Điều trị ung thư vú giai đoạn 2: Chuyên gia giải đáp 7 câu hỏi thường gặp

5/5 - (1 bình chọn)

Điều trị ung thư vú giai đoạn 2 cần sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Việc áp dụng phương pháp điều trị nào tùy thuộc vào sự tiến triển của khối u, sức khỏe của từng bệnh nhân. Để có cái nhìn rõ hơn về điều trị ung thư vú, hãy cùng các chuyên gia Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt giải đáp 7 câu hỏi thường gặp dưới đây.

1. Ung thư vú giai đoạn 2 sống được bao lâu?

Theo hệ thống phân loại T.N.M, giai đoạn 2 của ung thư vú bao gồm:

  • Giai đoạn 2A: 
    • Khối u từ 2cm trở xuống ở vú và có sự di căn đến 1 – 3 hạch bạch huyết lân cận.
    • Khối u vú lớn hơn 2 nhưng không quá 5cm và không di căn đến hạch bạch huyết lân cận. 
  • Giai đoạn 2B:
    • Khối u vú nhiều hơn 2 nhưng không quá 5cm và có di căn đến 1 – 3 hạch bạch huyết lân cận.
    • Khối u lớn hơn 5cm nhưng chưa di căn đến hạch bạch huyết lân cận.
Ung thư vú giai đoạn 2
Ung thư vú giai đoạn 2 có tiên lượng khá tốt

Giai đoạn 2 được coi là một trong các giai đoạn đầu của ung thư vú nên tiên lượng của bệnh khá tốt. Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, ung thư vú giai đoạn 2 đã hoàn thành điều trị có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 93%

Tuy nhiên, con số này chỉ là ước tính dựa trên kết quả thống kê một số lượng lớn những người mắc trước đó, nó không chính xác với bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Ngày nay các phương pháp điều trị đã được cải thiện rất nhiều, vì vậy người bệnh có thể có thời gian sống ước lâu hơn nếu mới được chẩn đoán. 

Có thể bạn quan tâm:

Điều trị ung thư vú mất bao lâu theo từng phương pháp?

2. Có bao nhiêu phương pháp điều trị ung thư vú giai đoạn 2?

Điều trị ung thư vú giai đoạn 2 là điều trị đa mô thức, nghĩa là cần có sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Điều trị thường bao gồm:

  • Điều trị tại chỗ: Gồm phẫu thuật và xạ trị.
  • Điều trị toàn thân: Gồm hóa trị, liệu pháp hormone hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu.

Trong đó, phẫu thuật (cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ vú) kết hợp với hóa trị bổ trợ thường được khuyến khích. Xạ trị được khuyến nghị sau khi cắt bỏ khối u, nhưng có thể cần hoặc không sau khi cắt bỏ vú. 

3. Các phương pháp điều trị ung thư vú giai đoạn 2

Các phương pháp điều trị ung thư vú giai đoạn 2 gồm phẫu thuật, điều trị tân bổ trợ, điều trị bổ trợ, cụ thể như sau:

3.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật bảo tồn:  

  • Mục đích: Cắt bỏ khối u và một phần nhỏ nhu mô vú xung quanh. 
  • Chỉ định: Có một khối u có kích thước nhỏ dưới 3cm, chưa có di căn hạch vùng hoặc số lượng hạch di căn ít. 
  • Chống chỉ định: Ung thư vú đa ổ, ung thư vú trong 6 tháng đầu thời kỳ mang thai, u có kích thước lớn, u nằm dưới núm vú.
  • Cách thức: Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ cắt bỏ khối ung thư cùng một ít nhu mô vú xung quanh. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được thực hiện xạ trị bổ trợ. Lưu ý, bác sĩ sẽ cần kiểm tra sau phẫu thuật xem có còn tế bào ung thư không, nếu còn phải phẫu thuật lại. 

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và vét hạch nách:

  • Mục đích: Cắt bỏ tuyến vú có khối ung thư và nạo vét hạch nách. 
  • Chỉ định: Khối u kích thước lớn hay có nhiều khối u trong tuyến vú.
  • Chống chỉ định: Ung thư vú thể viêm.
  • Cách thức: Sau khi gây mê người bệnh, phẫu thuật viên sẽ thực hiện cắt bỏ tuyến vú bên bệnh và các hạch bạch huyết. Toàn bộ nhu mô vú, da xung quanh tổn thương và núm vú bị cắt bỏ, chỉ để lại da và cơ thành ngực.
Phẫu thuật ung thư vú
Phẫu thuật ung thư vú bao gồm cắt bỏ tuyến vú và cắt bỏ khối u

Vét hạch nách: 

  • Đây là thủ thuật thường quy nhằm 2 mục đích là loại bỏ hạch nách di căn và dự phòng di căn hạch xâm lấn vào hạch khoẻ mạnh. 
  • Tùy thuộc vào sự di căn hạch nách mà phẫu thuật viên sẽ loại bỏ các chặng hạch nách khác nhau. Nếu trên lâm sàng không thấy di căn hạch nách thì chỉ cần vét hạch chặng I, II. Nếu khi vét hạch chặng I, II thấy di căn thì nên vét tiếp hạch chặng III.

Sinh thiết hạch cửa (hạch gác):

  • Mục đích: Phát hiện sự di căn của tế bào ung thư vú đến hạch cửa để có kế hoạch điều trị hợp lý. 
  • Chỉ định: Không thấy di căn hạch trên lâm sàng hoặc nghi ngờ có di căn hạch cửa.
  • Cách thức thực hiện: Xác định vị trí của hạch bạch huyết bằng thuốc nhuộm hoặc chất đánh dấu phóng xạ. Sau đó loại bỏ hạch bạch huyết và kiểm tra hạch có tế bào ung thư không. Nếu hạch cửa âm tính thì không cần vét hạch nách. Nếu hạch cửa dương tính thì tiến hành vét hạch nách thường quy.

Phẫu thuật tái tạo tuyến vú:

  • Mục đích: Phục hồi tính thẩm mỹ của tuyến vú.
  • Chỉ định: Khi bệnh nhân có nhu cầu.
  • Cách thức: Sử dụng chất liệu ngoại lai hoặc vạt da cơ tự thân hoặc kết hợp cả hai. Có thể tiến hành ngay trong cùng cuộc phẫu thuật với cắt tuyến vú hoặc sau khi cắt tuyến vú một thời gian.

Phẫu thuật tái tạo vú tức thì:

  • Mục đích: Cắt bỏ vú và phục hồi tính thẩm mỹ của người bệnh.
  • Chỉ định: Người bệnh có nhu cầu tái tạo vú và có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật.
  • Chống chỉ định: Sức khỏe người bệnh yếu, không đủ sức để thực hiện phẫu thuật.
  • Cách thức thực hiện: Sau khi cắt bỏ tuyến vú, phẫu thuật viên sẽ sử dụng các vật liệu ngoại lai hoặc vạt da cơ tự thân để tái tạo tuyến vú.

3.2. Điều trị tân bổ trợ

Điều trị tân bổ trợ là những phương pháp được thực hiện trước trong phác đồ điều trị ung thư vú giai đoạn 2 nhằm thu nhỏ kích thước khối u để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn. Các phương pháp này bao gồm hóa trị, điều trị nội tiết và điều trị đích. 

Với khối u có kích thước lớn và bệnh nhân có nhu cầu bảo tồn tuyến vú, cần thực hiện hóa trị tân bổ trợ. Nếu khối u có đáp ứng thì điều trị phẫu thuật bảo tồn khi đủ tiêu chuẩn. Nếu khối u không đáp ứng với hóa trị hoặc bệnh tiến triển thêm, cần phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và hạch nách.

Hóa trị
Hóa trị tân bổ trợ giúp phẫu thuật thuận lợi hơn

Có thể kết hợp hóa trị với kháng HER2 (trastuzumab) trong điều trị tân bổ trợ với bệnh nhân có HER2 dương tính. Tuy nhiên, không dùng đồng thời kháng HER2 với anthracycline.

Điều trị nội tiết tân bổ trợ đơn thuần hoặc kết hợp điều trị đích được chỉ định khi người bệnh không thể hóa trị.

Lưu ý: Bệnh nhân có thai không được hóa trị trong 3 tháng đầu nếu muốn giữ thai. Với các tháng tiếp theo, chỉ dùng các thuốc ít gây hại cho thai nhi như doxorubicin, cyclophosphamide, taxane, 5 fluorouracil… Thuốc kháng HER2 và điều trị nội tiết không dùng trong suốt thời kỳ mang thai.

3.3. Hóa trị và điều trị đích bổ trợ

Sau khi phẫu thuật, điều trị bổ trợ toàn thân nên được thực hiện khi đã cân nhắc giữa lợi ích giảm nguy cơ tái phát, di căn với độc tính của chúng. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân thì điều trị được khuyến nghị là:

  • Thể lòng ống A: Điều trị nội tiết đơn thuần.
  • Thể lòng ống B – HER2 âm tính: Kết hợp giữa hóa trị và điều trị nội tiết.
  • Thể lòng ống B – HER2 dương tính: Kết hợp hóa trị, kháng HER2 và điều trị nội tiết.
  • HER2 dương tính (không lòng ống): Kết hợp hóa trị và kháng HER2.
  • Bộ ba âm tính (thể ống – ductal): Hóa trị.

Có nhiều phác đồ hóa trị khác nhau có thể áp dụng điều trị bổ trợ. Bệnh nhân cần lưu ý nên dùng đủ liều, đủ lượng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất. 

Trường hợp đã điều trị tân bổ trợ với hóa trị và kháng HER2, nếu không còn tế bào ung thư trên mô bệnh học sau phẫu thuật, người bệnh cần duy trì trastuzumab cho đủ 1 năm. Nếu tế bào ung thư còn tồn tại thì bệnh nhân có thể cần sử dụng T-DM1 14 đợt.

3.4. Xạ trị bổ trợ

Chỉ định: 

  • Sau phẫu thuật bảo tồn
  • Sau phẫu thuật cắt tuyến vú triệt căn nếu có di căn hạch nách.
  • Diện cắt dương tính nhưng không thể cắt lại được

Trước khi xạ trị, bác sĩ cần lập kế hoạch xạ trị cho từng bệnh nhân. Các kỹ thuật mới như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị theo vòng cung điều biến thể tích (VMAT) nên được áp dụng vì cho liều xạ tối ưu tại u và giảm các tác dụng có hại tới mô lành.

Xạ trị - Điều trị ung thư vú giai đoạn 2
Xạ trị bổ trợ giúp ngăn ngừa sự tái phát, di căn của ung thư vú

3.5. Điều trị nội tiết bổ trợ

Chỉ định: Bệnh nhân dương tính với thụ thể nội tiết hoặc không rõ.

  • Bệnh nhân còn kinh: Nếu có yếu tố nguy cơ cao đặc biệt là dưới 35 tuổi, nên phối hợp ức chế buồng trứng hoặc cắt buồng trứng và tamoxifen. Nếu có nguy cơ thấp có thể điều trị tamoxifen đơn thuần.
  • Bệnh nhân đã mãn kinh: Có thể sử dụng AI từ đầu trong 5 năm hoặc dùng AI 2 – 3 năm rồi chuyển sang tamoxifen cho đủ 5 năm. Nếu có chống chỉ định AI, không dung nạp AI nên dùng tamoxifen trong 5 – 10 năm.
  • Bệnh nhân nam: Nếu có ER dương tính, cần điều trị nội tiết bổ trợ bằng tamoxifen hoặc dùng chất đồng vận GnRH kết hợp AI nếu có chống chỉ định tamoxifen.
  • Bệnh nhân có thai: Chỉ sử dụng điều trị nội tiết sau khi đình chỉ thai nghén hoặc sau sinh.
Điều trị nội tiết
Điều trị nội tiết bổ trợ khi bệnh nhân dương tính với thụ thể nội tiết

Đánh giá và điều trị ung thư vú

Tìm hiểu thêm:

4. Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2 có ăn được sản phẩm từ đậu nành không?

Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2 có thể ăn được đậu nành. Các chuyên gia Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt giải thích rằng: 

Đậu nành chứa isoflavone, chất hóa học giống estrogen. Sự tương đồng giữa isoflavone và estrogen làm nhiều người lầm tưởng ăn đậu nành có thể gây ung thư vú do trong đó có Educate. Tuy nhiên, không có nghiên cứu trên người nào cho thấy mối liên hệ giữa ăn đậu nành và mắc bệnh ung thư vú. 

Bên cạnh đó, có một số nghiên cứu cho rằng đậu nành có thể giúp chống lại ung thư vú. 

  • Một phân tích tổng hợp năm 2014 của nghiên cứu trên Tạp chí Plos One cho thấy tại các nước phương Tây, đậu nành có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư vú ở những người sau mãn kinh. 
  • Hay một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, 5000 người sống sót sau ung thư vú thuộc Nghiên cứu về sự sống còn của bệnh ung thư vú ở Thượng Hải và những người ăn đậu nành có nguy cơ tử vong và tái phát thấp hơn.
Đậu nành
Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2 ăn được các sản phẩm từ đậu nành

Hơn thế nữa, đậu nành chứa nhiều chất đạm với nhiều loại acid amin cần thiết cho sức khỏe của người bệnh. Nó rất tốt để thay thế cho thịt động vật vì có ít cholesterol. Lượng đậu nành được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo là khoảng 25g mỗi ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh ung thư vú giai đoạn 2 cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuân theo một số nguyên tắc sau:

  • Ăn uống đầy đủ và cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng: Protein, lipid, glucid, vitamin và khoáng chất để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Ăn ít thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu, thịt dê…), thịt đã qua chế biến (giò, chả, xúc xích…), thức ăn nhanh (hamburger, khoai tây chiên…)
  • Ăn nhiều các loại thịt trắng như cá, hải sản…, rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa.
  • Vận động thể dục thể thao thường xuyên, khoảng 30 – 60 phút/ngày để tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể cân đối. 

5. Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2 có mang thai được không?

Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2 có thể mang thai nếu chức năng buồng trứng của người bệnh còn hoạt động tốt. 

Điều này đã được chứng minh từ nhiều nghiên cứu khác nhau đã được Hiệp hội Điều trị khối u Hoa Kỳ phát hành vào tháng 1/2001. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Nguy cơ tái phát ung thư vú không bị ảnh hưởng với những thai phụ có thai sau điều trị ung thư. 

Các nghiên cứu khuyến cáo, bệnh nhân nên mang thai sau khi điều trị và theo dõi trong 2 năm. Nguyên nhân là vì trong 2 năm đầu, nguy cơ tái phát ung thư vú là cao nhất. Sau 2 năm, nguy cơ tái phát sẽ ít đi vì vậy việc mang thai sẽ an toàn hơn. 

Tuy nhiên, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để quyết định thời điểm mang thai phù hợp nhất.

Bệnh nhân ung thư vú mang thai
Bệnh nhân ung thư vú có thể mang thai

6. Chi phí điều trị ung thư vú giai đoạn 2 hết bao nhiêu?

Nhìn chung, chi phí điều trị ung thư vú giai đoạn 2 khá cao, bao gồm nhiều chi phí như:

  • Chi phí xét nghiệm: Khoảng 1,5 – 2 triệu đồng.
  • Chi phí điều trị:
    • Phẫu thuật: 6 triệu đồng.
    • Hóa trị: 50 – 60 triệu đồng.
    • Xạ trị: 3 – 7 triệu đồng/lần.
  • Viện phí: Khoảng 100.000 – 5.000.000 đồng/ngày.
  • Chi phí thuốc men: 5 – 10 triệu đồng.
  • Chi phí đi lại và sinh hoạt: 1 – 5 triệu đồng.
  • Chi phí thăm khám định kỳ: 1 – 2 triệu đồng.

Chi phí điều trị thường không cố định, luôn thay đổi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Phương pháp điều trị được thực hiện.
  • Cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện.
  • Gói dịch vụ người bệnh lựa chọn.
  • Chế độ bảo hiểm…. 
Chi phí điều trị
Chi phí điều trị ung thư vú giai đoạn 2 phụ thuộc vào nhiều yếu tố

7. Điều trị ung thư vú giai đoạn 2 ở đâu?

Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng gia tăng, nhu cầu điều trị cũng tăng lên. Dưới đây là một số địa chỉ điều trị ung thư uy tín tại nước ta.

Bệnh viện K: cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng chống ung thư với gần 100 năm truyền thống.

  • Địa chỉ: 
    • Cơ sở 1: 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    • Cơ sở 2: Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội
    • Cơ sở 3: 30 Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội 
  • Hotline: 1900 886 684
  • Website: https://benhvienk.vn/

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: bệnh viện chuyên khoa ung bướu tư nhân đầu tiên tại miền Bắc.

  • Địa chỉ: 34 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội 
  • Hotline: 0942 230 707
  • Website: https://benhvienungbuouhungviet.vn/
Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt - Điều trị ung thư vú giai đoạn 2
Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là địa chỉ đáng tin cậy cho người bệnh ung thư vú

Trên đây là câu trả lời cho 7 câu hỏi thường gặp về điều trị ung thư vú giai đoạn 2. Nếu có thắc mắc về điều trị ung thư vú, vui lòng liên hệ Hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: 094 230 0707 để được tư vấn miễn phí.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt