Hà Nội ngày 4/7/2014
Thời tiết oi nồng, cái nắng gay gắt của Hà Nội mấy hôm nay khiến con người ta có cảm giác bức bối, một tâm lý rất dễ bị bực mình bởi những điều không đâu. (giống như bị hiệu ứng domino vậy). Tôi cũng chẳng ngoại lệ.
Chiều nay, sau khi ghé thăm được 3 buồng bệnh nói chuyện xin khảo sát lấy ý kiến, trò chuyện với bệnh nhân tôi lững thững đi dọc hành lang khu vực tầng 9, tầng 8 rồi tầng 7… danh sách bệnh nhân được phân công gặp gỡ nói chuyện còn 2/3 nữa nhưng sao tôi chẳng thể dừng chân được trước căn phòng nào. Nóng quá.
Bước chân của tôi vẫn tiếp tục di chuyển xuống tầng 6. Khu trực điều dưỡng còn có 1 bạn đang chăm chú ghi chép gì đó, hành lang chẳng có một ai. Làm một vòng tôi ngó qua cửa kính nhìn lướt vào từng buồng bệnh của tầng 6, tôi vẫn chẳng thể gõ cửa bước vào.
Phòng 601. Nhìn lướt rất nhanh tôi định bước qua, trong phòng khá đông người …Ồ mọi người đang nói chuyện gì mà sao vui vẻ thế nhỉ!? Cửa phòng mở, một bạn điều dưỡng bước ra, rất nhanh cái không khí vui vẻ trong đó như ùa ra níu chân tôi ở lại.
Phòng của bệnh nhân Phong Chăn, 58 tuổi ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Thấy tôi vào, mọi người vẫn tiếp tục nói chuyện nhưng diễn giải thêm vài điều để tôi hiểu câu chuyện mọi người đang nói. Rất nhanh mọi người trong căn phòng cho tôi có cảm giác được hòa lẫn mình vào không khí vui vẻ đó.
Chú Phong Chăn, một cán bộ cấp cao trong quân đội Lào đã về hưu, do tín nhiệm cao nên hiện chú vẫn tham gia làm cán bộ thanh tra của Đảng ủy tỉnh Xiêng Khoảng. Chú Phong bị ung thư bàng quang và đã được phẫu thuật bán phần, hiện đang trong giai đoạn theo dõi chăm sóc hồi phục để chuẩn bị truyền hóa chất. Đi theo chú Phong có vợ, con gái và một cháu gái đang học cao học bác sỹ tại bệnh viện Bạch Mai, một cháu trai đang học Luật tại Đại học Vinh, Nghệ An. Gần 1 tuần chăm sóc sau phẫu thuật, sức khỏe của chú Phong đã ổn định, không những thế tinh thần của chú cũng rất tốt. Chú Phong nói chuyện khá nhiều, câu chuyện của chú dừng ở nhiều nơi, nhiều con người, nhiều câu chuyện khác nhau…Người cháu trai Văn-đi phiên dịch cho chú thỉnh thoảng hóm hỉnh thêm thắt ý vào trong câu chuyện phiên dịch lại cho 2 bên khiến cho căn phòng thỉnh thoảng rộ lên những tiếng cười không ngớt.
Hiệu ứng domino tại căn phòng 601 đưa tôi trở lại cảm giác phấn khích và bắt đầu công việc lại một cách rất tự nhiên. Tôi hỏi chú một vài điều cảm nhận khi nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, có cần thêm sự hỗ trợ, nhu cầu nào không, có góp ý nào khác cho bệnh viện không….Tôi hỏi, chú là người Lào lại không nói được tiếng Việt, tuy đã có 2 cháu đi hỗ trợ phiên dịch nhưng chú có gặp trở ngại gì trong quá trình điều trị tại bệnh viện ung bướu Hưng Việt để bệnh viện hỗ trợ thêm không ạ?
Dường như hiểu được một phần công việc của tôi và cũng cảm giác thân quen hơn với tôi sau khoảnh khắc vui vẻ vừa rồi, chú Phong chia sẻ. Vào đây chú yên tâm lắm, đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng chưa nơi nào cho chú cảm giác yên tâm như ở Hưng Việt. Ở đây, chú không chỉ được chăm sóc đầy đủ về chuyên môn y tế mà còn có cảm giác được chăm sóc như người nhà. Những việc nhỏ nhưng chú rất cảm động, đó là khi tiêm thuốc chú bị buốt, bị đau cháu Lin đã lấy nước ấm chườm cho chú đỡ đau, mỗi khi tiêm, truyền cháu Lin rất nhẹ nhàng, lại hay cười, hay nói chuyện làm chú quên cảm giác đau rất nhiều (Bạn Nguyễn Dương Thùy Linh, điều dưỡng được phân công trực tiếp chăm sóc chú Phong, nhưng chú Phong gọi bằng giọng người Lào thành Lin). Nói rồi chú Phong quay ra nói đùa, “chú gọi Lin là cháu dâu đấy!”.
Tôi lại hỏi, trước khi chú Phong sang Việt Nam chữa bệnh, chú có ngại vì sang một nước xa xôi mà lại bất tiện trong giao tiếp ngôn ngữ không?
Người Lào rất tin người Việt, dù thế, trước khi sang đây chú và gia đình cũng có một chút lo lắng vì cả chú, vợ , con gái đều không biết tiếng Việt. Khi đến rồi, ở đây rồi … chẳng nói chuyện được nhiều đâu vì phải qua các 2 cháu phiên dịch. Ngưng một lúc chú Phong tiếp: ở đây bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý ân cần chăm sóc, thân thiện nở nụ cười chú yên tâm lắm, nên chú tin vào nụ cười của mọi người ở Hưng Việt.
Câu chuyện của chú Phong và tôi có lẽ còn chưa kết thúc nếu như Linh không nhắc, “Dạ! đến giờ chú Phong phải tiêm rồi ạ!”. Chúng tôi vui vẻ kết thúc câu chuyện bằng khoảnh khắc cùng chụp ảnh lưu niệm. Trước khi ra khỏi phòng tôi còn nán lại góc phòng quan sát bạn Linh thực hiện y lệnh và tôi hiểu vì sao chú Phong và gia đình đã yêu quý bạn Linh đến vậy.
Gia đình bệnh nhân Phong Chăn (Lào) Chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn điều dưỡng tầng 6, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt