Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất được phát hiện trong thời kỳ mang thai. Do đó việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú ở bà bầu là rất quan trọng giúp giảm các biến chứng nguy hiểm do khối u mang lại. Bài viết dưới đây cung cấp cho độc giả các thông tin cần thiết về dấu hiệu ung thư vú và cách tự kiểm tra vú ở bà bầu.
Ung thư vú sau điều trị kiêng ăn gì để phòng ngừa tái phát?
1. Các dấu hiệu ung thư vú ở bà bầu
Ung thư vú thai kỳ là ung thư vú được chẩn đoán trong thời gian mang thai hoặc trong vòng một năm sau khi sinh. Mang thai không phải là nguyên nhân gây ra ung thư vú nhưng là yếu tố kích thích sự phát triển của ung thư vú.
Thông thường ung thư vú sẽ xuất hiện trước khi có thai nhưng lúc này có thể chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ nên người bệnh chưa được chẩn đoán. Đến khi có thai, sự thay đổi nội tiết sẽ làm ung thư vú phát triển, gây ra các biểu hiệu lâm sàng rõ ràng, người bệnh nhận biết được, đi khám và được chẩn đoán bệnh.
Ung thư vú thai kỳ hiện được chia thành 2 loại:
- Ung thư vú được chẩn đoán trong quá trình mang thai.
- Ung thư vú được chẩn đoán trong vòng 1 năm sau sinh.
Có thể bạn quan tâm:
- Tin tức & các chương trình khuyến mại tại Hưng Việt
- Theo dõi Fanpage cung cấp Kiến thức: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân: Fanpage của Hệ thống Hưng Việt
Có một số dấu hiệu ung thư vú ở bà bầu phổ biến như sau:
- Dấu hiệu tại vú:
- Hình dạng vú thay đổi, vú to lên một phần hay toàn bộ
- Da có thể lõm xuống do dính vào khối u hoặc có dấu hiệu “sần da cam” do da bị phù nề, đỏ sẫm hoặc da bị loét, chảy máu, bội nhiễm nếu ở giai đoạn muộn.
- Tụt hoặc vẹo đầu núm vú do khối u ở gần núm vú xâm nhiễm, co kéo núm vú.
- Chảy dịch đầu núm vú: thường là dịch máu nhưng cũng có thể là dịch không màu, dịch nhầy.
- Đau vùng ngực do khối u phát triển chèn ép.
- Dấu hiệu tại hạch nách: Hạch nách sưng to có thể là dấu hiệu đầu tiên phát hiện ung thư vú. Giai đoạn đầu hạch nách thường nhỏ, mềm, khó xác định. Giai đoạn sau hạch nách to, cứng, dính vào tổ chức xung quanh dễ xác định.
- Dấu hiệu di căn xa: Tùy từng vị trí di căn sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau: đau xương khi có di căn xương, khó thở khi có di căn phổi…
Khi người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào đã được trình bày ở trên thì nên chủ động đi khám ngay để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- Tầm soát ung thư tuyến vú | Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị
- [BÁO GIÁ 2022] Chi phí khám tầm soát ung thư vú chi tiết
2. Cách tự kiểm tra dấu hiệu ung thư vú
Tự kiểm tra vú là việc làm cần thiết giúp người bệnh tự phát hiện được các bất thường ở vú của bản thân mình để có kế hoạch thăm khám phù hợp.
Việc tự kiểm tra vú nên được thực hiện đều đặn vào một ngày cố định của mỗi tháng. Với bà bầu thì có thể chọn bất kỳ ngày nào trong tháng. Với phụ nữ khác thì nên chọn kiểm tra sau khi kỳ kinh kết thúc vài ngày vì lúc này tuyến vú ít có khả năng sưng do hàm lượng estrogen và progesterone ít.
Sau đó, hãy tiến hành tự kiểm tra bằng các bước sau:
- Quan sát vú: Bạn cần đứng trước gương quan sát ngực qua gương để đánh giá kích thước, hình dạng, da bề mặt vú… ở 3 tư thế: hai tay đặt dọc theo thân mình, hai tay chống hông và tư thế đặt 2 tay sau gáy.
- Sờ, nắn vú: Bạn có thể ngồi hoặc đứng thẳng lưng, một tay để sau gáy, một tay kiểm tra vú. Tay phải sẽ kiểm tra vú trái và ngược lại tay trái kiểm tra vú phải. Sử dụng mặt gan 3 ngón tay: ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út để cảm nhận, tìm kiếm các khối bất thường ở vú. Nên di chuyển các ngón tay theo chiều kim đồng hồ, từ trong ra ngoài, không bỏ sót bất kỳ vị trí nào ở tuyến vú để có thể đánh giá toàn bộ vú. Nhớ bóp nhẹ núm vú để kiểm tra dịch tiết ra.
- Sờ hạch nách: Sau khi kiểm tra hết tuyến vú, tay bạn cần di chuyển sang vị trí hố nách để tìm hạch bất thường.
Một số lưu ý khi tự khám vú ở giai đoạn thai kỳ cho các bà bầu:
- Trong 3 tháng cuối của thai kỳ và vài tuần đầu sau sinh chất dịch chảy ra từ núm vú có thể lẫn ít máu. Đây là hiện tượng bình thường và sẽ hết sau 2 – 3 tuần.
- Ngoài tư thế ngồi hoặc đứng để kiểm tra vú, bạn có thể tự kiểm tra vú ở tư thế nằm với cách thức tương tự.
- Nếu có bất kỳ bất thường nào, bạn cần đi khám ngay.
3. Ung thư vú ở bà bầu có ảnh hưởng gì đến con không?
Hiện nay chưa có bằng chứng nào chỉ ra rằng ung thư vú ở bà bầu có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong tử cung. Cũng không có bằng chứng nào chứng minh ung thư có thể truyền cho thai nhi.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến thai nhi do một số loại thuốc hóa trị có thể qua rau thai hoặc sữa mẹ đi vào thai nhi.
4. Chụp X-quang tuyến vú và các xét nghiệm hình ảnh khác có an toàn trong thai kỳ không?
Xét nghiệm hình ảnh là không thể thiếu trong việc chẩn đoán ung thư vú. Tuy nhiên, với việc chẩn đoán ung thư vú cho bà bầu thì tuỳ từng phương pháp bác sĩ sẽ chỉ định hoặc không. Cụ thể:
- Siêu âm sẽ là phương pháp đầu tiên được lựa chọn vì siêu âm sử dụng sóng âm thanh, an toàn với thai nhi.
- Chụp XQuang tuyến vú cũng có thể được chỉ định với bà bầu. Dù phương pháp này sử dụng bức xạ có ảnh hưởng đến thai nhi nhưng nếu thai nhi được che chắn tốt thì đây cũng là phương pháp an toàn.
- Chụp MRI: Mặc dù sự an toàn của chụp cộng hưởng trong khi mang thai chưa được công bố, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu nhỏ cho thấy chụp MRI khi mang thai an toàn, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp CT, xạ hình… thường ít được bác sĩ chỉ định thực hiện. Vì dù chưa có công bố chính thức nào nhưng chụp CT, xạ hình… vẫn có nguy cơ khiến thai nhi bị phơi nhiễm với bức xạ.
5. Điều trị ung thư vú trong thai kỳ có được không?
Ung thư vú trong thai kỳ có thể điều trị được. Tuy nhiên, điều trị sẽ phức tạp hơn so với ung thư vú thông thường vì trong quá trình điều trị không chỉ phải quan tâm đến người mẹ mà còn phải quan tâm đến sức khỏe thai nhi.
Muốn có được phương pháp điều trị phù hợp đòi hỏi sự tham gia tích cực của bác sĩ ung thư, bác sĩ sản khoa, bác sĩ nhi khoa để cân nhắc kỹ càng các yếu tố như vị trí, kích thước, mức độ lan rộng của khối u, tình trạng thai nhi, sức khỏe người mẹ…
Một nghiên cứu từ tháng 9 năm 2015 trên 129 trẻ em cho thấy chúng không gặp vấn đề gì về sự phát triển khi mẹ được điều trị ung thư vú khi mang thai. Sự phát triển trong tử cung của những đứa trẻ tiếp xúc với các phương pháp điều trị như: xạ trị, hóa trị, phẫu thuật và thuốc không khác gì những đứa trẻ có mẹ bị ung thư vú không điều trị.
Không phải tất cả các phương pháp điều trị ung thư vú đều được áp dụng trong giai đoạn thai kỳ. Trong đó, phẫu thuật là an toàn nhất trong giai đoạn này. Hóa trị cũng tương đối an toàn nếu được chỉ định trong quý 2, quý 3 của thai kỳ, không an toàn khi dùng trong quý 1 thai kỳ. Các phương pháp khác như xạ trị, liệu pháp hormone, điều trị đích… không an toàn với thai nhi nên thường không được chỉ định điều trị.
Do các phương pháp điều trị có sự mâu thuẫn giữa việc điều trị tốt cho mẹ với sự an toàn của thai nên sẽ khiến việc lựa chọn điều trị trở nên phức tạp hơn. Ví dụ như: khi phát hiện ung thư di căn (giai đoạn 4) ở tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, hóa trị là phương pháp cần được thực hiện nhưng nó lại ảnh hưởng đến thai nhi nên nếu muốn điều trị thì việc kết thúc thai kỳ là không thể tránh khỏi. Do đó, bác sĩ cần thảo luận kỹ càng với người để đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý.
6. Có thể mang thai lại sau khi điều trị ung thư vú không?
Sau điều trị ung thư vú, người bệnh vẫn có thể mang thai lại. Tuy nhiên, một số thuốc hóa trị có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như carboplatin, chlorambucil… Do đó, người bệnh cần cho bác sĩ biết mong muốn có con của mình để có phương pháp điều trị hợp lý.
Bài viết trên đã cung cấp cho độc giả biết các dấu hiệu của ung thư vú ở bà bầu và cách tự khám vú tại nhà để phát hiện sớm bệnh. Nếu còn thắc mắc về bệnh ung thư vú thai kỳ, hãy liên hệ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt theo số hotline: 0942 300 707 để được giải đáp và tư vấn.
**Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
TS. BS Chuyên khoa Ngoại ung bướu Vũ Hải
Tiến sĩ, Bác sĩ
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982, hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh tại Học viện Quân Y 2009 và là nguyên là Bác sĩ Chuyên khoa Ngoại Ung Bướu – Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện K Trung ương. Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Hải Với nhiều năm kinh nghiệm về khoa Ngoại Ung bướu chuyên: Khám, tư vấn, phát hiện sớm các bệnh ung bướu Phẫu thuật ung thư dạ dày, đại tràng, tuyến giáp, gan, mật Phẫu thuật u xơ tử cung, u nang buồng trứng