[Tư vấn] Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?

5/5 - (1 bình chọn)

Bất kỳ bệnh nhân nào khi được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp đều rất lo lắng và có chung thắc mắc: Bệnh ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không? Bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời chính xác cho thắc mắc này qua bài viết dưới đây. Hãy cùng theo dõi nhé!

Ung thư tuyến giáp chữa khỏi không
Ung thư tuyến giáp chữa khỏi không là thắc mắc của rất nhiều người bệnh

1. Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?

Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Theo thống kê Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, ung thư tuyến giáp là bệnh có tiên lượng rất tốt. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư tuyến giáp các thể được thể hiện qua bảng sau. .

Ung thư tuyến giáp giai đoạn I Ung thư tuyến giáp giai đoạn II và III Ung thư tuyến giáp giai đoạn IV
Ung thư tuyến giáp thể nhú Gần 100% Khoảng 90% Khoảng 76%
Ung thư tuyến giáp thể nang Gần 100% Khoảng 97% Khoảng 64%
Ung thư tuyến giáp thể tủy Gần 100% Khoảng 91% Khoảng 38%
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa Khoảng 31% Khoảng 10% Khoảng 3%

Lưu ý: Số liệu này chỉ là tương đối, dựa trên thời điểm thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ. Nếu muốn biết thông tin chính xác hơn, bạn cần đi khám chữa ở Bệnh viện để biết tình trạng bệnh của mình và tuân theo phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định

Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư tuyến giáp vào các giai đoạn:

  • Giai đoạn I khi khối u mới hình thành ở bên trong tuyến giáp và có kích thước dưới 2cm: Tỷ lệ chữa khỏi là gần 100%.
  • Giai đoạn II khi khối u bắt đầu lan ra các khu vực ngoài tuyến giáp, kích thước lớn hơn, từ 2-4 cm: Tỷ lệ chữa khỏi là 90%.
  • Giai đoạn III khối u chưa lan đến hạch bạch huyết nhưng kích thước đã vượt qua mốc 4cm: Tỷ lệ chữa khỏi là trên 80%.
  • Giai đoạn IV các khối u tăng mạnh về kích thước, đồng thời lan ra các hạch bạch huyết ở ngực, cổ, thậm chí là di căn xa hơn đến xương, phổi: Tỷ lệ chữa khỏi ở giai đoạn này không cao, chỉ dưới 50%.

2. Ung thư tuyến giáp chữa khỏi bằng cách nào?

Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không và chữa khỏi bằng cách nào? Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu đều có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật và điều trị i-ốt phóng xạ. Vì ở giai đoạn này, kích thước khối u còn nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn khối u của tuyến giáp. Sau đó, sử dụng liệu pháp xạ trị iốt phóng xạ bằng I-131 để tiêu diệt nốt tế bào ung thư còn sót lại.

Với bệnh nhân ung thư giai đoạn giai đoạn sau, cần kết hợp sử dụng liệu pháp hóa trị liệu. Mục đích để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật và làm giảm kích thước khối u.

ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật và xạ trị
Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu đều có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật và điều trị i-ốt phóng xạ 131

Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị ung thư tuyến giáp. Mục đích để loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn khối u của tuyến giáp xung quanh.

Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp nếu phát hiện bệnh khi kích cỡ khối u chỉ 2mm thì chỉ cần phẫu thuật cắt một bên thùy giáp có ung thư, thùy còn lại vẫn hoạt động bình thường. Lúc này khả năng chữa khỏi là gần 100%.

Trường hợp khối u to hơn thì cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp kết hợp cùng xạ trị I-131. Lúc này khả năng chữa khỏi bệnh là khoảng 80-90% nhưng bệnh nhân cần phải uống thuốc hormone tuyến giáp đến hết cuộc đời.

  • Ưu điểm: Trường hợp nội soi cắt tuyến giáp, do ít xâm lấn nên người bệnh sẽ phục hồi nhanh.
  • Nhược điểm: Trường hợp cắt tuyến giáp thường bằng cách mổ mở, do có tính xâm lấn nên để lại sẹo xấu trên cổ, ngoài ra còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng sau phẫu thuật.

Điều trị I-131 (xạ trị trong): Xạ trị trong bằng iốt phóng xạ 131 thường sử dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật, và ở giai đoạn 2-4 của bệnh. Mục đích để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau mổ, ung thư di căn xa.

Liệu pháp iốt phóng xạ I-131 giúp cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư tuyến giáp dạng nang và nhú đã lan đến cổ hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.

Trường hợp thực hiện xạ trị 131 ở giai đoạn 2, khả năng chữa khỏi khoảng 80-90%; con số này ở giai đoạn 4 là dưới 50%. Riêng đối với ung thư tuyến giáp thể tủy và thể không biệt hóa, xạ trị trong iốt 131 không có tác dụng.

  • Ưu điểm: An toàn, không phẫu thuật, hiệu quả cao.
  • Nhược điểm: Có thể gây các tác dụng phụ như viêm tuyến nước bọt, buồn nôn, nôn, bị đau và sưng ở cổ, thậm chí là vô sinh ở nam giới.

Xạ trị ngoài: Phương pháp xạ trị ngoài sử dụng tia X chiếu vào vùng cổ để phá hủy và tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến giáp.

Đối với ung thư tuyến giáp, liệu pháp xạ trị ngoài chỉ được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận quan trọng như thực quản hay khí quản. Khả năng sống sót của bệnh nhân sau khi xạ trị chỉ dưới 50%.

  • Ưu điểm: Không xâm lấn.
  • Nhược điểm: Có thể phá hủy các mô khỏe mạnh gần đó. Sau điều trị bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như đỏ da, mệt mỏi, da khô, buồn nôn, đau khi nuốt, khàn giọng…

Hóa trị: Phương pháp hóa trị liệu sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để làm giảm kích thước khối u, đồng thời tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.

Việc điều trị ung thư tuyến giáp bằng hóa trị không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, đặc biệt là khi ung thư tuyến giáp đã bước sang giai đoạn di căn. Khả năng sống sót của bệnh nhân sau khi xạ trị ung thư tuyến giáp không cao, chỉ dưới 50%.

  • Ưu điểm: Không xâm lấn.
  • Nhược điểm: Gây một số tác dụng phụ sau khi uống thuốc như rụng tóc, nôn và buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, nhiễm trùng, tiêu chảy.

Liệu pháp hormone tuyến giáp: Mục đích là để ức chế TSH, đè nén các tế bào ung thư còn sót lại, ngăn chặn nguy cơ tái phát.

Sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bệnh nhân cần uống thuốc hormone tuyến giáp trọn đời theo hướng dẫn của bác sĩ. Uống thuốc đều đặn hàng ngày và theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh và kéo thời gian sống.

  • Ưu điểm: Không xâm lấn.
  • Nhược điểm: Phải uống thuốc hormone giáp suốt đời, có thể gây các tác dụng phụ như suy giáp, cường giáp, phù gai thị, đau đầu, tăng áp lực nội sọ lành tính kèm nôn, giảm mật độ xương, thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, thuốc điều trị ung thư tuyến giáp có thể gây tương tác xấu với các loại thuốc mà bệnh nhân đang uống hàng ngày.

Liệu pháp nhắm mục tiêu: Bệnh nhân ung thư tuyến giáp được chỉ định sử dụng liệu pháp nhắm mục tiêu điều trị bằng iốt phóng xạ 131 không còn hiệu quả. Mục đích ngăn chặn khối u phát triển và lan rộng.

Liệu pháp nhắm mục tiêu rất ít được sử dụng vì không có hiệu quả nếu khối u không đáp ứng lại với thuốc hoặc đáp ứng với liệu pháp chỉ có tính chất tạm thời.

  • Ưu điểm: Không xâm lấn.
  • Nhược điểm: Hiệu quả không cao, gây nhiều tác dụng phụ như: các vấn đề về tóc, móng tay, mắt và da.
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp xạ trị ngoài
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp xạ trị ngoài

3. Tăng cường hiệu quả điều trị ung thư tuyến giáp như thế nào?

Để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả điều trị ung thư tuyến giáp, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ: Việc tuân thủ tốt phác đồ điều trị của các bác sĩ sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh cao nhất. Do đó, người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà theo mách bảo của người khác; không tự ý thay đổi loại thuốc, thời gian và liều lượng uống hoặc bỏ dở phác đồ điều trị.
  • Quan tâm tới chế độ dinh dưỡng hợp lý: Thực phẩm bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên ăn (gồm rau diếp, rau bina, nấm, củ cải, rau mồng tơi, hạnh nhân, hạt bí, hạt điều, tôm, cá, cua, thịt lợn, thịt gà, trứng, mầm lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, đậu Hà lan). Các thực phẩm nên kiêng hoặc hạn chế ăn là đậu phụ, sữa đậu nành, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, socola và thực phẩm chứa socola, đường và sản phẩm từ sữa…
  • Rèn luyện, sinh hoạt điều độ, khoa học: Tập thể dục đều đặn hàng ngày; tránh thức khuya ngủ muộn, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày… giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.
  • Tinh thần thoải mái: Việc giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ và thoải mái giúp giúp tăng cường hệ miễn dịch và hồi phục bệnh nhanh hơn.

Tìm hiểu thêm: Dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp

dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp
Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn

4. Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu

Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và giai đoạn phát hiện bệnh. Bệnh lý này nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ chữa khỏi thành công sẽ cao nhất. Nguyên nhân là do kích thước các khối u còn nhỏ, chỉ hình thành bên trong tuyến giáp, chưa lan rộng ra các hạch bạch huyết và di căn xa.

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì không có  triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên theo dõi sự thay đổi của cơ thể kèm theo thói quen khám sức khỏe định kỳ thì có thể phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu thông qua các dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện hạch nhỏ và mềm ở cổ.
  • Sờ thấy có khối u ở vùng cổ.
  • Sưng hạch cổ.
  • Đau họng.
  • Nuốt khó, nuốt vướng.
  • Khàn giọng.
  • Vùng da ở cổ sậm màu.
  • Nếu siêu âm có thể nhìn thấy rõ các khối u tuyến giáp.

Người bệnh cần tầm soát ung ung thư tuyến giáp ngay khi có dấu hiệu ung thư tuyến giáp hoặc thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp: khó nuốt, đau họng, sưng hạch cổ, sờ thấy khối u vùng cổ,…
  • Các đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư tuyến giáp như: nữ giới trong độ tuổi từ 30-50; người thường xuyên tiếp xúc với chất phóng xạ liều cao; người sống ở vùng bị nhiễm phóng xạ cao; tiền sử gia đình có người bị ung thư tuyến giáp; người bị bệnh viêm tuyến giáp, suy giáp, bệnh basedow; người hút thuốc lá, uống nhiều rượu, thừa cân béo phì…

Khi tầm soát ung thư tuyến giáp, người bệnh sẽ phải thực hiện các phương pháp: siêu âm, xét nghiệm TSH (hormone kích thích tuyến giáp), xét nghiệm TG, xét nghiệm chọc hút tế bào bằng kim nhỏ để xác định chẩn đoán bệnh.

Trên đây là giải đáp của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho thắc mắc ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không và một số vấn đề khác trong điều trị bệnh. Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và được điều trị kịp thời, đúng cách. Do đó, người bệnh nên đi thăm khám ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường nghi ngờ bị ung thư tuyến giáp.

 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt