Chỉ số TG trong điều trị ung thư tuyến giáp có ý nghĩa quan trọng, nhằm đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Dưới đây là vai trò, cách đọc chỉ số TG trong điều trị ung thư tuyến giáp, mối quan hệ giữa TG và Anti – TG để người đọc nắm rõ.
Có thể bạn quan tâm: Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?
1. Ý nghĩa của chỉ số TG trong điều trị ung thư tuyến giáp?
TG (viết tắt của Thyroglobulin) là glycoprotein do các tế bào nang tuyến giáp sản xuất và được giải phóng vào máu cùng với các hormone khác. Chỉ số TG thường tăng trong các loại ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.
TSH là một loại hormone kích thích tuyến giáp tổng hợp và giải phóng TG. Thời gian bán hủy của TG khoảng 2-4 ngày.
Xét nghiệm TG là một xét nghiệm đo nồng độ TG có trong máu. Kết quả này là cơ sở cho việc chẩn đoán ung thư tuyến giáp và các bệnh lý khác liên quan đến tuyến giáp.
Ý nghĩa của chỉ số TG trong điều trị ung thư tuyến giáp:
- Với chẩn đoán: Chỉ số TG là một chỉ số đặc hiệu cho chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể biệt hóa như ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang và ung thư tuyến giáp tế bào Hurthle. Ngoài ra, xét nghiệm TG còn giúp giúp chẩn đoán phân biệt giữa viêm tuyến giáp bán cấp (subacute thyroiditis) với nhiễm độc giáp do thuốc, phát hiện những bệnh nhân nghi ngờ mắc cường giáp, basedow, phì đại tuyến giáp, dễ dàng xác định nguyên nhân suy giáp bẩm sinh ở trẻ em.
- Với điều trị: Xét nghiệm TG kết hợp với xét nghiệm TSH trong quá trình điều trị ung thư tuyến giáp. Đánh giá sự tổng hợp TG của tuyến giáp nhằm theo dõi và ngăn ngừa tái phát ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.
1.1. Đánh giá hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến giáp
Chỉ số xét nghiệm TG là cơ sở quan trọng giúp đánh giá hiệu quả của điều trị ung thư tuyến giáp. Nồng độ TG tăng hay giảm sau điều trị sẽ giúp chúng ta biết rằng đã loại bỏ hoàn toàn khối u hay chưa.
Tuyến giáp là cơ quan duy nhất sản sinh ra TG, sau phẫu thuật, nồng độ TG sẽ thấp và gần như bằng không. Chính vì vậy xét nghiệm TG là một xét nghiệm rất cần thiết sau khi bệnh nhân đã phẫu thuật tuyến giáp.
1.2. Theo dõi ung thư tuyến giáp tái phát
Cơ thể của chúng ta luôn có xu hướng chống lại các tác nhân gây bệnh và bảo vệ bản thân bằng cách sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu. Tác nhân gây bệnh chính là kháng nguyên. Một kháng thể là đặc hiệu của một kháng nguyên nếu khi kháng thể gắn vào dị nguyên, hệ miễn dịch sẽ nhận biết và tiêu diệt chính xác. Trong trường hợp hormon TG thì Anti – TG chính là kháng thể của TG.
Khi đã cắt bỏ tuyến giáp mà nồng độ TG vẫn tăng lên, chúng ta cần thêm xét nghiệm Anti – TG để loại bỏ trường hợp âm tính giả. Anti – TG dương tính làm tăng nguy cơ người bệnh có tổn thương di căn hoặc tái phát ung thư tuyến giáp.
1.3. Xét nghiệm TG và Anti – TG chỉ định khi nào?
Xét nghiệm TG và Anti – TG được chỉ định trong chẩn đoán bệnh lý và hỗ trợ điều trị, theo dõi ung thư tuyến giáp tái phát.
1.3.1. Chỉ định trong chẩn đoán bệnh lý
Do TG và Anti – TG là 2 thông số thể hiện chức năng tuyến giáp nên các bất thường ở tuyến giáp sẽ khiến các chỉ số này thay đổi.
Với ung thư tuyến giáp, xét nghiệm này có khả năng gợi ý các tổn thương dạng nhú và dạng nang do tế bào ác tính tăng sản xuất TG. Các thể khác do mức độ biệt hóa kém nên xét nghiệm này giảm độ nhạy cảm.
Anti – TG được chỉ định kèm theo nhằm loại bỏ các trường hợp âm tính giả hoặc dương tính giả do có sử dụng các thuốc tác động lên tuyến giáp trong quá trình điều trị.
1.3.2. Chỉ định trong hỗ trợ điều trị và theo dõi tái phát
TG là một trong các xét nghiệm được thực hiện trước và sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp nhằm đánh giá hiệu quả điều trị. Khi giá trị TG giảm tuần tự sau mổ là báo hiệu ca phẫu thuật thành công.
Ngoài ra sau thời gian điều trị, người bệnh cần theo dõi để tránh tái phát ung thư và TG là một chỉ số rất hữu hiệu. Khi chỉ số này tăng lên một cách bất thường sẽ đặt ra các nghi ngại về tái phát, cần được thăm khám và theo dõi sâu.
Một số trường hợp ung thư tuyến giáp ít triệu chứng, chỉ số TG thấp nhưng Anti – TG dương tính thì cần phác đồ kích thích tế bào giáp bằng hormone nhân tạo. Sau khi sử dụng thuốc kích giáp, nếu chỉ số TG tăng cao thì báo hiệu nguy cơ tái phát ung thư.
2. Cách đọc chỉ số TG trong điều trị ung thư tuyến giáp
Chỉ số TG biến động, có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào trạng thái của người bệnh. Nắm rõ cách đọc chỉ số TG sẽ giúp người bệnh biết được mình đang ở tình trạng nào.
2.1. Chỉ số TG ở mức bình thường
Giá trị TG ở người bình thường: 3 – 40 ng/mL. Trong dân số có khoảng 9% dân cư có chỉ số này luôn thấp dưới ngưỡng 10ng/mL. Chỉ số này thay đổi nhiều trong tháng phụ thuộc vào mức độ hoạt động và các chu kỳ cơ thể. Nên so sánh và theo dõi chỉ số TG dựa trên cùng một hệ máy xét nghiệm do có sự chênh lệch theo bộ kit đi kèm máy.
2.2. Chỉ số TG tăng lên
Chỉ số TG tăng khi kết quả xét nghiệm > 40 ng/mL. Chỉ số TG tăng lên trong các trường hợp:
- Các thể ung thư biệt hóa tuyến giáp chưa được điều trị hoặc đã đến giai đoạn di căn (Lưu ý: Đối với ung thư tuyến giáp anaplastic không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy cùng một số ung thư hiếm gặp khác thì TG không tăng).
- Tái phát bệnh sau phẫu thuật hoặc hóa trị liệu.
- Ung thư tuyến giáp di căn sau những đợt điều trị ban đầu.
- Một số bệnh tuyến giáp lành tính như : Basedow, viêm tuyến giáp cấp, u giáp lành tính, u hạch lành tính,…
2.3. Chỉ số TG giảm đi
Chỉ số TG giảm đi khi kết quả xét nghiệm < 3 ng/mL. Chỉ số TG giảm đi trong các trường hợp:
- Đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoàn toàn.
- Nhiễm độc tuyến giáp nhân tạo sau điều trị các thuốc kháng giáp như I-131.
- Suy giáp do bướu cổ ở trẻ em.
- Thiếu hụt bẩm sinh do thiểu năng tuyến giáp.
3. Một số lưu ý khi làm xét nghiệm TG
Xét nghiệm TG không khuyến cáo sử dụng nhằm mục đích sàng lọc bệnh nhân không có triệu chứng ung thư tuyến giáp. Điều này được lý giải vì tỉ lệ ung thư tuyến giáp trong cộng đồng còn thấp và nồng độ TG có thể tăng trong các bệnh lý tuyến giáp lành tính. Vì vậy, chỉ nên tầm soát ung thư tuyến giáp khi có những triệu chứng nghi ngờ và các yếu tố nguy cơ về lối sống cũng như di truyền.
Xét nghiệm TG cũng không được sử dụng để chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp. Đây chỉ là xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, cũng như đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát ung thư tuyến giáp
Chẩn đoán xác định bệnh nhân có mắc ung thư tuyến giáp hay không đòi hỏi bác sĩ phải thực hiện thêm các xét nghiệm nội tiết như T3, T4, TSH kết hợp với chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết. TG có giá trị lớn trong việc hỗ trợ điều trị người bệnh đặc biệt trong giai đoạn thử nghiệm lựa chọn phác đồ và theo dõi tái phát ung thư.
Nói tóm lại, chỉ đơn lẻ kết quả tăng TG không có ý nghĩa chẩn đoán ung thư tuyến giáp.
4. Mối quan hệ giữa TG và Anti – TG
TG và Anti-Tg là mối quan hệ giữa kháng nguyên và kháng thể. Kết hợp xét nghiệm TG và Anti-Tg không giúp chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Hai xét nghiệm này đồng thời kết hợp với nhau để theo dõi khả năng tái phát của ung thư cũng như hiệu quả điều trị sau phẫu thuật.
Ở cơ thể bình thường, Thyroglobulin (TG) là một loại glycoprotein được sản xuất từ tế bào nang của tuyến giáp và giải phóng vào máu cùng các hormone khác. Nếu tế bào sản sinh ra TG một cách nhanh chóng và mất kiểm soát sẽ hình thành khối u và phát triển thành bệnh ung thư tuyến giáp biệt hóa.
Sau khi phẫu thuật, tuyến giáp sẽ bị cắt bỏ hoàn toàn và tiếp tục điều trị bằng I-131. Khi tuyến giáp bị cắt bỏ, lượng Thyroglobulin sẽ không còn được sản xuất và chỉ số gần bằng không. Chính vì vậy, sự xuất hiện lại của TG là dấu hiệu để đánh giá hiệu quả điều trị sau phẫu thuật cũng như theo dõi tái phát của ung thư tuyến giáp biệt hóa. Nếu nồng độ này tăng lên, có thể là tín hiệu của ung thư di căn hoặc tái phát.
Hệ thống miễn dịch tự nhiên của con người có khả năng tự sản sinh ra kháng thể kháng TG (Anti – TG) để bảo vệ cơ thể. Hệ thống miễn dịch của cơ thể ở 15-20% số bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Do đó, sẽ có một lượng tương ứng kháng nguyên TG được kết hợp với kháng thể Anti – TG trong máu và đồng thời làm giảm nồng độ TG vốn có của cơ thể – hay còn gọi là âm tính giả. Vì vậy, để có thể biết được chính xác cơ thể đó còn hormone TG hay không, cần làm xét nghiệm Anti – TG kết hợp cùng xét nghiệm TG.
5. Chi phí xét nghiệm TG trong điều trị ung thư tuyến giáp
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mức chi phí cho xét nghiệm TG chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên mức giá trung bình dao động khoảng 330.000 – 350.000 đồng cho 1 lần xét nghiệm TG và xét nghiệm Anti- TG khoảng 320.000 đồng.
Ngoài ra bệnh nhân cần phải chi trả thêm chi phí cho những xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định. Ví dụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm màu tuyến giáp khoảng 220.000 đồng và sinh thiết tuyến giáp (800.000 – 1.000.000 đồng).
Chi phí xét nghiệm cũng sẽ thay đổi tùy vào lựa chọn của khách hàng với các tiêu chí như:
- Các dịch vụ cần thực hiện (các chỉ định – nhiều hay ít, phương pháp đó phức tạp hay đơn giản).
- Gói khám: Cơ bản hay nâng cao.
- Địa chỉ khám: Có giấy phép, uy tín, nhiều người lựa chọn.
- Đội ngũ y bác sĩ: Chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, khả năng đọc kết quả nhanh và chính xác.
- Máy móc thực hiện: Đời mới, hiện đại, cập nhật thường xuyên.
- Cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ y tế: Tốt, khang trang, phục vụ tận tình.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn các thắc mắc về chỉ số TG trong điều trị ung thư tuyến giáp. Tuy có ý nghĩa quan trọng nhưng chỉ đơn độc kết quả chỉ số TG không thể đưa tới kết luận gì. Trong bất kỳ tình huống y khoa nào, người bệnh nên được tư vấn và chăm sóc bới hệ thống y tế có uy tín, trách nhiệm.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm:
- Tin tức & các chương trình khuyến mại tại Hưng Việt
- Theo dõi Fanpage cung cấp Kiến thức: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân: Fanpage của Hệ thống Hưng Việt
BS CKII Chuyên khoa Tuyến giáp Nguyễn Tiến Lãng
ĐH Y Hà Nội
Với gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề, trong đó có hơn 30 năm phẫu thuật tuyến giáp với hơn 10.000 ca ung thư tuyến giáp, Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Lãng đã có nhiều công trình nghiên cứ khoa học: công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về phẫu thuật nội soi ung thư tuyến giáp, công trình nghiên cứu cấp Bộ về phẫu thuật tuyến giáp, công trình nghiên cứu cấp Cơ sở về phẫu thuật tuyến giáp và các mặt bệnh tuyến giáp nói chung, báo cáo đánh giá kết quả phẫu thuật ung thư tuyến giáp…