Câu hỏi: Bệnh ung thư đại tràng có nguy hiểm không?

4/5 - (1 bình chọn)

Nếu bạn đang băn khoăn bệnh ung thư đại tràng có nguy hiểm không? Thì câu trả lời là CÓ, đặc biệt là ở những giai đoạn muộn. Do đó, người bệnh và gia đình cần hiểu biết về các biến chứng, tiên lượng sống và các phương pháp điều trị để phối hợp điều trị với bác sĩ tốt nhất.

1. Bệnh ung thư đại tràng có nguy hiểm không?

“Bệnh u đại tràng có nguy hiểm không?” hay “Bị u đại tràng có nguy hiểm không?” Đây là câu hỏi được hỏi rất nhiều, để trả lời được câu hỏi này không hề đơn giản vì điều này còn tùy thuộc vào việc bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn nào. Nếu phát hiện bệnh càng sớm thì tỷ lệ sống sót thêm 5 năm sẽ càng cao, mức độ nguy hiểm cũng thấp hơn.

Cụ thể, với 4 giai đoạn chính của ung thư đại tràng thì:

  • Giai đoạn 1: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 90%. Lúc này tế bào ung thư mới chỉ phát triển mạnh tại niêm mạc nên việc điều trị không gặp nhiều khó khăn.
  • Giai đoạn 2: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 80 – 83%. Với giai đoạn 2, tế bào ung thư đã phát triển đến thành đại tràng và các mô lân cận nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết. Lúc này có khả năng điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật.
  • Giai đoạn 3: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 60%. Ở thời điểm này tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết nhưng chưa di chuyển đến các bộ phận khác. Lúc này việc điều trị cần phối hợp phẫu thuật với hoá trị, xạ trị…
  • Giai đoạn 4: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 4 – 11%. Giai đoạn cuối này các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác như gan, phổi, xương… vì thế điều trị lúc này không đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh.

Điều này có nghĩa là ung thư đại tràng rất nguy hiểm khi tiến triển đến giai đoạn 3 và 4. Đến giai đoạn này các biến chứng đã xuất hiện và biểu hiện rõ nét. Một số biến chứng điển hình như: tắc ruột, thủng ruột, di căn tới các bộ phận khác trên cơ thể (gan, phổi, não, xương,…) sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới người bệnh.

Theo thống kê của GLOBOCAN tại Việt Nam 2020  có 6.448 ca mắc mới ung thư đại tràng và 3.445 ca tử vong. Còn trên thế giới, theo nghiên cứu của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ năm 2021 thì ước tính có khoảng 104.270 ca ung thư đại tràng mới.

1.1. Tắc ruột

Tắc ruột (tắc hoàn toàn hoặc tắc bán phần) là biến chứng điển hình thường gặp nhiều ở ung thư đại tràng, đặc biệt là các giai đoạn cuối. Thống kê cho thấy, có đến 30% bệnh nhân ung thư đại tràng phải phẫu thuật cấp cứu do tắc ruột.

Lý do dẫn đến biến chứng này phải kể đến:

  • Khối u phát triển làm tắc lòng đại tràng
  • Do thành đại tràng có khối u bị viêm, phù nề dẫn đến làm hẹp lòng đại tràng.
  • Do lồng ruột, thường gặp khi khối u ở manh tràng lồng vào đại tràng.
Khối u trong lòng đại tràng
Khối u phát triển ở làm hẹp lòng đại tràng gây tắc ruột

Biểu hiện của tắc ruột ở người mắc ung thư đại tràng:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau bụng do bụng bị co thắt
  • Đầy bụng, táo bón do phân không thể xuống hậu môn và ra ngoài.
  • Toàn thân: Mệt mỏi và rối loạn điện giải và nước xảy ra sau 3-4 ngày.

Khi biến chứng xuất hiện biểu hiện cần báo ngay với bác sĩ để chẩn đoán và tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Bệnh ung thư đại tràng có nguy hiểm không?
Người bệnh đau quặn bụng và cảm thấy đầy bụng, táo bón

1.2. Thủng ruột

Biến chứng thủng ruột xuất hiện sau khi tắc ruột không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có biến chứng thủng ruột thường có tỷ lệ tử vong cao do nhiễm khuẩn và viêm phúc mạc.

Viêm đại tràng do khối u tạo ra những vết rách nhỏ trong thành ruột. Tiến triển của những vết rách nhỏ này là làm tràn dịch ruột vào khoang bụng, gây ra nhiễm trùng và viêm phúc mạc. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra tử vong.

Biểu hiện thủng ruột ở người bệnh ung thư đại tràng là:

  • Sốt cao và sốc phản vệ
  • Cơ thể mệt mỏi, xanh xao, do mất máu
  • Đi ngoài phân đen
  • Đau bụng lan ra toàn bụng
Biến chứng thủng ruột
Người bệnh ung thư đại tràng có biểu hiện sốt và mất máu thì nghi ngờ đến biến chứng thủng ruột

1.3. Di căn tới các bộ phận khác trên cơ thể

Ở giai đoạn cuối, khối u có thể di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể, đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh ung thư đại tràng. Tế bào ung thư sẽ di chuyển đến hạch bạch huyết, gan, phổi, xương, não,…

Ung thư di căn đến những cơ quan khác
Ung thư đại tràng di căn đến gan biểu hiện đau ở hạ sườn phải

Biểu hiện chung của cơ thể thường suy nhược và mệt mỏi hơn. Mỗi trường hợp khối u di căn đến đâu thì sẽ có biểu hiện cụ thể:

  • Tại bạch huyết xuất hiện sớm ở giai đoạn 3 và lan rộng ở giai đoạn 4. Các hạch bạch huyết và sưng hạch bạch huyết xuất hiện.
  • Ung thư gan: Da và võng mạc chuyển vàng, chướng bụng, đau tức vùng hạ sườn phải,…
  • Ung thư phổi: Ho và khó thở, bệnh nhân có thể ho ra máu,…
  • Ung thư xương: Đau mỏi cơ thể, sưng hoặc nổi cục u, biến dạng cơ thể,…
  • Ung thư não: Đau đầu, co giật, rồi loạn thị giác, thính giác,…
Ung thư đại tràng di căn đến gan
Ung thư đại tràng di căn đến gan biểu hiện đau ở hạ sườn phải

Khi xuất hiện biến chứng di căn thì bác sĩ sẽ cần đưa ra phác đồ điều trị kết hợp phẫu thuật và các phương pháp khác như xạ trị, hóa trị, điều trị đích… Tỷ lệ sống khi phát hiện di căn thường thấp, điều trị lúc này giúp giúp tăng thời gian sống và giảm đau cho người bệnh.

2. Tiên lượng sống ung thư đại tràng

Tiên lượng sống ung thư đại tràng thường được tính là tỷ lệ sống sót trong 5 năm đối các giai đoạn cụ thể.

Để trả lời thêm cho câu hỏi: Bệnh ung thư đại tràng có nguy hiểm không? Thì bệnh nhân có thể đọc thêm những thông tin chuyên môn từ Hiệp Hội Ung thư Mỹ.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ dựa trên thông tin cơ sở của SEER, do viện Ung thư Quốc Gia Mỹ (NCI) duy trì và cung cấp số liệu cho thống kê tiên lương sống của các loại ung thư. (SEER là giám sát, dịch tễ và kết quả tổng hợp, phân tích)

Thống kê dưới đây là kết quả nghiên cứu trong 5 năm 2010 – 2016, với bệnh nhân ung thư đại tràng:

Giai đoạn Tỷ lệ sống sót trong 5 năm
Khu trú (khối u tại Đại tràng) 91%
Di căn vùng lân cận (di căn hệ bạch huyết và cơ quan xung quanh) 72%
Di căn xa (di căn đến các cơ quan xa đại tràng) 14%
Tất cả các giai đoạn SEER kết hợp 63%

Việc phát hiện sớm hoặc loại bỏ khối u sớm cũng cải thiện tỷ lệ sống trong 5 năm của bệnh nhân mắc ung thư đại tràng.

3. Điều trị ung thư đại tràng như thế nào?

Tùy vào tình trạng sức khỏe và giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả cho người bệnh. Hiện nay, ba phương pháp điều trị ung thư đại tràng phổ biến là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Các giai đoạn bệnh có các phác đồ điều trị sau:

  • Giai đoạn I: Phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất với người bệnh. Trong giai đoạn này, khối u chỉ khu trú tại đại tràng, nên dễ bóc tách và loại bỏ. Sức khỏe người bệnh chưa suy yếu, có thể chống đỡ được ca phẫu thuật.
  • Giai đoạn II: Phẫu thuật cũng là lựa chọn ưu tiên, hóa trị kết hợp chỉ để loại bỏ hết các polyp còn sót lại. Giai đoạn này khối u chưa di căn đến hạch bạch huyết hoặc chỉ đến 1-3 hạch lân cận, nên chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật.
  • Giai đoạn III: Phẫu thuật kết hợp với hóa trị, xạ trị dùng để hỗ trợ loại bỏ khối u còn sót lại sau phẫu thuật. Khối u tại giai đoạn này đã lan rộng ra các hạch bạch huyết trong phúc mạc, hoặc một số cơ quan gần xung quanh như gan. Hóa trị và xạ trị giúp giảm tốc độ di căn và giảm đau cho người bệnh.
  • Giai đoạn IV: Giai đoạn này phẫu thuật không loại bỏ hết được khối u, cần phối hợp thêm xạ trị và hóa trị. Xạ trị và hóa trị làm thu nhỏ khối u giúp phẫu thuật dễ dàng hơn. Xạ trị và hóa trị sau phẫu thuật cũng tăng tiên lượng sống và giảm đau đớn cho người bệnh. Một số trường hợp sức khỏe người bệnh không cho phép thì xạ trị và hóa trị sử dụng thay thế phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị ung thư đại tràng

Lưu ý: Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho người bệnh, bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Xét nghiệm để xác định được tình trạng của người bệnh, gen, vị trí khối u, chức năng sinh tồn người bệnh.

Như vậy, với câu hỏi bệnh ung thư đại tràng có nguy hiểm không thì câu trả lời có, đặc biệt khi đã bước vào giai đoạn III và IV xuất hiện nhiều biến chứng. Để làm giảm tính nguy hiểm cho mình và gia đình bạn nên tham gia sàng lọc ung thư định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tăng tỷ lệ sống.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

4/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ
Nguồn tham khảo

1. Các giai đoạn ung thư đại tràngXem chi tiết

2. Treatment of Colon Cancer, by StageXem chi tiết

3. Phát hiện sớm ung thư đại tràngXem chi tiết

4. Colorectal Cancer: StatisticsXem chi tiết

5. Colorectal Cancer: Types of TreatmentXem chi tiết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt