u sớm.
- Búi trĩ sa xuống là dấu hiệu rõ nhất đối với bệnh trĩ. Búi trĩ chữa những mạch máu bị giãn, nên nó mềm và có bề ngoài giống cục thịt màu hồng.
2.5. Mệt mỏi, gầy sút cân
Mệt mỏi là khi cơ thể thiếu năng lượng cho công việc, hoạt động sinh hoạt thường ngày. Gầy sút cân là hiện tượng bệnh lý của cơ thể khi gầy hơn 5% trong vòng 6 tháng. Mệt mỏi, gầy sút cân có nhiều nguyên nhân, nên đây là một triệu chứng không đặc hiệu cho bất kỳ bệnh nào.
- Ung thư đại trực tràng là một bệnh ác tính, mệt mỏi và sút cân gây ra bởi giảm lượng thức ăn đưa vào và chuyển hóa bất thường của khối ung thư. Trong đó, chuyển hóa bất thường của khối u là yếu tố quyết định.
- Đối với bệnh trĩ, mệt mỏi và sút cân tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Khi bị trĩ, hệ thống đường tiêu hóa bị ảnh hưởng trực tiếp, nhất là triệu chứng táo bón và đi ngoài ra máu. Tình trạng này kéo dài sẽ gây chán ăn, giảm sút cân và mệt mỏi cho người bệnh.
3. Chẩn đoán ung thư đại trực tràng và bệnh trĩ
Do mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị của hai bệnh là hoàn toàn khác nhau nên việc chẩn đoán đúng bệnh là rất cần thiết để đưa ra hướng điều trị phù hợp kịp thời.
3.1. Chẩn đoán ung thư đại trực tràng
Mặc dù qua các dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng bạn có thể biết nhưng không thể chắc chắn việc mình có bị mắc hay không. Để chẩn đoán ung thư đại trực tràng, phải kết hợp nhiều phương tiện chẩn đoán khác nhau để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Thăm khám đại trực tràng
- Khám bụng: là bước quan trọng trong lâm sàng để xác định và khu trú vị trí của đau bụng. Ngoài ra, có thể sờ được các khối u ở đại tràng, khám dấu hiệu tắc ruột hay viêm phúc mạc.
- Thăm trực tràng: là phương pháp thăm khám quan trọng không chỉ để chẩn đoán bệnh mà còn sàng lọc ung thư đại trực tràng. Thăm trực tràng cho phép phát hiện khối u trực tràng, vị trí và kích thước khối u so với chu vi, mức độ di động hay cố định của khối u.
Nội soi đại trực tràng
Khi bản thân có dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng và nghi ngờ về việc mình mắc bệnh đại tràng thì nội soi trực đại trực tràng là một cách rất tốt để chuẩn đoán chính xác vấn đề này. Nội soi đại trực tràng đến nay vẫn là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán ung thư trực tràng. Có hai loại nội soi là nội soi ống cứng và nội soi ống mềm. Về bản chất, cả hai phương pháp đều được sử dụng với mục đích khảo sát khối u về hình dạng, kích thước và vị trí cách rìa hậu môn để quyết định phương pháp điều trị, nhưng mỗi kỹ thuật lại có những ưu nhược điểm riêng.
- Nội soi ống cứng vẫn là phương pháp được ưa chuộng cho đến nay. Phương pháp có ưu điểm là rẻ tiền, kỹ thuật đơn giản, tuy nhiên, nhược điểm của nó là chỉ phát hiện và đánh giá được khối u ở trực tràng và đoạn thấp của đại tràng sigma.
- Nội soi ống mềm ưu Việt hơn về kỹ thuật, nó có thể phát hiện và đánh giá khối u ở đoạn cao của đại tràng và các tổn thương phối hợp nên chủ yếu được dùng trong chẩn đoán ung thư đại tràng. Vì tính năng ưu Việt, nên giá thành cao. Thêm vào đó, tỷ lệ biến chứng nội soi ống mềm cao hơn nội soi ống cứng.
Chụp khung đại tràng với chất cản quang
Là phương pháp quan trọng để chẩn đoán ung thư đại tràng vì ung thư trực tràng chủ yếu chẩn đoán bằng lâm sàng và nội soi. Một số ung thư trực tràng thể thâm nhiễm khó khảo sát bằng nội soi do lòng ruột bị chít hẹp sẽ sử dụng chụp khung đại tràng có cản quang để đánh giá. So với nội soi, chụp khung đại tràng có chất cản quang ít biến chứng hơn, kinh tế hơn.
Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT)
Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân đã trở thành test sàng lọc có giá trị lớn trong phòng chống ung thư đại trực tràng. Nguyên lý của xét nghiệm là phân tích xem trong phân người có chứa hemoglobin không.
Xét nghiệm ADN phân
Xét nghiệm ADN phân là phương pháp tiếp cận mới để sàng lọc ung thư đại trực tràng. Tế bào khối ung thư hoặc khối tiền ung thư có các DNA đánh dấu. Vì tính chất niêm mạc ruột là liên tục bong, bao gồm cả tế bào bình thường và tế bào ung thư, tiền ung thư nên việc xét nghiệm DNA trong phân có thể phát hiện được các dấu này, cho phép nghĩ đến có khối u tiền ung thư hoặc ung thư đại trực tràng. Là một phương pháp mới nên nhiều người bệnh khi xuất hiện các dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng cũng có thể đến bệnh viện chuẩn đoán bằng phương pháp này.
Chụp cắt lớp (CT – scanner) đại trực tràng
Ngoài đánh giá các khối u đại trực tràng, chụp cắt lớp còn đánh giá hạch vùng, di căn xa ổ phúc mạc, gan, buồng trứng với độ chính xác cao.
3.2. Chẩn đoán bệnh trĩ
Khám lâm sàng hậu môn – trực tràng
- Nhìn từ ngoài, xem có da thừa, nứt hậu môn, sẹo quanh hậu môn hoặc búi trĩ sa xuống.
- Thăm trực tràng là một động tác bắt buộc trong khám bệnh trĩ. Mục đích của thăm trực tràng không chỉ để chẩn đoán qua sờ được búi trĩ (mềm, ấn xẹp) mà còn không để bỏ sót các bệnh lý khác như ung thư trực tràng.
- Cho bệnh nhân ngồi xổm, rặn để đánh giá mức độ sa của búi trĩ.
- Soi hậu môn bằng van khám hậu môn giúp chẩn đoán chính xác trường hợp trĩ chảy máu mà không sa ra ngoài.
Thăm khám cận lâm sàng
- Nội soi trực tràng nhằm phát hiện trĩ không sa – nứt hậu môn và phân biệt với các bệnh lý khác như u trực tràng, polyp, sẹo trực tràng.
- Xét nghiệm máu cho thấy tình trạng thiếu máu do chảy máu trong mỗi lần đại tiện.
4. Điều trị ung thư đại trực tràng và bệnh trĩ
Hai bệnh lý có biểu hiện dễ gây nhầm lẫn do dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng khá giống bệnh trĩ nhưng ung thư đại trực tràng là một bệnh ác tính còn bệnh trĩ là lành tính, nên hướng điều trị hai bệnh là hoàn toàn khác nhau.
4.1 Điều trị ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là bệnh ác tính, lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Có thể sử dụng một phương pháp duy nhất hoặc có thể kết hợp chúng với nhau để có hiệu quả điều trị cao nhất.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp chính và quan trọng nhất trong điều trị ung thư đại trực tràng. Khi người bệnh phát hiện khối u từ rất sớm, chưa có dấu hiệu xâm lấn và di căn, thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp hữu hiệu nhất, có thể loại bỏ tận gốc đối với ung thư giai đoạn sớm.
Xạ trị
Là phương pháp dùng tia xạ có năng lượng cao với mục đích tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ. Trước phẫu thuật có thể sử dụng tia xạ làm cho khối u nhỏ hơn để dễ phẫu thuật và giảm thiểu biến chứng xảy ra. Sau phẫu thuật, dùng tia xạ để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư mà phẫu thuật không thể lấy hết. Ngoài ra, trong giai đoạn cuối, để giảm thiểu triệu chứng do khối u chèn ép vào các cơ quan xung quanh, có thể dùng tia xạ để làm nhỏ khối u.
Hóa trị
Là phương pháp điều trị toàn thân. Thuốc hóa trị được đưa đi khắp cơ thể theo đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào đường tĩnh mạch. Hóa trị dùng để điều trị triệu chứng trong giai đoạn cuối hoặc dùng bổ trợ sau phẫu thuật để tiêu diệt các khối u còn sót lại.
Việc nhận biết dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng có thể hỗ trợ bạn tốt hơn khi thăm khám và điều trị nếu mắc phải.
4.2 Điều trị bệnh trĩ
Bệnh trĩ chỉ được điều trị khi nó gây trở ngại cho người bệnh. Điều trị bệnh trĩ không chỉ dừng lại ở việc phẫu thuật, thủ thuật và dùng thuốc, mà còn phải thay đổi thói quen sinh hoạt.
Phẫu thuật
- Là phương pháp hạn chế, chỉ dùng cho người mắc bệnh quá nặng. Tùy theo bác sĩ chỉ định sẽ cắt toàn bộ vùng trĩ hay đơn lẻ từng búi trĩ.
Điều trị bằng các thủ thuật
- Nong giãn hậu môn, tiêm thuốc gây xơ hoá búi trĩ, thắt búi trĩ bằng vòng cao su, áp lạnh. Hiện nay, phương pháp này đang được ưa chuộng.
Điều trị thuốc
- Sử dụng thuốc có tác dụng điều hòa lưu thông ruột như thuốc nhuận tràng, chống ỉa chảy.
- Thuốc đạn và mỡ đặt hoặc bôi ở hậu môn có tác dụng che phủ niêm mạc búi trĩ và bôi trơn cho phân dễ đi qua.
- Các thuốc làm tăng trương lực, bền vững thành mạch.
- Thuốc chống viêm.
- Thuốc bôi đông y.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Không ngồi quá lâu.
- Đi vệ sinh vào một thời gian cố định.
- Đảm bảo vệ sinh vùng hậu môn.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhiều chất xơ, uống nhiều nước, giảm thức ăn nhanh, đồ cay nóng.
- Tập thể dục thường xuyên.
Bài viết trên đã cung cấp thông tin cơ bản giúp bạn đọc phân dấu hiệu ban đầu ung thư đại tràng và bệnh trĩ cùng như phân biệt 2 căn bệnh này. Mọi khuyến nghị đều không mang tính chất chuyên môn, người bệnh cần thăm khám và được kiểm tra bởi bác sỹ có đào tạo.
BS CKI Nội Ung bướu Đàm Thu Nga
Bác sĩ CKI
Với gần 30 năm bề dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn vững vàng, BSCKI Nội Ung Bướu Đàm Thu Nga – Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa Hưng Việt luôn là “chỗ dựa” đáng tin cậy cho nhiều người bệnh và khách hàng khi đến thăm khám tại Hệ thống Y tế Hưng Việt. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn giỏi, Bác sĩ Thu Nga còn là một người thầy thuốc rất tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người bệnh và gia đình người bệnh khi được bác sĩ Nga…