Dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày sau phẫu thuật

5/5 - (1 bình chọn)

Sau phẫu cắt dạ dày, người bệnh thường có nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng do chế độ ăn uống và hấp thu dưỡng chất không đầy đủ. Do dạ dày là cơ quan nghiền nát và làm nhỏ thức ăn, khi bị cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày sẽ làm giảm hoạt động này và giảm tiết acid dịch vị.

Nếu như không chú ý đến chế độ dinh dưỡng, người bệnh sau phẫu thuật ung thư dạ dày có thể bị thiếu năng lượng, protein, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và chậm lành vết thương.

1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày sau phẫu thuật

Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật của bệnh nhân ung thư dạ dày rất quan trọng, bệnh nhân nhất định phải chú ý điều dưỡng việc ăn uống, ăn uống đúng giờ giấc, duy trì ăn ít và chia làm nhiều bữa, lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, tuyệt đối không được ăn quá nhiều. Nhằm tạo sự thích nghi với việc tiêu hóa của dạ dày, vấn đề ăn uống cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau: từ mỏng đến dày, từ lượng ít đến lượng nhiều, từ lượng ít calo đến nhiều calo, dần dần đưa đường, protein, chất béo vào cơ thể theo sự thích nghi tương ứng.

Giai đoạn đầu (0-24 giờ sau khi phẫu thuật)

Bệnh nhân ung thư dạ dày sau khi phẫu thuật không nên ăn uống trong ngày hôm đó, sau khi bỏ ống ra khỏi dạ dày có thể uống ít nước, mỗi lẫn từ 4-5 muỗng canh, 2 tiếng uống 1 lần.

Năng lượng: 20-25 kcal/kg cân nặng/ngày.

  • Chất đạm: 1,2-1,5 g/kg cân nặng/ngày.
  • Tỷ lệ đạm: béo: đường: 20:30:50%
  • Đủ vitamin và muối khoáng, đảm bảo cân bằng dịch.

Giai đoạn 1-2 ngày sau khi phẫu thuật

Nếu không có phản ứng bất thường, ngày tiếp theo có thể uống thêm lượng chất lỏng vừa phải, 50-80ml/ lần. Ngày thứ ba để chế độ ăn toàn chất lỏng, mỗi lần từ 100-150ml. Mỗi ngày ăn từ 6 -7 bữa, nguyên tắc ăn uống như sau:

  • Tực phẩm không phải là chất rắn, ăn ở dạng lỏng
  • Ăn ít và chia làm nhiều bữa, cách 2-3 tiếng ăn 1 bữa
  • Chọn các loại thức ăn không gây đầy hơi, không quá ngọt, như trứng, súp, cháo, súp rau, phở mềm.
  • Sau khi ăn nên nằm nghỉ từ 20-30 phút.

Giai đoạn hồi phục

Sau khi phẫu thuật đến thời gian hồi phục trở lại bình thường. Chế độ ăn cho người bị ung thư dạ dày trong giai đoạn này là nên ăn ít các chất béo và chế độ ăn dạng lỏng, như cháo, mì.. Mỗi ngày ăn 5-6 bữa, nguyên tắc ăn uống như sau:

  • Ăn dạng bán lỏng, trong đó thức ăn chứa hàm lượng protein ở mức bình thường, hàm lượng chất xơ thấp
  • Chế độ ăn uống bán lỏng cần phải giàu năng lượng, giàu vitamin, hàm lượng protein cao, ít chất béo, thức ăn tươi dễ tiêu hóa.
  • Đối với thực phẩm giàu protein, cá tự nhiên là sự lựa chọn tốt nhất, không những giúp cơ thể dễ hấp thu mà còn dễ tiêu hóa, là dạng thực ăn cân bằng rất tốt.

2. Sau phẫu thuật ung thư dạ dày nên ăn gì?

Thực phẩm điều trị ung thư dạ dày sau phẫu thuật cần đầy đủ chất và đảm bảo dinh dưỡng. Dưới đây là một số thực phẩm nên ăn:

2.1. Thực phẩm giàu protein

Thực phẩm giàu protein có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa tiêu chảy. Đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Thịt, gà, cá, trứng, pho mát, bơ… là những thực phẩm chứa nhiều protein rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt đậu phụ là protein thực vật có chứa nhiều isoflavone, giúp kiềm chế vi khuẩn HP. Đây là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày, dẫn đến ung thư dạ dày và ngăn chặn các tế bào ác tính phát triển thành ung thư.

sau phẫu thuật nên bổ sung các thực phẩm giàu protein
Thực đơn của người bệnh cần cung cấp đủ protein đảm bảo dinh dưỡng

2.2. Các loại ngũ cốc ít chất xơ

Chất xơ tốt cho tiêu hóa, nhưng sau khi phẫu thuật bác sĩ thường khuyên nên dùng ngũ cốc ít chất xơ. Bởi vì, chất xơ không tan trong dạ dày và sẽ tạo ra những mảnh thô ráp gây kích ứng ruột khi đi qua. Các loại ngũ cốc ít chất xơ thường là loại không nguyên cám, gạo trắng, lúa mỳ, bột yến mạch,…

2.3. Trái cây và rau xanh

Trái cây và rau xanh cung cấp một lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Chúng là chất xơ dễ hòa tan, không gây kích ứng tiêu hóa.

Chuối, dưa hấu, rau cải,… là những loại trái cây và rau xanh là thực phẩm hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày sau phẫu thuật được khuyên dùng. Lưu ý với các loại rau nên nấu chín, có thể xay nhuyễn kết hợp với cháo và súp. Trái cây nên ép thành nước uống và không chọn trái cây có vị chua.

Chuối tốt cho người bệnh ung thư dạ dày sau phẫu thuật
Chuối là loại quả tốt cho người bệnh ung thư dạ dày sau phẫu thuật

2.4.  Sữa tách béo

Sữa là nguồn dinh dưỡng thường được lựa chọn cho người bệnh sau phẫu thuật. Vì sữa nhiều dinh dưỡng và ở dạng lỏng dễ tiêu hóa. Tuy nhiên với người sau phẫu thuật dạ dày, nên lựa chọn sữa tách béo, loại sữa có 1% chất béo. Do chất béo sẽ làm thuận lợi cho tế bào ung thư.

2.5. Vitamin B1, B12 và viên sắt

Bổ sung vitamin B1, B12 và sắt vì sau khi phẫu thuật những chất này thường bị mất khi dạ dày bị cắt bỏ, thiếu yếu tố nội tiết, giảm hấp thu vitamin ở hỗng tràng.

Bệnh nhân bổ sung bằng cách uống các thuốc vitamin tổng hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hoặc dùng các thực phẩm chứa nhiều chất trên như: Thịt bò, gà, cá, tôm,… được nấu chín, mềm và nghiền nhỏ.

Bổ sung B12 sau phẫu thuật ung thư dạ dày
Bổ sung vitamin B12 bằng viên uống tổng hợp sau phẫu thuật ung thư dạ dày

3. Sau phẫu thuật ung thư dạ dày không nên ăn gì?

Dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày hợp lý sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng xuất viện, giảm tái phát và biến chứng. Vì vậy, người ung thư dạ dày sau phẫu thuật không nên ăn những thức ăn sau.

3.1. Thực phẩm nhiều đường

Đường cung cấp nhiều năng lượng, no lâu nhưng lại không tốt cho người sau phẫu thuật. Lý do vì thực phẩm nhiều đường là nguồn dinh dưỡng mà các tế bào ung thư thích nhất. Đường sẽ tăng nguy cơ hình thành tế bào ung thư mới.

Bệnh nhân nên thay thế việc uống sữa có đường bằng sữa ít đường, không nên uống nước ngọt, bánh ngọt,… thay vào đó nên dùng mật ong hoặc ăn hoa quả.

Kiêng đường sau phẫu thuật ung thư dạ dày
Hấp thu quá nhiều đường sẽ không tốt cho bệnh nhân sau mổ

3.2. Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo

Dầu mỡ và chất béo sẽ kích thích tụy tiết acid mật, ảnh hưởng đến dạ dày. Ngoài ra, những thực phẩm này cũng làm tăng nguy cơ hình thành tế bào ung thư sớm.

Những đồ ăn chiên, rán, mỡ động vật nên tránh trong dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày, thay vào đó nên ăn chất béo không bão hòa như: cá, dầu thực vật, ăn món luộc, hấp,…

3.3. Đồ chua, cay

Đồ ăn cay và chua, nóng sẽ làm kích thích dạ dày tiết acid dịch vị, ảnh hưởng đến tế bào dạ dày. Vì thế, bệnh nhân ung thư dạ dày sau phẫu thuật nên kiêng ớt, tiêu, chanh,… và những gia vị mạnh.

Kiêng đồ ăn cay nóng
Không chỉ sau mổ mà với bệnh nhân có bệnh dạ dày nên kiêng đồ ăn cay-nóng

3.4. Sữa có đường và thực phẩm từ sữa

Sữa có đường giống như thực phẩm nhiều đường, làm khó khăn trong việc tiêu hóa. Mặt khác, sữa còn là thực phẩm chứa nhiều lactose, khi phẫu thuật làm cho việc hấp thu lactose bị ảnh hưởng, nên dễ gây táo bón, tiêu chảy khi dùng sữa, nhất là sữa có đường.

Do đó, thay thế sữa có đường bằng sữa không đường hoặc sữa tách béo là biện pháp hiệu quả nhất cho người sau phẫu thuật dạ dày.

4. Mẫu thực đơn dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày sau phẫu thuật

Trung tâm dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đã nghiên cứu và đưa ra mẫu thực đơn dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày sau phẫu thuật như sau:

Bữa ăn Thực phẩm 
Bữa sáng
  • Cháo thịt nạc: 500ml
  • Gạo tẻ: 40g
  • Thịt nạc băm: 70g
  • Rau xanh: 30g
  • Dầu ăn: 10ml
Bữa phụ sáng
  • Sữa bột: 50g bột/200ml nước
Bữa trưa
  • Súp thịt lợn nạc: 500ml
  • Khoai tây: 150g
  • Khoai lang: 150g
  • Cà rốt: 50g
  • Thịt lợn nạc: 70g
  • Bột đao: 5g
  • Dầu ăn: 10ml
Bữa phụ chiều
  • Hoa quả chín
  • Na: 150g
Bữa tối
  • Súp thịt bò: 500ml
  • Khoai tây: 150g
  • Khoai lang: 150g
  • Cà rốt: 50g
  • Thịt lợn nạc: 70g
  • Bột đao: 5g
  • Dầu ăn: 10ml
Bữa phụ tối Sữa bột: 50g bột/200ml nước

Thực phẩm thay thế tương đương:

  • Nhóm đạm: Thịt lợn có thể thay bằng thịt gà, tôm, cá, 2 quả trứng vịt, 3 quả trứng gà,…
  • Nhóm tinh bột: Gạo thay bằng bột mì, miến, phở khô, phở tươi,…
  • Chất béo: Dầu ăn bằng 8g lạc, 8g vừng.

5. Khắc phục các vấn đề dinh dưỡng sau phẫu thuật ung thư dạ dày

Phẫu thuật dạ dày sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe, đặc biệt là dinh dưỡng như: hội chứng dumping, đờ dạ dày, kém hấp thu mỡ, không dung nạp lactose, thiếu vitamin B12 và sắt. Vì vậy, khắc phục các vấn đề dinh dưỡng là việc làm tất yếu cho bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày.

5.1. Hội chứng Dumping

Đây là hội chứng khi thức ăn, đặc biệt là đường xuống ruột quá nhanh, làm rỗng dạ dày, gây ra biểu hiện như:

  • 10-30 phút sau ăn: Nôn, đầy hơi, đau tức thượng vị, vã mồ hôi, ngất.
  • 1-3 giờ sau ăn: Tăng tiết insulin quá mức gây vã mồ hôi, run tay, chóng mặt, rồi loạn ý thức, co giật.

Cách khắc phục:

  • Chia nhỏ bữa ăn.
  • Nên ăn tư thế nằm, nửa ngồi.
  • Hạn chế uống nước trong ăn.
  • Tránh các thực phẩm chứa đường cao.
  • Ăn chậm, nhai kỹ, không nên nằm trong vòng 30 phút sau ăn.
Hội chứng dumping sau phẫu thuật ung thư dạ dày
Bệnh nhân buồn nôn, khó tiêu, vã mồ hôi là biểu hiện của hội chứng dumping

5.2. Đờ dạ dày

Biểu hiện của triệu chứng đờ dạ dày là đầy hơi, no lâu, nôn ra thức ăn không tiêu từ vài giờ. Nguyên nhân là do trong quá trình phẫu thuật, dây thần kinh phế vị bị cắt bỏ, ảnh hưởng đến quá trình tiết các enzym tiêu hóa. Đây cũng là yếu tố làm thay đổi PH ruột non, tăng nguy cơ phát triển hệ vi khuẩn có hại ở đường ruột.

Cách khắc phục vẫn là chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tránh thức ăn có hại đến đường tiêu hóa như quá cứng, cay hoặc chua…

5.3. Kém hấp thu mỡ

Kích thước dạ dày giảm sau phẫu thuật ảnh hưởng đến việc giảm co bóp, bài tiết dịch vị. Điều này là nguyên nhân dẫn đến giảm hàm lượng men tiêu hóa, men tụy. Trong khi đó, thức ăn chứa mỡ, chất béo, vitamin tan trong dầu (A, D, K, E) lại được hấp thu và chuyển hóa bởi men tụy. Hậu quả là làm thiếu hụt các vitamin này, gây bong da, mờ mắt, loãng xương,…

Để khắc phục tình trạng này, thức ăn nên được làm nhỏ trước khi vào dạ dày, tăng cường vitamin tan trong dầu bằng viên uống.

5.4. Không dung nạp lactose

Phẫu thuật dạ dày sẽ nối tắt vị tràng, làm mất chức năng của một phần hỗng tràng. Những nhung mao của hỗng tràng lại chứa lactase – enzyme hấp thu lactose. Do đó, dung nạp lactose không được thực hiện. Biểu hiện thường gặp là bệnh nhân bị đầy hơi, trướng bụng sau khi ăn những thực phẩm chứa nhiều lactose như sữa và sản phẩm từ sữa, người bệnh có thể bị tiêu chảy.

Cách khắc phục tình trạng không dung nạp lactose đó là người bệnh sau phẫu thuật ung thư dạ dày tuyệt đối không nên uống sữa có đường và các thực phẩm làm từ sữa. Nếu uống thì chỉ uống sữa ít đường hoặc sữa đã tách béo.

5.5. Thiếu vitamin B12 và sắt

Thiếu vitamin B12 và sắt thường liên quan đến tạo máu trong cơ thể. Thiếu hai chất này sẽ làm người bệnh mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu do thiếu máu, đến cơ thể xanh xao, khó ngủ. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 và sắt cùng viên uống là biện pháp khắc phục cho vấn đề này.

đau đầu do thiếu máu
Thiếu vitamin B12 và sắt gây đau đầu do thiếu máu

Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày sau phẫu thuật là điều hết sức quan trọng, và cần tính toán thực hiện ngay sau khi người bệnh rời phòng mổ. Tạo ra thực đơn phù hợp cho người bệnh cũng giúp bệnh nhân mau hồi phục và tránh những vấn đề tiêu hóa, biến chứng nguy hiểm.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt