Ung thư tuyến giáp di căn hạch xuất hiện ở giai đoạn cuối của ung thư tuyến giáp. Điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch tuy khó khăn hơn so với giai đoạn đầu nhưng nếu thực hiện kịp thời và đúng cách thì tiên lượng sống khá cao. Dưới đây là 2 phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch hiệu quả.
1. Ung thư tuyến giáp di căn hạch ở giai đoạn mấy?
Ung thư tuyến giáp di căn hạch hay còn gọi là ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ thường xuất hiện ở giai đoạn cuối khi các khối u ác tính đã lan rộng đến các hạch bạch huyết vùng cổ. Nếu không được điều trị sớm, các khối u di căn có thể lan đến vị trí khác như xương, gan, phổi,.. rất nguy hiểm cho người bệnh
Theo thống kê, có khoảng 30% bệnh nhân K giáp sẽ gặp tình trạng di căn hạch và đa số di căn chỉ đi đến các hạch lympho ở cổ, chỉ có khoảng 4% di căn đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể
2. Dấu hiệu ung thư tuyến giáp di căn hạch
Ngoài các biểu hiện của bệnh ung thư tuyến giáp thì khi khối u di căn hạch sẽ có các biểu hiện sau:
- Bị rát cổ họng
- Khó nuốt và đau khi ăn
- Xuất hiện hạch ở vùng cổ hoặc các nốt rộp và có thể nhìn thấy bằng mắt thường
- Đau họng, khàn giọng và mất tiếng
Dấu hiệu ung thư tuyến giáp di căn hạch
3. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch
Để điều trị bệnh ung thư tuyến giáp di căn hạch, các bác sĩ phải thực hiện 2 phương pháp chính là phẫu thuật và xạ trị I-131
3.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ là phương pháp tối ưu nhất, giúp cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân. Trong đó, đối tượng được chỉ định phẫu thuật là những bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối, có di căn hạch cổ và số lượng hạch cổ không quá nhiều.Tuy nhiên, với bệnh nhân có quá nhiều hạch và hạch nằm ở nhiều vị trí khác nhau thì việc phẫu thuật sẽ gặp khó khăn, dễ bị bỏ sót hạch. Ngoài ra, những người có sức khỏe yếu, có các bệnh lý nền, người cao tuổi… cũng không thực hiện phương pháp này vì càng nhiều hạch xuất hiện thì thời gian phẫu thuật càng kéo dài hơn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ.
Các bước phẫu thuật ung thư tuyến giáp di căn hạch
3.1.1. Phẫu thuật cắt tuyến giáp
Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật cắt tuyến giáp thường được áp dụng là:
- Phẫu thuật mở: Bác sĩ rạch da vùng cổ, phẫu tích theo lớp tiếp cận tuyến giáp cùng hệ bạch huyết vùng cổ. Kỹ thuật cắt bán phần hoặc toàn phần tuyến giáp kèm nạo vét hạch được thực hiện trực tiếp bằng tay.
- Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sử dụng các dụng cụ phẫu thuật tiếp cận vùng cổ qua sàn miệng, phẫu tích và loại bỏ khối u khỏi cơ thể mà không để lại sẹo nhìn thấy.
3.1.2. Nạo vét hạch cổ sau phẫu thuật
Các bước thực hiện nạo vét hạch cổ sau phẫu thuật:
Bước 1: Chuẩn bị cho bệnh nhân: Nằm ở tư thế ngửa, cổ ưỡn ra phía sau bằng cách kê gối để dễ dàng quan sát vùng phẫu thuật.
Bước 2: Gây mê nội khí quản cho bệnh nhân: Sử dụng thuốc gây mê đường tĩnh mạch, thuốc gây mê đường hô hấp hoặc kết hợp cả hai.
Bước 3: Tiến hành phẫu thuật:
- Rạch da: Rạch da ngay phía trên các tĩnh mạch cổ trước trên lớp nông của cân cổ sau, rạch qua lớp cơ bám da cổ.
- Nạo vét hạch:
- Khoang trung tâm: Tách hạch dọc theo chiều dài của đường đi của dây thần kinh quặt ngược, vét toàn bộ các hạch gồm cả tổ chức mỡ từ trên xuống dưới bao gồm các hạch trước, cạnh bên khí quản.
- Khoang bên: Loại bỏ hoàn toàn các hạch và tổ chức mỡ kèm theo ở giới hạn phía ngoài động mạch cảnh trong; đồng thời bảo tồn các tổ chức cơ, thần kinh lân cận.
- Tiến hành nạo vét hạch cổ bên đối diện tương tự.
- Đóng vết mổ khâu ngoài da: Khâu vết thương và đặt ống dẫn lưu dịch tại các khoang nạo vét hạch cổ.
3.1.3. Lưu ý sau khi điều trị bằng phẫu thuật
Các lưu ý cần nhớ sau khi phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch:
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như: Huyết áp, nhiệt độ, mạch,…
- Theo dõi các biến chứng sau phẫu thuật và rút ống nội khí quản như:
- Chảy máu: Bình dẫn lưu có chứa máu đỏ tươi, huyết áp tụt, toàn thân hốt hoảng, lo lắng…
- Nhiễm trùng: Sốt, đau vùng mổ, xét nghiệm có hội chứng nhiễm khuẩn.
- Rò bạch huyết: Bình dẫn lưu xuất hiện dịch trắng như nước vo gạo chảy ra từ vết mổ, tùy từng số lượng.
- Biến chứng do đặt nội khí quản: Suy hô hấp sau rút nội khí quản, viêm thanh khí phế quản…
3.2. Xạ trị I-ốt 131
Phương pháp xạ trị I-ốt 131 được khuyến khích sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch bởi sự an toàn và tương đối ít tác dụng phụ. Đây là phương pháp dùng tia phóng xạ do I-ốt phát ra để tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ đặc tính háo I-ốt của các tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể thực hiện xạ trị I-ốt bất cứ thời điểm nào, thường là sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp từ 6 tuần tới 6 tháng. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần được cách ly để đảm bảo an toàn cho người xung quanh
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch bằng xạ trị I-ốt 131 nhằm mục đích:
- Hủy mô giáp trạng còn lại sau phẫu thuật.
- Loại bỏ nhiều ổ và tổ chức xâm lấn tại chỗ (đối với ung thư tuyến giáp thể nang, thể nhú).
- Kiểm soát tái phát tại chỗ và hệ thống hạch bạch huyết.
- Kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
3.2.1. Các bước thực hiện xạ trị I-ốt 131
Để xạ trị I-131, bệnh nhân cần tiến hành các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị: Đảm bảo cho bệnh nhân có đủ dinh dưỡng, thể trạng và tinh thần ổn định.
Bước 2: Tiến hành xạ trị: Bệnh nhân được uống I-131 theo liều lượng tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Sau khi I-131 được hấp thu vào cơ thể sẽ phá hủy ADN và làm chết các tế bào ung thư tuyến giáp.
3.2.2. Lưu ý sau khi điều trị bằng xạ trị I-ốt 131
Để đảm bảo hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trước khi điều trị: Bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc hormone tuyến giáp từ 4 – 6 tuần và kiêng ăn thực phẩm chứa i-ốt 2 tuần trước đó để tăng hấp thu I-131 tối đa.
- Sau khi điều trị:
- Cần hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
- Sau khi uống I-ốt phóng xạ, bệnh nhân phải cách ly phòng chuyên biệt trong vòng từ 3 – 7 ngày và được bác sĩ kiểm tra, đánh giá khi không còn ảnh hưởng người xung quanh mới được về nhà.
4. Điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch sống được bao lâu?
Nếu ung thư tuyến giáp mới chỉ di căn đến hạch cổ và chưa đi xa thì tiên lượng sống khá tốt, tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm lúc này từ 40 – 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân di căn hạch tới nhiều cơ quan (như xương, gan, phổi…) cao gấp 3 lần bệnh nhân di căn chỉ ở 1 cơ quan, tỷ lệ sống lúc này ở bệnh nhân chỉ còn từ vài tháng đến dưới 1 năm. Theo thống kê, sau 5 năm, ung thư tuyến giáp di căn hạch từ một cơ quan đến nhiều cơ quan xảy ra ở khoảng 76% bệnh nhân. Và lúc này, tỷ lệ sống trên 5 năm khá thấp, khoảng 15.3%.
Ngoài ra, theo hệ thống AMES (1988), có 4 yếu tố ảnh hưởng tới tiên lượng của ung thư tuyến giáp gồm: tuổi của người bệnh; mức độ di căn; mức độ xâm lấn và kích thước của khối u. Tiên lượng sống còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, thời gian phát hiện bệnh,…
5. Điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch bao nhiêu tiền?
Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch tùy thuộc vào phương pháp điều trị của mỗi bệnh nhân. Dưới đây là mức chi phí tương đối:
- Chi phí phẫu thuật:
- Giá trung bình cho một lần phẫu thuật khoảng 20.000.000 đến 25.000.000 VNĐ.
- Chi phí phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào từng loại phẫu thuật ví dụ như: Cắt toàn bộ tuyến giáp hay cắt một phần tuyến giáp; Phẫu thuật thường hay phẫu thuật nội soi.
- Chi phí xạ trị I-ốt 131: mức phí dao động khoảng từ 3 – 5.000.000 VNĐ, quá trình điều trị diễn ra từ 4 – 6 đợt xạ trị.
Ngoài ra, chi phí còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác: dùng thêm phương pháp điều trị, bệnh nhân điều trị nội trú, viện phí, chi phí xét nghiệm, chi phí lại và sinh hoạt…
Trường hợp bệnh nhân có sử dụng BHYT sẽ được giảm chi phí tùy các mức khác nhau theo quy định của Bộ Y tế.
6. Giải đáp thắc mắc
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp của bệnh nhân và người nhà về ung thư tuyến giáp di căn hạch.
6.1. Điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch có để lại biến chứng không?
Điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật cắt tuyến giáp kèm nạo vét hạch cổ di căn và xạ trị bằng I-ốt 131. Đây là các phương pháp hiệu quả nhất và tùy vào giai đoạn của bệnh mà lựa chọn kỹ thuật phù hợp. Tuy nhiên sau khi điều trị, người bệnh có thể sẽ gặp phải một số biến chứng sau:
- Một số biến chứng sau phẫu thuật như:
- Chảy máu tại vị trí mổ.
- Nhiễm trùng sau mổ.
- Hiện tượng rò bạch huyết.
- Suy hô hấp sau rút nội khí quản, viêm thanh khí phế quản.
- Một số tác dụng phụ sau điều trị bằng phóng xạ như: Chóng mặt, buồn nôn, đau ở khu vực cổ, khô miệng…
Để tránh tác dụng phụ và biến chứng sau điều trị, người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, đồng thời đi kiểm tra và khám định kỳ 6 tháng một lần, theo dõi sát sao tình trạng tiến triển của bệnh.
6.2. Thời gian điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch?
Tùy từng phương pháp điều trị (phẫu thuật, xạ trị I-131) mà thời gian điều trị khác nhau. Hiện nay, điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch khoảng 6 – 8 tuần hoặc có thể lâu hơn. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người bệnh cần được cách ly để đảm bảo an toàn cho người xung quanh.
6.3. Điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch ở đâu?
Hiện nay có rất nhiều bệnh viện, cơ sở khám và điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch, có thể kể đến các bệnh viện: Bệnh viện Ung bướu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh,…
Trong đó, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cũng là bệnh viện được nhiều người lựa chọn để bởi nhiều ưu điểm:
- Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là bệnh viện chuyên khoa ung bướu tư nhân đầu tiên tại miền Bắc. Bạn sẽ được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận tâm cùng trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất chất lượng.
- Đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao, có tâm với nghề, luôn hết lòng vì bệnh nhân.
Như vậy, điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch bằng phẫu thuật và xạ trị I-131 là phổ biến và hiệu quả nhất. Nếu cần tư vấn thêm, bạn vui òng liên hệ theo hotline 024 6250 0707 của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt để được giải đáp nhanh nhất nhé!
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
BS CKII Chuyên khoa Tuyến giáp Nguyễn Tiến Lãng
ĐH Y Hà Nội
Với gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề, trong đó có hơn 30 năm phẫu thuật tuyến giáp với hơn 10.000 ca ung thư tuyến giáp, Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Lãng đã có nhiều công trình nghiên cứ khoa học: công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về phẫu thuật nội soi ung thư tuyến giáp, công trình nghiên cứu cấp Bộ về phẫu thuật tuyến giáp, công trình nghiên cứu cấp Cơ sở về phẫu thuật tuyến giáp và các mặt bệnh tuyến giáp nói chung, báo cáo đánh giá kết quả phẫu thuật ung thư tuyến giáp…