Ung thư phổi là một trong 3 bệnh ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Theo GLOBOCAN, bệnh thường gặp ở nam giới, với tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 41,1 ở nam và 12,2 ở nữ giới, ước tính mỗi năm có khoảng 22.000 trường hợp mới mắc (16.000 nam và 6.000 nữ) và tử vong khoảng gần 19.600 bệnh nhân. Không muốn tái phát ung thư phổi – Bệnh nhân sau mổ nên làm gì?
Theo phác đồ điều trị của Mạng lưới ung thư toàn diện quốc gia của Hoa Kỳ (NCCN), phẫu thuật là phương pháp lựa chọn đầu tiên và cơ bản khi bệnh ở giai đoạn sớm (giai đoạn còn khu trú, giai đoạn I, II, IIIA). Vai trò và mục đích của phẫu thuật là loại bỏ triệt để khối u và các hạch di căn trong lồng ngực, ngăn chặn xâm nhiễm cục bộ và di căn xa, làm giảm bớt hoặc mất các triệu chứng lâm sàng phát sinh do khối u gây ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương pháp điều trị bổ trợ khác.
Yêu cầu của phẫu thuật triệt để bao gồm việc cắt trọn thùy phổi mang khối u đạt diện cắt âm tính và vét hạch vùng hệ thống theo bản đồ ở các chặng N1, N2. Đôi khi cần thiết cắt hai thùy kế cận hoặc một bên phổi. Tuy nhiên, ngay cả khi phẫu thuật ung thư phổi triệt để, một số lượng lớn bệnh nhân vẫn sẽ tái phát và di căn trong vòng vài năm sau phẫu thuật, đây là điều mà mọi bệnh nhân ung thư phổi đều gặp phải. Để giảm thiểu khả năng tái phát và di căn, bệnh nhân ung thư phổi sau khi phẫu thuật cần lưu ý 5 nội dung chính như sau:
1. ĐÁNH GIÁ VÀ THEO DÕI THƯỜNG XUYÊN SAU MỔ
Có thể nói phẫu thuật chỉ là bước đầu tiên trong điều trị ung thư phổi, ngay cả ung thư phổi giai đoạn rất sớm vẫn cần được tái khám định kỳ hàng năm. Sau phẫu thuật ung thư phổi bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, nhiễm trùng, cảm, thay đổi nhiệt độ cơ thể,… Mỗi một bệnh nhân sẽ có những tác dụng phụ khác nhau – và cũng có những trường hợp không gặp biểu hiện hậu phẫu nào cả. Vì vậy mà với người bệnh sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ vẫn hướng dẫn bệnh nhân và người nhà theo dõi chặt chẽ sức khỏe và tốt nhất là tái khám theo định kỳ.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ phiên bản năm 2022 của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN), các phương pháp tiếp theo đối với bệnh ung thư phổi: giai đoạn Ⅰ-Ⅱ và giai đoạn có thể cắt bỏ ⅢA NSCLS R0 hoặc sau khi điều trị hóa xạ trị liệu đồng thời (SBRT), không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng ổn định.
- Lịch trình: mỗi 2 tháng/1 lần trong năm đầu, mỗi 3 tháng/1 lần trong 2 năm sau, mỗi 6 tháng/lần từ năm thứ tư.
- Phương tiện đánh giá: Khám thực thể, CT ngực ± có tiêm cản quang, CT bụng hoặc siêu âm ổ bụng. Trong thời gian này, nếu các triệu chứng lâm sàng xấu đi hoặc xuất hiện các triệu chứng mới, cần tiến hành theo dõi ngay.
Mục đích của việc theo dõi không chỉ là quan sát xem có tái phát và di căn kịp thời hay không mà còn để tìm ra liệu ung thư nguyên phát thứ hai có xuất hiện đồng thời hay không.
2. ĐIỀU TRỊ BỔ TRỢ SAU PHẪU THUẬT UNG THƯ PHỔI
Ngoại trừ ung thư phổi giai đoạn IA, bệnh nhân ung thư phổi ở các giai đoạn khác về cơ bản cần điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Liệu pháp bổ trợ sau phẫu thuật bao gồm hóa trị bổ trợ, liệu pháp nhắm mục tiêu bổ trợ và liệu pháp miễn dịch bổ trợ.
Theo hướng dẫn (NCCN), bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IB và tất cả giai đoạn II trở lên có yếu tố nguy cơ tái phát cao nên được hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật. Cơ bản thì sẽ hóa trị bổ trợ 4 chu kỳ sau khi phẫu thuật đối với những bệnh có nguy cơ tái phát cao.
7 chiến lược tăng khả năng miễn dịch cho bệnh nhân ung thư phổi
Nhưng với khuyến cáo bổ trợ điều trị đích theo hướng dẫn mới, đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IB-IIIA nếu có đột biến gen EGFR có thể xem xét duy trì điều trị đích Osimertinib 80mg 2-3 năm sau hóa trị, tuy nhiên nếu trong thời gian này dùng đích thì sẽ không được bảo hiểm điều khá thiệt thòi cho bệnh nhân
Liệu pháp miễn dịch bổ trợ sau phẫu thuật là một phương pháp điều trị được phê duyệt gần đây. Liệu pháp đơn trị liệu Atezolizumab để điều trị khi có PD-L1 dương tính ≥1%, sau khi phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị liệu dựa trên bạch kim. Dành cho nhóm Ung thư phổi không tế bào nhỏ II-IIIA (NSCLC).
3. THAY ĐỔI LỐI SỐNG – TẬP THỂ DỤC ĐÚNG CÁCH
Nâng cao khả năng tự miễn dịch là chìa khóa để giảm tái phát và di căn. Bệnh nhân ung thư phổi đã trải qua phẫu thuật, thể lực và chức năng của phổi sẽ suy giảm. Để nâng cao khả năng miễn dịch, ngoài việc kiên trì tập luyện, chúng ta phải từ bỏ mọi thói quen sinh hoạt không tốt trước khi phẫu thuật như hút thuốc, uống rượu, thức khuya, làm việc quá sức.
Sau phẫu thuật ung thư phổi các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng. Đầu tiên thì bệnh nhân có thể ngồi tại giường hoặc nằm đổi tư thế. Vào ngày thứ hai sau phẫu thuật, tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, bệnh nhân có thể rời giường và thực hiện các hoạt động đơn giản như đi lại nhẹ nhàng trong 3-5 ngày. Đi lại giúp ngăn chặn một số vấn đề sau hậu phẫu cũng như giúp cơ thể thích nghi với tình trạng mới của lá phổi, tốt cho việc hô hấp. Trong 1-2 tuần tiếp theo, bệnh nhân có thể hoặc bắt đầu làm một số công việc nhà nhẹ nhàng và bắt đầu tập thể dục sau một tháng.
Đối với người trung niên, cao tuổi, thể lực kém cần tập luyện lâu dài để phục hồi khả năng vận động sau phẫu thuật và tiến hành từng bước một theo hướng dẫn của các bác sĩ. Các phương pháp tập thể dục phổ biến bao gồm: đi bộ, chạy bộ, tập thể dục v.v.
4. CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG
Sau phẫu thuật bệnh nhân ung thư phổi chưa thể ăn uống được bình thường ngay nên bác sĩ có thể sẽ truyền dinh dưỡng thông qua tĩnh mạch của người bệnh rồi tới giai đoạn sau mới có thể bắt đầu ăn uống nhẹ nhàng được. Những thực phẩm cần bổ sung trong chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật của bệnh nhân ung thư phổi thường là rau xanh, trái cây, protein, đạm,… để tăng cường sức khoẻ và hồi phục. Lưu ý là bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chủ trị về những thực phẩm mà bệnh nhân ung thư phổi nên ăn và không nên ăn.
Chú ý tăng cường dinh dưỡng trong sinh hoạt, bổ sung thực phẩm giàu đạm chất lượng cao sau phẫu thuật. Giữ ấm khi chuyển mùa, nếu không rất dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng phổi. Bệnh nhân có thể tham khảo thêm với bác sĩ về việc chích phòng ngừa cúm khi bước vào mùa đông.
5. SUY NGHĨ TÍCH CỰC
Tinh thần cũng là một trong những yếu tố quyết định kết quả của bệnh, thái độ tích cực sẽ nâng con người lên và có vai trò tích cực trong việc giảm tái phát, di căn. Ngược lại, lo lắng, phiền muộn quá mức sẽ ảnh hưởng đến giảm ăn uống và giảm giấc ngủ, đồng thời làm suy giảm chức năng miễn dịch. Có thể thấy, tâm an lạc, điều trị đúng cách có thể kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ tái phát.
Có thể bạn quan tâm:
- Tin tức & các chương trình khuyến mại tại Hưng Việt
- Theo dõi Fanpage cung cấp Kiến thức: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân: Fanpage của Hệ thống Hưng Việt
Nguồn tham khảo:
1. Ngô Quý Châu (2008). Ung thư phổi, Nhà xuất bản y học, tr.28 – 160.
2. National Comprehensive Cancer Network (2021), “NCCN clinical practice guidelines in oncology Non-small cell lung cancer”.
3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu – Bộ Y tế (2020) ( Ban hành kèm theo quyết định số 1514/ QĐ- BYT)
4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ- Bộ Y tế (2018) ( Ban hành kèm theo quyết định số 4825/ QĐ- BYT)