Hệ thống thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng

5/5 - (1 bình chọn)

Theo GLOBOCAN 2020, ung thư đại tràng đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới với 1.148.515 ca (6%) và thứ 5 về tỷ lệ tử vong (5.8%). Bên cạnh phẫu thuật, hóa – xạ trị thì thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng cũng là một phương pháp điều trị toàn thân với mục đích giảm nguy cơ tái phát và tử vong. Các loại thuốc hóa trị, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch… được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc hóa trị hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng

Hóa trị là phương pháp điều trị bằng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư, có thể được tiêm truyền tĩnh mạch hoặc uống. Các loại thuốc này đi qua máu và đến hầu hết tất cả các bộ phận của cơ thể.

Mục đích của thuốc hóa trị ung thư đại tràng:

  • Giảm nhẹ triệu chứng: Khi ung thư đại tràng tiến triển và đã lan sang các bộ phận khác nhau của cơ thể mà phẫu thuật không thể loại bỏ.
  • Bổ trợ trước hoặc sau phẫu thuật: để thu nhỏ khối u trước phẫu thuật hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật cắt khối u.

1.1. Top 8 loại thuốc hóa trị ung thư đại tràng

Dưới đây là hệ thống các loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng bằng phương pháp hóa trị thường dùng trong ung thư đại tràng:

1.1.1. 5 Fluorouracil

Thuộc nhóm chất chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch. 5 Fluorouracil tác dụng theo cơ chế ức chế tổng hợp DNA của tế bào gây tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có dạng dung dịch truyền tĩnh mạch.

Cách dùng: Thuốc được sử dụng đường tĩnh mạch dưới hướng dẫn của bác sỹ, phụ thuộc vào phác đồ và mức độ phát triển của người bệnh.

Thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng
Thuốc 5 Fluorouracil

1.1.2. Capecitabine (Xeloda)

Thuộc nhóm chống chuyển hóa tế bào, là tiền chất của fluorouracil. Capecitabine hoạt động bằng cách ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc có dạng viên uống.

Cách dùng: Uống sau ăn 30 phút với liều 1000-1250mg/m2, ngày uống 2 lần. Sử dụng thuốc trong 2 tuần liên tiếp.

1.1.3. Irinotecan (Camptosar)

Thuốc có dạng bột thuộc nhóm thuốc chống ung thư theo cơ chế ngăn chặn sự phát triển của các phần tử giúp phân chia tế bào ung thư.

Cách dùng: Truyền tĩnh mạch 90mg /1 tuần dưới hướng dẫn của bác sỹ.

1.1.4. Oxaliplatin (Eloxatin)

Thuốc có dạng dung dịch đậm đặc thuộc nhóm chống ung thư, ức chế miễn dịch chống platinum. Thuốc có khả năng gây độc tế bào, có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư.

Cách dùng: Truyền tĩnh mạch theo hướng dẫn của bác sỹ, liều thường gặp là 1 lần 2 tuần.

1.1.5. Trifluridine và tipiracil (Lonsurf)

Lonsurf có dạng viên nén với sự kết hợp của 2 thành phần chính là Trifluridine và Tipiracil. Là thuốc chống ung thư dựa trên cơ chế ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc thường được sử dụng cho các bệnh nhân trưởng thành đã sử dụng fluoropyrimidine, oxaliplatin, irinotecan hydrochloride, và ức chế VEGF.

Cách dùng: Uống 1 ngày 2 lần cùng thức ăn, sử dụng trong 5 ngày liên tiếp sau đó dừng 2 ngày rồi lặp lại. 1 liệu trình kéo dài 1 tháng (28 ngày).

1.1.6. Leucovorin 

Leucovorin có dạng bột pha truyền tĩnh mạch, được sử dụng kết hợp với 5 Fluorouracil trong điều trị ung thư đại tràng. Ngoài ra, Leucovorin còn có tác dụng trong điều trị thiếu máu do thiếu acid folic.

Cách dùng: Truyền tĩnh mạch, 1 lần 1 ngày, sử dụng trong 5 ngày liên tiếp.

1.1.7. Bevacizumab 

Thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng này có dạng dung dịch, thuộc loại kháng thể đơn dòng có tác dụng ngăn tăng sinh mạch và đặc biệt khiến các khối u thiểu dưỡng, sau đó “chết theo chương trình”. Điều này làm chậm sự phát triển và lây lan của khối u, thường được dùng kết hợp với các thuốc khác để điều trị ung thư đại tràng.

Cách dùng: Pha loãng dung dịch với NaCl 0,9%, truyền tĩnh mạch chậm với liều 5mg/kg, 2 tuần 1 lần hoặc 7,5mg/kg nếu 3 tuần 1 lần.

1.1.8. Cetuximab 

Thuốc có dạng dung dịch tiêm truyền, thuộc loại kháng thể đơn dòng có tác dụng đặc hiệu lên thụ thể phát triển biểu bì của tế bào ung thư, gây giảm sinh tế bào cũng như sự xâm nhập của tế bào ung thư.

Cách dùng: Pha loãng với NaCl 0,9% với liều theo chỉ định, truyền tĩnh mạch chậm, mỗi tuần 1 lần.

Lưu ý: 

  • Bác sĩ có thể kết hợp 2 hoặc 3 loại thuốc với nhau (đôi khi cùng với một loại thuốc nhắm mục tiêu), phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, sức khỏe tổng thể và phác đồ điều trị.
  • Sự kết hợp ba loại thuốc có thể dẫn đến có nhiều tác dụng phụ hơn

1.2. Tác dụng phụ

Thuốc hóa trị tấn công các tế bào ung thư nhưng cũng tác động vào các tế bào bình thường của cơ thể, dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn. Các tác dụng này phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

Các tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng thuốc hóa trị:

  • Rụng tóc
  • Sụt cân, chán ăn
  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Bong tróc da, móng
  • Loét miệng

Thuốc hóa trị cũng tác dụng lên các tế bào tạo máu của cơ thể gây giảm các tế bào máu:

  • Giảm bạch cầu làm tăng khả năng nhiễm trùng.
  • Giảm tiểu cầu làm tăng nguy cơ bị xuất huyết.
  • Thiếu máu gây triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, da xanh xao.

Hầu hết, các tác dụng phụ có xu hướng giảm dần và biến mất theo thời gian sau khi điều trị kết thúc, nhưng cũng có tác dụng phụ kéo dài. Để giảm bớt những triệu chứng của tác dụng phụ này, có thể dùng thuốc chống nôn để giảm buồn nôn và nôn, hoặc ngậm đá lạnh trong miệng khi tiêm hóa chất để giảm nguy cơ bị loét miệng.

Rụng tóc do tác dụng phụ của hóa trị
Rụng tóc do tác dụng phụ của hóa trị

1.3. Chi phí

Chi phí điều trị hóa trị cho ung thư đại trực tràng còn tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, sức khỏe bệnh nhân và sự đáp ứng điều trị của người bệnh.

Chính vì thế, người bệnh cần phải thăm khám trực tiếp để được kiểm tra, tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Từ đó sẽ có bảng chi phí cụ thể cho từng trường hợp khác nhau.

2. Thuốc điều trị đích ung thư đại tràng

Liệu pháp điều trị đích là phương pháp điều trị nhắm vào các gen, protein hoặc các môi trường cụ thể của ung thư. Vì thế điều trị đích chỉ nhắm vào các tế bào ung thư mà hạn chế gây thiệt hại cho tế bào khỏe mạnh.
Thuốc điều trị đích thường được sử dụng kết hợp với các thuốc hóa trị khác khi ung thư đại trực tràng ở giai đoạn cuối để kéo dài thời gian sống.

Thuốc điều trị đích Bevacizumab (Avastin)
Thuốc điều trị đích Bevacizumab (Avastin)

2.1. Top 4 loại thuốc điều trị đích trong ung thư đại trực tràng

Giống như thuốc hóa trị, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng theo liệu điều trị đích đi vào máu và đến hầu hết các cơ quan của cơ thể, giúp chống lại ung thư đã di căn. Nhưng thuốc điều trị đích hoạt động khác với thuốc hóa trị, đó là nhắm vào một đích đặc hiệu trên các tế bào ung thư.

2.1.1.  Thuốc nhắm đích gắn với thụ thể của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF)

Thụ thể của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) là một protein giúp các khối u hình thành mạch máu mới cần cho sự tăng trưởng của khối u. Thuốc gắn với VEGF và bất hoạt thụ thể này ức chế tân tạo mạch mới của khối u.

Bao gồm:

  • Bevacizumab (Avastin)
  • Ramucirumab (Cyramza)
  • Ziv-aflibercept (Zaltrap)

Các thuốc điều trị đích được truyền tĩnh mạch 2-3 tuần/lần.

2.1.2. Thuốc nhắm đích tế bào có đột biến thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR)

Thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) là một loại protein giúp tế bào ung thư phát triển. Thuốc gắn với EGFR và làm bất hoạt thụ thể này. Thuốc nhắm vào EGFR có thể được sử dụng điều trị ung thư đại trực tràng tiến triển. Bao gồm các thuốc:

  • Cetuximab (Erbitux)
  • Panitumumab (Vectibix)

Cả hai loại thuốc này đều được truyền qua đường tĩnh mạch, mỗi tuần 1 lần hoặc cách tuần.

2.1.3. Thuốc nhắm đích các tế bào có đột biến gen BRAF

Ung thư đại trực tràng có những đột biến gen BRAF tạo ra một protein BRAF bất thường giúp chúng phát triển. Những thuốc nhắm vào protein BRAF bất thường này gây ức chế hoạt động của protein BRAF đã bị đột biến.

Thuốc nhắm đích protein BRAF được dùng cho ung thư đại tràng đã di căn và có gen BRAF bất thường. Thuốc nhắm BRAF không có khả năng hoạt động trên bệnh ung thư đại trực tràng có gen BRAF bình thường.

Encorafenib (Braftovi) là thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng tấn công trực tiếp vào protein BRAF bất thường. Thuốc có dạng viên nang uống 1 lần/ngày. Thuốc hay được dùng với Cetuximab để tăng hiệu quả làm chậm hoặc phát triển của ung thư đại trực tràng đã di căn, làm kéo dài tuổi thọ người bệnh.

2.1.4. Các thuốc điều trị đích khác

Regorafenib (Stivarga) là liệu pháp đích được biết đến như một chất ức chế kinase. Việc ngăn chặn này có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc được dùng điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, khi các thuốc khác không còn tác dụng.

2.2. Tác dụng phụ

Mặc dù điều trị đích tác động chủ yếu lên tế bào ung thư, ít ảnh hưởng đến tế bào thường, nhưng vẫn có một số tác dụng phụ như sau:

Tác dụng phụ của thuốc nhắm đích VEGF:

  • Mệt mỏi
  • Tăng huyết áp
  • Tiêu chảy
  • Loét miệng
  • Nhức đầu
  • Giảm bạch cầu tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Xuất huyết

Tác dụng phụ của thuốc nhắm tế bào có đột biến EGFR: Các vấn đề về da như phát ban giống mụn trên mặt và ngực, đôi khi dẫn đến nhiễm trùng. Tuy nhiên, dấu hiệu phát ban là ung thư đang đáp ứng với điều trị. Có thể dùng kem hoặc mỡ kháng sinh giúp hạn chế phát ban và nhiễm trùng.

Tác dụng phụ của thuốc nhắm tế bào có đột biến gen BRAF: 

  • Dày da
  • Tiêu chảy
  • Phát ban
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn

2.3. Chi phí

Thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng theo liệu pháp đích có tác dụng đặc hiệu lên tế bào ung thư, do đó có ít ảnh hưởng tới các tế bào bình thường của cơ thể. Đây là lý do người sử dụng thuốc gặp ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc trước đây.

Là một dòng thuốc mới với công nghệ điều chế tiên tiến, chi phí của các thuốc điều trị đích hiện nay khá cao (Khoảng 10-20 triệu một liều). Một số thuốc chưa được bảo hiểm chi trả.

3. Thuốc sử dụng trong liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là việc sử dụng các loại thuốc để giúp hệ thống miễn dịch của người bệnh nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư tốt hơn. Liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị cho ung thư đại tràng giai đoạn cuối.

Thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng sử dụng trong liệu pháp miễn dịch
Thuốc sử dụng trong liệu pháp miễn dịch

3.1. 2 loại thuốc sử dụng trong liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đại tràng

Một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch là khả năng giữ cho bản thân không tấn công các tế bào bình thường của cơ thể. Để làm được điều này, chúng sử dụng các trạm kiểm tra để nhận biết.

Các tế bào ung thư tận dụng các trạm kiểm tra của tế bào miễn dịch để tránh sự tiêu diệt. Thuốc nhắm vào trạm kiểm tra này sẽ giúp phục hồi phản ứng miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư.

3.1.1. Thuốc ức chế PD-1

Là thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng nhắm vào PD-1, một loại protein trên các tế bào của hệ thống miễn dịch được gọi là tế bào T, thường giúp ngăn các tế bào này tấn công các tế bào khác trong cơ thể. Ức chế PD-1 sẽ tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư.

Các loại thuốc nhắm PD-1:

  • Pembrolizumab (Keytruda): có thể sử dụng như phương pháp điều trị đầu tiên cho ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối hoặc đã di căn. Nó được tiêm truyền tĩnh mạch 3 – 6 tuần 1 lần.
  • Nivolumab (Opdivo): có thể sử dụng một mình hoặc với Ipilimumab (chất ức chế CTLA-4) cho những người ung thư đại trực tràng di căn sau điều trị hóa trị. Nó được truyền tĩnh mạch 2 – 4 tuần 1 lần.

3.1.2. Thuốc ức chế CTLA-4

Ipilimumab (Yervoy) là thuốc giúp tăng cường phản ứng miễn dịch, có tác dụng chặn CTLA-4 là một loại protein khác trên tế bào T.

Thuốc thường kết hợp với Nivolumab (Opdivo) để điều trị ung thư đại trực tràng và không sử dụng một mình. Truyền tĩnh mạch mỗi 3 tuần cho 4 lần điều trị.

3.2. Tác dụng phụ

Ngoài những tác dụng vượt trội của thuốc trong liệu pháp miễn dịch thì thuốc cũng có những tác dụng không mong muốn khi sử dụng, bao gồm:

  • Tác dụng phụ của những loại thuốc này thường là mệt mỏi, ho, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, chán ăn, táo bón, đau khớp.
  • Các tác dụng phụ khác như phản ứng tự miễn dịch hay phản ứng truyền dịch, thường nghiêm trọng hơn nhưng ít xảy ra hơn.

3.3. Chi phí

Chi phí cho một chu kỳ điều trị từ 60 – 120 triệu, giá tiền phụ thuộc liều dùng. Hiện BHYT chưa chi trả cho liệu pháp này.

4. Thuốc điều trị triệu chứng ung thư đại tràng

Trong quá trình điều trị ung thư đại tràng và đặc biệt khi sử dụng hóa trị liệu sẽ gây một số tác dụng phụ cho người bệnh. Để giảm các triệu chứng do hóa trị gây ra, người bệnh cần được dùng thêm thuốc điều trị triệu chứng.

4.1. Các loại thuốc điều trị triệu chứng

  • Capecitabine: là thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng có khả năng làm giảm tác dụng phụ của 5-Fluorouracil trong điều trị ung thư đại trực tràng.
  • Metoclopramide: Có tác dụng chống nôn, điều trị do hóa trị.
  • Ondansetron: Chống buồn nôn, không có tác dụng điều trị nôn.

Các thuốc trên đều có dạng viên nang, được sử dụng theo đường uống.

  • Filgrastim: Làm tăng bạch cầu, sử dụng trong trường hợp mất bạch cầu hạt dẫn đến tăng nhiễm trùng sau hóa trị.

Thuốc có dưới dạng dung dịch tiêm truyền, dùng theo đường truyền tĩnh mạch.

4.2. Tác dụng phụ

Thuốc điều trị triệu chứng trong ung thư đại trực tràng có tác dụng chủ yếu là giảm tác dụng không mong muốn của thuốc hóa trị. Nhưng bản thân nó vẫn có tác dụng phụ gây ra cho người dùng.

  • Dùng Filgrastim ở liều đề nghị thường gây ra đau cơ xương nhẹ và vừa. Triệu chứng thường từ nhẹ đến trung bình nhưng đôi khi nặng, và được kiểm soát bằng thuốc giảm đau. Các tác dụng phụ khác như tăng bạch cầu, giảm huyết áp thoáng qua ít gặp hơn.
  • Metoclopramid, Ondansetron, capecitabine thường gây ra ỉa chảy, buồn ngủ, phản ứng ngoại tháp và yếu cơ. Ít gặp hơn là các triệu chứng mất bạch cầu hạt, hạ huyết áp.

4.3     Chi phí

Thuốc điều trị triệu chứng được sử dụng với mục đích làm giảm tác dụng phụ của hóa trị liệu. Do đó, chi phí dành cho điều trị triệu chứng phụ thuộc người bệnh có xuất hiện các tác dụng không mong muốn của thuốc hóa trị hay không và sự đáp ứng của người bệnh khi sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng loại này.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại trực tràng

  • Tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ.
  • Không sử dụng thuốc không được chỉ định, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hiệu quả như thuốc Đông y, thuốc Nam.
  • Uống thuốc đúng liều lượng, không tự ý tăng hay giảm liều.

 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt