Điều trị ung thư tuyến giáp

5/5 - (2 bình chọn)

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các ung thư tuyến nội tiết. Tuy nhiên nếu được điều trị ung thư tuyến giáp kịp thời và đúng cách ở giai đoạn sớm thì cơ hội khỏi bệnh cao. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh nhân ung thư tuyến giáp có tỷ lệ sống gần 100%. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Nguyên tắc chung khi điều trị ung thư tuyến giáp

Các loại ung thư tuyến giáp sẽ quyết định cách điều trị. Ung thư tuyến giáp dạng nhú (Carcinom nhú) thường gặp nhất, chiếm đến 80% các ung thư. Ung thư tuyến giáp dạng nang (Carcinom nang) chiếm khoảng 15%. Dạng nhú và dạng nang gộp lại gọi là ung thư biệt hóa, chiếm khoảng 90 – 95%, ở nữ có tỷ lệ mắc cao gấp 3 – 4 lần nam giới. Phần lớn gặp ở người từ 45 tuổi trở xuống. Ít ai biết đây là loại ung thư dễ trị khỏi, dĩ nhiên phải được điều trị đúng cách. Các loại hiếm gặp gồm ung thư giáp dạng tủy, có thể di truyền và ung thư giáp khong biệt hóa, ác tính cao rất khó trị.

Tùy theo thể trạng bệnh bao gồm: loại và giai đoạn của ung thư tuyến giáp, các tác dụng phụ có thể xảy ra, sở thích và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp để điều trị ung thư tuyến giáp. Trong đó:

  • Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho tất cả các loại khối u tuyến giáp thể biệt hóa. Do phẫu thuật có thể trực tiếp và nhanh chóng loại bỏ khối ung thư ra khỏi cơ thể.
  • Liệu pháp I-131 được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi (trên 45 tuổi) mắc ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và bướu có kích thước lớn (trên 4 cm). Liệu pháp này đặc biệt thích hợp cho các trường hợp tế bào ung thư đã di căn xa do các phân tử I-ốt có thể phát hiện và đánh dấu các tế bào ung thư này trên xạ hình.
  • Xạ trị hoặc hóa trị áp dụng cho những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa vì các liệu pháp này có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
Sự phát triển của ung thư tuyến giáp
Sự phát triển của ung thư tuyến giáp

2. 6 phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

6 phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp điển hình bao gồm phẫu thuật, xạ trị trong I-131, xạ trị ngoài, hóa trị, liệu pháp hormone thay thế và liệu pháp nhắm mục tiêu.

2.1. Phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc nang). Nguyên tắc trong phẫu thuật tuyến giáp đó là nhằm loại bỏ khối u và một số mô lành (được gọi là phần rìa) trong tuyến giáp.

Các hình hức phẫu thuật ung thư tuyến giáp: 

  • Phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp: Phương pháp này là loại bỏ thùy của tuyến giáp có nhân ung thư, được chỉ định ở những bệnh nhân có khối u nhỏ hơn 1 cm.
  • Cắt giáp bán phần: Là phẫu thuật cắt u giáp chỉ để lại một phần nhỏ của tuyến giáp. Cắt giáp bán phần được chỉ định cho những bệnh nhân có nguy cơ thấp (khối u nhỏ hơn 1 cm). Lợi thế của phương pháp này là một số bệnh nhân có thể không cần phải uống thuốc nội tiết tố tuyến giáp.
  • Cắt toàn bộ tuyến giáp: Phẫu thuật này nhằm loại bỏ toàn bộ tuyến giáp. Đây là chỉ định bắt buộc với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy do nguy cơ cao ung thư có thể xuất hiện đa ổ ở cả hai thùy giáp. Do cắt toàn bộ tuyến giáp nên bệnh nhân sẽ phải uống thuốc nội tiết tố tuyến giáp (levothyroxin) hàng ngày.
  • Nạo vét hạch cổ: Là phẫu thuật nhằm loại bỏ các hạch bạch huyết xung quanh vùng cổ, mặt. Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ là phương pháp điều trị tối ưu nhất đảm bảo không có tế bào ung thư được di căn tới các cơ quan khác của cơ thể và phát triển.

Ngoài việc chỉ định hình thức phẫu thuật, các bác sĩ còn giúp bệnh nhân lựa chọn những kỹ thuật khác nhau để cắt bỏ tuyến giáp:

  • Cắt tuyến giáp thường: Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường nhỏ ở gần gốc cổ hoặc giữa cổ để tiếp cận trực tiếp với tuyến giáp của bệnh nhân. Nhược điểm của kỹ thuật này là có thể để lại một vết sẹo ở cổ bệnh nhân sau mổ và sẽ mờ đi sau 3 – 5 năm.
  • Nội soi cắt tuyến giáp: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ duy nhất và dùng ống nội soi và màn hình video để phẫu thuật khối u giáp. Kỹ thuật này có ưu điểm là vết sẹo để lại sau mổ trên cổ bệnh nhân rất nhỏ, gần như không thấy.

Thời gian phẫu thuật tuyến giáp có thể kéo dài từ 1 – 4 giờ tùy theo vị trí, kích thước khối u.

Trong quá trình thực hiện phẫu thuật tuyến giáp cũng có thể xảy ra rủi ro và biến chứng. Bao gồm:

  • Rủi ro: Chảy máu hoặc nhiễm trùng sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp.
  • Biến chứng thường gặp: Suy cận giáp và liệt dây thanh. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị khàn tiếng hoặc không nói được, ăn khó trong 2 – 3 ngày sau phẫu thuật.

Chi phí phẫu thuật ung thư tuyến giáp trung bình khoảng 20 – 25 triệu đồng. Chi phí này còn phụ thuộc vào cắt giáp bán phần hay cắt toàn bộ tuyến giáp; phẫu thuật thường hay phẫu thuật nội soi.

Lưu ý trước và sau khi phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp:

  • Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác ung thư giáp bằng các kỹ thuật xét nghiệm y khoa tiên tiến như: siêu âm tuyến giáp, nội soi thanh quản, xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp, xét nghiệm các chỉ số máu,…
  • Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên có thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn, không nói và hoạt động nhiều để vết mổ nhanh lành.
phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật là phương pháp tối ưu trong điều trị ung thư tuyến giáp

2.2. Xạ trị I-131 điều trị ung thư tuyến giáp

Xạ trị I-131 thường được chỉ định ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Ngoài ra, còn có vai trò bổ trợ đối với ung thư tuyến giáp không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy.

Xạ trị sử dụng I-ốt phóng xạ là đồng vị I-131 (còn được gọi RAI: Radioactive Iodine) có thể tìm và phá hủy các tế bào tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật.

Quy trình thực hiện điều trị tuyến giáp bằng I-131:

  • Trước khi điều trị I-131, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân ngừng uống hormone tuyến giáp từ 4 – 6 tuần và kiêng ăn i-ốt 2 tuần. Điều này giúp tăng khả năng hấp thu I-131 để đạt hiệu quả điều trị tối đa.
  • Bệnh nhân sẽ được uống I-131 với liều nhỏ và chụp xạ hình chẩn đoán với I-131 sau khi chỉ số TSH đạt tới mức cần thiết theo yêu cầu của bác sĩ. Bác sĩ có thể ước lượng được phần mô giáp cần phá hủy là bao nhiêu và đánh giá tổn thương di căn xa sau khi thực hiện xét nghiệm này.

Thời gian điều trị bằng xạ trị I-131 sẽ tùy thuộc vào liều lượng thuốc và tình trạng bệnh ung thư.

  • Liệu pháp I-131 được chỉ định sau phẫu thuật với liều thông thường từ 30 đến 100 mCi, lặp lại 3 tháng 1 lần, nhằm tiêu diệt triệt để mô giáp tồn dư, cải thiện tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang.
  • Xạ trị I-131 tiếp tục được thực hiện cho đến khi không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh ung thư tuyến giáp nữa để nhằm đảm bảo việc điều trị tiêu diệt tất cả các mô tuyến giáp và tế bào ung thư còn sót lại.

Tác dụng phụ của xạ trị bằng I-131:

  • Vào ngày đầu tiên điều trị, bệnh nhân có thể bị buồn nôn và nôn. Do I-ốt tập trung nhiều ở mô tuyến nước bọt nên bệnh nhân có thể bị sưng tuyến nước bọt, gây ra chứng khô miệng, ăn không ngon và thường bị nôn.
  • Việc ngừng uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp tạm thời hoặc tiêm TSH tái tổ hợp (Thyrogen) trong thời gian chuẩn bị điều trị bằng I-131 khiến bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ của triệu chứng suy giáp (hạ canxi máu hay ảnh hưởng đến hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cơ thể).

Chi phí xạ trị I-131 là khoảng 3 – 5 triệu đồng, diễn ra 4 – 6 đợt.

Lưu ý khi xạ trị I-131 điều trị ung thư tuyến giáp:

  • Để tránh ảnh hưởng tới kết quả thì trước khi điều trị I-131, bệnh nhân cần ngừng uống hormone tuyến giáp từ 4 – 6 tuần và kiêng ăn i-ốt 2 tuần.
  • Bệnh nhân có chỉ định xạ trị I-131 phải nhập viện từ 2 – 3 ngày, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và liều lượng thuốc sử dụng.
  • Bệnh nhân nên uống nhiều nước để giúp I-131 nhanh chóng đào thải ra khỏi cơ thể.
  • Trong quá trình điều trị I-131 thì nên ở lại bệnh viện để hạn chế tiếp xúc, ảnh hưởng bức xạ tới người khác, đặc biệt là trẻ em. Bệnh nhân cần giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với mọi người; không ngủ chung giường; tránh quan hệ tình dục; vệ sinh sạch sẽ. Trong vòng vài ngày, hầu hết các bức xạ sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể.
I-ốt phóng xạ I-131 dùng cho xạ trị trong ung thư tuyến giáp
I-ốt phóng xạ I-131 dùng cho xạ trị trong ung thư tuyến giáp

2.3. Xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp

Xạ trị ngoài có vai trò làm tăng hiệu quả điều trị ung thư tuyến giáp. Phương pháp này được thực hiện sau khi phẫu thuật, nhằm tập trung tiêu diệt các tế bào ung thư tại một vị trí cố định, làm giảm sự sinh trưởng của khối u mà không ảnh hưởng đến các tế bào lành xung quanh.

Đối với ung thư tuyến giáp, xạ trị tia bên ngoài được sử dụng trong một số trường hợp nhất định. Điển hình là khi ung thư tuyến giáp giai đoạn sau đã di căn đến các vùng quan trọng của cổ như khí quản, thanh quản hoặc thực quản.

Cách thực hiện xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp:

  • Xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp là dùng tia X năng lượng cao từ một thiết bị bên ngoài để phá hủy tế bào ung thư.
  • Để thực hiện xạ trị, một thiết bị được gọi là máy gia tốc tuyến tính, hoặc linac, tạo ra chùm bức xạ cho liệu pháp bức xạ tia X hoặc photon. Bệnh nhân được đeo một mặt nạ lưới nhựa khi xạ trị.
  • Phần mềm máy tính đặc biệt sẽ điều chỉnh kích thước và hình dạng của chùm tia nhắm trực tiếp vào khối u hoặc các tế bào ung thư và tránh ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh.

Thời gian xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp: Xạ trị ngoài thường được thực hiện dưới dạng điều trị ngoại trú, tại bệnh viện hoặc phòng khám. Lịch trình 5 ngày/tuần trong khoảng 5 – 6 tuần.

Khi điều trị bằng xạ trị ngoài, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Rụng tóc hoặc khô da, khô cổ nơi dòng xạ chiếu đến.
  • Đỏ da, đau mắt, ho, thỉnh thoảng khàn giọng, buồn nôn và mệt mỏi.

Các tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào liều lượng và khu vực điều trị. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất ngay sau khi điều trị xong.

Chi phí cho mỗi đợt xạ trị khoảng từ 1,5 triệu – 5 triệu đồng.

Lưu ý trước và sau khi xạ trị ngoài:

  • Bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn uống đủ chất để cơ thể phục hồi nhanh chóng sau mỗi đợt xạ trị.
  • Nên sử dụng thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa; dùng hormone tuyến giáp thay thế; giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan; Tập thể dục nhẹ nhàng và sinh hoạt lành mạnh.
Xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp
Xạ trị ngoài ung thư tuyến giáp

2.4. Hóa trị ung thư tuyến giáp

Hóa trị có vai trò đặc biệt quan trọng hỗ trợ điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật. Đồng thời có thể thay thế xạ trị ở những cơ sở không có thiết bị xạ trị ngoài, giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư.

Hóa trị thường được chỉ định trong ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Có thể dùng hóa chất đơn thuần (đơn hóa chất hoặc đa hóa chất) hoặc điều trị hóa xạ đồng thời.

Chỉ đinh: Các bác sĩ sử dụng hóa trị cho các chỉ định khác nhau vào những thời điểm khác nhau, như:

  • Dùng để hỗ trợ trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị để thu nhỏ khối u.
  • Dùng để bổ trợ sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
  • Dùng để chống ung thư di căn trong các trường hợp bệnh ung thư tái phát sau khi điều trị và di căn sang các cơ quan khác.

Các loại thuốc hóa chất thường dùng trong hóa trị ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Dacarbazine
  • Vincristine
  • Cyclophosphamide
  • Doxorubicin
  • Streptozocin
  • Fluorouracil
  • Paclitaxel
  • Docetaxel
  • Carboplatin

Các hóa chất này có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp để điều trị. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng, thời gian truyền hóa chất (hóa trị), sự kết hợp phác đồ điều trị cho phù hợp.

Có thể truyền hóa chất điều trị ung thư tuyến giáp bằng các đường sau:

  • Hóa trị đường uống: Thuốc bào chế ở dạng viên nén, viên con nhộng hoặc chất lỏng để bệnh nhân có thể uống tại nhà theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
  • Hóa trị liệu đường tiêm: Thuốc được đưa vào theo đường tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
  • Hóa trị liệu truyền tĩnh mạch: Đưa trực tiếp thuốc vào cơ thể theo đường tĩnh mạch. Quá trình truyền liên tục từ vài phút đến vài giờ.

Thời gian điều trị bằng hóa trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Sức khỏe bệnh nhân, giai đoạn bệnh, loại thuốc hóa chất, phác đồ điều trị, mục đích điều trị, thời gian phục hồi sức khỏe sau khi hóa trị…

Thông thường, hóa trị được điều trị theo đợt. Giữa các đợt có khoảng thời gian 3 tuần để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục trước đợt điều trị tiếp theo. Một quá trình hóa trị có nhiều chu kỳ, thường kéo dài từ 3 tháng trở lên.

Tác dụng phụ: Tùy theo loại thuốc, liều lượng thuốc và thời gian điều trị mà thuốc hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm: Rụng tóc, ăn không ngon, lở miệng, buồn nôn, tiêu chảy; tăng khả năng nhiễm trùng (do quá ít tế bào bạch cầu); dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do quá ít tiểu cầu trong máu); mệt mỏi (do quá ít tế bào hồng cầu).

Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường hết sau khi điều trị xong. Có nhiều cách để giảm bớt những tác dụng phụ này, như sử dụng thuốc chống nôn để giúp ngăn ngừa hoặc giảm chứng buồn nôn và nôn.

Một số loại thuốc hóa trị có thể có các tác dụng phụ cụ thể khác cần theo dõi. Ví dụ, doxorubicin có thể ảnh hưởng đến chức năng tim. Với bệnh nhân dùng doxorubicin, bác sĩ sẽ kiểm tra tim thường xuyên bằng các xét nghiệm như siêu âm tim.

Chi phí cho hóa trị ung thư tuyến giáp trung bình khoảng 50 – 60 triệu VNĐ, phần lớn chi trả cho thuốc hóa trị. Trong đó, chi phí chạy hóa trị bằng máy và truyền hóa chất khoảng 200.000đ – 500.000 VNĐ/lần.

Lưu ý trước và sau khi hóa trị: Bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, đủ chất để cơ thể phục hồi nhanh chóng sau mỗi đợt hóa trị. Đồng thời nên giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Hóa trị liệu ung thư tuyến giáp
Hóa trị liệu ung thư tuyến giáp

2.5. Liệu pháp hormone tuyến giáp

Liệu pháp hormone thay thế thường chỉ định cho bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Bởi vì sau khi cắt bỏ tuyến giáp, cơ thể không còn có thể tạo ra hormone tuyến giáp cần thiết nữa.

Lúc này, bệnh nhân sẽ cần uống thuốc hormone tuyến giáp (levothyroxin) nhằm thay thế hormone tự nhiên và giúp duy trì sự trao đổi chất bình thường, làm giảm nguy cơ ung thư trở lại.

Các thuốc hormone thay thế dùng để điều trị ung thư tuyến giáp thường được bào chế từ tuyến nội tiết của các động vật lớn như trâu, bò, lợn… Chúng có bản chất là một polypeptide có chứa 65 % là hormone gồm:

  • Thyroxine và Triiodothyronine (T4 và T3 )
  • Levothyroxine
  • Thyreoidin: là bột tuyến giáp khô của động vật
  • Potassium iodide (KI)
  • Lecithin-bound iodine (LBI)

Các loại thuốc này được bào chế ở dạng viên nén hoặc dung dịch. Bệnh nhân có thể sử dụng qua đường uống hoặc đường tiêm.

Thời gian điều trị bệnh bằng hormone thay thế tùy thuộc hoàn toàn vào thể trạng bệnh nhân. Bệnh nhân đã cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp sẽ phải sử dụng hormone tuyến giáp thay thế hàng ngày và suốt đời.

Tác dụng phụ: Sử dụng hormone tuyến giáp có thể gây ra một số tác dụng phụ như tim đập nhanh hoặc không đều. Về lâu dài, liều lượng cao của hormone tuyến giáp cũng có thể gây yếu xương (loãng xương). Do đó, dùng hormone tuyến giáp đường uống được coi là an toàn hơn đường tiêm.

Chi phí của liệu pháp hormone thay thế tùy thuộc vào giá thuốc hormone bệnh nhân được chỉ định sử dụng.

Lưu ý trước và sau khi điều trị bằng phương pháp hormone thay thế: Bệnh nhân phải sử dụng thuốc hormone thay thế đều đặn hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Bởi việc thiếu hormone giáp có thể gây ra triệu chứng suy giáp hoặc làm tăng nguy cơ tái phát ung thư tuyến giáp.

Liệu pháp hormone thay thế tuyến giáp
Liệu pháp hormone thay thế tuyến giáp cần được sử dụng đều đặn, thường xuyên

2.6. Liệu pháp nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư tuyến giáp

Liệu pháp nhắm mục tiêu (hay còn gọi là điều trị đích) thường được chỉ định khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật hay liệu pháp I-ốt phóng xạ không có hiệu quả.

Các loại thuốc nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp được gọi là chất ức chế kinase. Kinase là các protein bên trong tế bào thường chuyển tiếp tín hiệu (chẳng hạn như thông báo cho tế bào phát triển).

Các loại thuốc nhắm mục tiêu điều trị ung thư tuyến giáp hiện nay bao gồm:

  • Thuốc ức chế multikinase:
    • Lenvatinib (Lenvima) và Sorafenib (Nexavar) là những loại thuốc chỉ định cho ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang.
    • Vandetanib (Caprelsa) và Cabozantinib (Cometriq) chỉ định cho ung thư tuyến giáp thể tủy.
  • Chất ức chế RET: Selpercatinib (Retevmo) là loại thuốc gây ức chế RET, có khả năng tấn công protein RET. Được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc nang tiến triển khi tế bào ung thư có một số loại thay đổi gen RET.
  • Thuốc ức chế NTRK: Larotrectinib (Vitrakvi) và Entrectinib (Rozlytrek) là thuốc nhắm mục tiêu và vô hiệu hóa các protein bất thường do gen NTRK tạo ra. Mỗi loại thuốc này đều có thể được sử dụng cho những người bị ung thư tuyến giáp có sự thay đổi gen NTRK tiến triển mặc dù vẫn đang điều trị bằng các phương pháp khác.

Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng liệu pháp nhắm mục tiêu:

  • Khi sử dụng thuốc Lenvatinib (Lenvima) và Sorafenib (Nexavar): Bệnh nhân có thể bị mệt mỏi, phát ban, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, huyết áp cao và hội chứng bàn tay chân (đỏ, đau, sưng hoặc phồng rộp trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân).
  • Khi sử dụng Selpercatinib: Bệnh nhân có thể bị khô miệng, tiêu chảy hoặc táo bón, mệt mỏi, sưng phù ở bàn tay hoặc bàn chân, phát ban trên da, đường máu tăng và số lượng bạch cầu hoặc tiểu cầu trong máu giảm.

Do đây là các loại thuốc mới nên giá thành thuốc đắt, chi phí điều trị cao.

Lưu ý trước và sau khi điều trị bằng phương pháp này: Do các loại thuốc trên can thiệp vào quá trình sinh học phân tử trong tế bào nên cần theo dõi sát sao đối với các bệnh nhân có cơ địa dị ứng thuốc.

liệu pháp nhắm mục tiêu
Liệu pháp nhắm mục tiêu chưa được ứng dụng phổ biến trong điều trị ung thư tuyến giáp

3. Điều trị ung thư tuyến giáp theo giai đoạn

Các bác sĩ phân loại giai đoạn ung thư theo sự xuất hiện của khối u, nổi hạch và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư tuyến giáp được chia làm 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại áp dụng phương pháp điều trị khác nhau.

  • Giai đoạn I: Ở giai đoạn này khối u chưa lan đến các hạch bạch huyết và chưa di căn. Phương pháp điều trị là: Phẫu thuật, liệu pháp hormone, liệu pháp iốt phóng xạ I-131.
  • Giai đoạn II: Ở giai đoạn này xuất hiện một khối u lớn hơn, không xâm lấn, chưa lan đến các hạch bạch huyết và chưa di căn. Giống như giai đoạn I, phương pháp điều trị lúc này vẫn là phẫu thuật, liệu pháp hormone, liệu pháp iốt phóng xạ I-131.
  • Giai đoạn III: Ở giai đoạn này xuất hiện một khối u lớn hơn 4 cm nhưng vẫn nằm trong tuyến giáp, chưa lan đến các hạch bạch huyết và chưa di căn. Hoặc khối u có thể khu trú và lan rộng đến ngăn trung tâm của các hạch bạch huyết nhưng chưa di căn xa. Phương pháp điều trị ở giai đoạn này là: Phẫu thuật, liệu pháp hormone, liệu pháp iốt phóng xạ I-131 hoặc xạ trị tia bên ngoài.
  • Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này, khối u đã lan đến các cấu trúc lân cận, các hạch bạch huyết, có hoặc chưa di căn xa. Phương pháp điều trị lúc này là:  Phẫu thuật, liệu pháp hormone, liệu pháp iốt phóng xạ I-131, xạ trị tia bên ngoài, liệu pháp nhắm mục tiêu và hóa trị.

4. Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp

Việc chăm sóc, theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp rất quan trọng, bởi vì chúng góp phần:

  • Phát hiện các biến chứng có thể có sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Đồng thời phát hiện bệnh tái phát hoặc khối u di căn để kịp thời ngăn chặn và điều trị hiệu quả.
  • Lưu giữ hồ sơ sức khỏe cá nhân để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe sau này.

Sau điều trị, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần thực hiện các việc sau:

  • Khám sức khỏe từ 6 tháng – 1 năm/lần: Nhằm mục đích theo dõi sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ khám sức khỏe và xét nghiệm máu để xem mức độ ức chế TSH và xét nghiệm TG. Nếu tuyến giáp đã bị cắt bỏ, sẽ có ít hoặc không có TG trong máu. Mức độ TG tăng cao có thể cho thấy ung thư đã quay trở lại.
  • Thực hiện các xét nghiệm tiếp theo sau điều trị: Bệnh nhân được yêu cầu siêu âm cổ, chụp X-quang, CT… để đánh giá tình trạng tuyến giáp và phát hiện ra ung thư di căn, tái phát (nếu có).
  • Kiểm tra các tác dụng phụ xảy ra do điều trị: Để kịp thời có phương án xử lý, khắc phục, giúp tăng cường sức khỏe của bệnh nhân.
  • Tầm soát ung thư vú: Những phụ nữ trẻ đang điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang có nguy cơ cao bị ung thư vú trong tương lai. Vì thế, họ cần nói rõ tình trạng điều trị tuyến giáp của mình với bác sĩ để được tầm soát ung thư vú kịp thời.

5. Dinh dưỡng trong điều trị ung thư tuyến giáp

Chế độ ăn nhiều dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để cơ thể có thể phục hồi nhanh chóng sau điều trị ung thư tuyến giáp.

Các thực phẩm giàu dinh dưỡng nên sử dụng khi điều trị ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bánh mì, bánh cuộn từ ngũ cốc nguyên hạt 100% và yến mạch.
  • Các loại rau và trái cây như rau xanh sẫm màu, rau củ có màu đỏ và cam, đậu Hà Lan trong chế độ ăn uống khi điều trị xạ trị
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo (1%) như phô mai, sữa đậu nành, sữa chua, hạnh nhân và nước cốt dừa không đường cung cấp canxi, kali và các chất dinh dưỡng khác
  • Đạm nạc như hải sản, thịt nạc, gia cầm, trứng, các sản phẩm đậu nành, các loại hạt như hạt điều, macca, óc chó không ướp muối.

Các thực phẩm cần tránh hoặc giảm khi điều trị ung thư tuyến giáp bao gồm muối (natri), đường, mỡ động vật và rượu.

dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp
Dinh dưỡng hợp lý góp phần nâng cao hiệu quả điều trị ung thư tuyến giáp

6. Điều trị ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp được phân chia theo loại và giai đoạn ung thư. Cụ thể như sau:

  • Tiên lượng sống ung thư tuyến giáp thể nhú
    • Giai đoạn I: Gần 100%
    • Giai đoạn II và III: Gần 100%
    • Giai đoạn IV: Khoảng 78%
  • Tiên lượng sống ung thư tuyến giáp thể nang
    • Giai đoạn I: Gần 100%
    • Giai đoạn II và III: Gần 96%
    • Giai đoạn IV: Gần 56%
  • Tiên lượng sống ung thư tuyến giáp thể tủy
    • Giai đoạn I: Gần 100%
    • Giai đoạn II và III: Gần 91%
    • Giai đoạn IV: Khoảng 37%
  • Với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa
    • Giai đoạn I: Gần 30%
    • Giai đoạn II và III: 13%
    • Giai đoạn IV: Khoảng 3%

Tìm hiểu chi tiết trong bài viết: Bệnh ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là lựa chọn số một cho người bệnh tới điều trị ung thư tuyến giáp nhờ những ưu điểm nổi bật như:

  • Đội ngũ y bác sĩ hàng đầu đến từ các bệnh viện tuyến trung ương.
  • Trang thiết bị y tế khám chữa bệnh theo công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất.
  • Cơ sở vật chất sạch sẽ, khang trang và đầy đủ tiện nghi.
  • Dịch vụ y tế, chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo.
  • Có nhiều hình thức khám theo bảo hiểm hoặc bảo lãnh viện phí để giảm thiểu chi phí.
  • Thời gian khám chữa bệnh linh động. Khám cả ngày cuối tuần và ngoài giờ hành chính.

Điều trị ung thư tuyến giáp kịp thời và đúng cách giúp tăng cơ hội chữa trị thành công và sống sót. Vì thế, bệnh nhân cần chọn được nơi khám chữa chất lượng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ theo Hotline 0942 300 707 của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt để được tư vấn miễn phí.

 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt