Gần đây, rất nhiều thông tin cho rằng, thịt cóc hay mật cóc có thể chữa bệnh, thậm chí là bệnh ung thư. Vậy thực hư thế nào? Mời bạn cùng tham khảo những thông tin dưới đây.
Theo Đông y, thịt cóc rất nhiều dinh dưỡng và có chứa nhiều axit amin và nhiều chất vi lượng tốt, được coi là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người già và những trẻ em thấp bé, còi cọc.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều thông tin còn cho rằng, cóc hay mật cóc còn có thể chữa bệnh ung thư. Thực tế, nhiều người cho rằng, tình trạng bệnh của mình đã thuyên giảm nhưng nhiều trường hợp đã sử dụng và không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, ăn thịt cóc sẽ có thể gặp phải nhiều rủi ro, có thể xảy ra ngộ độc đáng tiếc. Tuyến dưới da, đặc biệt là phần cổ và gáy của cóc là nơi tiết ra nhiều nọc độc nhất. Bên cạnh đó, một số bộ phận như gan và trứng cóc cũng có chứa nọc độc.
Bạn cần biết rằng, nọc độc của cóc không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Nghĩa là dù nấu hay xào, rang thì chất độc này vẫn tồn tại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dùng. Chất độc có thể ảnh hưởng vào tim gây tan máu, liệt cơ, suy thận cấp…
Vì sao nhiều tin đồn cho rằng thịt cóc chữa được ung thư?
Vị thuốc được chế biến từ cóc, trong đông y có tên gọi là Thiềm ô. Trong thuốc này có độc và người dùng phải theo liều lượng nhất định. Một số lời đồn cho rằng, nuốt mật cóc, nuốt con cóc hay nướng thành than để uống thì chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh có tác dụng chống lại tế bào ung thư.
Các chuyên gia lý giải, rất có thể vì trong nọc cóc có thành phần có tác dụng giảm đau vì thế mang lại ảo giác cho người bệnh, làm cho người ta quên hết đi cảm giác đau đớn bệnh tật.
Chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh được tác dụng chữa bệnh của thịt cóc. Ngược lại, nọc độc trong một con cóc có thể giết chết 4-5 người lớn. Chính vì sự nguy hiểm này, Bộ Y tế khuyến cáo cấm sử dụng cóc trong việc chữa bệnh.
Bệnh ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng phải theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ. Nếu tự ý điều trị theo những thông tin đồn thổi có thể dẫn tới tình trạng tiền mất mà bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.