[GIẢI ĐÁP] Ung thư tuyến giáp xạ trị như thế nào, có khỏi không?

5/5 - (1 bình chọn)

Điều trị ung thư tuyến giáp xạ trị là phương pháp đem lại hiệu quả cao. Nếu bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn sớm và đáp ứng tốt thì tiên lượng sống có thể lên tới gần 100%. Trong bài viết này, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt sẽ giúp bạn giải đáp vai trò và mức độ hiệu quả của điều trị xạ trên bệnh nhân ung thư tuyến giáp.

1. Vai trò của xạ trị ung thư tuyến giáp

Nhiều bệnh nhân băn khoăn không biết bệnh ung thư tuyến giáp có cần xạ trị hay không cũng như vai trò của phương pháp này đối với điều trị bệnh. Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt giải đáp các tác dụng của phương pháp xạ trị cho bạn.

Điều trị ung thư tuyến giáp xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm năng lượng cao tập trung chiếu vào khối u ung thư tuyến giáp nhằm tiêu diệt chúng.

Đối tượng chỉ định xạ trị ung thư tuyến giáp là những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật hoặc di căn xa tại những vị trí tổn thương không cắt bỏ được mà tế bào ung thư không hấp thu I-131.

Không giống như phẫu thuật, người bệnh đạt được hiệu quả loại bỏ tế bào ung thư ngay sau khi thực hiện thành công, xạ trị không tiêu diệt tế bào ung thư ngay lập tức mà mất đến vài tuần hay vài tháng làm tổn thương ADN của khối u đủ để tế bào ung thư hoại tử và bị tiêu diệt.

Điều trị ung thư tuyến giáp bằng xạ trị
Xạ trị điều trị ung thư tuyến giáp là phương pháp hiệu quả cao, phổ biến với nhiều người bệnh

2. Ung thư tuyến giáp xạ trị như thế nào?

Việc sử dụng xạ trị trong phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp là quá trình khá phức tạp với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Có 2 phương pháp xạ trị tại tuyến giáp gồm: xạ trị trong và xạ trị ngoài.

2.1. Xạ trị trong (Xạ trị với đồng vị I-ốt phóng xạ)

Điều trị ung thư tuyến giáp xạ trị sử dụng I-ốt phóng xạ là đồng vị I-131 (còn được gọi RAI: Radioactive Iodine) có thể tìm và phá hủy các tế bào tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật.

Mục đích của phương pháp này: Tế bào tuyến giáp, đặc biệt là các tế bào ung thư bắt các phân tử Iốt trong cơ thể rất mạnh, tính chất này đặc biệt rõ ở ung thư biệt hóa cao. Bằng biện pháp đưa Iod phóng xạ vốn có tính hủy hoại tế bào vào cơ thể, tế bào ung thư theo

Đối tượng chỉ định với xạ trị bằng I-131:

  • Ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang.
  • Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa đã lan tới hạch bạch huyết hoặc di căn xa.

Đối tượng chống chỉ định với xạ trị trong ung thư tuyến giáp bằng I-131:

  • Ung thư tuyến giáp thể tủy.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.

Giai đoạn áp dụng xạ trị bằng Iốt phóng xạ I-131:

  • Sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp và nạo vét hạch (nếu có): Bác sĩ có thể đưa ra 1 tới 2 liệu trình Iốt phóng xạ nhằm tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể còn sót lại.
  • Điều trị ung thư tuyến giáp di căn: Nếu tế bào ung thư đã di căn ra xa, khó có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật thì xạ trị bằng Iốt phóng xạ là phương pháp rất hiệu quả và có tính chọn lọc cao do có thể tiêu diệt các tế bào ung thư ở xa.
  • Điều trị ung thư tuyến giáp tái phát sau lần đầu tiên điều trị: Việc phẫu thuật lại đôi khi là quyết định khá khó khăn với bệnh nhân ung thư tuyến giáp do đây là phương pháp xâm lấn và có thể gây đau. Lúc này, xạ trị trong bằng Iốt phóng xạ là lựa chọn tốt khi có thể tiêu diệt tế bào ung thư đang quay trở lại mà không phải can thiệp ngoại khoa.

Quy trình điều trị ung thư tuyến giáp bằng Iốt phóng xạ I-131:

  • Bước 1: Liệu trình điều trị Iốt phóng xạ sẽ bắt đầu sau khoảng 6 tuần tính từ thời điểm phẫu thuật nhằm tạo thời gian cho bệnh nhân bình phục, cải thiện tâm lý và sức khỏe cùng theo dõi các biến chứng có thể có sau phẫu thuật. Khi đã tới thời điểm, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân khám lại và lên kế hoạch điều trị. Bệnh nhân được hướng dẫn ngừng uống hormon tuyến giáp trong vài tuần nếu phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc sử dụng thuốc kích thích tăng TSH (hormon kích thích tế bào tuyến giáp bắt Iốt).
  • Bước 2: Bệnh nhân được sử dụng liều Iốt phóng xạ tương ứng với mức độ và chỉ định, thường ở dạng lỏng.
  • Bước 3: Bệnh nhân lưu trú tại bệnh viện, nằm ở phòng cách ly đặc biệt và sử dụng các trang phục có tác dụng ngăn cản phóng xạ ảnh hưởng tới những người xung quanh. Giai đoạn này có thể kéo dài 1 vài tuần.
  • Bước 4: Bác sĩ kiểm tra và cho bệnh nhân xuất viện cùng hướng dẫn chăm sóc.

Thời gian thực hiện xạ trị bằng I-131: Bệnh nhân có thể chỉ cần thực hiện 1 lần hoặc lặp lại 3 tháng/lần nếu cần, cho đến khi không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh ung thư tuyến giáp nữa. Việc kiểm tra và lặp lại điều trị nhằm đảm bảo tiêu diệt tất cả các mô tuyến giáp và tế bào ung thư còn sót lại.

Lưu ý khi xạ trị ung thư tuyến giáp bằng I-131:

  • Trước khi xạ trị: Không sử dụng hormon tuyến giáp, không ăn thực phẩm chứa Iốt và uống dược phẩm kích thích tăng tiết TSH theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trong khi xạ trị: Cần thông báo cho bác sĩ điều trị các triệu chứng phụ và biến chứng do Iốt phóng xạ. Tuân thủ các quy định an toàn với bản thân và những người xung quanh.
  • Sau khi xạ trị: Khám lại theo lịch hẹn và kiểm tra ngay nếu có các dấu hiệu ung thư tái phát hoặc mất cân bằng hormon giáp trạng.

Có thể bạn quan tâm: Ung thư tuyến giáp uống I-131 có khỏi không?

bảo quản thuốc phóng xạ
Thuốc phóng xạ được bảo quản trong khay chì, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường xung quanh

2.2. Xạ trị ngoài

Xạ trị ngoài là dùng tia năng lượng như tia Gamma, tia X, tia Proton chiếu từ bên ngoài cơ thể tới người bệnh. Các tia được định hướng sao cho tổn thương ít nhất tới các mô lành trên đường xuyên tới vị trí đích và đảm bảo tiêu diệt được tế bào ung thư.

Xạ trị ngoài tuyến giáp được chỉ định với các tổn thương ung thư tuyến giáp ít đáp ứng với xạ trị trong, đặc biệt là ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn cuối, thể nang và thể tuỷ trong giai đoạn đầu.

Mục đích của phương pháp điều trị này: Là sử dụng tác dụng vật lý hủy hoại nhiễm sắc thể, qua đó làm giảm kích thước tiến tới loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể.

Ưu điểm của xạ trị ngoài là có thể tiếp cận được các tạng nằm sâu trong khung xương mà phương pháp phẫu thuật ngoại khoa khó tiếp cận. Đồng thời còn giúp loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại sau cuộc phẫu thuật tuyến giáp, đảm bảo diện cắt không còn tế bào ác tính nào.

Xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp được chỉ định khi:

  • Ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn với các tổn thương di căn tới vùng nhạy cảm nguy hiểm không có chỉ định cắt bỏ như thực quản, khí quản, não bộ…
  • Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật, với liều được tính toán kỹ lưỡng sao cho có hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại nhưng không gây tổn thương quá lớn cho các mô lành kế cận.

Chống chỉ định với xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp khi:

  • Các khối u di căn não quá lớn (kích thước lớn hơn 5cm) với nguy cơ phù nề tăng áp lực quá lớn trong não.
  • Có tình trạng bệnh cấp tính khác (nhồi máu cơ tim, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc…) ảnh hưởng tới tính mạng.
  • Bệnh nhân mê sảng, hôn mê, tiên lượng tử vong cao.

Quy trình điều trị xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp:

  • Bước 1: Trước khi xạ trị ngoài, bệnh nhân được quét CT vùng dự kiến chiếu xạ, tạo lập mô hình trên máy tính và in mô hình cố định vùng cơ thể xạ trị. Mô hình này có tác dụng hỗ trợ người bệnh cố định trên máy do thời gian xạ trị khá dài từ 30 phút tới vài tiếng. Phần mô chiếu xạ bắt buộc phải không di chuyển nhằm tránh các tia chiếu lệch không mong muốn.
  • Bước 2: Bệnh nhân tới ngày thực hiện kỹ thuật được nằm lên máy xạ, lắp khung cố định phần cơ thể xạ trị. Sau đó, bác sĩ sẽ chạy máy.
  • Bước 3: Hết thời gian chạy máy, bệnh nhân được theo dõi tiếp tục tại khoa xạ trị. Tiếp tục thực hiện xạ trị theo phác đồ và ra viện dưới chỉ định của bác sĩ điều trị.

Thời gian xạ trị ngoài tùy thuộc kích cỡ và đáp ứng với tia xạ của khối u. Khối u sẽ được đánh giá kiểm tra kích thước sau mỗi liệu trình xạ trị khoảng 3 – 4 đợt để lên kế hoạch điều trị kế tiếp.

Một buổi xạ trị có thể kéo dài từ một vài giờ tùy mức độ phức tạp. Tuy vậy trong quá trình xạ trị, bệnh nhân chỉ cảm thấy nóng rát một phần vị trí xạ, không có cảm giác đau hay khó chịu đáng kể.

Lưu ý khi xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp:

  • Trước khi xạ trị: Bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đầy đủ, giữ sức khỏe, tinh thần tỉnh táo. Việc hạn chế Iốt hay sử dụng hormone trước xạ trị là không cần thiết do cơ chế điều trị khác nhau.
  • Trong khi xạ trị: Người bệnh nằm yên trên giường chiếu, hạn chế cựa mình, ho hay hắt hơi. Khi có bất thường trong cơ thể cần báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Sau khi xạ trị: Theo dõi kỹ phản ứng của cơ thể sau xạ trị để báo với bác sĩ sớm nhất những tác dụng phụ và biến chứng xảy ra. Khám lại theo lịch hẹn và mang đầy đủ giấy tờ trong các đợt điều trị trước.
xạ trị vùng đầu cổ và khung cố định
Bệnh nhân xạ trị vùng đầu cổ và khung cố định

3. Thời điểm xạ trị ung thư tuyến giáp

Ngoài ra, xạ trị ngoài còn được sử dụng sau phẫu thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại mà phẫu thuật chưa thể cắt hết cũng như các tế bào đã di căn sang một số cơ quan khác.

Khi ung thư đã lan rộng hoặc tái phát, điều trị phối hợp xạ trị ngoài và hóa chất giúp làm giảm mô tuyến giáp và tiêu diệt tế bào ung thư đang xâm lấn, giảm các triệu chứng cho người bệnh

Lưu ý: Điều quan trọng trong quá trình điều trị là khả năng chịu đựng của người bệnh. Trong trường hợp thể trạng bệnh nhân quá kém, tuổi cao, sức yếu, có tiền sử bệnh tim sẽ không được chỉ định xạ trị.

4. Xạ trị ung thư tuyến giáp cách ly bao lâu?

Việc cách ly sau điều trị với bệnh nhân ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào phương pháp điều trị mà bệnh nhân sử dụng. Nếu thực hiện xạ trị bằng I-131 thì bệnh nhân cần cách ly sau điều trị. Còn nếu bệnh nhân xạ trị ngoài thì không cần phải cách ly sau điều trị do không có nguồn phóng xạ trong cơ thể.

4.1. Đối với điều trị bằng iốt phóng xạ

Sau khi điều trị bằng Iốt phóng xạ, thuốc và chất phóng xạ vẫn lưu trữ và phát xạ trong cơ thể bệnh nhân. Vì thế nên bệnh nhân cần cách ly để bảo đảm an toàn cho những người xung quanh.

Thời gian cách ly: Tùy thuộc lượng thuốc phóng xạ bệnh nhân hấp thu vào cơ thể mà thời gian cách ly trong phòng đặc biệt có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày.

Sau khi hết thời gian theo quy định, nhân viên y tế sẽ sử dụng thiết bị đo mức độ phóng xạ để đưa ra kết luận về thời gian kết thúc cách ly. Trong quá trình này, bệnh nhân được chăm sóc bởi nhân viên y tế.

Nguyên tắc khi cách ly: Trong thời gian cách ly, cơ thể người bệnh, đặc biệt là vùng tuyến giáp sẽ là nơi phát ra bức xạ hạt nhân có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh. Do đó cần tuân thủ một số quy tắc sau:

  • Giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.
  • Không ngủ chung giường do khó kiểm soát quá trình tiếp xúc, giữ khoảng cách.
  • Tránh quan hệ tình dục làm tăng khả năng tiếp xúc và nhiễm xạ. Ngoài ra, xạ trị còn khiến nguy cơ xuất hiện các bất thường trong tinh trùng và trứng rất cao nên người bệnh không nên có thai trong khoảng thời gian từ 4 – 6 tháng sau điều trị.
  • Nước tiểu, nước bọt và chất nôn của người bệnh có thể chứa chất phóng xạ và cần được xử lý trong một quy trình khép kín, được thiết kế cho chất thải phóng xạ.
cách ly sau khi xạ trị ung thư tuyến giáp
Sau khi điều trị bằng Iốt phóng xạ, người bệnh cần được cách ly, tránh tiếp xúc gần với cộng đồng trong thời gian quy định

4.2. Đối với điều trị bằng xạ trị ngoài

Xạ trị bên ngoài không có sự tích tụ của chất phóng xạ trong cơ thể người bệnh. Vì thế khi kết thúc quá trình xạ trị ngoài, bệnh nhân có thể sinh hoạt, tiếp xúc gần với người thân và nhân viên y tế như lúc chưa can thiệp điều trị, không cần giữ khoảng cách kể cả với phụ nữ có thai và trẻ em.

5. Tác dụng phụ của xạ trị ung thư tuyến giáp

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị xạ trị ung thư tuyến giáp:

Với xạ trị trong (dùng Iốt phóng xạ 131):

  • Viêm tuyến nước bọt: Do tia xạ hủy hoại một phần các tế bào tuyến nước bọt (vốn khá gần vùng cổ). Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tức khi nuốt, giảm tiết nước bọt, sưng nề vùng cằm, má, mang tai.
  • Khô miệng: Do viêm tuyến nước bọt gây ra, khiến miệng đắng, lưỡi khô, có thể xuất hiện nhiều gai lưỡi, hơi thở hôi và nứt môi. Bệnh nhân có thể khắc phục bằng việc uống nước cách quãng và sử dụng mỹ phẩm chống nẻ.
  • Giọng nói khàn: Thường xuất hiện do tổn thương thứ phát trong quá trình xạ vào dây thanh âm hoặc thần kinh thanh quản. Các phản ứng này thường là thoáng qua và có thể cải thiện sau một vài tuần.
  • Sưng cổ, đỏ mặt: Do phản ứng viêm của mô liên kết dưới da bị tổn thương vì bức xạ. Các tổn thương này được cải thiện sau vài tuần.
  • Buồn nôn, khó nuốt: Do rối loạn quá trình hấp thu dinh dưỡng ở ruột sau xạ trị. Đây là triệu chứng thường gặp và tự ổn định sau một khoảng thời gian.
  • Tiêu chảy: Xuất hiện ở người bệnh thường do rối loạn tiêu hóa sau xạ trị hoặc có tổn thương viêm ruột dưới tác động của tia. Cần theo dõi và bù điện giải hỗ trợ nếu tiêu chảy quá nhiều và kéo dài.
  • Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, đặc biệt là ở nam giới. Các nghiên cứu chỉ ra sau xạ trị tuyến giáp bệnh nhân nam có thể xuất hiện yếu sinh lý, rối loạn cương dương và giảm khả năng vận động của tinh trùng từ 2 – 6 tháng. Những triệu chứng này thường là thoáng qua và có thể theo dõi không cần can thiệp điều trị.
  • Khô hoặc chảy nước mắt: Do viêm tuyến lệ.
  • Thiếu máu: Do tổn thương tế bào tủy. Nếu thiếu máu kéo dài, cần kiểm tra các yếu tố rối loạn sinh tế bào máu bằng các xét nghiệm huyết học chuyên sâu.

Với xạ trị ngoài:

  • Bức xạ có thể phá hủy các mô khỏe mạnh gần vị trí xạ trị như thực quản, khí quản, tuyến nước bọt, da…
  • Gây mệt mỏi do lượng lớn tế bào bị hủy hoại, các sản phẩm chuyển hóa tăng gánh nặng cho gan và thận cùng các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Da đỏ, khô, căng như cháy nắng do viêm vùng da bị xạ trị. Nếu được kiểm soát thì các triệu chứng này chỉ thoáng qua và tự khỏi.
  • Đau họng, khó nuốt: Do mô mềm vùng thanh quản, thực quản sau xạ trị có thể bị ảnh hưởng xuất hiện phản ứng viêm, hủy tế bào. Cần được kiểm soát để tránh các biến chứng như thủng thực quản hay rò thực quản – khí quản.
tổn thương da sau khi xạ trị vùng cổ
Bệnh nhân bị tổn thương da sau khi xạ trị vùng cổ

6. Xạ trị ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?

Theo PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm xạ trị quốc gia, Phụ trách khoa y học hạt nhân của bệnh viện cho biết: “Có bệnh nhân ung thư tuyến giáp di căn phổi vẫn điều trị khỏi, sau 5 – 6 năm mới tái phát”. Qua đó có thể thấy ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư có tiên lượng khá tốt, kể cả khi đã xuất hiện các tổn thương di căn.

Xạ trị có thể điều trị khỏi cho người bệnh. Tuy vậy chỉ một số thể ung thư tiên lượng tốt với xạ trị đơn thuần, đa phần bệnh nhân cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Sau quá trình xạ trị, tiên lượng sống của người bệnh được kéo dài ít nhất từ 5 tới 10 năm, càng điều trị sớm ở giai đoạn đầu thì thời gian sống càng cao.

7. Xạ trị ung thư tuyến giáp bao nhiêu tiền?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xạ trị, bao gồm: giai đoạn xạ trị, tình trạng bệnh của người bệnh, mức độ đáp ứng.

  • Đối với xạ trị ngoài bằng tia xạ, chi phí cho mỗi đợt xạ trị khoảng từ 1,5 triệu – 5 triệu.
  • Đối với xạ trị trong, điều trị bằng Iốt phóng xạ 131. Chi phí khoảng 3 – 5 triệu đồng, diễn ra 4 – 6 đợt.

Xạ trị tuyến giáp là phương pháp điều trị được bảo hiểm chi trả. Mức hưởng bảo hiểm của người bệnh phụ thuộc vào nghề nghiệp, tuổi, địa phương nơi đăng ký bảo hiểm.

8. Xạ trị ung thư tuyến giáp ở đâu?

Xạ trị tuyến giáp là phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại, có kết quả cao và đem lại lợi ích cho người bệnh.

Trong các bệnh viện có khả năng xạ trị ung thư tuyến giáp, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt được đánh giá là địa chỉ uy tín, được nhiều người bệnh lựa chọn bởi các ưu điểm:

  • Là bệnh viện tư nhân chuyên sâu ung bướu duy nhất tại miền Bắc, có chất lượng dịch vụ cao, chi phí thăm khám hợp lý.
  • Có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao với nhiều giáo sư, chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam.
  • Dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp, tận tâm, sẵn sàng tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của người bệnh.
  • Thiết bị xạ trị cùng đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, quy trình kỹ thuật khép kín đảm bảo an toàn phóng xạ.

Hy vọng những thông tin hữu ích trên đã giúp bạn biết vai trò và quá trình xạ trị ung thư tuyến giáp. Để được tư vấn hỗ trợ khám và điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, hãy liên hệ theo hotline 094 230 0707

Có thể bạn quan tâm:

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt