Điều trị ung thư biểu mô dạ dày ở giai đoạn sớm sẽ giúp bệnh nhân có tỷ lệ sống trên 5 năm trên 70%. Và phẫu thuật là phương pháp điều trị hàng đầu hiện nay giúp loại bỏ các tế bào ung thư biểu mô dạ dày. Bài viết sau đây sẽ giúp bệnh nhân hiểu hơn về loại ung thư này và lý giải chi tiết vì sao phẫu thuật mang lại hiệu quả cao.
1. Ung thư biểu mô dạ dày là gì?
Ung thư biểu mô bắt đầu xuất hiện ở da hoặc trong các mô lót hoặc bao phủ các cơ quan của cơ thể. Nghĩa là các tế bào biểu mô hoạt động bất thường hình thành thành các khối phủ lên một hoặc một số cơ quan trên cơ thể. Hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày là ung thư biểu mô dạ dày.
Ung thư dạ dày là loại ung thư rất hay gặp theo các thống kê thì nó chiếm khoảng 10% so với các loại ung thư nói chung và chiếm khoảng 60 – 70% ung thư đường tiêu hoá. Đồng thời trong ung thư dạ dày thì ung thư biểu mô là phổ biến và quan trọng nhất, còn các loại u khác hiếm gặp vì vậy ở đây chỉ giới thiệu ung thư biểu mô dạ dày.
Ung thư dạ dày là tổn thương ác tính được phát triển từ các lớp của thành dạ dày. Thông thường lớp niêm mạc là nơi dễ phát sinh tổn thương ác tính nhất..
Ung thư biểu mô dạ dày là bệnh phổ biến ở Việt Nam, theo Globocan-2018, tại nước ta số ca mắc mới ung thư dạ dày là 17.527, chiếm 10,6% số ca ung thư mắc mới.
Ung thư biểu mô dạ dày được phân loại theo 5 nhóm gồm dạng lồi hay dạng sùi, dạng loét, thâm nhiễm bề mặt, thể xơ cứng, thể hỗn hợp. Cụ thể như sau:
Dạng lồi
Khối u có sùi lồi trên bề mặt niêm mạc dạ dày hướng vào lòng dạ dày như cây nấm hoặc dạng như các polyp. Bề mặt khối u không đều, loét, dễ gây chảy máu. Bệnh nhân có khối u dạng lồi thường dễ phát hiện và điều trị kịp thời.
Thâm nhiễm bề mặt
Các tế bào ung thư lan ra dọc theo lớp niêm mạc dạ dày hoặc ra toàn bộ dạ dày tạo thành 1 lớp thành dày và cứng. Khối u đang ở mức độ nguy hiểm bởi vì các tế bào đã xâm lấn rộng, xơ cứng gây khó khăn trong điều trị.
Thể xơ cứng
Khối u xâm nhập vào thành dạ dày với phản ứng xơ kèm theo sẽ gây ra tình trạng dạ dày có hình dạng như hình “cái chai bọc da”.
Thể hỗn hợp
Khối u có đặc điểm ≥ 2 loại khác, đây là thể thường gặp nhất trong tất cả các thể của ung thư biểu mô dạ dày.
Dạng loét
Bề mặt dạ dày bị loét ở vị trí của các u. Ở dạng này sẽ có 2 dạng thường thấy đó là:
- Thể loét không xâm lấn: Phần u bị viêm loét ăn sâu vào thành dạ dày trông có dạng như hình đĩa bờ có thể lồi cao. Phần bề mặt ở nền của ổ loét có thể có màu sắc loang lổ, còn phần bề mặt ở thành của ổ loét có thể nhẵn.
- Thể loét xâm lấn: Phần loét xâm lấn sang các vùng ở cạnh, đáy ổ loét thâm nhiễm cứng xung quanh.
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho giai đoạn này chính là phẫu thuật để cắt bỏ các khối u nhỏ. Phần tiếp theo sẽ giải thích chi tiết hơn về phương pháp này giúp bệnh nhân hiểu được vì sao đây phẫu thuật có hiệu quả điều trị cao.
2. Phẫu thuật trong điều trị ung thư biểu mô dạ dày
Phẫu thuật cắt bỏ khối u biểu mô dạ dày được đánh giá là phương pháp điều trị hiệu quả cao nhất hiện nay. Vì có thể ngăn chặn khối u xâm lấn vào sâu trong niêm mạc dạ dày hoặc lan sang các khu vực lân cận.
Cách thức thực hiện như sau: Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các khối u và mô lân cận. Các mô sau đó sẽ được xem xét và kiểm tra đã loại bỏ được hết hay chưa. Với các trường hợp chưa thể loại bỏ hoàn toàn các mô, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện hóa trị hoặc xạ trị để cố gắng triệt tiêu tối đa các tế bào ung thư biểu mô.
Phương pháp này có thể tăng tỷ lệ sống sót trên 5 năm cao nếu bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm. Phần khối u sẽ được triệt căn nên sẽ không gây ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh. Nếu để tình trạng bệnh ở dạng thể nhiễm xâm lấn thì việc lấy đi toàn bộ các khối u là rất khó và niêm mạc dạ dày đã bị tổn thương nặng.
Các loại phẫu thuật:
Phẫu thuật nội soi dạ dày là kỹ thuật điều trị được đánh giá hiệu quả cao và an toàn nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ rạch 1 đường nhỏ trên da bụng ở khu vực dạ dày, sau đó cho ống nội soi gắn camera và sử dụng kìm sinh thiết để loại bỏ khối u. Loại phẫu thuật này thường áp dụng với bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày ở giai đoạn rất sớm. Trong phẫu thuật nội soi sẽ có 2 kỹ thuật đó là:
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày: Bác sĩ cắt phần thấp nhất (hang vị và phần thấp nhất của thân vị) của dạ dày nhằm bảo tồn tối đa chức năng chứa thức ăn của dạ dày.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày: Với phương thức này, bác sĩ sẽ cắt toàn bộ dạ dày từ tâm vị đến hết môn vị. Đồng thời, bác sĩ sẽ cắt bỏ các mạch máu sát gốc và vét hạch nhằm triệt căn hoàn toàn ung thư.
Điều trị ung thư biểu mô dạ dày sau phẫu thuật
Đối với bệnh nhân ở giai đoạn muộn, bác sĩ sẽ chỉ định thêm phương thức điều trị là hoá trị liệu bổ trợ hoặc hoá trị kết hợp và xạ trị sau phẫu thuật. Mục đích là để triệt tiêu các khối u và mô mà phẫu thuật không thể loại bỏ được, tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày.
Chi phí
Mức chi phí phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày dao động từ 1 triệu – 100 triệu đồng theo tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm thì chi phí này sẽ trong khoảng 1 triệu – 40 triệu, ngược lại ở giai đoạn muộn thì chi phí sẽ cao do áp dụng thêm nhiều loại hình điều trị khác như hóa trị, xạ trị.
3. Lưu ý trước và sau phẫu thuật ung thư biểu mô dạ dày
Hiện nay, mổ nội soi dạ dày là hình thức được sử dụng chủ yếu vì có mức độ xâm lấn thấp, hạn chế biến chứng cho bệnh nhân. Để kết quả phẫu thuật thành công cao, bệnh nhân cần phối hợp tích cực với bác sĩ trước và sau khi thực hiện mổ nội soi dạ dày. Dưới đây là một số lưu ý trước và sau phẫu thuật mà bệnh nhân cần chú ý.
Trước phẫu thuật:
- Bệnh nhân không được hút thuốc, sử dụng các loại nước có cồn như rượu bia, caffeine như cà phê hay bất cứ chất kích thích nào.
- Bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin về các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đưa ra lời khuyên ngưng sử dụng một số loại ảnh hưởng không tốt tới quá trình phẫu thuật.
- Bệnh nhân cần nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng trước phẫu thuật và nhịn uống tối thiểu 2 tiếng.
- Buổi đêm trước ngày mổ, bệnh nhân sẽ được thực hiện thụt tháo để làm sạch dạ dày, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và thực hiện phẫu thuật.
Sau phẫu thuật:
- Bệnh nhân chỉ được ăn uống trở lại sau khi đã trung tiện, thường là ngày thứ 3 sau khi phẫu thuật.
- Bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, tránh nằm một chỗ lâu để hạn chế bị dính ruột.
- Thời điểm sau mổ, dạ dày hoạt động còn yếu nên bệnh nhân chỉ nên ăn thức ăn dạng mềm để dạ dày dễ tiêu hóa.
- Bệnh nhân nên ở lại viện khoảng 1 tuần để bác sĩ theo dõi có xuất hiện biến chứng không để kịp thời xử lý ngay.
4. Tiên lượng sống của bệnh ung thư biểu mô dạ dày
Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày sẽ phụ thuộc vào thời điểm phát hiện u đang ở giai đoạn sớm hay muộn, vị trí u hình thành và các đặc điểm mô học khác.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót trên 5 năm đối với các bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày như sau:
Giai đoạn | Tỷ lệ sống sót sau 5 năm |
IA | 71% |
IB | 57% |
IIA | 46% |
IIB | 33% |
IIIA | 20% |
IIIB | 14% |
IIIC | 9% |
IV | 4% |
Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn I và II thực hiện phẫu thuật cắt bỏ các khối u, hạn chế tình trạng xâm lấn thì sẽ có tỷ lệ sống trên 5 năm cao. Ngược lại, đối với những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi các tế bào ung thư biểu mô xâm lấn ra xa hơn vị trí khu trú ban đầu thì tiên lượng xấu.
Như vậy, phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư biểu mô dạ dày hiệu quả ở thời điểm hiện tại, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Ung thư biểu mô dạ dày là bệnh liên quan nhiều tới vấn đề ăn uống và thói quen sinh hoạt. Mọi người nên xây dựng lối sống khoa học và nên đi khám tổng quát định kỳ 2 lần/năm để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, kịp thời điều trị ngay khi tế bào mới ở dạng mầm mống.
Nếu bệnh nhân và người nhà cần được tư vấn thêm về ung thư dạ dày và các bệnh ung thư khác, vui lòng liên hệ hotline 094 230 0707 hoặc fanpage của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt ngay hôm nay để được tư vấn miễn phí.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Medical Definition of CarcinomaXem chi tiết
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BIỂU MÔXem chi tiết
Ung thư dạ dàyXem chi tiết
TS. BS Chuyên khoa Ngoại ung bướu Vũ Hải
Tiến sĩ, Bác sĩ
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982, hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh tại Học viện Quân Y 2009 và là nguyên là Bác sĩ Chuyên khoa Ngoại Ung Bướu – Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện K Trung ương. Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Hải Với nhiều năm kinh nghiệm về khoa Ngoại Ung bướu chuyên: Khám, tư vấn, phát hiện sớm các bệnh ung bướu Phẫu thuật ung thư dạ dày, đại tràng, tuyến giáp, gan, mật Phẫu thuật u xơ tử cung, u nang buồng trứng