Xạ trị ung thư có bị rụng tóc không? Làm gì để hạn chế rụng tóc?

5/5 - (2 bình chọn)

Trước khi bắt đầu quá trình xạ trị, bệnh nhân thường có rất nhiều vấn đề lo ngại và quan tâm, điển hình là xạ trị ung thư có bị rụng tóc không? Có cách nào hạn chế tình trạng này không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết ngay qua bài viết dưới đây.

UNG THƯ TUYẾN GIÁP XẠ TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

1. Xạ trị ung thư sẽ gây ra tình trạng rụng tóc

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia bức xạ ion có năng lượng cao như tia X, tia gamma hay các hạt nguyên tử (electron, nơtron, proton,..) để phá hủy các tế bào ung thư, ngăn chặn khối u di căn hoặc phát triển.

Đi kèm với hiệu quả thì xạ trị cũng gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Trong đó, rụng tóc là một trong những tác dụng phụ phổ biến. Tuy nhiên mức độ rụng tóc khi xạ trị ở mỗi trường hợp bệnh nhân sẽ là khác nhau. Vấn đề này còn tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Cơ địa từng người
  • Loại tia bức xạ được sử dụng
  • Cường độ tia xạ được sử dụng
  • Vùng có khối u được tiến hành xạ trị
  • Tiền sử xạ trị
  • Tuổi tác…
Rụng tóc
Xạ trị ung thư có bị rụng tóc không là vấn đề lo ngại của nhiều bệnh nhân

1.1. Mức độ rụng tóc trong quá trình xạ trị ung thư

Nếu phương pháp hóa trị tác động đến toàn bộ cơ thể người bệnh, thì xạ trị chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng có tia bức xạ được chiếu vào. Do đó, lông và tóc của người bệnh chỉ rụng ở vùng bị chiếu tia xạ.

Ví dụ:

  • Nếu người bệnh cần tiến hành xạ trị vùng não, thì có khả năng rụng tóc. Vị trí rụng tóc phổ biến thường là khu vực có mật độ tóc thấp như đỉnh và trán của da đầu hoặc hai bên mang tai. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị rụng lông mày, lông mi… Lông ở những vị trí này thường khó mọc lại hơn so với tóc.
  • Nếu bức xạ vùng vú, bệnh nhân sẽ có tình trạng rụng lông ở nách, lông ở ngực hoặc tay chân…
  • Nếu xạ trị vùng chậu, lông phần bụng và lông mu có thể bị rụng.
Phần đỉnh đầu
Phần đỉnh đầu thường sẽ là khu vực tóc rụng đầu tiên khi tiến hành xạ trị ung thư

Không phải ngay khi vừa tiến hành xạ trị, tóc sẽ rụng lập tức. Mà sau 2 đến 3 tuần từ đợt xạ trị đầu tiên, tóc sẽ có xu hướng rụng, mỏng dần và rụng mạnh. Tóc vẫn tiếp tục rụng trong 1, 2 tháng tiếp theo và thậm chí người bệnh có thể bị trọc đầu. Trong quá trình xạ trị, tóc sẽ không rụng liên tục mà nó sẽ có một khoảng “nghỉ” tạm thời.

Thông thường, mức độ rụng tóc có thể như sau:

Giai đoạn ung thư % tóc rụng
Mức độ 0 Không rụng tóc
Mức độ 1 0 < tóc rụng ≤  25%
Mức độ 2 25  <  tóc rụng ≤  50%
Mức độ 3 50 < tóc rụng ≤ 75%
Mức độ 4 Tóc rụng ≥ 75%

1.2. Nguyên nhân tóc rụng khi xạ trị ung thư

Trong quá trình xạ trị điều trị ung thư, các tia bức xạ cũng tác động trực tiếp đến các tế bào khỏe mạnh khác như tế bào ở tủy xương, hệ tiêu hóa hay đặc biệt là nang tóc. Vì thế đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rụng tóc khi xạ trị ung thư. Cụ thể hơn, tia bức xạ sẽ làm ảnh hưởng đến:

  • Sự tăng sinh của tế bào sừng ở mầm nang tóc nếu bị ức chế mạnh sẽ gây ra hiện tượng tóc bị tách khỏi hành tóc và dẫn tới rụng. Trong trường hợp này, hiện tượng rụng tóc được gọi là anagen effluvium – rụng tóc giai đoạn phát triển của tóc.
  • Trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị, do sự tác động của thuốc và tia bức xạ, sợi tóc có đoạn trở lên mảnh và yếu dần, sau đó rụng do bị đứt gãy.
Xạ trị ung thư
Xạ trị ung thư tác động trực tiếp đến các nang tóc và gây rụng tóc

2. Tóc có mọc trở lại sau thời gian xạ trị?

Ngoài quan tâm đến việc xạ trị ung thư có bị rụng tóc không, nhiều người bệnh lo lắng không biết sau khi kết thúc đợt xạ trị, tóc có mọc trở lại không? Khả năng phục hồi của tóc sau khi rụng có liên quan mật thiết đến mức độ tổn thương của tế bào nang tóc.

Tuy nhiên, người bệnh ung thư không cần quá lo vì rụng tóc do điều trị ung thư thường không vĩnh viễn, tóc vẫn có thể mọc trở lại sau khi liệu pháp điều trị này kết thúc.

Thông thường sau khi xạ trị (khoảng 1 đến 3 tháng sau lần xạ trị cuối cùng), nếu sức khỏe ổn định, vùng tóc bị rụng sẽ mọc lại bình thường. Người bệnh có thể cần phải đợi từ 6 tháng đến 1 năm, tóc mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, tóc mọc lại sau quá trình hóa trị, xạ trị có thể bị mỏng hơn, yếu hơn, dễ gãy và màu tóc cũng có khả năng bị thay đổi.

Xạ trị
Sau khi kết thúc quá trình xạ trị khoảng 1 đến 3 tháng, tóc sẽ bắt đầu mọc lại

Có thể bạn quan tâm:

3. Biện pháp hạn chế rụng tóc do xạ trị

Xạ trị ung thư có bị rụng tóc không? Câu trả lời là Có. Vậy làm thế nào để hạn chế việc rụng tóc trong quá trình xạ trị? Trong trường hợp này, bệnh nhân nên:

  • Trong suốt quá trình xạ trị và sau xạ trị, bệnh nhân nên chăm sóc tóc nhẹ nhàng bằng cách dùng lược có lông mềm hoặc lược răng thưa.
  • Không sử dụng máy sấy tóc, máy là tóc, hoặc các sản phẩm như gel hoặc kẹp có thể làm tổn thương da đầu.
  • Gội đầu bằng dầu gội dịu nhẹ. chà nhẹ nhàng, sau đó thấm khô tóc bằng khăn mềm.
  • Cắt tóc để giảm tình trạng tóc bị đứt gãy dẫn đến rụng tóc.
  • Che chắn, bảo vệ tóc bằng mũ nón khi tiếp xúc với nắng, môi trường bên ngoài.
  • Giữ ẩm, bảo vệ và chống nắng cho da đầu.
Khăn trùm đầu
Sử dụng mũ hoặc khăn trùm đầu để giữ ấm da đầu, hạn chế tóc rụng

4. Biện pháp giúp tóc mọc nhanh sau xạ trị

Để giúp tóc mọc nhanh sau khi kết thúc quá trình xạ trị, bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây:

4.1. Biện pháp mũ lạnh – băng lạnh

Đây là phương pháp bệnh nhân sẽ được chỉ định đội mũ chuyên dụng hoặc đồ phủ đầu với túi nước lạnh. Bác sĩ sẽ bôi một loại gel ở bên trong khi tiến hành quá trình xạ trị. Hơi lạnh từ chiếc mũ khiến các mạch máu trên da đầu co lại, từ đó hạn chế tình trạng rụng tóc.

Phương pháp này thường được chỉ định cho các bệnh nhân điều trị ung thư vú, buồng trứng, tiền liệt tuyến. Tuy nhiên liệu pháp này chống chỉ định với một số trường hợp người bệnh như:

  • Trẻ em.
  • Bệnh nhân cần thực hiện xạ trị vùng đầu.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tới lạnh như cold aglutinin disease, cryoglobulinemia.
  • Người đang điều trị ung thư máu, ung thư phổi, ung thư da.
  • Bệnh nhân ung thư có chức năng gan bị suy giảm.

Biện pháp sử dụng mũ lạnh – băng lạnh có khả năng gây ra một số tác dụng phụ như tình trạng đau đầu, đau cổ, chóng mặt, đau da đầu, buồn nôn,… Do đó, trước khi quyết định sử dụng phương pháp này, người bệnh nên tham khảo thật kỹ ý kiến của chuyên gia.

Biện pháp mũ lạnh
Sử dụng biện pháp mũ lạnh – băng lạnh có thể ngừa rụng tóc và giúp tóc nhanh mọc trở lại sau khi kết thúc xạ trị

4.2. Cấy tóc

Với trường hợp bệnh nhân không bị rụng tóc hoàn toàn, tóc đang trong tình trạng thưa, mỏng, mọi người có thể áp dụng phương pháp cấy tóc bằng cách sử dụng công nghệ FUT và FUE.

  • FUT là công nghệ được áp dụng để loại bỏ vùng da đầu không thể mọc tóc trở lại. Sau đó các chuyên gia sẽ tiến hành lấy một vùng da bất kỳ trên cơ thể để ghép vào vùng da đầu đã loại bỏ rồi thực hiện cấy tóc lên trên.
  • FUE là công nghệ tiến hành cấy trực tiếp tóc vào da đầu.

Lưu ý, trước khi quyết định thực hiện phương pháp này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến chuyên gia. Da đầu bệnh nhân ung thư thường nhạy cảm, dễ tổn thương, do đó, nếu quá trình cấy tóc không được thực hiện cẩn thận và an toàn, da đầu sẽ bị tổn thương thêm, từ đó dẫn đến tình trạng mọc bị mất vĩnh viễn, không thể mọc lại.

Cấy tóc
Phương pháp cấy tóc sẽ giúp bệnh nhân ung thư có được mái tóc gần như bình thường so với trước đây

4.3. Làm tóc giả

Với cách thức này, trước khi tiến hành xạ trị, người bệnh có thể cắt ngắn mái tóc của mình. Sau đó, các chuyên gia sẽ dùng một bộ tóc giả với mạng lưới được tạo bởi vô số các mắc nhỏ li ti để cấy tóc theo ý thích của bệnh nhân.

Bộ tóc giả này sẽ được thiết kế sao cho vừa vặn với đầu của từng bệnh nhân, giúp mọi người có được mái tóc tự nhiên nhất. Do đó, người bệnh không cần quá lo lắng về vấn đề xạ trị ung thư có bị rụng tóc không.

Tóc giả
Những bộ tóc giả trông như thật sẽ giúp bệnh nhân ung thư tự tin hơn

4.4. Thuốc điều trị dự phòng

Hiện nay, chưa có bất kỳ một loại thuốc nào được cơ quan quản lý chấp thuận chỉ định cho bệnh nhân ung thư nhằm mục đích ngừa rụng tóc trong quá trình hóa trị, xạ trị. Dưới đây là một số thông tin về các loại thuốc điều trị dự phòng rụng tóc do hóa trị, người bệnh có thể tham khảo:

  • Bimatoprost 0.03% tại chỗ: Đã được sử dụng thành công để mọc lông mi cho những bệnh nhân ung thư bị rụng lông mi trong quá trình hóa xạ trị.
  • Minoxidil: Có tác dụng thay đổi chu kỳ tóc bằng cách kéo dài giai đoạn tăng triển, tăng kích thước nang tóc, từ đó chống lại sự thu nhỏ của nang tóc, hỗ trợ điều trị tình trạng rụng tóc nội tiết tố nam. Theo các chuyên gia y tế, loại thuốc này không nên dùng trong quá trình hóa trị liệu, thay vào đó, người bệnh có thể sử dụng sau khi kết thúc hóa trị.

Thông thường, việc sử dụng thuốc Tây sẽ kèm theo tác dụng phụ nếu người bệnh lạm dụng hoặc dùng không đúng chỉ định. Do đó, tất cả bệnh nhân, đặc biệt là những người đang điều trị ung thư, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, mọi người cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp ngăn rụng tóc, người bệnh cần cố gắng giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để giúp tiêu diệt nhanh chóng các tế bào ung thư.

Để nhận tư vấn và giải đáp các câu hỏi về điều trị ung thư miễn phí và đặt lịch khám, bạn có thể liên hệ tới Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt:

  • Địa chỉ: 34 – 40 Đại Cồ Việt – Hai Bà Trưng –  Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm:

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề “Xạ trị ung thư có bị rụng tóc không?”. Người bệnh đã không cần quá lo lắng về tình trạng rụng tóc khi xạ trị. Sự phát triển của y học hiện đại đã có thể ngăn chặn tình trạng rụng tóc hoặc hỗ trợ tóc nhanh mọc lại bằng nhiều liệu pháp phù hợp.

Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt