Phân biệt dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ và bệnh phụ khoa

5/5 - (1 bình chọn)

Luôn theo dõi cơ thể và phát hiện sớm dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ là chìa khóa vàng giúp bệnh nhân điều trị kịp thời và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hầu hết dấu hiệu như đau bụng, đầy hơi, có máu trong phân… đều dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa hay kỳ kinh nguyệt của nữ giới. 

Vì thế, ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn giúp chị em xác định được rõ dấu hiệu này và phát hiện bệnh kịp thời. Cùng tìm hiểu ngay!

1. Thực trạng ung thư đại trực tràng ở phụ nữ

Tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở phụ nữ:

Ung thư đại trực tràng được đánh giá là loại ung thư xếp thứ 3 về ca mắc mới ở cả nam giới và nữ giới. Theo thống kê của GLOBOCAN thì năm 2020 tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng ở nữ giới có: 

  • Khoảng 7 539 ca mắc mới, chiếm khoảng 9% tổng số ca mắc mới.
  • Tỷ lệ tử vong của ung thư đại trực tràng đứng thứ 8 và chiếm gần 3% trong nguyên nhân do ung thư. 
thực trạng ung thư trực tràng năm 2020
Ung thư đại trực tràng (Colorectum) chiếm 9% tổng số ca mắc mới ở nữ giới Việt Nam năm 2020

Còn trên thế giới, theo nghiên cứu của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ năm 2021 thì ước tính có khoảng 104.270 ca ung thư đại tràng mới và 45.230 ca ung thư trực tràng mới. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ cũng đưa ra nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở nữ giới có tỷ lệ là 1/25 người (khoảng 4%), nam giới cao hơn một chút là 1/23 người (khoảng 4,3%). 

Độ tuổi trung bình mắc ung thư đại trực tràng

  • Ung thư đại tràng: Phụ nữ (71 tuổi), nam giới (67 tuổi)
  • Ung thư trực tràng: Phụ nữ (69 tuổi), nam giới (66 tuổi)

Trước đây, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn, nhưng hiện nay số người dưới 50 tuổi mắc bệnh này ngày càng tăng lên. Theo thống kê từ năm 2012 đến năm 2016, mỗi năm tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tăng 2% ở độ tuổi dưới 50 và 1% ở độ tuổi 50 đến 64. 

Đây là dấu hiệu cảnh báo mỗi người phụ nữ cần chú trọng hơn đến sức khoẻ mình.

Tỷ lệ sống sót khi mắc ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới: 

Ung thư đại tràng Ung thư trực tràng
Giai đoạn 1 Khối u chưa lan rộng, chỉ xuất hiện tại tế bào niêm mạc đại tràng

Tiên lượng sống khoảng 91%

Khối u chưa lan rộng, chỉ xuất hiện tại tế bào niêm mạc trực tràng

Tiên lượng sống khoảng 89%

Giai đoạn 2 và 3 Khối u đã phát triển ra ngoài niêm mạc, giai đoạn 3 đã xâm lấn ra một phần hạch bạch huyết.

Tiên lượng sống khoảng 72%

Khối u đã phát triển ra ngoài niêm mạc, giai đoạn 3 đã xâm lấn ra một phần hạch bạch huyết.

Tiên lượng sống khoảng 72%

Giai đoạn 4 Khối u đã xâm lấn qua hạch bạch huyết đến các cơ quan khác như gan, phổi.

Tiên lượng sống sau 5 năm Khoảng 14%

Khối u đã xâm lấn qua hạch bạch huyết đến các cơ quan khác như gan, phổi.

Tiên lượng sống sau 5 năm  Khoảng 16%

Lưu ý: Tiên lượng sống trên là những thông tin chung để bạn tham khảo. Tuy nhiên, hãy nhớ, tiên lượng sống còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như yếu tố gia đình, thói quen và lối sống, tiểu sử mắc các bệnh liên quan, khả năng đáp ứng điều trị… 

Dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ
Ung thư đại trực tràng ở nữ giới

2. 7 dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ

Những biểu hiện của bệnh ung thư đại tràng ở phụ nữ thường bị nhầm lẫn với: nhiễm virus, bệnh trĩ, hội chứng ruột kích thích hoặc các bệnh bệnh phụ khoa, kinh nguyệt, mãn kinh,… Vì thế, bạn cần phải chú ý quan sát và lắng nghe kỹ cơ thể mình.

2.1. Ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu

Trong giai đoạn đầu, ung thư đại tràng có ít hoặc không rõ ràng những dấu hiệu. Tuy nhiên, bạn có thể chú ý đến các triệu chứng như:

2.1.1. Thay đổi thói quen đại tiện

Các biểu hiện hay gặp là: tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, thói quen đi tiêu kéo dài hơn một hoặc vài ngày… Lý do giải thích cho thay đổi này vì tế bào ung thư phát triển làm hẹp và giảm chức năng của đại tràng. Từ đó, làm rối loạn hấp thu nước và tạo khuôn chất thải ở đại tràng. 

Thay đổi thói quen đại tiện là dấu hiệu ung thư đại trực tràng
Thay đổi thói quen đại tiện là dấu hiệu đầu tiên khi mắc ung thư đại trực tràng

2.1.2. Có máu trong phân hoặc chảy máu trực tràng

Những dấu hiệu có thể gặp như:

  • Phân nát hoặc không tạo khuôn như bình thường, xuất hiện chất nhầy
  • Xuất hiện máu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm lẫn trong phân, rõ hơn là phân màu đen hoặc nâu

Tình trạng này gặp khi khối u làm ảnh hưởng đến các mạch máu của trực tràng bị chèn ép sau đó là chảy máu trực tràng.

2.1.3. Đau bụng liên tục, đầy hơi, đầy bụng hoặc chuột rút

Những cơ đau bụng mà bệnh nhân ung thư đại tràng thường gặp phải:

  • Cơn đau liên tục tương tự như đau bụng kinh, người bệnh cảm giác đau quặn bụng
  • Cảm giác đau bụng đi tiêu nhưng không đi được
  • Đầy hơi, đầy bụng mặc dù không ăn nhiều thức ăn, tinh bột
  • Chuột rút 

Dấu hiệu này liên quan đến vị trí của trực tràng và kích thước làm chặn đường đi xuống hậu môn của phân, làm tắc nghẽn gây ra co bóp và tạo cơn đau.

Đau bụng đầy hơi là dấu hiệu ung thư đại trực tràng
Đau bụng đầy hơi gặp dễ bị nhầm lẫn với bệnh do tiêu hóa hoặc kỳ kinh nguyệt

Ngoài ra, lưu ý rằng các dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ này rất dễ bị nhầm lẫn với kỳ kinh nguyệt của nữ giới hoặc bệnh lạc nội mạc tử cung. Vì thế, bạn hãy chú ý theo dõi các cơn đau này, liệu có diễn ra thường xuyên trong nhiều tuần không? Chúng có xuất hiện cả những thời điểm không phải kỳ kinh nguyệt không? Có kèm theo các dấu hiệu khác không? Nếu có hãy cảnh giác và thăm khám càng sớm càng tốt. 

2.1.4. Nôn mửa

Nôn mửa dễ nhầm lẫn với ngộ độc thức ăn, tuy nhiên nôn mửa do ung thư đại trực tràng người bệnh không có tình trạng đau đầu, mà chỉ mệt mỏi. Nôn mửa gây ra khi khối u làm kích thích hệ tiêu hóa co bóp và trào ngược, cũng vì thức ăn không tiêu làm ứ đọng thức ăn, gây nôn.

Nôn mửa: Dấu hiệu ung thư đại trực tràng
Nôn mửa xảy ra khi khối u kích thích ruột

2.1.5. Suy nhược và mệt mỏi liên tục

Cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân trong thời gian ngắn cũng là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng ở nữ giới. 

Việc sụt cân không rõ nguyên nhân có thể là do cơ thể mệt mỏi không ăn uống điều độ và khối u lấy dinh dưỡng từ cơ thể để phát triển. Hoặc do thiếu máu khi bị chảy máu trực tràng thời gian dài không phát hiện. Lượng máu giảm làm cơ thể:

  • Mệt mỏi
  • Niêm mạc xanh xao, không hồng hào
  • Dấu hiệu thiếu máu ở: Da, lưỡi, lòng bàn tay
  • Đau đầu và tiền đình, khó ngủ dễ nhầm với thời kỳ tiền mãn kinh
Mệt mỏi kéo dài, liên tục có thể là dấu hiệu ung thư đại trực tràng
Mệt mỏi kéo dài, liên tục có thể là dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ

Người bệnh là nữ cần đến gặp bác sĩ khi gặp các dấu hiệu trên mà trong thời kỳ không phải kỳ kinh nguyệt hoặc thời kỳ mãn kinh. Hoặc nếu các dấu hiệu xuất hiện cùng lúc, kéo dài thì cũng cần đến khám bác sĩ để phát hiện và điều trị kịp thời.

2.2. Ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn

Giai đoạn muộn các dấu hiệu sớm đã rõ ràng hơn và tần suất gặp nhiều hơn. Ngoài ra còn có các dấu hiệu đặc trưng khi khối u lan đến các bộ phận khác và gây tắc ruột.

2.2.1. Ung thư lan đến các bộ phận cơ thể (hạch bạch huyết, gan…)

Tế bào ung thư thâm nhập vào hạch bạch huyết và theo đó đến các cơ quan như gan, phổi. 

  • Khối u di căn đến hạch bạch huyết, mắt thường thấy các hạch nổi quanh phúc mạc
  • Khối u di căn đến gan có biểu hiện như vàng da, nổi mụn, mắt vàng, cơ thể mệt mỏi,…
  • Khối u di căn đến phổi gây khó thở, ho và các dấu hiệu của ung thư phổi

Khi khối u đã di căn khi đã xâm nhập và phá hủy các tế bào thành ruột, vào hệ bạch huyết, gây tại vị trí các hạch quanh phúc mạc. Thời gian lâu sẽ theo đường bạch huyết đến gan và phôi, các cơ quan khác.

Khi khối u đã di căn thì tiên lượng sống của bệnh nhân không tốt, theo khảo sát thì tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh giai đoạn 4 – giai đoạn muộn của ung thư đại trực tràng chỉ còn 8%.

2.2.2. Tắc ruột

Đại trực tràng hay còn gọi là ruột già, khi khối u phát triển giai đoạn muộn thường có kích thước lớn, làm tắc ruột. Đoạn ruột bị tắc có nguy cơ cao bị hoại tử vì các mạch máu bị khối u chèn ép và lấy mất dinh dưỡng nuôi tế bào cần thiết. 

Người bệnh có dấu hiệu tăng cơn đau hơn, thời gian cơn đau kéo dài, không tiểu tiện được và mệt mỏi. 

Khối u đại trực tràng gây tắc ruột ở nữ giới
Khối u đại trực tràng gây tắc ruột ở nữ giới

2.3. Dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ và các vấn đề phụ khoa

Việc phân biệt các dấu hiệu của ung thư đại trực tràng với các bệnh phụ khoa ở nữ giới sẽ giúp chị em nhanh chóng xác định được bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị ung thư đại trực tràng.

Bảng so sánh dưới đây về sự khác nhau giữa các dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở nữ giới và vấn đề phụ khoa: 

Dấu hiệu Ung thư đại trực tràng ở phụ nữ Các vấn đề phụ khoa ở phụ nữ
Thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy và táo bón Biểu hiện: 

– Giảm số lần đi đại tiện, cảm giác muốn đi nhưng không được.

– Tiêu chảy: Phân lỏng có chất nhầy, có màu đen hoặc nâu nhưng không rõ máu.

– Táo bón và tiêu chảy thay đổi thất thường.

Dễ bị nhầm lẫn với thời kỳ kinh nguyệt.

Biểu hiện: 

– Tăng số lần đi đại tiện

– Tiêu chảy: phân lỏng có màu đen do máu của niêm mạc tử cung bị bong. 

– Táo bón và tiêu chảy không xuất hiện cùng lúc.

Đau quặn bụng  Biểu hiện: – Thường đau khi buồn đi đại tiện.

– Đau quặn bụng, mót rặn.

– Thời gian đau kéo dài vài tuần.

Dễ bị nhầm với đau bụng kinh

Biểu hiện: 

– Đau quặn từng cơn theo nhịp của sự co bóp tử cung.

– Cơn đau thường lấn át đau bụng do buồn đi đại tiện. 

– Đau bụng chỉ xảy ra 1-2 trong chu kỳ kinh nguyệt.

Chuột rút Biểu hiện: 

– Thường xảy ra ở vùng bụng dưới gần hậu môn. 

Dễ bị nhầm với bệnh lạc nội mạc tử cung

Biểu hiện: 

– Thường xuất hiện ở phần xương chậu và phần lưng.

Mệt mỏi Biểu hiện:– Kiệt sức kể cả khi đã nghỉ ngơi

– Suy nhược cơ thể thấy rõ trong thời gian ngắn và không hồi phục.

Dễ bị nhầm với hội chứng tiền mãn kinh (PMS) hoặc do thiếu máu trong kỳ kinh nguyệt

Biểu hiện: 

– Mệt mỏi do mất máu trong kỳ kinh thường nghỉ ngơi và ăn thức ăn nhẹ sẽ hồi phục.

– Biểu hiện ở phụ nữ tiền mãn kinh sẽ kèm theo mất ngủ, đau đầu, chóng mặt,…

3. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng ở phụ nữ

Chưa có nghiên cứu nào khẳng định về nguyên nhân gây ra ung thư đại trực tràng ở nữ giới, tuy nhiên có một số nhóm phụ nữ có yếu tố mắc cao hơn như:

  • Phụ nữ 50 tuổi trở lên (dù căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa) 
  • Người có tiền sử mắc polyp đại trực tràng. Do những tế bào ruột bị polyp không được loại bỏ hết có thể sẽ tạo thành khối u.
  • Bệnh nhân đã từng mắc bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Những vết loét làm tăng khả năng xơ hóa vị trí đó, tạo thuận lợi cho khối u tăng sinh và xuất hiện.
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng. 
  • Người mắc hội chứng Lynch, ung thư đại trực tràng không polyp di truyền và đa polyp tuyến gia đình (FAP)
  • Người bệnh bị đái tháo đường typ II có nguy cơ cao do lượng đường trong máu cao và thay đổi hormon làm tăng khả năng tế bào ung thư xuất hiện. 
  • Lối sống không khoa học và lành mạnh như lười vận động, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, sử dụng chất kích thích nhiều… cũng tăng nguy cơ phụ nữ bị bệnh này. 
  • Phụ nữ sau mãn kinh sử dụng các hormon để giúp làm chậm thời kỳ mãn kinh, giảm tác dụng của mãn kinh với các cơ quan. Tuy nhiên liệu pháp sử dụng hormone lại làm tăng nguy cơ bệnh ung thư vú, tử cung. Các bệnh ung thư này khi di căn đến ung thư đại trực tràng, tạo ra khối u mới.
hút thuốc tăng nguy cơ ung thư đại tràng
Phụ nữ có thói quen hút thuốc nằm trong những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao

4. Làm thế nào để chẩn đoán ung thư đại tràng ở phụ nữ?

Chẩn đoán ung thư đại tràng ở nữ giới có thể phát hiện qua khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. 

Khám lâm sàng bao gồm:

  • Khám các dấu hiệu bất thường, xảy ra thường xuyên của bệnh nhân.
  • Khai thác thông tin về tiền sử gia đình, tuổi, giới tính, tiền sử mắc các bệnh liên quan đến đại tràng…

Các xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện ung thư bao gồm: 

  • Xét nghiệm máu trong phân:
  • Xét nghiệm trên guaiac (gFOBT): Dựa trên phản ứng hóa học xác định máu trong phân.
  • Miễn dịch hóa học (FIT): Xác định có mặt của protein hemoglobin có trong tế bào hồng cầu.
  • Nội soi đại tràng nhằm phát hiện polyp hoặc các tổn thương bất thường
  • Xét nghiệm DNA trong phân: Nếu xuất hiện DNA đột biến thì cần làm nội soi đại trực tràng để xác định ung thư.
  • Chụp cắt lớp vi tính đại tràng giúp bác sĩ quan sát được khối u ở đại trực tràng, đánh giá xâm lấn của khối u với khu vực xung quanh.
Nội soi đại trực tràng phát hiện ung thư
Nội soi đại trực tràng phát hiện ung thư

Kết quả tổng hợp từ các xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ đưa ra kết luận chẩn đoán ung thư đại tràng ở nữ giới chính xác nhất. Ngoài ra, tổng hợp kết quả cũng đưa ra vị trí, giai đoạn, mức độ và tiên lượng cho người bệnh. 

5. Biện pháp phòng tránh ung thư đại trực tràng ở phụ nữ

Các biện pháp hữu hiệu giúp phòng tránh ung thư đại trực tràng ở phụ nữ phải kể đến:

  • Tập thể dục thường xuyên, giữ cho sức khỏe luôn ổn định
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Chế độ ăn uống khoa học, ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì các sản phẩm ngũ cốc tinh chế… Tránh các loại thịt đỏ, thịt đã qua chế biến. 
  • Lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia. Không hút thuốc lá
  • Sử dụng ít thiết bị điện tử
  • Tầm soát ung thư đại trực tràng thường xuyên, đặc biệt là khi bạn nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao hoặc ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đã kể trên.
Tập luyện thể dục giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng
Tập luyện thể dục giúp duy trì trọng lượng cơ thể – giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở tuổi mãn kinh

Trên đây là thông tin về dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở phụ nữ mà bạn cần biết và phân biệt được. Đừng quên tạo thói quen lắng nghe cơ thể và thăm khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để có thể phòng và điều trị bệnh sớm nhất! 

 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt