Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính

5/5 - (2 bình chọn)

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính thường có biểu hiện giống nhau như xuất hiện khối u ở cổ, nổi hạch, bị khàn giọng, ho mạn tính, khó nuốt,… Điều này rất dễ khiến nhiều người chủ quan không đi khám khiến hiệu quả điều trị giảm sút. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt hai bệnh lý này để điều trị kịp thời, đúng cách.

1. Sự khác nhau giữa ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm giữa cổ, gồm 2 thùy tuyến giáp kết nối với nhau qua eo giáp trạng. Tuyến giáp bao gồm 2 loại tế bào chính là tế bào C và tế bào nang giáp.

Tế bào C có chức năng tạo ra calcitonine – một loại hormone giúp kiểm soát việc sử dụng canxi của cơ thể. Tế bào nang giáp có chức năng tạo ra hormone giáp, điều khiển các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Ngoài ra còn có các tế bào như tế bào hỗ trợ và tế bào miễn dịch nhưng chúng ít phổ biến hơn.

Các loại u tuyến giáp khác nhau phụ thuộc vào sự phát triển của các tế bào khác nhau.

  • Dựa vào số lượng khối u, người ta chia thành 2 loại là:
    • U tuyến giáp đa nhân.
    • U tuyến giáp đơn nhân.
  • Dựa vào tế bào học, khối u tuyến giáp được chia thành 2 loại là:
    • U tuyến giáp lành tính.
    • U tuyến giáp ác tính (ung thư tuyến giáp).

1.1. Giới thiệu chung

Ung thư tuyến giáp và u tuyến giáp lành tính có sự khác nhau cơ bản.

Ung thư tuyến giáp (u tuyến giáp ác tính) là hiện tượng những tế bào bình thường của tuyến giáp tăng sinh một cách bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể.

Theo thống kê của Globocan 2020, ung thư tuyến giáp nằm trong 10 bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong đó, tỷ lệ mắc mới là 5471 ca, với tỉ lệ tử vong là 642 ca. Trong 5 năm gần đây, tổng số ca mắc ung thư tuyến giáp ở mọi lứa tuổi là 16289 ca.

Ung thư tuyến giáp bao gồm 4 loại chính:

  • Ung thư tuyến giáp thể nhú: Là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất, chiếm khoảng 80%. Thường gặp ở những người dưới 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ
  • Ung thư tuyến giáp thể nang: Chiếm khoảng 10% và có xu hướng xuất hiện nhiều ở người trong độ tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ.
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy: Chiếm ít hơn 10% trường hợp.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Là dạng ung thư tuyến giáp hiếm gặp và có mức độ ác tính nghiêm trọng nhất. Thường gặp ở những người trên 60 tuổi.
khối u ung thư tuyến giáp kích thước 2cm
Hình ảnh khối u tuyến giáp kích thước 2cm

U tuyến giáp lành tính là sự phát triển bất thường của những khối u (bướu) chứa đầy chất rắn hoặc chất dịch lỏng trong tuyến giáp. Hầu hết u tuyến giáp là lành tính, chỉ có 5% là u tuyến giáp ác tính. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam khoảng 3-5 lần.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chiếm nhiều nhất là độ tuổi sau 30. Trẻ em và thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ rất ít – khoảng 2%. U giáp lành tính là một bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng và đa số được chữa khỏi. Hiện nay, chưa có ghi nhận ca bệnh tử vong nào do u giáp lành tính.

Hình ảnh u tuyến giáp
Hình ảnh u tuyến giáp

1.2. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư tuyến giáp (u giáp ác tính) có thể kể đến là:

  • Nhiễm các chất phóng xạ: Đây là trường hợp hay gặp nhất ở trẻ em. Cơ thể sẽ bị biến đổi gen tuyến giáp nếu thực hiện xạ trị vùng đầu, ngực, cổ hoặc người phải tiếp xúc với chất phóng xạ đều có nguy cơ cao gặp các bệnh về ung thư tuyến giáp.
  • Tiền sử mắc các bệnh về tuyến giáp: Người bị bệnh basedow, bướu cổ, viêm tuyến giáp hoặc mắc bệnh suy giảm hormone tuyến giáp sẽ có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp cao hơn so với những người khác.
  • Thiếu iốt: Là nguyên nhân chung gây ra các bệnh lý về tuyến giáp. Tuyến giáp muốn sản xuất hormone thì cần có đầy đủ iốt, nếu thiếu đi chất này thì lượng hormone mà cơ thể cần sẽ bị ảnh hưởng, từ đó sinh ra nhiều bệnh lý trong đó có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
  • Di truyền: Ung thư tuyến giáp có khả năng di truyền. Người có bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị ung thư tuyến giáp sẽ có khả năng cao bị u ác tính tuyến giáp.
  • Tuổi tác: Phụ nữ trong độ tuổi 30-50 có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Vì hormone của nữ giới sẽ kích thích quá trình hình thành hạch tuyến giáp, bướu tuyến giáp,…
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch suy yếu là điều kiện để các tác nhân gây hại tấn công cơ thể, trong đó có tuyến giáp. Điều này làm tăng nguy cơ các bệnh về tuyến giáp như viêm tuyến giáp, ung thư tuyến giáp,….
  • Ngoài những nguyên nhân chính đã nêu trên thì còn có các yếu tố nguy cơ khác gây ung thư tuyến giáp như: thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia,…

Hiện nay, nguyên nhân chính gây bệnh u tuyến giáp vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, một số yếu tố dưới đây có thể là nguyên nhân gây khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm căn bệnh này.

Ai có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp

  • Thừa hoặc thiếu iốt: Iốt đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tuyến giáp sản sinh ra hormone. Lượng muối iốt quá nhiều sẽ dẫn đến tăng chức năng tuyến giáp từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp. Ngược lại, chế độ ăn thiếu iốt là nguyên nhân mắc bệnh suy giáp. Theo các chuyên gia khuyến cáo, mỗi ngày mỗi người nên sử dụng 150mg iốt.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Hệ miễn dịch suy yếu là cơ hội cho sự xâm nhập của các tác nhân có hại tấn công cơ thể. Sự suy yếu kéo dài sẽ dẫn đến sự thay đổi hormone trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tuyến giáp
  • Mắc các bệnh tự miễn: Những tế bào trong cơ thể người sẽ bị các tế bào miễn dịch tấn công, khiến người bệnh mắc phải nhiều bệnh lý trong đó có các bệnh về tuyến giáp
  • Tiền sử cá nhân: Những người đã từng phẫu thuật, xạ trị ảnh hưởng tới tuyến giáp hoặc từng bị mắc bệnh tuyến giáp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Tác dụng của thuốc: Người thường xuyên sử dụng các thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch,… hoặc tiếp xúc với bức xạ hoặc trong thử nghiệm hạt nhân,… đều là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Có thể thấy rằng, ung thư tuyến giáp là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ ảnh hưởng xấu tới tiên lượng sống của người bệnh.

U tuyến giáp lành tính có thể phát triển thành ung thư tuyến giáp được không? 

Trên thực tế, tỷ lệ u tuyến giáp tiến triển thành ung thư tuyến giáp là rất thấp. Trong các bệnh liên quan đến tuyến giáp, chỉ có một số trường hợp có khả năng biến chứng thành ung thư tuyến giáp đó là: Viêm tuyến giáp, u tuyến giáp, bướu cổ. Theo thống kê cứ 5 người bị ung thư tuyến giáp có 1 người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Vì vậy, người bệnh không cần quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan mà hãy thường xuyên thăm khám bác sĩ để theo dõi bệnh. Để xác định chính xác khối u có tiến triển từ khối u lành tính thành ung thư tuyến giáp hay không, cần làm các xét nghiệm theo đúng quy trình.

Tìm hiểu thêm: Những dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp

2. Phân biệt dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính

Các biểu hiện của ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính rất nghèo nàn, đôi khi khó phân biệt và dễ bị nhầm lẫn. Bảng so sánh dưới đây sẽ thể hiện sự khác nhau cơ bản về triệu chứng của hai bệnh lý này, giúp người bệnh nhận biết sớm tình trạng sức khỏe của mình:

  • Xuất hiện khối u ở cổ: Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: Kích thước khối u lớn, phát triển nhanh, u cứng, bờ rõ, bề mặt nhẵn hoặc gồ ghề, di động theo nhịp nuốt. U tuyến giáp lành tính: Kích thước khối u nhỏ, có tính chất rắn hoặc lỏng, phát triển chậm, di động theo nhịp nuốt, thường không gây đau.
  • Nổi hạch vùng cổ: Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: Có nhiều các khối hạch nhỏ, mềm, di động, cùng bên với khối u. U tuyến giáp lành tính: Đôi khi không xuất hiện hạch.
  • Bị khàn giọng: Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: Khàn giọng không rõ nguyên nhân và ngày càng nặng lên. U tuyến giáp lành tính: Độ khàn tiếng không thuyên giảm sau vài tuần.
  • Ho mạn tính: Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: Ho kéo dài, ho liên tục mà không kèm theo các bệnh lý khác. Ho không kèm theo nôn, sốt, viêm nhiễm hay có chứa đờm. U tuyến giáp lành tính: Ho khan kéo dài.
  • Nuốt khó, đau ở họng: Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: Khi nuốt thức ăn cảm thấy vướng, khó nuốt khi tiêu hóa thức ăn. U tuyến giáp lành tính: Đau trong họng hoặc cổ.

2.1. Xuất hiện khối u ở cổ

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu

Xuất hiện khối u vùng cổ thường là dấu hiệu sớm nhất để phát hiện các bệnh lý về tuyến giáp. Ở vùng trước cổ xuất hiện 1 hoặc nhiều khối u mà người bệnh có thể tự sờ thấy.

Trong trường hợp khối u có kích thước lớn, tốc độ phát triển nhanh, bờ khối u rõ, bề mặt nhẵn hoặc gồ ghề, di động theo nhịp nuốt. Khối u gây khó chịu và đau nhiều cho người bệnh thì đây chính là dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.

Bởi lẽ, tế bào ung thư rất nguy hiểm, chúng sinh sản và phát triển một cách nhanh chóng, không theo sự kiểm soát của cơ thể. Vì vậy kích thước khối u sẽ lớn rất nhanh. Ở giai đoạn muộn hơn, tính chất của khối u chắc hơn, khối u bám dính vào các tổ chức xung quanh và không còn di động theo nhịp nuốt.

U tuyến giáp

Ngược lại, nếu khối u có kích thước nhỏ, tốc độ phát triển chậm, di động theo nhịp nuốt, có tính chất rắn hoặc lỏng thì đây là dấu hiệu của u tuyến giáp lành tính.

tuyến giáp sưng to
Tuyến giáp sưng to, xuất hiện khối u vùng cổ cảnh báo bệnh lý tuyến giáp

2.2. Nổi hạch vùng cổ

Nổi hạch vùng cổ là triệu chứng điển hình để phân biệt u tuyến giáp lành tính và ung thư tuyến giáp. Hạch xuất hiện ở vùng cổ do nhiều nguyên nhân như tình trạng viêm nhiễm vùng đầu mặt cổ (viêm amidan, viêm họng, viêm mũi xoang)…

Tuy nhiên, khi khối u và hạch cùng lúc xuất hiện thì đây là dấu hiệu cảnh báo có nguy cơ cao là khối u ác tính và các tế bào ung thư đã xâm lấn sang hệ bạch huyết.

Người bệnh ung thư tuyến giáp thường xuất hiện các khối hạch. Các khối hạch này thường có tính chất nhỏ, mềm, xuất hiện cùng bên với khối u và di động theo nhịp nuốt. Do tế bào ung thư tuyến giáp di căn sang các cơ quan khác theo đường máu và bạch huyết nên thường xuất hiện hạch sớm. Trong khi đó, u tuyến giáp lành tính thường hiếm xuất hiện hạch.

nổi hạch vùng cổ
Hạch thường xuất hiện ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp

2.3. Bị khàn giọng

Triệu chứng khàn giọng ở cả hai căn bệnh u tuyến giáp lành tính và ung thư tuyến giáp thường rất khó để phân biệt, vì khàn giọng đều không rõ nguyên nhân và không thuyên giảm sau vài tuần.

Lý giải cho hiện tượng này là do các dây thần kinh thanh quản kiểm soát các cơ mở và đóng dây thanh âm, nằm ngay phía sau tuyến giáp. Khi có khối u ở vị trí tuyến giáp thì các dây thần kinh này sẽ bị chèn ép dẫn đến bị khàn tiếng khi nói, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tình trạng khàn giọng ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ nặng hơn u tuyến giáp lành tính do khối u ung thư phát triển nhanh và ngày càng lớn dần.

khàn giọng không rõ nguyên nhân
Khàn giọng không rõ nguyên nhân và không thuyên giảm gây ảnh hưởng đến người bệnh

2.4. Ho mạn tính

Tương tự với triệu chứng khàn tiếng, ho mạn tính ở ung thư tuyến giáp và u tuyến giáp lành tính đều có dấu hiệu ho khan kéo dài không rõ nguyên nhân, ho không kèm theo sốt, nôn, có đờm hay kèm theo các bệnh lý về viêm nhiễm khác.

Tuy nhiên, tình trạng ho ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thường nặng hơn so với u tuyến giáp lành tính do tính chất của tế bào ung thư. Ho trong ung thư tuyến giáp không lây, kéo dài rất lâu khiến người bệnh lo lắng.

Người bị bệnh tuyến giáp thường gặp triệu chứng ho mạn tính
Người bị bệnh tuyến giáp thường gặp triệu chứng ho mạn tính

2.5. Nuốt khó, đau ở cổ họng

Triệu chứng nuốt khó, đau ở cổ họng gần như không có sự khác biệt về biểu hiện trong bệnh lý u tuyến giáp lành tính và dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu. Bệnh nhân đều cảm thấy đau trong vùng cổ họng. Khi nuốt thức ăn cảm thấy bị nghẹn, khó nuốt khi tiêu hóa thức ăn. Người bệnh ung thư tuyến giáp sẽ bị nặng hơn người mắc u giáp lành tính.

Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này là khi có khối u ở vị trí tuyến giáp, khối u to và phát triển sẽ chèn ép thực quản gây cảm giác khó nuốt và nuốt nghẹn. Bên cạnh đó, khối u còn có thể chèn ép và kích thích đám rối thần kinh ở cổ, làm cho người bệnh có cảm giác đau và căng tức trong họng.

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: Khó nuốt
Triệu chứng nuốt khó, đau cổ họng xảy ra ở cả hai bệnh lý tuyến giáp

3. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính

Triệu chứng của khối u tuyến giáp rất nghèo nàn và phát triển một cách thầm lặng nên người bệnh thường khó phát hiện sớm. Thông thường khối u tuyến giáp được phát hiện khi bệnh nhân đi khám định kỳ hoặc qua siêu âm.

Để xác định chính xác căn nguyên của khối u, tính chất của khối u là u lành tính hay u ác tính thì cần phải khám tuyến giáp và làm thêm một số xét nghiệm. Chẩn đoán và điều trị sớm u tuyến giáp sẽ tăng khả năng khỏi bệnh, kể cả u giáp lành tính hay u ác tính.

Một số phương pháp lâm sàng và xét nghiệm chỉ định để chẩn đoán khối u tuyến giáp bao gồm:

3.1. Khám lâm sàng tuyến giáp

Bác sĩ sẽ trực tiếp nhìn, sờ nắn tuyến giáp để phát hiện bất thường và xác định vị trí khối u. Bệnh nhân sẽ phải thực hiện động tác nuốt để đánh giá sự di động của khối u.

Nếu khối u lớn,cứng, bờ rõ, di động theo nhịp nuốt thì có thể là ung thư tuyến giáp. Còn nếu khối u nhỏ, có tính chất rắn hoặc lỏng, di động theo nhịp nuốt thì đó là u tuyến giáp lành tính. Để xác định chính xác hơn thì cần thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tiếp theo.

3.2. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Xét nghiệm này để đánh giá chức năng sản xuất hormone của tuyến giáp bao gồm định lượng thyroxine, tridothyronine (T3,T4) và định lượng hormone kích thích tuyến giáp (TSH).

Mục đích của xét nghiệm là tìm dấu ấn nghi ngờ ung thư tuyến giáp hoặc các bệnh tuyến giáp khác như u giáp, cường giáp hoặc suy giáp…. Xét nghiệm này không có ý nghĩa trong việc chẩn đoán chính xác ung thư tuyến giáp.

  • Chỉ số TSH: Ở người bình thường là 0,4-5mIU/L. Nếu TSH > 5mIU/L hoặc TSH < 0,4 mIU/L thì có thể bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp.
  • Chỉ số T4 toàn phần bình thường dao động khoảng 5,0-12,0 ng/dL. Chỉ số T4 tự do bình thường dao động từ 0,8 – 1,8 ng/dL. Nếu chỉ số này tăng cao thì có khả năng bệnh nhân mắc các bệnh tuyến giáp.
  • Chỉ số Tg ở người bình thường dao động khoảng 0,2-50 ng/mL. Nếu chỉ số Tg tăng cao thì chắc chắn người bệnh bị u tuyến giáp (lành tính hoặc ác tính).

3.3. Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm là hình thức sử dụng sóng âm có tần số cao để định hình hình dạng, kích thước và cấu trúc của khối u nhỏ. Giúp phân biệt được cấu trúc nang hoặc u đặc hoặc xác định được sự hiện diện của tế bào đa nhân trong tuyến giáp.

Hình ảnh siêu âm cảnh báo ung thư tuyến giáp thể hiện thông qua các nốt tuyến giáp với tính chất: khối giảm âm, bờ khối không đều, tăng sinh mạch trong khối, trục dài vuông góc với mặt da, hạch tròn vùng cổ… Để xác định chính xác bệnh ung thư tuyến giáp, cần kết hợp siêu âm với sinh thiết, chọc hút tế bào kim nhỏ.

Hình ảnh siêu âm thể hiện u lành tuyến giáp khi: kích thước khối u nhỏ, có tính chất rắn hoặc lỏng, di động.

3.4. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ

Mục đích để phân biệt u giáp lành tính hay u giáp ác tính (Xét nghiệm quyết định của chẩn đoán). Xét nghiệm này còn được gọi là sinh thiết, được sử dụng để đánh giá tế bào ung thư có tồn tại trong khối u hay không.

Kết quả chọc hút tế bào bằng kim nhỏ sẽ giúp phát hiện ra: nhân giáp lành tính, nhân giáp ác tính hoặc nghi ngờ ác tính, nhân không xác định.

3.5. Xạ hình khối u tuyến giáp

Đây là xét nghiệm giúp khẳng định thêm tính chất của khối u. Đồng vị phóng xạ iốt được tiêm vào tĩnh mạch cánh tay của bệnh nhân. Sau đó máy ảnh sẽ ghi lại được vị trí các nốt nóng (các khối u sản sinh hormone tuyến giáp ngoại lai) hoặc các nốt lạnh (xuất hiện dưới dạng khuyết hoặc lỗ hổng). Hầu hết các nốt nóng là lành tính, sự hiện diện của nốt lạnh có khả năng gây ung thư.

4. Điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính

4.1. Điều trị ung thư tuyến giáp

Dưới đây là một số phương pháp chính khi điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu:

  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp được chỉ định điều trị hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp, đặc biệt là giai đoạn đầu. Các kỹ thuật phẫu thuật ở giai đoạn sớm của ung thư tuyến giáp bao gồm: cắt một thùy và eo giáp trạng hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp.
  • Xạ trị I-131: Chỉ định này chỉ được sử dụng thì đã cắt toàn bộ tuyến giáp. Bệnh nhân sẽ phải uống một lượng nhỏ i-ốt phóng xạ. Các tế bào bao gồm cả lành tính và ác tính sẽ bắt nguồn phóng xạ và bị tiêu diệt.
  • Điều trị hormone: Chỉ định sau khi cắt bỏ tuyến giáp hoặc xạ trị I-131 giúp bổ sung lượng hormone thiếu hụt hằng ngày

4.2. Điều trị u tuyến giáp lành tính

Một số phương pháp điều trị u tuyến giáp lành tính bao gồm:

  • Theo dõi và tái khám định kỳ: Nhiều trường hợp u tuyến giáp lành tính không cần phải điều trị. Tuy nhiên vẫn cần thăm khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi tiến triển nếu có của bệnh.
  • Phẫu thuật: Gồm mổ nội soi hoặc mổ mở truyền thống. Phương pháp này giúp loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể người bệnh.
  • Đốt sóng cao tần: Đây là phương pháp được coi là hiện đại nhất trong điều trị u tuyến giáp lành tính, bằng việc sử dụng dòng điện có tần số cao để tạo nhiệt từ đó dễ dàng tiêu hủy khối u.
  • Tiêm cồn tuyệt đối: Cồn tuyệt đối sẽ được tiêm vào khối u và làm cho khối u bị hoại tử
  • Ngoài ra có thể điều trị u tuyến giáp lành tính bằng phương pháp chọc hút dịch hoặc dùng thuốc nội tiết trong một số trường hợp.

5. Biện pháp phòng ngừa ung thư tuyến giáp và u tuyến giáp lành tính

5.1. Biện pháp phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Các biện pháp phòng ngừa ung thư tuyến giáp:

  • Tránh tiếp xúc với bức xạ: Chất bức xạ có trong môi trường sống là một chất độc hại và nguy hiểm với sức khỏe con người, làm biến đổi gen, hình thành tế bào ung thư trong cơ thể.
  • Ăn uống khoa học: Chế độ ăn thiếu iốt là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, theo khuyến cáo nên bổ sung 150mg mỗi người mỗi ngày. Ngoài ra, cần phải duy trì dinh dưỡng một cách hợp lý, bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ, loại bỏ những chất gây hại cho cơ thể như rượu bia,…
  • Rèn luyện, giữ thân hình cân đối: Cơ thể quá béo hoặc quá gầy sẽ gây ra rất nhiều bệnh lý khác nhau trong đó có ung thư tuyến giáp. Giữ một thân hình cân đối, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh.
  • Không sử dụng chất kích thích: Rượu bia và thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến giáp. Vì vậy cần loại bỏ các chất kích thích để phòng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
  • Tầm soát ung thư tuyến giáp khi có dấu hiệu của bệnh: Cần có thói quen thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình để phát hiện bệnh sớm cũng như điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa ung thư tuyến giáp

5.2. Biện pháp phòng ngừa u tuyến giáp lành tính

Các biện pháp phòng ngừa u tuyến giáp lành tính bao gồm:

  • Ăn uống khoa học: Để cân bằng hormone tuyến giáp cần có chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây. Ngoài ra cần bổ sung đầy đủ lượng muối iốt hàng ngày (150mg/người/ngày), đặc biệt là phụ nữ mang thai.
  • Tập thể dục đều đặn: Việc tập thể dục khiến cơ thể bạn thêm khỏe mạnh, đẩy lùi các căn bệnh trong đó có u tuyến giáp.
  • Bỏ thuốc lá: Trong khói thuốc lá có Thiocyanate là chất gây độc cho tuyến giáp. Vì vậy cần bỏ hút thuốc lá để tránh mắc bệnh u tuyến giáp.

Hy vọng những thông tin hữu ích trên đã giúp bạn phân biệt được dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu và u tuyến giáp lành tính. Từ đó có cách xử lý và phòng ngừa phù hợp. Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của tuyến giáp, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu cần tư vấn, bạn vui lòng liên hệ hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: 024 6250 0707.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt