Iod 131 là phóng xạ hữu ích trong điều trị ung thư tuyến giáp. Vậy ung thư tuyến giáp uống I-131 có khỏi không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về phương pháp điều trị này cùng các lưu ý sau điều trị. Mời bạn đọc theo dõi!
Có thể bạn quan tâm: Điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú và những lưu ý cần biết
1. Ung thư tuyến giáp uống I-131 có khỏi không?
Để biết ung thư tuyến giáp uống I-131 có khỏi không thì điều quan trọng là cần xác định thể ung thư tuyến giáp của người bệnh. Với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, do có đặc tính bắt iốt nên có thể chữa khỏi nếu uống I-131. Ngược lại, ung thư tuyến giáp thể tủy và thể không biệt hóa bắt iốt kém hơn nên thường không được chỉ định điều trị I-131 vì không mang lại hiệu quả cao.
1.1. Đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa
Theo nghiên cứu của nhiều đơn vị lâm sàng, ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có tỷ lệ chữa khỏi rất lớn nếu được phát hiện và điều trị phác đồ I-131 từ sớm. Tỷ lệ khỏi bệnh nếu điều trị đúng chỉ định vào khoảng 90% với tỉ lệ tái phát từ 15-20%. (Số liệu từ nghiên cứu Nuclear Medicine Communications).
Với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nhú, thể nang), các tế bào ung thư mặc dù phát triển không theo sự khống chế của cơ thể nhưng chức năng bắt iod nhằm tạo hormon tuyến giáp vẫn còn. Khi có các phân tử I-131 trong cơ thể, tế bào ung thư bắt Iod phóng xạ vào trong lòng tế bào, làm tổn thương khối u từ bên trong và giúp tiêu diệt hiệu quả.
1.2. Đối với ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc không biệt hóa
I-131 không được chỉ định đối với bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể tủy, ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa hoặc di căn xa. Vì vậy, sử dụng I-131 không giúp chữa khỏi ung thư tuyến giáp ở các thể này.
Lý do là bởi tế bào ung thư ở các thể này đã mất chức năng tạo hormon giáp, không chủ động bắt iốt khiến Iod phóng xạ tự do di chuyển trong cơ thể. Điều này không những không đảm bảo được liều chiếu cho khối u, dẫn tới không đạt được mục đích điều trị, mà còn gây tổn thương lan rộng trên toàn cơ thể.
Vì thế, phương pháp điều trị hiệu quả đối với ung thư tuyến giáp các thể này là phẫu thuật kết hợp hóa – xạ trị ngoài cơ thể hậu phẫu.
Tiên lượng sống của ung thư tuyến giáp thể tủy, thể không biệt hóa và ung thư di căn xa thấp hơn nhiều thể nang hoặc thể nhú. Theo các thống kê, khoảng 50% bệnh nhân sống được qua năm thứ 5 với thể tủy và từ 6-8 tháng với bệnh nhân có di căn xa.
2. Chăm sóc người bệnh sau uống I-131 điều trị ung thư tuyến giáp
Khi sử dụng I -131, người bệnh ung thư tuyến giáp cần có một chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý trước và sau khi điều trị, cụ thể gồm:
- Trước khi uống I-131:
- Để đạt hiệu quả điều trị tối đa, bệnh nhân cần ngừng uống thuốc hormone tuyến giáp thay thế từ 4-6 tuần hoặc tiêm thyrotropin, giúp tăng khả năng hấp thu I-131.
- Cần chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Không ăn thực phẩm chứa iốt khoảng 2-3 tuần trước khi điều trị I-131. Người bệnh nên ăn rau lá xanh, các loại hạt, đồ ăn giàu vitamin A,C,E, B như trứng, hải sản, thịt lợn…
- Người bệnh cần có môi trường yên tĩnh, nhẹ nhàng giúp cơ thể hồi phục năng lượng và tâm lý thoải mái trước khi điều trị.
- Người bệnh cần hạn chế đi lại, làm quen với một số hoạt động giải trí trong không gian hẹp như đọc sách báo, nghe nhạc,… để chuẩn bị cho quá trình cách ly sau khi uống I-131.
- Bệnh nhân được bác sỹ giải thích các sự kiện sắp xảy ra và yêu cầu cách ly cá nhân sau khi uống thuốc nhưng vẫn đảm bảo các y lệnh và chăm sóc y tế xuyên suốt quá trình.
- Sau khi uống I-131:
- Để tránh tổn thương thận sau điều trị, người bệnh cần uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên.
- Tuân thủ các quy định về an toàn phóng xạ bao gồm: các quy định về thời gian cách ly, thời gian tiếp xúc và khu vực tiếp xúc cần được tuân thủ.
- Hạn chế để chất thải, nước tiểu, chất bài tiết của người bệnh dính vào quần áo, chăn chiếu. Sau khi đi vệ sinh cần xả nước tối thiểu 2 lần để đảm bảo không lưu trữ chất thải có chứa chất phóng xạ.
- Không nôn, không khạc nhổ bừa bãi vì trong dịch tiết người bệnh có chất phóng xạ.
- Kiểm tra lại toàn trạng bệnh nhân xem cơ thể có đáp ứng điều trị không sau 5 ngày.
- Bổ sung hormon tuyến giáp theo liều cơ bản sau 3-5 ngày.
3. Theo dõi người bệnh sau uống I-131
Bệnh nhân sau điều trị I131 cần có sự chăm sóc đặc biệt phù hợp để sớm hồi phục và đạt kết quả tốt nhất.
- Theo dõi người bệnh sau uống I-131 điều trị ung thư tuyến giáp:
- Cần hỗ trợ, theo dõi diễn biến tâm lý, các lo lắng của người bệnh để động viên chăm sóc kịp thời.
- Các rối loạn nội khoa như tăng huyết áp, đái tháo đường cần được theo dõi sát sao sau quá trình điều trị, đề phòng các thay đổi cấp tính nguy hiểm.
- Một số tác dụng phụ như tổn thương da, tổn thương tuyến nước bọt là tác dụng phụ của điều trị I-131 cần được theo dõi và phát hiện nhằm điều trị sớm.
- Người bệnh cần tuân thủ các quy định về an toàn phóng xạ trong phòng cách ly.
- Theo dõi và xử trí các biến chứng sớm (nếu có):
- Viêm tuyến nước bọt cấp do bức xạ: Biểu hiện bằng triệu chứng đau quai hàm, khô miệng, xuất hiện sau 1-3 ngày sử dụng I-131. Điều trị bằng chườm lạnh, các thuốc giảm đau, chống viêm và corticoid.
- Viêm dạ dày, thực quản cấp do bức xạ: Biểu hiện ợ chua, đau rát vùng họng, sau xương ức, thượng vị. Điều trị bằng các thuốc bọc niêm mạc dạ dày, trung hòa và giảm tiết acid dịch vị.
- Viêm bàng quang cấp do bức xạ: Biểu hiện bằng triệu chứng tiểu buốt, tiểu dắt, đái máu. Điều trị bằng các thuốc chống viêm, uống nhiều nước và không nhịn tiểu.
- Phù não: Là biến chứng nặng, xuất hiện khi khi tổn thương ung thư tuyến giáp di căn não. Biểu hiện bằng các triệu chứng đau đầu chóng mặt, nhìn mờ, nôn. Điều trị bằng thuốc chống phù não, lợi tiểu và corticoid.
- Tắc đường thở, xâm nhiễm khí quản gây hẹp lòng khí quản: Đây là biến chứng nặng. Điều trị bằng các thuốc chống phù nề và corticoid. Trường hợp nặng cần hỗ trợ oxy, đặt ống nội khí quản…
- Theo dõi sau khi xuất viện:
- Sau 3-5 ngày người bệnh được ra viện khi đảm bảo suất liều đo cách người bệnh 1 mét dưới £50mSv/h hoặc £5mR/h.
- Người bệnh khi ra viện cần tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai trong 1-2 tuần đầu sau điều trị I-131.
- Khám lại sau 1 tháng để phát hiện những tác dụng không muốn của I-131. Xét nghiệm hormon tuyến giáp để điều chỉnh liều T4, giúp duy trì tình trạng bình giáp cho người bệnh.
- Đánh giá kết quả điều trị sau 6 tháng.
- Nếu không còn tế bào tuyến giáp: Tiếp tục dùng hormon tuyến giáp để duy trì tình trạng bình giáp. Khám định kỳ 6 tháng/lần trong 2 năm đầu, 1 năm/lần trong các năm tiếp theo.
- Nếu còn tế bào tuyến giáp, tổ chức ung thư, di căn: Người bệnh cần điều trị tiếp I-131 rồi theo dõi từ đầu như trên.
4. Uống I-131 điều trị ung thư tuyến giáp cách ly bao lâu?
Nguyên nhân cách ly: Sau khi uống I-131, dư lượng thuốc còn lại trong cơ thể người bệnh không ngừng phát xạ ra xung quanh, gây biểu hiện mệt mỏi, viêm da, viêm tuyến nước bọt… nếu vô tình bị nhiễm xạ. Vì vậy, việc cách ly đem lại lợi ích cho người bệnh cũng như người thân xung quanh.
Thời gian cách ly: Thường từ 3-7 ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Cách ly bằng cách:
- Giữ khoảng cách 2-3 mét với người xung quanh. Hạn chế các tiếp xúc giao tiếp không cần thiết trong quá trình cách ly.
- Ngủ riêng.
- Hạn chế tiếp xúc gần, quan hệ tình dục.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ thường xuyên.
[Hỏi đáp bác sĩ] Điều trị ung thư tuyến giáp có sinh con được không?
5. Uống I-131 điều trị ung thư tuyến giáp bao nhiêu tiền?
Uống I-131 điều trị ung thư tuyến giáp có chi phí khoảng 3-5 triệu cho một đợt. Tùy thuộc kích thước khối u và đáp ứng sau điều trị mà số đợt điều trị có thể từ 4-6 đợt.
Bảo hiểm y tế chi trả cho phương pháp điều trị này theo hệ số đăng ký ban đầu nên người bệnh hoàn toàn yên tâm điều trị và kiên trì với phác đồ của bác sĩ.
Như vậy qua bài viết trên đây, bạn đã biết ung thư tuyến giáp uống I-131 có khỏi không. Nếu mắc ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (nhú, nang) thì khả năng chữa khỏi bằng I-131 là rất cao. Ngược lại với ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc thể không biệt hóa thì không có tác dụng khi điều trị bằng I-131. Nếu bạn còn thắc mắc và muốn tư vấn, hãy liên hệ ngay hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Tin tức & các chương trình khuyến mại tại Hưng Việt
- Theo dõi Fanpage cung cấp Kiến thức: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân: Fanpage của Hệ thống Hưng Việt
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
BS CKII Chuyên khoa Tuyến giáp Nguyễn Tiến Lãng
ĐH Y Hà Nội
Với gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề, trong đó có hơn 30 năm phẫu thuật tuyến giáp với hơn 10.000 ca ung thư tuyến giáp, Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Lãng đã có nhiều công trình nghiên cứ khoa học: công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về phẫu thuật nội soi ung thư tuyến giáp, công trình nghiên cứu cấp Bộ về phẫu thuật tuyến giáp, công trình nghiên cứu cấp Cơ sở về phẫu thuật tuyến giáp và các mặt bệnh tuyến giáp nói chung, báo cáo đánh giá kết quả phẫu thuật ung thư tuyến giáp…