Bệnh nhân sau khi điều trị ung thư cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt vì họ có nhu cầu dinh dưỡng rất cao trong khi khả năng ăn uống lại giảm sút.
Sau quá trình điều trị, người bệnh thường có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, chính vì thế việc xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng trong việc giúp người bệnh mau chóng hồi phục.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị về chế độ dinh dưỡng của mình, vì đối với mỗi loại bệnh, liệu trình điều trị và thể trạng của từng người là khác nhau.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân điều trị ung thư nói chung, nên chọn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, và chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày nhằm duy trì được đầy đủ lượng thức ăn mỗi ngày mà vẫn giúp cơ thể hấp thụ được hết lượng thức ăn.
Một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng đối với bệnh nhân sau khi điều trị ung thư cần phải đầy đủ 4 nhóm chính: tinh bột, đạm, chất béo và rau quả tươi.
Một chế độ ăn với nhiều cá, thịt, rau xanh, uống nhiều nước và vận động hợp lý sẽ giúp cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng và thể lực để chống lại căn bệnh ung thư. Ngoài ra, người bệnh nên tránh tình trạng nằm một chỗ mà nên thường xuyên vận động để cơ thể được minh mẫn và đầu óc được thư giãn hơn, tránh suy nghĩ quá nhiều ảnh hưởng đến việc hồi phục của bệnh nhân.
Một số dưỡng chất không thể thiếu trong thực đơn của mỗi bệnh nhân điều trị ung thư:
Đạm: chất đạm có trong các loại thịt cung cấp cho cơ thể các loại acid amin vô cùng hữu ích. Để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ chất đạm, khẩu phần ăn của người bệnh cần phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Ngoài ra cơ thể cũng cần được bổ sung sắt, kẽm bằng cách sử dụng các thực phẩm thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt lợn nạc… Tôm, cua, cá cũng là nguồn cung cấp một lượng acid amin dồi dào cho cơ thể.
Tinh bột: ngũ cốc nguyên hạt, các loại củ như khoai tây, khoai lang… cũng đặc biệt tốt cho cơ thể người bệnh điều trị ung thư. Tuy nhiên, cần tránh những loại thực phẩm được chế biến sẵn có chứa đường đơn vì nó có thể gây nhiều tác hại cho cơ thể, hơn nữa những loại thực phẩm này có thể chứa các chất phụ gia, có thể làm tăng khả năng mắc ung thư.
Chất béo: chất béo mang lại nguồn năng lượng cao, tuy nhiên, đối với những bệnh nhân ung thư thì lượng chất béo đưa vào cơ thể cần được điều chỉnh phù hợp, lượng chất béo không được quá 50% tổng năng lượng đưa vào thực đơn.
Chất xơ: các loại rau xanh, hoa quả tươi là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho cơ thể. Các loại rau thuộc họ cải như rau cải xanh, bắp cải… chứa các chất chống oxy hóa cao, giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Nên chọn những thực phẩm tươi sạch và nên bảo quản trong thực phẩm điều kiện lạnh.
Cần cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư là nên uống khoảng 8- 12 cốc nước mỗi ngày. Có thể là nước canh, nước ép hoa quả, sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước khác. Ngoài ra cần hạn chế những thức uống có chứa cafein.