Cách đây hơn một tuần, tôi đã từng ấn tượng với câu chuyện đi khám sức khỏe của ba người phụ nữ là mẹ con, là chị em dâu, vượt một quãng đường xa đến với Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt. Từ câu chuyện của họ, tôi đã khao khát nhiều hơn, tham vọng nhiều hơn sẽ có thật nhiều những con người như thế, có thể không chỉ là đến Hưng Việt, nhưng là bất cứ cơ sở y tế nào, để “bảo dưỡng bộ máy cơ thể”. Và rồi, giống như cái duyên của niềm tin, tôi đã gặp được những con người như vậy, họ cũng là một gia đình, một gia đình rất Việt, rất truyền thống và họ cũng đã về với Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt để chăm sóc sức khỏe…
Gia đình ông Tân chụp hình kỷ niệm tại sảnh chờ bệnh viện
Tôi đang nhắc đến câu chuyện về bốn anh em của nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đến với Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt vào sáng thứ bảy, ngày 16/11/2014. Ông Nguyễn Trọng Tân được coi như là một “lão làng” trong cả hai nghiệp “văn” và “báo”. Lớn lên và trưởng thành từ trong bom đạn và những năm tháng đất nước trải qua thời kỳ gian khổ nhất, ông đã quen với cuộc đời “nay đây mai đó”. Ông cho biết đời ông gắn bó với ba nghề. Ngoài nghề dạy học – ông từng là giảng viên chính của trường đại học Tổng hợp Hà Nội – rồi làm báo, viết văn. Tất cả các nghề ấy ông đều gắn bó vào những năm tháng đất nước còn khó khăn. Ông nói vui: nhà văn – nhà báo- nhà giáo – nhà nghèo, nhưng đó là nghiệp nên ông đã sống hết mình vì nó. Có lẽ cuộc sống ấy, sự từng trải ấy đã tạo nên sự dung dị, chất phác, thân mật đã để lại trong tôi rất nhiều cảm hứng. Nhưng hơn hết, tôi kính trọng ông và tôi mong ông khỏe mạnh để “mắt luôn sáng, lòng luôn trong và bút luôn sắc”. Cũng bởi tôi hiểu cái tình yêu nghề mãnh liệt ấy sẽ cuốn ông vào, khám sức khỏe, bảo dưỡng cơ thể trở thành thứ gì “xa xỉ”. Như câu chuyện ông chia sẻ với tôi trong lúc chờ tới lượt khám tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt. Ông cũng hiểu cơ thể mình ngày càng bất ổn. Thỉnh thoảng đau cái này, cái kia, giống như cái cây đến tuổi nào đó nó sẽ khô héo, thoái hóa và mất dần sức sống. Nhưng ông cũng tự động viên mình “Đau rồi lại tự khỏi ngay ấy, chưa ngã gục nên chưa coi là ốm được”. Ông coi đó chỉ là vấn đề nhỏ, so với nhiều người “cùng lứa giờ ốm đau, đột quỵ…khá nhiều. Mình được như thế này quá tốt rồi, hơn khối người đấy”. Nhìn ông với mái tóc pha sương, đến cả lông mày cũng nhuộm trắng, tôi chợt nhớ tới hai người ông của tôi ở nhà. Hình như người lính là vậy, vẫn luôn hiên ngang, bất khuất, coi thường tất cả, ngay cả với sức khỏe của chính bản thân mình. Nhưng tôi thực lòng không muốn thấy ông như hai người ông của tôi. Một người đã rời xa tôi mãi mãi khi lời hứa dành cho tôi vẫn còn dang dở, còn một người thì lúc tỉnh lúc mê vì căn bệnh 10 năm nay.
Ông Tân tâm sự: “Tuổi trẻ thì xông pha, bây giờ già rồi thì bắt đầu lo chăm sóc, bảo dưỡng…”
Tôi tâm sự với ông điều đó và nhận được sự đồng cảm. Ông bảo nói vui thế thôi, tuổi trẻ dường như hào khí nó lấn át tất cả, bây giờ là lúc cũng phải chăm sóc tới bản thân. Nói thì thế nhưng với niềm say mê còn cháy bỏng, những trang văn cứ níu kéo ông và việc thăm khám bệnh cho mình mới dừng ở mức “tiện có người bạn làm thầy thuốc nên thỉnh thoảng cũng chỉ đến siêu âm cho thôi chứ chẳng khám khiếc gì cho có bài bản…”. Gần đây, khi cô em gái điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt, ông đến thăm em và gặp được BS Vũ Hoàng Nguyên – BS chuyên khoa ung bướu, chỉ là câu chuyện trong thang máy, nhưng như ông nói hình như cũng có chút cơ duyên nào đó nên ông và cả gia đình quyết định đến bệnh viện Hưng Việt khám sức khỏe.
Ông Tân cùng cháu nội bà Hương (em gái) trước khi cháu nạo VA và cắt Amidan
Ông giới thiệu những người đi cùng ông: có cô em út là Nguyễn Thị Thanh Thảo (Kế toán – Việt Trì, Phú Thọ) đã điều trị sỏi niệu quản tại viện nay tới rút ống xông, em gái thứ năm là Nguyễn Thị Thu Lan (bộ đội về hưu) hiện đang sinh sống tại Hà Nội, em gái thứ tư Nguyễn Thị Thu Hương (giáo viên dạy văn – Phú Thọ) cùng con trai và cháu nội của bà Hương, cuối cùng là vợ ông. “Bố mẹ tôi sinh được sáu người con thì bốn hiện giờ đang có mặt ở viện này rồi”. Ông vui vẻ nhìn về mấy cô em gái đang rôm rả chuyện trò. Mấy người em gái của ông đều đã lên chức bà, nhưng quây quần bên ông vẫn như là cái ngày còn thơ bé vậy. Dường như mọi người rất tự hào, rất yêu mến những khoảnh khắc ấy.
Riêng tôi, cũng trong gia đình có sáu người con, tôi ước ao rằng khi ở độ tuổi như gia đình ông Tân bây giờ, chúng tôi cũng có thể sum họp hạnh phúc như thế.
Ông Tân đang được “bảo dưỡng cơ thể” tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt
Cháu nội bà Hương nhập viện để nạo VA và cắt Amiđan, thế là nhà họ Nguyễn lại được phen lo lắng. “Đấy bé thế mà đã ốm đau, khổ thân. Nhưng mà cũng đúng thôi, nó cứ ốm suốt, dứt điểm đi cho nó hay ăn chóng lớn” – bà Hương vừa nói vừa dặn dò con trai trước khi đưa cháu lên phòng mổ.
Còn tôi, muốn tạo một bất ngờ nho nhỏ cho gia đình ông Tân, và cũng là để bày tỏ tấm lòng của Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt. Tôi tìm lại những tấm hình kỷ niệm có chụp hình cô Thảo trong những ngày ở viện, hình ảnh cháu nội bà Hương sau khi khám vẫn còn nguyên giọt nước mắt mà ban nãy một bạn đã chụp lại, và tấm hình mấy anh chị em lưu niệm tại viện, tôi in ra và tặng lại mỗi người. Tôi thấy đôi mắt chăm chú của cô Thảo khi nhìn lại mình cách đây ít ngày, tôi thấy sự thích thú của hai người chị gái và chị dâu cả thân thiết với cô Thảo người em út trong gia đình và tôi thấy được ánh mắt hài lòng nơi người anh cả là ông Tân…
Cô Thảo (em gái út) xúc động nhìn lại tấm hình chụp ngày 20/10 tại viện
Và những câu chuyện một thời thơ ấu của những người anh em giờ đã là ông là bà làm ấm thêm một góc phòng bệnh viện. Ước gì đây là một đoạn video, tôi sẽ quay thật chậm, thật chậm cảnh ấy, để mọi người đều thấy được niềm hạnh phúc giản đơn nơi những người anh em với mái tóc bạc màu ấy. Họ đã sống với nhau, bằng nghĩa, bằng tình, và khi đã ở cái tuổi làm ông làm bà họ vẫn quan tâm tới nhau không chỉ lúc ốm đau mà còn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tuổi già như thế nào. Sự có mặt của họ ở bệnh viện Hưng Việt là một biểu hiện của sự quan tâm đó.
Tiểu Yến