Theo GLOCOBAN 2020 cho thấy tỷ lệ mắc ung thư đại tràng trên thế giới đứng thứ 3 sau ung thư vú và ung thư phổi. Tuy nhiên, khả năng điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu và tỷ lệ sống của giai đoạn này đều có số liệu rất khả quan. Nếu phát hiện sớm và có phác đồ điều trị phù hợp thì tỷ lệ sống trên 5 năm của giai đoạn đầu lên tới khoảng 90%. Cụ thể cách điều trị ở giai đoạn sớm này như thế nào, hãy cùng tìm hiểu ngay!
1. Tìm hiểu về ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Ung thư đại tràng giai đoạn đầu được hiểu là bao gồm giai đoạn 0 và giai đoạn 1
- Giai đoạn 0: Khối u chỉ khu trú ở lớp niêm mạc bên trong đại tràng
- Giai đoạn I: Khối u phát triển sâu hơn vào các lớp của thành đại tràng, nhưng không lan ra bên ngoài thành đại tràng hoặc vào các hạch bạch huyết gần đó.
Ở giai đoạn đầu này, các triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, người bệnh rất dễ bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh khác. Một số biểu hiện thường gặp đó là:
- Đi ngoài phân nhầy máu: Là triệu chứng hay gặp nhất, phân lẫn máu đỏ thẫm lẫn dịch nhầy và mủ.
- Đau bụng vùng hạ vị: Thường đau âm ỉ, mơ hồ không có quy luật, càng ở giai đoạn sau cường độ đau càng tăng dần.
- Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua… thường kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi.
- Sút cân đột ngột mà không rõ nguyên nhân…
Các dấu hiệu trên đều rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh tiêu hoá thông thường, vì thế bệnh nhân và người nhà cần lưu ý quan sát để phát hiện dấu hiệu bệnh và nên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm nhất.
2. Phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu, khối ung thư đại tràng chỉ khu trú ở thành đại tràng, kích thước tương đối nhỏ nên bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như: cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi, nội soi cắt bỏ niêm mạc đại tràng hay phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.
2.1. Cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi
Cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi có mục đích là cắt bỏ khối ung thư có kích thước nhỏ, khu trú, nằm hoàn toàn trong một polyp.
Để thực hiện phương pháp này bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm, đầu ống có gắn camera đưa vào trong đại tràng bệnh nhân. Sau đó nhờ hình ảnh thu nhận được, bác sĩ sẽ xác định được vị trí của polyp rồi tiến hành cắt bỏ dễ dàng.
Chi phí cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi phụ thuộc vào cơ sở y tế, vị trí, số lượng, kích thước của polyp. Trung bình sẽ khoảng 1.000.000đ – 1.200.000 đ/1 polyp.
Lưu ý:
- Trước khi thực hiện thì người bệnh cần phải làm sạch đại tràng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Dù đây là thủ thuật có độ an toàn cao nhưng với polyp có kích thước lớn có thể gây ra biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng chân cắt…
2.2. Nội soi cắt bỏ niêm mạc đại tràng
Mục đích của nội soi cắt bỏ niêm mạc đại tràng là cắt bỏ khối ung thư cùng một phần niêm mạc bên trong đại tràng.
Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm, đầu ống có gắn camera đưa vào trong đại tràng. Nhờ hình ảnh thu nhận được, bác sĩ sẽ xác định được vị trí khối u. Sau đó tiến hành tiêm vào lớp dưới niêm mạc một dung dịch để tách lớp niêm mạc ra khỏi các lớp khác, rồi sử dụng dao đốt điện để cắt bỏ niêm mạc đại tràng có khối ung thư.
Chi phí nội soi cắt bỏ niêm mạc đại tràng là khác nhau ở các cơ sở khác nhau, chi phí phụ thuộc nhiều vào kích thước, vị trí khối u. Tuy nhiên trung bình sẽ khoảng 2 triệu – 3 triệu đồng/phẫu thuật.
Lưu ý khi thực hiện:
- Trước khi thực hiện nội soi, người bệnh cần được làm sạch đại tràng bằng thuốc
- Dù hiếm gặp nhưng khi thực hiện phương pháp này có thể gặp các biến chứng như chảy máu, thủng đại tràng, nhiễm khuẩn vết cắt…
2.3. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (phẫu thuật nội soi)
Phẫu thuật nội soi trong điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu có mục tiêu là cắt bỏ khối u và một phần đại tràng.
Cách thực hiện: Sau khi gây mê, phẫu thuật viên sẽ rạch một số vết rạch nhỏ trên thành bụng rồi đưa các dụng cụ phẫu thuật cùng với camera vào trong ổ bụng. Sau đó xác định vị trí khối u và tiến hành cắt bỏ phần đại tràng chứa khối u, rồi phục hồi lưu thông bằng cách nối hai đầu cắt lại với nhau. Nếu không thể nối được thì bệnh nhân sẽ được làm hậu môn nhân tạo.
Lưu ý:
- Bệnh nhân cần ăn mềm, dễ tiêu hóa vào những ngày trước mổ, nhịn ăn hoàn toàn từ nửa đêm trước phẫu thuật.
- Các biến chứng có thể gặp phải: một số biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nội soi là chảy máu, rò miệng nối, nhiễm trùng miệng nối…
3. Lưu ý khi phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Để đạt hiệu quả điều trị cao, trước khi thực hiện phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Chuẩn bị tâm lý thoải mái: Tâm lý thoải mái góp phần vào thành công rất lớn của quá trình điều trị ung thư đại tràng. Do đó, người bệnh cần lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào phương pháp và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Hiểu được nguy cơ ung thư sẽ tái phát: Sau điều trị bất kỳ một loại ung thư nào thì khả năng tái phát đều có thể xảy ra, do đó việc có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học là cần thiết để làm giảm tỷ lệ tái phát. Đồng thời, người bệnh cần đi khám định kỳ để phát hiện sớm tái phát và có phác đồ điều trị tiếp theo.
- Biết rõ tác dụng phụ ngắn hạn và có thể xảy ra trong tương lai: Sau phẫu thuật, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, chán ăn… Các tác dụng phụ này thường mất đi sau một thời gian nên người bệnh đừng quá lo lắng.
- Người bệnh cần được làm sạch đại tràng trước khi phẫu thuật để giảm nhiễm khuẩn do những chất từ trong lòng đại tràng tràn vào trong ổ bụng.
4. Hướng dẫn chăm sóc sau khi phẫu thuật ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Sau khi phẫu thuật thì việc chăm sóc người bệnh đóng vai trò quan trọng, quyết định sự hồi phục của bệnh nhân. Để sức khỏe có thể hồi phục nhanh chóng, người bệnh sớm trở về cuộc sống bình thường cần một số lưu ý trong quá trình chăm sóc như sau:
Về chế độ ăn uống:
- Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân chưa thể ăn ngay được, do đó việc nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch là cần thiết.
- Khi đã trung tiện được, nên cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Sau đó, mới chuyển sang ăn đặc dần rồi trở về chế độ ăn bình thường.
- Người bệnh cần được tăng cường rau xanh, hoa quả, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, muối khoáng… giúp tăng cường sức đề kháng, hệ tiêu hóa hồi phục.
- Đồng thời không cho người bệnh sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích… để hạn chế tái phát.
Đối với chế độ sinh hoạt:
- Sau khi trải qua quá trình phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân yếu nên việc vận động cần được thực hiện nhẹ nhàng trên giường, sau đó cho người bệnh tập ngồi rồi đứng dậy, đi lại.
- Sau đó bệnh nhân cần vận động phù hợp giúp tăng cường máu lưu thông, kích thích nhu động ruột tạo điều kiện để vết mổ nhanh hồi phục.
- Hạn chế để bệnh nhân vận động mạnh lúc mới mổ vì rất dễ gây tổn thương thêm vết mổ.
Theo dõi chặt chẽ sau mổ:
Việc theo dõi sau mổ giúp phát hiện sớm những biến chứng của quá trình phẫu thuật như chảy máu, nhiễm khuẩn… để kịp thời xử lý. Đồng thời còn giúp phát hiện sớm ung thư tái phát.
Để phát hiện sự tái phát của ung thư, người bệnh cần đi khám định kỳ thường xuyên. Cụ thể như sau: trong 3 năm đầu, cứ 3 – 6 tháng người bệnh cần tái khám 1 lần. Trong 2 năm tiếp, cứ 6 tháng cần tái khám 1 lần. Với các năm tiếp theo, người bệnh cần tái khám mỗi năm 1 lần.
Phương pháp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu chủ yếu là phẫu thuật. Nếu còn thắc mắc về ung thư đại tràng, vui lòng hãy liên hệ theo số điện thoại Hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: 0942 300 707 để được tư vấn miễn phí.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
1. Treatment of Colon Cancer, by StageXem chi tiết
2. Survival Rates for Colorectal CancerXem chi tiết
3. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 CountriesXem chi tiết
BS CKI Nội Ung bướu Đàm Thu Nga
Bác sĩ CKI
Với gần 30 năm bề dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn vững vàng, BSCKI Nội Ung Bướu Đàm Thu Nga – Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa Hưng Việt luôn là “chỗ dựa” đáng tin cậy cho nhiều người bệnh và khách hàng khi đến thăm khám tại Hệ thống Y tế Hưng Việt. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn giỏi, Bác sĩ Thu Nga còn là một người thầy thuốc rất tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người bệnh và gia đình người bệnh khi được bác sĩ Nga…