Điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật | Phương pháp và lưu ý

3.7/5 - (12 bình chọn)

Theo GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam có 5.471 ca mắc mới ung thư tuyến giáp, trong đó 642 ca tử vong [1]. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật như uống hormone tuyến giáp, xạ trị I-131, theo dõi và chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Mục đích nhằm tăng khả năng điều trị khỏi bệnh, giảm tái phát và kéo dài tiên lượng sống cho bệnh nhân. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật
Ung thư tuyến giáp là bệnh có tiên lượng tốt nếu được điều trị kịp thời và đúng cách

1. Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bệnh nhân vẫn cần điều trị. Việc điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

  • Bệnh nhân cần điều trị nội tiết sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp bằng cách uống hormone tuyến giáp thay thế suốt đời.
  • Liệu pháp Iod phóng xạ được chỉ định sau khi cắt bỏ tuyến giáp để giúp đảm bảo rằng không còn tế bào ung thư còn sót lại.
  • Hóa trị là phương pháp không được sử dụng phổ biến để điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật. [2] Do bệnh này có xu hướng phát triển chậm, tỷ lệ điều trị thành công cao. Việc điều trị ung thư tuyến giáp có thể dễ dàng bằng các phương pháp nhẹ nhàng hơn mà vẫn khỏi, bệnh nhân không phải chịu khổ sở về tác dụng phụ do hóa trị đem lại như rụng tóc, thiếu máu, nôn…

2. 2 phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý có phương pháp điều trị đầu tay là phẫu thuật tuyến giáp. Tuy nhiên sau đó cần có thêm các phương pháp điều trị khác nhằm duy trì nồng độ hormone tuyến giáp cũng như loại bỏ triệt để các tế bào ung thư giáp còn sót lại sau phẫu thuật.

2.1. Uống hormon tuyến giáp sau phẫu thuật

Người bệnh sau khi phẫu thuật tuyến giáp cần phải dùng thuốc hormone tuyến giáp thay thế. Nhằm mục đích thay thế hormone tuyến giáp cần thiết cho cơ thể, đồng thời làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư biệt hóa còn lại sau phẫu thuật. [3] Ngoài ra, thuốc hormone còn giúp người bệnh tránh khỏi tình trạng suy giáp, thường xảy ra ở 11-28% người trải qua phẫu thuật tuyến giáp. [4]

Thuốc hormone tuyến giáp thường được sử dụng là Levothyroxine. Levothyroxine có tác dụng thay thế hormone tự nhiên, giúp duy trì sự trao đổi chất bình thường và có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp tái phát. [5] Việc sử dụng loại thuốc này cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.

Levothyroxine là thuốc điều trị ung thư tuyến giáp
Levothyroxine được bác sĩ chỉ định nhằm bổ sung hormone tuyến giáp

Thời điểm bổ sung hormone tuyến giáp sau phẫu thuật: Nhiều nghiên cứu cho rằng sau phẫu thuật 2 năm đầu, lượng hormone tuyến giáp dự trữ trong cơ thể vẫn đủ để bệnh nhân cảm thấy bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân có thể bổ sung luôn hormone tuyến giáp sau phẫu thuật với liều lượng từ thấp đến cao dần theo y lệnh của bác sĩ điều trị.

  • Với người cắt toàn bộ tuyến giáp: Cần uống thuốc hormone tuyến giáp cả đời do đã mất đi cơ quan sản xuất hormone tuyến giáp.
  • Với người cắt 1 nửa tuyến giáp: Cần uống thuốc hormone tuyến giáp tùy vào liều lượng cụ thể mà bác sĩ đã tính toán dựa trên từng tình trạng cụ thể của người bệnh.

Mục đích bổ sung hormone tuyến giáp sau phẫu thuật: Việc cắt bỏ tuyến giáp khiến hormone tuyến giáp bị sụt giảm đột ngột, điều này kích thích vùng hạ đồi tăng sinh hormone TSH (điều hòa ngược hormone tuyến giáp) nhằm mục đích giải phóng hormone tuyến giáp vào trong máu. Khi hormone tuyến giáp được bổ sung từ bên ngoài sẽ làm ổn định nồng độ TSH.

Hướng dẫn sử dụng thuốc hormone tuyến giáp Levothyroxine:

  • Thời điểm uống thuốc: Levothyroxine được hấp thu tại đường tiêu hóa trong khoảng 48-79%, những vị trí có khả năng hấp thu thuốc tốt nhất là hồi tràng, hỗng tràng và 1 ít tá tràng. Khi đói bụng sẽ hấp thu thuốc tốt hơn. Vì vậy, thời gian dùng thuốc tốt nhất là 60 phút trước khi ăn sáng hoặc trước khi đi ngủ (ít nhất 3 giờ sau ăn tối) và cách ít nhất 4 giờ so với các loại thuốc khác (nếu có). [6]
  • Liều lượng sử dụng: Liều Levothyroxine ban đầu được chỉ định dựa vào trọng lượng cơ thể bệnh nhân sau phẫu thuật (1,6 mcg/kg thể trọng). Dựa vào kết quả xét nghiệm máu, liều được điều chỉnh từ 6-8 tuần sau đó. Lưu ý với bệnh nhân thừa cân, béo phì có thể cần một liều lượng tương đối thấp hơn với trọng lượng cơ thể họ. [7]

2.2. Uống I-ốt phóng xạ I-131 sau phẫu thuật

Chất phóng xạ I-131 hiệu quả trong việc phá hủy những mô giáp còn lại, diệt những ổ di căn nhỏ sau khi phẫu thuật, tránh ung thư tuyến giáp tái phát. Do khả năng hấp thụ iod rất tốt của tế bào tuyến giáp. Sau khi hấp thu vào cơ thể, I-131 phá hủy ADN và làm chết các tế bào tuyến giáp. [8]

Thời điểm uống Iod phóng xạ sau phẫu thuật:

Sau khi phẫu thuật tuyến giáp, bệnh nhân sẽ dần bị sụt giảm nồng độ hormone tuyến giáp nên có thể uống Iod khi ăn uống được bình thường khoảng 6-8 tuần. Tuy nhiên bệnh nhân cần đợi đến khi chỉ số TSH của vùng hạ đồi về giới hạn cho phép thì sẽ được bác sĩ kê Iod phóng xạ đường uống theo liều thấp.

3. Lưu ý khi điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

3.1. Lưu ý khi sử dụng thuốc hormone tuyến giáp

Sau khi phẫu thuật tuyến giáp, vì đã mất cơ quan sản xuất hormone nên cơ thể bắt buộc phải dùng hormone tuyến giáp levothyroxine suốt đời. Khi sử dụng, cần lưu ý những điều sau [9]:

3.1.1 Uống thuốc đúng liều

Tùy theo nồng độ hormone tại mỗi thời điểm của bệnh nhân và yêu cầu điều trị của bác sĩ mà liều thuốc Levothyroxine phải được căn chỉnh liên tục.

Liều thuốc phải tăng giảm dựa trên các yếu tố như độ tuổi, thời gian, tình trạng hiện tại của người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám đúng theo lịch bác sĩ dặn nhằm theo dõi các chỉ số như T3, T4, TSH để có được liều lượng thích hợp nhất cho mỗi giai đoạn. Bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý tăng giảm liều thuốc vì có thể xuất hiện những triệu chứng của bệnh cường giáp hoặc suy giáp.

3.1.2. Chú ý thời điểm uống thuốc tối ưu nhất

Như đã đề cập ở trên, thời điểm uống thuốc có vai trò quan trọng trong việc cơ thể hấp thu và chuyển hóa thuốc. Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ khuyên bệnh nhân nên dùng levothyroxine ít nhất 60 phút trước ăn sáng hoặc trước khi đi ngủ (ít nhất 3 giờ sau ăn tối) và cách ít nhất 4 giờ so với các loại thuốc bổ sung khác, nếu có.

3.1.3. Theo dõi tác dụng phụ của thuốc

Một số người bệnh sử dụng thuốc Levothyroxine có thể gặp các triệu chứng của bệnh cường giáp như: Hồi hộp trống ngực, hay vã mồ hôi, tim đập nhanh, nói nhiều, rụng tóc,…

Khi cảm thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường bệnh nhân phải phản ánh ngay với bác sĩ nhằm xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

3.1.4. Đề phòng tương tác thuốc

Nhiều thuốc nếu sử dụng cùng trong khoảng thời gian dùng Levothyroxine có thể giảm sự hấp thu, giảm tác dụng thậm chí gây ra 1 số tác dụng phụ. Để khắc phục điều này, bạn nên sử dụng thuốc levothyroxine cách thuốc calci carbonat hoặc sắt sulfat khoảng 1-2 giờ.

Người bệnh không được uống thuốc đồng thời hormon này với các thuốc kháng acid (vì tác dụng gắn của canxi hoặc magie trong thành phần thuốc kháng acid), nếu cần phải sử dụng thuốc này thì nên dùng cách nhau 4 giờ. Tốt nhất khi dùng phối hợp nhiều loại thuốc cần được sự cho phép của bác sĩ.

3.1.5. Chú ý chế độ dinh dưỡng khi dùng thuốc

Vì là hormone tuyến giáp nên Levothyroxine làm chuyển hóa của hầu hết bộ phận trong cơ thể tăng cao, giải phóng năng lượng, cơ thể thoát nhiều nhiệt,… 1 lá gan khỏe mạnh có thể giúp đỡ cơ thể giảm những chuyển hóa quá mức này nên thuốc bổ gan là sản phẩm hết sức cần thiết.

Ngoài ra bệnh nhân nên có 1 chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nhất là rau xanh và hoa quả, uống đủ nước, không uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.

bác sĩ tư vấn sau phẫu thuật tuyến giáp
Bệnh nhân cần được sự tư vấn tận tình của bác sĩ khi theo dõi điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

3.2. Lưu ý khi uống phóng xạ I-131

Vì Iod 131 là 1 chất phóng xạ nên khác các thuốc bình thường. Bệnh nhân khi uống cần thực hiện các lưu ý sau:

3.2.1. Trước khi nhận liều điều trị I-131

  • Bệnh nhân ngưng thuốc Levothyroxin ít nhất 4 tuần và không ăn thực phẩm chứa Iod ít nhất 2 tuần.
  • Bệnh nhân hiện không trong thai kỳ và cũng không cho con bú.
  • Nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi uống Iod.
  • Dặn dò bệnh nhân nếu có tác dụng phụ của Iod hay triệu chứng bất thường phải báo ngay với bác sĩ.

3.2.2. Sau khi uống I-131

  • Thực hiện nghiêm túc An toàn phóng xạ trong phòng cách ly. Do sau khi điều trị Iod phóng xạ 131, cơ thể người bệnh phát ra phóng xạ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người xung quanh đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Vì thế, bệnh nhân nên nghỉ làm, ở nhà cách ly tại phòng riêng, không đến nơi công cộng, duy trì khoảng cách an toàn với người khác > 1m, không dùng chung bất kì đồ dùng nào với người khác, tuyệt đối không ăn chung, ngủ chung, sau khi đi vệ sinh tại phòng vệ sinh riêng phải xả nước 3 lần, tuyệt đối không để các chất thải cá nhân lây nhiễm ra ngoài môi trường.
  • Cần uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên.

4. Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Là một trong những cơ quan nội tiết có tỷ lệ mắc ung thư cao, ung thư tuyến giáp là căn bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh nếu không có biện pháp điều trị kịp thời và chăm sóc phù hợp. Đặc biệt là những bệnh nhân sau khi vừa trải qua phẫu thuật càng cần biện pháp chăm sóc hoàn chỉnh nhất, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp
Sau phẫu thuật tuyến giáp bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc hậu phẫu bình thường kèm thêm những điểm riêng của phẫu thuật tuyến giáp
  • Theo dõi sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
  • Nhiễm trùng vết mổ.
  • Giảm thân nhiệt cơ thể.
  • Chảy máu, mất máu sau mổ.
  • Tổn thương dây thần kinh thanh quản.
  • Tổn thương tuyến cận giáp.
  • Biến chứng do gây mê hồi sức: Tổn thương khí quản, dây thanh âm,…

Tuy rằng tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, nhưng kích thước của nó chỉ bằng một phần nhỏ. Vị trí tiếp cận tương đối không thuận lợi nên trong quá trình phẫu thuật có thể làm tổn thương phần nào những cơ quan xung quanh tuyến giáp.

Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phóng xạ

  • Các biện pháp làm giảm biến chứng

Để hạn chế tối đa các biến chứng do phẫu thuật cần sự chuẩn bị cực kì tốt từ phía các phẫu thuật viên cũng như đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức nhằm hạn chế tối đa tổn thương cho bệnh nhân mà vẫn cắt bỏ được toàn bộ tuyến giáp, tuy nhiên tùy vào tình trạng người bệnh mà sẽ có những biến chứng không thể tránh khỏi do các thao tác này.

Bên cạnh đó các chỉ số xét nghiệm công thức máu người bệnh cũng liên quan đến mức độ mất máu. Về biến chứng nhiễm trùng, các bác sĩ thực hiện kĩ thuật trong môi trường vô trùng sau đó chỉ định các kháng sinh phù hợp và thực hiện thay băng vết thương nhằm tránh sự nhiễm trùng.

  • Tái khám sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
    • Sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bệnh nhân phải ở lại bệnh viện đầy đủ thời gian hậu phẫu. Khi được ra viện và phục hồi, bệnh nhân cần tới bệnh viện để thăm khám và kiểm tra lại theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thời gian tái khám ở mỗi bệnh nhân là khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh, trung bình khoảng 1 tháng sau ra viện người bệnh sẽ có lịch tái khám.
    • Đặc biệt cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị và tới bệnh viện để kiểm tra ngay nếu có các dấu hiệu: Sốt kéo dài hơn 24 giờ, Da bị đỏ và sưng, Đau tại vết rạch, khó thở, chảy máu lại vết mổ,…
    • Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
    • Chăm sóc vết mổ: Như  bất kỳ 1 đường mổ nào, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được chăm sóc vết mổ đúng chỉ định, thay băng, lau rửa vết thương hàng ngày. Vết thương những ngày đầu sau mổ sẽ rỉ máu và sưng nề nhiều khi dẫn đến cứng cổ.Tuy nhiên hiện tượng này sẽ dần hết, vết mổ sẽ khô mép và hết sưng nề. Sau khoảng 10 ngày bệnh nhân sẽ được tiến hành cắt chỉ. Bệnh nhân cần lưu ý hạn chế để vết mổ tiếp xúc với nước, bị cọ sát với vật khác hoặc tì đè lên vùng này.
  • Hạn chế nói chuyện: Tuy tuyến giáp và thanh quản là 2 bộ phận riêng biệt tuy nhiên cũng ở vị trí khá gần nhau. Do đó sau phẫu thuật người bệnh thường cảm thấy đau, cứng họng, khó nói chuyện. Bệnh nhân nên hạn chế nói chuyện, không cố gắng nói khi cổ họng còn đau và nên nói nhỏ, chậm rãi khi cảm thấy đỡ.
  • Hạn chế vận động: Tùy theo chỉ định phẫu thuật mở hay phẫu thuật nội soi mà mức độ tổn thương ở người bệnh sẽ khác nhau. Thông thường, bệnh nhân mổ nội soi sẽ phục hồi nhanh hơn mổ mở. Bệnh nhân phẫu thuật ung thư tuyến giáp được khuyến cáo cần ít nhất 1-2 tuần để trở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường. Trong thời gian này bệnh nhân tuyệt đối không được mang vác nặng, gắng sức hoạt động.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh: Điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cần chú ý để cách ăn uống. Ăn uống khi bị ung thư tuyến giáp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phục hồi của bệnh nhân. Riêng tại những bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sẽ phải hạn chế vận động vùng cổ, do đó bệnh nhân nên được ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu, không được nhai nhiều. Người bệnh cũng nên được uống đủ nước, đặc biệt là nước ép hoa quả nhằm bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Giữ tinh thần thoải mái: Để điều trị bất kỳ 1 bệnh nào, bệnh nhân cũng nên có 1 tinh thần thoải mái, lạc quan. Khi bệnh nhân cởi mở chia sẻ vấn đề sức khỏe với bác sĩ cũng như nghiêm túc tuân thủ điều trị thì tốc độ hồi phục của bệnh nhân sẽ được rút ngắn lại đáng kể, nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường.
Chế độ ăn uống cho người bệnh tuyến giáp
Chế độ ăn uống lành mạnh rất có lợi cho bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp

5. Giải đáp thắc mắc

5.1. Sau mổ tuyến giáp bao lâu thì uống phóng xạ?

Thời gian thích hợp nhất để uống I-131 sau phẫu thuật khoảng 6-8 tuần. Quãng thời gian này đủ cho vết thương lành, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường nên không bị quá trình uống phóng xạ làm ảnh hưởng vết thương. Tuy vậy, mỗi bệnh nhân sẽ có thời gian uống I-131 khác nhau dựa trên tình trạng cơ thể khi đó, chỉ số Hormone, kết quả sinh thiết mô tế bào [10]

5.2. Mổ tuyến giáp sau bao lâu thì lành?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết có kích thước tương đối nhỏ trong cơ thể, do đó vết mổ tuyến giáp khá ngắn chỉ từ 7-10cm với mổ mở và nhỏ hơn nữa với phương pháp mổ nội soi. Trung bình bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp có thể trạng khỏe mạnh, được chăm sóc sau mổ cẩn thận có thời gian lành sau 6-8 tuần. Thời gian này có thể kéo dài hơn trên 1 bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường,…và không chăm sóc tốt vết thương,…

Đường mổ tuyến giáp nằm trùng nếp lằn da cổ để tránh lộ sẹo
Đường mổ tuyến giáp nằm trùng nếp lằn da cổ để tránh lộ sẹo

5.3. Ăn gì sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp?

Chế độ ăn uống đầy đủ rất có lợi cho 1 bệnh nhân mới mổ ung thư tuyến giáp. Bệnh nhân nên được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, vi chất có trong trái cây và rau xanh, uống đầy đủ nước và đi vệ sinh đều đặn. Tuy nhiên tuyến giáp là cơ quan ở cổ nên sẽ khó khăn trong quá trình ăn uống, trong khoảng 6-8 sau mổ bệnh nhân nên được ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu, không quá nóng hay lạnh như: cháo, sữa, hoa quả mềm, bánh kem,…

Bệnh nhân có thể tập ăn đồ ăn bình thường khi cảm thấy ổn, tuy nhiên phải cắt miếng nhỏ và nhai kĩ, nuốt chậm, tuyệt đối không cố ăn khi cảm thấy đau ở cổ.

5.4. Tập nói sau phẫu thuật tuyến giáp thế nào?

Cần đợi đến khi vết thương lành mới được tập nói để tránh cử động nhiều vết thương sẽ để lại sẹo lồi, xơ dính. Vùng cổ có sẹo nên sẽ dính, cứng và khó cử động hơn bình thường. Bệnh nhân nên bắt đầu tập luyện bằng cách vận động nhẹ nhàng nhằm làm giãn cơ vùng cổ, làm sẹo mềm mại hơn.

Sau đó bệnh nhân nên tập nói nhỏ, nói chậm rãi, ngưng nói khi cảm thấy đau. Bệnh nhân nên chú ý không vận động vùng cổ quá mạnh hay đột ngột sẽ gây ra đau thậm chí tái chảy máu vết mổ, từ đó càng làm sẹo to và cứng hơn. Sau khoảng vài tháng cố gắng, nhất định bệnh nhân sẽ có khả năng nói được như cũ.

Điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật là vô cùng cần thiết, những phương pháp như bổ sung hormone tuyến giáp và uống Iod phóng xạ 131 góp phần đem lại kết quả tối ưu, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

3.7/5 - (12 bình chọn)
Chia sẻ
Nguồn tham khảo

1. Viet Nam - Global Cancer ObservatoryXem chi tiết

2. Thyroid Cancer: Treatment After SurgeryXem chi tiết

3. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giápXem chi tiết

4. Hormone Replacement After Thyroid and Parathyroid SurgeryXem chi tiết

5. Thyroid Hormone TherapyXem chi tiết

6. 5 lưu ý đặc biệt khi uống thuốc hormon tuyến giápXem chi tiết

7. CLINICAL THYROIDOLOGY FOR THE PUBLICXem chi tiết

8. Những điều cần biết dành cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp điều trị I-131.Xem chi tiết

9. 5 lưu ý đặc biệt khi uống thuốc hormon tuyến giápXem chi tiết

10. Điều trị ung thư tuyến giáp bằng i-ốt phóng xạXem chi tiết

11. Cắt bỏ tuyến giáp có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?Xem chi tiết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt