Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ngày càng trẻ hóa, xuất hiện nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nhận biết chính xác dấu hiệu trẻ bị ung thư tuyến giáp giúp cha mẹ có thể đưa con đi khám chữa kịp thời và điều trị hiệu quả. Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
1. Thực trạng ung thư tuyến giáp ở trẻ em
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý xảy ra khi các tế bào ác tính hình thành trong các mô của tuyến giáp. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở trẻ em, sau ung thư não và ung thư máu (bạch cầu cấp).
Theo ThS.BS Mai Văn Sâm (Đại học Y Hà Nội), ung thư tuyến giáp chiếm từ 1 – 5% trong số các bệnh ung thư trẻ em. Ở trẻ em, các nhân tuyến giáp có nguy cơ biến đổi thành ung thư cao hơn nhiều so với người lớn, khoảng 26,4 – 36%, tức là cứ 100 trẻ có nhân giáp thì gần 1/3 trong số đó có nguy cơ bị mắc ung thư.
Số lượng bé gái mắc ung thư tuyến giáp nhiều hơn bé trai, theo tỷ lệ 4:1. Nhiều trẻ em còn bị mắc cả hai dạng ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến giáp thể nhú và thể tủy. Vì vậy, việc phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của bệnh là rất quan trọng ở cả cha mẹ và đội ngũ chăm sóc y tế nhi khoa.
2. 3 loại ung thư tuyến giáp thường gặp ở trẻ em
Ở trẻ em, có 3 dạng ung thư tuyến giáp thường gặp nhất là ung thư tuyến giáp thể nhú (chiếm khoảng 90%), ung thư tuyến giáp thể nang (khoảng 4%) và ung thư tuyến giáp thể tủy chiếm tỷ lệ còn lại.
- Ung thư tuyến giáp thể nhú: Là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất ở trẻ em và ở thanh thiếu niên. Ung thư tuyến giáp thể nhú xảy ra ở những tế bào sản xuất hormone tuyến giáp có chứa Iốt và thường xuất hiện ở cả hai bên của tuyến giáp. Tế bào ung thư dạng này thường lan đến các hạch bạch huyết ở cổ và cũng có thể di căn xa hơn, lan đến cả phổi, thực quản. Tuy nhiên, cơ hội chữa khỏi của hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú đều rất tốt.
- Ung thư tuyến giáp thể nang: Đây cũng là dạng ung thư thường phát triển ở những tế bào sản xuất hormone trong tuyến giáp, được tạo thành từ một nhân giáp và thường chỉ tìm thấy ở một thùy tuyến giáp. Các tế bào ung thư có khả năng di căn, thường lan đến xương và phổi nhưng hiếm khi lan đến các hạch bạch huyết ở cổ. Dạng ung thư này thường được phát hiện ở những người trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên, ít gặp hơn ở trẻ nhỏ. Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể này cũng rất tốt.
- Ung thư tuyến giáp thể tủy: Là dạng ung thư thường hình thành từ các tế bào sản xuất calcitonin trong tuyến giáp, đây là một hormone kiểm soát nồng độ canxi trong máu và trong xương. Bệnh thường liên quan đến yếu tố di truyền liên quan đến gen RET và hội chứng tân sinh đa tuyến nội tiết loại 2 (MEN 2). Ung thư tuyến giáp thể tủy hay gặp nhất ở trẻ em từ 4 tuổi trở xuống và rất dễ di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ em mắc hội chứng MEN2 cũng có thể có nguy cơ phát triển u tủy thượng thận hoặc cường cận giáp.
- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Dạng ung thư tuyến giáp này chưa được ghi nhận ở trẻ em.
Dấu hiệu trẻ bị ung thư tuyến giáp thường gặp bao gồm: Cổ trẻ bị sưng hoặc sờ thấy một khối u ở cổ. Trẻ bị khó thở, khó nuốt, khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên.
Với mỗi dạng ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang, thể tủy ở trẻ thì dấu hiệu nhận biết bệnh lại khác nhau. Cụ thể như sau.
3. Dấu hiệu trẻ bị ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc nang
Trẻ em bị mắc bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc nang có thể xuất hiện một số dấu hiệu đặc biệt. Các dấu hiệu này có thể xuất hiện độc lập hoặc kết hợp tùy thuộc vào tuổi, thể trạng và giai đoạn của bệnh.
3.1. Xuất hiện khối u ở cổ
Khối u ở cổ là triệu chứng dễ nhận biết nhất ở trẻ em bị ung thư tuyến giáp. Khối u có thể sờ thấy như một khối cứng hoặc linh động ở tuyến giáp. Trẻ có thể kêu đau khi sờ vào khối u này.
3.2. Sưng hạch bạch huyết ở cổ
Hạch bạch huyết một hoặc hai bên cổ sưng có thể khiến trẻ bị lệch một bên mặt. Sưng hạch bạch huyết có thể bị lẫn với bệnh quai bị nên nhất thiết cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định đúng bệnh.
3.3. Khó nuốt
Do khối u phát triển dần lên, chèn ép vào thực quản nên trẻ sẽ bị nuốt vướng, khó nuốt. Trẻ có thể kêu đau khi ăn và nuốt. Khối u trước cổ cũng di động theo nhịp nuốt.
3.4. Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói
Khối u ung thư phát triển, chèn ép vào dây thanh âm nên trẻ có thể bị khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói. Triệu chứng này có thể lẫn với chứng viêm họng, viêm thanh quản.
3.5. Có cảm giác khó thở
Khi u xâm lấn vào khí quản, trẻ còn có cảm giác khó thở, thở khò khè. Nhiều trẻ không nằm được mà phải ngồi thở. Triệu chứng này dễ lẫn với bệnh hen phế quản.
4. Dấu hiệu trẻ bị ung thư tuyến giáp thể tủy
Ở những trẻ em bị mắc ung thư tuyến giáp thể tủy, tế bào ung thư thường hình thành từ các tế bào sản xuất calcitonin, một hormone kiểm soát nồng độ canxi trong máu và trong xương nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh lý trong cơ thể đang phát triển ở trẻ em.
Do vậy, ngoài các dấu hiệu giống ung thư thể nhú hoặc thể nang như trên thì trẻ mắc ung thư tuyến giáp thể tủy còn xuất hiện thêm một số dấu hiệu khác như:
- Môi, lưỡi hoặc mí mắt bị sưng nhưng không đau.
- Khô mắt, không có nước mắt hoặc khó chảy nước mắt.
- Phân khô, cứng, táo bón.
- Đặc biệt là xuất hiện hội chứng Marfan: Đây là hội chứng đặc trưng của người bị mắc bệnh liên quan đến hormone sinh trưởng. Biểu hiện của bệnh là: Bệnh nhân cao và gầy, có ngực bị lõm, cánh tay, chân, ngón tay và ngón chân dài. Mặc dù cơ chế của các triệu chứng này do tế bào ung thư tuyến giáp thể tủy gây ra còn chưa rõ, nhưng cha mẹ nên cân nhắc đưa trẻ đi khám ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên.
5. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp ở trẻ em
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư tuyến giáp ở trẻ em, bao gồm:
5.1. Tiếp xúc với bức xạ
Trẻ em rất nhạy cảm với môi trường có các tia phóng xạ. Trẻ bị phơi nhiễm với tia phóng xạ hoặc môi trường có phóng xạ đều dễ bị mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
5.2. Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến giáp
Khoảng 70% bệnh nhi ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình như bố, mẹ hoặc anh chị em đều đã từng mắc bệnh.
5.3. Có yếu tố di truyền
Các yếu tố di truyền ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư tuyến giáp ở trẻ:
- Có gene APC (adenomatous polyposis coli gene) là gene ức chế sự phát triển của khối u polyp nhô ra từ màng nhầy.
- Các yếu tố di truyền liên quan đến gen RET và hội chứng tân sinh đa tuyến nội tiết loại 2 (MEN 2).
- Hội chứng DICER: Một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư thận, tuyến giáp, buồng trứng, cổ tử cung, tinh hoàn, não, mắt và niêm mạc phổi. Các khối u có thể lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư).
- Carney complex: Là một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp đặc trưng bởi sự gia tăng nguy cơ của một số loại khối u ở tim và các tuyến nội tiết.
- Hội chứng khối u hamartoma PTEN: Khối u lành tính thường xuất hiện ở các cơ thể đang phát triển như trẻ em.
- Hội chứng Werner: Do đột biến trong gen WRN, gen này tạo ra một loại protein liên quan đến quá trình sửa chữa DNA, gây bệnh lão hóa sớm bắt đầu từ đầu tuổi vị thành niên hoặc thanh niên và tăng nguy cơ ung thư.
Những yếu tố di truyền này rất quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán và phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp ở trẻ trong giai đoạn sớm, tăng hiệu quả điều trị.
6. Cách điều trị ung thư tuyến giáp ở trẻ em
Trẻ em bị ung thư tuyến giáp nên được thăm khám và lập phác đồ điều trị bởi một đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa điều trị ung thư ở trẻ em. Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp ở trẻ em là:
- Phẫu thuật
- Liệu pháp Iốt phóng xạ
- Liệu pháp nhắm mục tiêu
- Liệu pháp thay thế hormone
6.1. Điều trị ung thư tuyến giáp thể nang và thể nhú
Phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nang và thể nhú). Hình thức phẫu thuật thường là cắt bỏ toàn bộ hoặc bán phần tuyến giáp.
- Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp: Loại bỏ toàn bộ tuyến giáp và các hạch bạch huyết gần khối ung thư.
- Cắt bán phần tuyến giáp: Loại bỏ tất cả trừ một phần rất nhỏ của tuyến giáp.
Ở nhiều trẻ em, bệnh thường chỉ được phát hiện khi khối u đã tiến triển và có thể đã di căn nên việc phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp sẽ giúp làm giảm nguy cơ tái phát ung thư tuyến giáp ở trẻ sau này.
Liệu pháp xạ trị bằng Iốt phóng xạ là sử dụng một loại thuốc chứa I-131 có tác dụng tìm và phá hủy bất kỳ mô tuyến giáp nào còn sót lại sau khi phẫu thuật. Phương pháp này cũng được chỉ định cho trẻ không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u trong tuyến giáp.
Liệu pháp nhắm mục tiêu là sử dụng các loại thuốc ức chế enzyme tyrosine kinase (TKI) để ngăn không cho khối u phát triển hoặc ngăn không cho tế bào ung thư di căn ra các bộ phận khác của cơ thể.
Liệu pháp hormone tuyến giáp là sử dụng thuốc chứa các hormone giáp sau phẫu thuật để thay thế các hormone tự nhiên mà cơ thể trẻ không thể tự sản xuất được nữa. Khi đó, trẻ sẽ sử dụng thuốc hormone giáp thay thế trong suốt cuộc đời để duy trì sự trao đổi chất bình thường và làm giảm nguy cơ tái phát ung thư trở lại.
Xạ trị ngoài bằng tia phóng xạ bị hạn chế và gần như không chỉ định với đối tượng trẻ em.
6.2. Điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy
Do tế bào ung thư giáp thể tủy không hấp thu I-131 nên các phương pháp phẫu thuật, liệu pháp hormone thay thế và liệu pháp nhắm mục tiêu là các phương pháp chính cho điều trị ung thư giáp thể tủy.
6.3. Đánh giá quá trình điều trị ung thư tuyến giáp ở trẻ
Việc đánh giá tiên lượng khả năng phục hồi của trẻ sau khi điều trị ung thư tuyến giáp sẽ dựa trên một số yếu tố sau:
- Tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán.
- Loại ung thư tuyến giáp mà trẻ mắc phải: Ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang có tiên lượng tốt hơn.
- Kích thước của khối u ung thư trong tuyến giáp.
- Sự di căn của khối u: Nếu khối u đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể tại thời điểm chẩn đoán thì việc điều trị sẽ lâu hơn.
- Kết quả phẫu thuật: Phẫu thuật thành công, loại bỏ hoàn toàn khối u sẽ làm tăng tiên lượng quá trình điều trị ung thư tuyến giáp.
- Thể trạng và tình trạng sức khỏe chung của trẻ trước điều trị.
7. Tác dụng phụ khi điều trị ung thư tuyến giáp ở trẻ
Việc điều trị ung thư tuyến giáp cho trẻ em nhìn chung có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, do là đối tượng bệnh nhân đang ở độ tuổi phát triển nên đôi khi một số tác dụng phụ có thể xuất hiện muộn sau nhiều năm hoặc nhiều tháng sau khi điều trị ung thư tuyến giáp. Các tác dụng phụ đó thường là:
- Ảnh hưởng thể chất: Các vấn đề về thể chất xung quanh vùng cổ – đầu – mặt có thể xuất hiện ở trẻ như nhiễm trùng, khàn giọng, khô miệng, thay đổi tuyến nước bọt, hoặc khó thở.
- Ảnh hưởng tâm lý: Tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ, học tập hoặc trí nhớ của trẻ có thể bị ảnh hưởng.
- Xuất hiện ung thư mới: Xuất hiện ung thư mới hoặc tái phát là tác dụng phụ đáng lo nhất sau khi điều trị ung thư tuyến giáp.
Vì vậy, thể chất và tâm lý của trẻ em cần được theo dõi trong khoảng thời gian dài sau khi trẻ đã được điều trị ung thư tuyến giáp.
8. Phòng tránh ung thư tuyến giáp cho trẻ
Để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cho trẻ em thì cha mẹ cần tuân thủ các lưu ý sau:
- Hạn chế trẻ em tiếp xúc với phóng xạ, kể cả tia phóng xạ sử dụng trong chẩn đoán và điều trị như chụp CT, chụp X-quang.
- Tầm soát ung thư tuyến giáp nếu có dấu hiệu của bệnh và thuộc đối tượng có nguy cơ cao: Nếu có người thân trực hệ (bố, mẹ, anh, chị) mắc ung thư tuyến giáp thì nguy cơ trẻ em bị mắc ung thư tuyến giáp rất cao. Trẻ có thể được tư vấn, chỉ định cắt bỏ tuyến giáp để dự phòng và ngăn chặn nguy cơ phát triển thành ung thư tuyến giáp về sau.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Việc tăng cường dinh dưỡng, bổ sung i-ốt vào khẩu phần ăn hàng ngày để làm giảm nguy cơ mắc bệnh bướu cổ cũng là một biện pháp quan trọng để dự phòng ung thư tuyến giáp ở trẻ em.
Như vậy, mỗi bậc cha mẹ cần cảnh giác với những dấu hiệu trẻ bị ung thư tuyến giáp và đưa con đi khám kịp thời khi phát hiện bất thường. Bởi vì càng phát hiện ra bệnh sớm vì tiên lượng sống càng cao. Nếu bạn cần tư vấn, hãy liên hệ ngay theo hotline 0942 300 707 của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt nhé!
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.