Gói khám tầm soát ung thư phụ khoa chất lượng, hiệu quả

5/5 - (1 bình chọn)

Tầm soát ung thư phụ khoa là việc làm cần thiết giúp phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về căn bệnh này và cung cấp thông tin chi tiết về những gói khám tầm soát ung thư phụ khoa phổ biến.

1. Nhận biết ung thư phụ khoa

Ung thư phụ khoa là cụm từ chỉ chung các bệnh ung thư xuất hiện bên trong cơ quan sinh sản của nữ giới. Ung thư phụ khoa gồm 5 loại chính là: ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ.

Tuy đều xuất hiện bên trong cơ quan sinh sản của nữ giới, nhưng mỗi loại ung thư này có vị trí khối u, độ tuổi mắc và tình trạng mắc khác nhau.

Tầm soát vị trí khối u trong quy trình tầm soát ung thư phụ khoa
Tùy theo từng loại bệnh ung thư phụ khoa, khối u có thể xuất hiện ở những vị trí nhất định

1.1. 5 loại ung thư phụ khoa

1.1.1. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là loại bệnh ung thư có khối u xuất hiện ở cổ tử cung, phần dưới của tử cung (hoặc tử cung). Bệnh hay xảy ra ở biểu mô tuyến hoặc biểu mô vảy (biểu mô lát) của tử cung. Độ tuổi hay mắc ung thư cổ tử cung là từ 40 – 70 tuổi.

Theo Globocan, vào năm 2012, trên thế giới có 527.624 người mắc mới ung thư cổ tử cung. Trong đó ở Việt Nam, mỗi năm có 5.100 người mắc mới ung thư cổ tử cung.

1.1.2. Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là loại bệnh ung thư có khối u xuất hiện ở buồng trứng, nằm hai bên của tử cung. Nữ giới từ trên 50 tuổi đến 60 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng.

Ở Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn người mắc ung thư buồng trứng. Ước tính đến năm 2020, số ca mắc đã lên tới 5.548 ca.

1.1.3. Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung (ung thư dạ con, ung thư tử cung) là loại ung thư có khối u xuất hiện từ nội mạc tử cung. Đây là nơi lưu trữ bào thai và là bộ phận có hình quả lê bên trong khung xương chậu phụ nữ.

Phụ nữ sau mãn kinh hay mắc ung thư nội mạc tử cung, đặc biệt là từ 60 – 70 tuổi. Ở Việt Nam, giai đoạn 2001 – 2004, tỷ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung tại Hà Nội là 0,0015% tổng số dân, tại thành phố Hồ Chí Minh là 0,0027%.

1.1.4. Ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo là loại bệnh ung thư có khối u xuất hiện ở khoang âm đạo. Khoang âm đạo là ống cơ rỗng nối liền giữa tử cung và âm hộ (hay còn gọi là ống dẫn sinh).

Loại ung thư này chủ yếu xảy ra ở các tế bào biểu mô bề mặt âm đạo. Những người mắc ung thư âm đạo thường trên 60 tuổi.

1.1.5. Ung thư âm hộ

Ung thư âm hộ là loại ung thư có khối u xuất hiện ở phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ, gồm cả môi trong và môi ngoài âm đạo, âm vật và các tuyến của bộ phận này. Phần lớn ung thư âm hộ xuất hiện ở môi âm hộ, đặc biệt là môi lớn âm hộ.

Những người bị ung thư âm hộ thường ở độ tuổi từ 65 – 75. So với các bệnh ung thư phụ khoa khác, ung thư âm hộ là loại ung thư ít gặp nhất. Ở Việt Nam, số người bị ung thư âm hộ chỉ chiếm 3 – 5% trên tổng số người bị bệnh ung thư phụ khoa.

1.2. Dấu hiệu ung thư phụ khoa

Dù xuất hiện ở vị trí và độ tuổi khác nhau, nhưng các bệnh ung thư phụ khoa thường có những dấu hiệu sau:

  • Chảy máu âm đạo: Do khối u ung thư bị vỡ, lan sang các bộ phận khác và theo đường âm đạo ra ngoài.
  • Màu dịch âm đạo bất thường, có mùi hôi: Do khối u ung thư bị nhiễm trùng và hoại tử.
  • Sưng âm đạo, nổi mụn lở loét: Do âm đạo bị nhiễm khuẩn.
  • Đau xương chậu hoặc vùng bụng: Do tế bào ung thư đang phát triển làm cho khối u to hơn, chèn ép vùng bụng và xương chậu gây đau.
  • Ngứa rát vùng kín thường xuyên: Do vùng kín bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng nấm men.
  • Đi tiểu nhiều, liên tục: Do khối u phát triển, chèn ép bàng quang, xương chậu và làm cho bàng quang bị rò, gây ra các vấn đề về tiểu tiện.
  • Đầy hơi, chướng bụng: Do các khối u lớn dần lên trong ổ bụng và xuất hiện nhiều dịch chèn ép.
  • Sưng chân: Do khối u sưng to, chèn ép hông và chân.
  • Chán ăn, buồn nôn: Do các tế bào ung thư phá hủy hoóc môn kiểm soát sự trao đổi chất ở hệ tiêu hóa.
  • Mệt mỏi, sút cân nhanh: Do chảy máu âm đạo bất thường làm lượng hồng cầu và oxy trong máu giảm gây mệt mỏi, kiệt sức, sút cân.
Đau bụng dù không trong chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu để bạn đi tầm soát ung thư phụ khoa
Đau bụng dù không trong chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu nổi bật cho thấy người bệnh có thể bị ung thư phụ khoa

1.3. Ai nên tầm soát ung thư phụ khoa?

  Những người nên tầm soát ung thư phụ khoa gồm:

  • Người xuất hiện các dấu hiệu của ung thư phụ khoa.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư phụ khoa: Vì ung thư phụ khoa cũng là một trong những căn bệnh có tính chất di truyền.
  • Từng mắc các bệnh về phụ khoa: Khiến cơ quan sinh sản của người bệnh đã bị tổn thương nên dễ mắc bệnh ung thư phụ khoa hơn người bình thường.

2. Các gói khám tầm soát ung thư phụ khoa

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều có gói tầm soát ung thư phụ khoa cho chị em phụ nữ. Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cũng cung cấp gói khám tầm soát ung thư phụ khoa chất lượng như sau:

2.1. Gói khám tầm soát ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, âm hộ, âm đạo

Dưới đây là chi tiết về gói khám tầm soát ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, âm hộ, âm đạo. Tùy tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn bớt hoặc chỉ định thêm các phương pháp chuyên sâu hơn.

I Khám lâm sàng
1 Khám Nội tổng quát – Đo chiều cao, cân nặng, đo mạch, khám tim mạch, hô hấp, tiêu hoá,…

– Phát hiện huyết áp cao nhằm phòng ngừa biến chứng do cao huyết áp gây ra (đột quỵ, nhồi máu cơ tim)

x
2 Khám phụ khoa Phát hiện một số bệnh phụ khoa x
II Xét nghiệm cận lâm sàng
3 Xét nghiệm soi tươi tế bào âm đạo Phát hiện nấm âm đạo, trùng roi,… x
4 Xét nghiệm Chlamydia (test) Phát hiện viêm âm đạo do Chlamydia x
5 Xét nghiệm SCC Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung x
6 Xét nghiệm βHCG Phát hiện sớm ung thư tế bào nuôi, tế bào mầm x
7 Phiến đồ tế bào âm đạo Pap’smear Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung x
8 Soi cổ tử cung Phát hiện viêm cổ tử cung, polyp cổ tử cung, ung thư cổ thử cung x
III Chẩn đoán hình ảnh
9 Siêu âm ổ bụng tổng quát Phát hiện bệnh lý về gan, thận, tử cung,… x
10 Siêu âm đầu dò âm đạo Phát hiện bệnh lý, khối u trong tử cung, buồng trứng x
Tổng kết hồ sơ, kết luận và tư vấn sức khỏe Miễn phí

Khi tầm soát ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, âm đạo, âm hộ thì sẽ thường sử dụng các phương pháp phổ biến sau đây:

2.1.1. Xét nghiệm Pap Smear

Xét nghiệm Pap Smear là lấy tế bào bong ra từ cổ tử cung và lớp niêm mạc tử cung đem đi nhuộm rồi soi dưới kính hiển vi.

  • Đối tượng: Thường áp dụng cho nữ giới 21 – 65 tuổi.
  • Mục đích: Phát hiện tế bào bất thường, tế bào tiền ung thư và ung thư ở cổ tử cung và tử cung.
  • Ưu điểm: Đơn giản, dễ làm, không đau đớn.
  • Nhược điểm: Kết quả phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ, có thể xảy ra tình trạng âm tính giả và phải thực hiện hàng năm.
Quy trình lấy mẫu tế bào trong tầm soát ung thư phụ khoa
Trong xét nghiệm Pap Smear, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung, tử cung đem đi soi dưới kính hiển vi để phân tích

2.1.2. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là lấy máu ở tĩnh mạch cánh tay người bệnh, đem đi xét nghiệm để tìm ra các chất chỉ điểm ung thư SCC và beta HCG ở trong đó.

  • Đối tượng: Được chỉ định khi người bệnh xuất hiện dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.
  • Mục đích: Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tế bào vảy, tế bào nuôi, tế bào mầm.
  • Ưu điểm: Dễ thực hiện.
  • Nhược điểm: Không phân biệt được ung thư cổ tử cung và các bệnh lành tính, ung thư khác.

2.1.3. Xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV là lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung đem đi phân tích bằng hệ thống máy cobas 4800 của Roche.

  • Đối tượng: Thường sử dụng ở bệnh viện lớn và được chỉ định cho nữ giới trên 30 tuổi.
  • Mục đích: Phát hiện virus HPV có trong tế bào cổ tử cung.
  • Ưu điểm: Lấy mẫu đơn giản, độ chính xác cao, ít khi xảy ra tình trạng âm tính giả và có thể phát hiện ra cả những dấu hiệu tiền ung thư.
  • Nhược điểm: Thời gian chờ kết quả lâu và phải có máy xét nghiệm tiên tiến, hiện đại.

2.1.4. Xét nghiệm sàng lọc VIA

Xét nghiệm VIA là dùng mắt thường quan sát, đánh giá khu vực âm đạo, cổ tử cung sau khi đã tẩy rửa sạch bằng acid acetic và cố định vùng khám.

  • Đối tượng: Thường dùng trong các bệnh viện, cơ sở y tế chưa có trang thiết bị y tế hiện đại.
  • Mục đích: Phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư ở tử cung.
  • Ưu điểm: Dễ thực hiện.
  • Nhược điểm: Phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm bác sĩ, dễ xảy ra kết quả dương tính giả.

2.1.5. Xét nghiệm Thinprep

Xét nghiệm Thinprep là xét nghiệm Pap Smear đã được cải tiến, bằng cách lấy tế bào ở cổ tử cung, tử cung cho vào lọ Thinprep rồi làm tiêu bản tự động và phân tích.

  • Đối tượng: Thường được áp dụng ở bệnh viện lớn, có trang thiết bị hiện đại.
  • Mục đích: Định hướng chẩn đoán ung thư cổ tử cung, tử cung.
  • Ưu điểm: Độ chính xác khá cao, ít khi xảy ra tình trạng âm tính giả.
  • Nhược điểm: Cần có máy móc xét nghiệm hiện đại hỗ trợ.

2.1.6. Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là dùng máy soi chiếu vào khu vực cổ tử cung nhằm phóng đại hình ảnh lên để quan sát.

  • Đối tượng: Áp dụng khi làm xét nghiệm sàng lọc VIA không phát hiện tổn thương ở cổ tử cung, nhưng người bệnh lại có dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung.
  • Mục đích: Phát hiện những tổn thương của cổ tử cung.
  • Ưu điểm: Có thể thấy được toàn bộ bên trong cổ tử cung và phát hiện các tổn thương ung thư mà mắt thường không thấy được.
  • Nhược điểm: Không phải là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, âm hộ, âm đạo có tính quyết định nhất.
Quy trình nội soi trong tầm soát ung thư phụ khoa
Dùng máy nội soi giúp bác sĩ quan sát rõ những tổn thương ở khu vực cổ tử cung

2.1.7. Soi tươi dịch âm đạo

Soi tươi dịch âm đạo là dùng mỏ vịt đưa vào âm đạo quan sát rồi lấy lượng khí hư trong âm đạo đem đi phân tích.

  • Đối tượng: Thường được chỉ định khi người bệnh xảy ra các dấu hiệu bất thường ở vùng kín.
  • Mục đích: Phát hiện nấm, vi khuẩn trong dịch âm đạo.
  • Ưu điểm: Đơn giản, dễ thực hiện, an toàn, chính xác.
  • Nhược điểm: Chỉ có tác dụng hỗ trợ việc phát hiện các bệnh ung thư phụ khoa

2.1.8. Siêu âm đầu dò âm đạo

Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp dùng máy siêu âm đầu dò để quan sát âm đạo, tử cung, cổ tử cung.

  • Đối tượng: Thường được chỉ định khi xuất hiện các dấu hiệu ung thư âm đạo.
  • Mục đích: Quan sát hình dáng và phát hiện những tổn thương ở âm đạo, tử cung, cổ tử cung.
  • Ưu điểm: Đánh giá được độ dày và cấu trúc của niêm mạc tử cung, mức độ xâm lấn của tế bào ung thư vào lớp cơ tử cung.
  • Nhược điểm: Có thể làm người bệnh hơi khó chịu. Không thấy được các cơ quan nội tạng cao hơn trên ổ bụng để đánh giá tình trạng xâm lấn.

2.1.9. Sinh thiết

Sinh thiết là bác sĩ lấy mẫu tế bào ở chỗ bị tổn thương của cổ tử cung, tử cung, âm đạo đem đi soi dưới kính hiển vi và quan sát, phân tích.

  • Đối tượng: Người khám được chỉ định khi nội soi phát hiện ra các khối u bất thường.
  • Mục đích: Xác định xem tế bào khối u là lành tính hay ác tính để chẩn đoán người bệnh có bị ung thư cổ tử cung, tử cung, âm đạo không.
  • Ưu điểm: Giúp chẩn đoán chính xác người bệnh có bị ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, âm đạo không.
  • Nhược điểm: Kết quả phụ thuộc nhiều vào trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện và thời điểm lấy mẫu.

2.1.10. Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm: chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, chụp PET CT. Là các phương pháp dùng máy móc chuyên dụng chụp lại khu vực muốn kiểm tra và quan sát trên phim/ màn hình máy tính để đánh giá.

  • Đối tượng: Thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ tế bào ung thư đã xâm lấn sang các bộ phận khác.
  • Mục đích: Đánh giá mức độ xâm lấn, di căn của các khối u ung thư ở cổ tử cung, tử cung, âm đạo, âm hộ sang hạch và các cơ quan khác.
  • Ưu điểm: Tái hiện lại được khu vực cần quan sát với độ chính xác cao, không xâm lấn, gây đau cho người bệnh.
  • Nhược điểm: Có nguy cơ gây nhiễm tia X. Một số phương pháp có chi phí cao và chỉ có thể áp dụng được tại các bệnh viện lớn.

2.2 Gói khám tầm soát ung thư buồng trứng

Dưới đây là chi tiết về gói khám tầm soát ung thư buồng trứng. Gói khám có nhiều danh mục và bác sĩ sẽ tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà quyết định thêm hay bớt các chỉ định.

I Khám lâm sàng
1 Khám Nội tổng quát – Đo chiều cao, cân nặng, đo mạch, khám tim mạch, hô hấp, tiêu hoá,…

– Phát hiện huyết áp cao nhằm phòng ngừa biến chứng do cao huyết áp gây ra (đột quỵ, nhồi máu cơ tim,..)

x
2 Soi cổ tử cung Phát hiện một số bệnh phụ khoa x
II Xét nghiệm cận lâm sàng
3 Xét nghiệm CA 125 Phát hiện sớm ung thư buồng trứng x
4 Xét nghiệm βHCG Phát hiện sớm ung thư tế bào nuôi, tế bào mầm x
III Chẩn đoán hình ảnh
5 Siêu âm ổ bụng tổng quát Phát hiện bệnh lý về gan, thận, tử cung, phần phụ, buồng trứng,… x
6 Siêu âm đầu dò âm đạo Phát hiện bệnh lý, khối u trong tử cung, buồng trứng x
Tổng kết hồ sơ, kết luận và tư vấn sức khỏe Miễn phí

Với tầm soát ung thư buồng trứng, các phương pháp cụ thể được thực hiện như sau:

2.2.1. Khám khung chậu

Khám khung chậu là phương pháp dùng tay để thăm khám các cơ quan xung quanh vùng khung chậu như: buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng.

  • Đối tượng: Là phương pháp thường được sử dụng trong tầm soát ung thư buồng trứng.
  • Mục đích: Phát hiện các điểm bất thường về hình dáng, kích thước của buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng.
  • Ưu điểm: Đơn giản, không xâm lấn.
  • Nhược điểm: Không phát hiện được các khối u quá nhỏ, nằm sâu dưới phần tiểu khung.
Quy trình khám vùng chậu trong tầm soát ung thư phụ khoa
Khám vùng chậu giúp đánh giá sơ bộ về các điểm bất thường của buồng trứng

2.2.2. Siêu âm

Siêu âm là dùng máy siêu âm phát ra sóng âm có tần số cao chiếu vào buồng trứng để tái hiện lại hình ảnh của buồng trứng.

  • Đối tượng: Có thể thực hiện cho tất cả phụ nữ muốn tầm soát ung thư buồng trứng.
  • Mục đích: Đánh giá tính chất của khối u buồng trứng.
  • Ưu điểm: Dễ thực hiện, không xâm lấn, không gây đau.
  • Nhược điểm: Hình ảnh có độ phân giải thấp. Kết quả phụ thuộc nhiều vào kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ.

2.2.3. Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư buồng trứng

Đây là phương pháp lấy máu người bệnh đi phân tích để tìm ra nồng độ của các chất chỉ điểm ung thư HE4, CA 125, CA 15-3 và CA 72-4

  • Đối tượng: Thường dùng khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị ung thư buồng trứng hoặc bắt đầu quá trình điều trị.
  • Mục đích: Phát hiện sớm các dấu ấn, hỗ trợ chẩn đoán ung thư buồng trứng tế bào nuôi, tế bào mầm trong máu.
  • Ưu điểm: Đơn giản, dễ thực hiện.
  • Nhược điểm: Không xác định được người bệnh bị ung thư buồng trứng không.

2.2.4. Sinh thiết

Sinh thiết là lấy mô ở buồng trứng đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi.

  • Đối tượng: Áp dụng cho người bệnh bị chướng bụng, thấy rõ dịch ổ bụng, nghi ngờ ung thư buồng trứng.
  • Mục đích: Đánh giá mô phân tích có phải là tế bào ung thư không.
  • Ưu điểm: Là phương pháp có tính chất quyết định xem người bệnh bị ung thư buồng trứng không.
  • Nhược điểm: Gây đau cho người bệnh và kết quả phụ thuộc vào thời điểm, bác sĩ lấy mẫu.

2.2.5. Nội soi ổ bụng

Nội soi ổ bụng là cho ống nội soi (có gắn camera, đèn chiếu) vào ổ bụng người bệnh để quan sát thông qua hình ảnh hiển trị trên máy tính.

  • Đối tượng: Được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ người khám bị các bệnh ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại tràng) di căn sang buồng trứng.
  • Mục đích: Loại trừ trường hợp ung thư tiêu hóa di căn sang buồng trứng.
  • Ưu điểm: Quan sát được khu vực bên trong ổ bụng và phân biệt được ung thư buồng trứng nguyên phát hay thứ phát.
  • Nhược điểm: Không có vai trò trong việc đánh giá người bệnh có bị ung thư buồng trứng không.

2.2.6. Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh là chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, chụp PET CT. Dùng máy móc chuyên dụng chụp lại khu vực gần buồng trứng và quan sát, đánh giá dựa trên phim/ hình ảnh trong màn hình máy tính.

  • Đối tượng: Áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ tế bào ung thư buồng trứng đã di căn sang các bộ phận khác.
  • Mục đích: Đánh giá mức độ xâm lấn, di căn của các tế bào ung thư buồng trứng sang phổi, đại tràng, tử cung, phúc mạc, gan, não…
  • Ưu điểm: Hình ảnh có độ chính xác cao, không xâm lấn, không đau và cho kết quả nhanh.
  • Nhược điểm: Không đánh giá được trực tiếp tình trạng buồng trứng. Có nguy cơ gây nhiễm tia X và một vài phương pháp giá cao.
Quy trình chụp CT trong tầm soát ung thư phụ khoa
Chụp CT giúp đánh giá di căn xa của tế bào ung thư buồng trứng đến các bộ phận khác

Hy vọng những thông tin hữu ích trên đã giúp bạn nhận biết được các loại ung thư phụ khoa và phương pháp tầm soát ung thư phụ khoa phổ biến. Hãy lựa chọn địa chỉ tầm soát ung thư phụ khoa chất lượng để có kết quả chính xác nhất. Liên hệ hotline 094 230 0707 để được tư vấn và đặt lịch tầm soát tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt.

Bảng giá có thể thay đổi theo thời gian. Để biết giá chính xác mới nhất Quý khách vui lòng gọi số 094 230 0707 để được tư vấn.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt