Em Trần Thị H, 17 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An tới viện thăm khám trong tình trạng nuốt vướng, cổ to lên bất thường.
17 tuổi đã mang rất nhiều u nang tuyến giáp
Các chuyên gia của bệnh viện Ung bướu Hưng Việt vừa tiến hành phẫu thuật loại bỏ thành công hạch vùng cổ và nhiều u nang 2 bên thùy tuyến giáp cho bệnh nhân nữ Trần Thị H, 17 tuổi .
(Ảnh minh họa: Siêu âm tuyến giáp)
Trước đó, bệnh nhân này đã nhập viện trong tình trạng nuốt vướng, cổ to lên bất thường. Bệnh nhân từng phẫu thuật tụ máu não vì tai nạn cách đây 4 năm.
Sau khi thăm khám lâm sàng kết hợp với kết quả siêu âm, các bác sĩ cho biết, thùy phải của bệnh nhân có nang hỗn hợp ở nhu mô dưới, bờ đều, ranh giới rõ, gồm một phần đặc và phần dịch không có mạch trên Doppler, kích thước 23x15mm, có vài nang keo nhỏ bờ đều ranh giới rõ, kích thước 4x3mm. Trong khi đó, ở thùy trái: Nhu mô có vài nang keo nhỏ, bờ đều ranh giới rõ, kích thước 4x5mm. Đặc biệt, vùng cổ có hạch, kích thước hạch lớn là 6x3mm.
Phần lớn, các loại bướu cổ xảy ra ở trẻ em tuổi dậy thì(từ 12 – 18) là lành tính và do nhu cầu nội tiết tố tuyến giáp tăng lên vào lứa tuổi này. Bướu dậy thì sẽ bình ổn khi cơ thể phát triển hoàn chỉnh, vì thế chỉ cần theo dõi, không cần điều trị. Tuy nhiên, trường hợp của Trần Thị H khá đặc biệt vì xuất hiện quá nhiều u nang hỗn hợp và hạch ở cổ nên cần phải phẫu thuật để tránh biến chứng nguy hiểm.
Nếu như không điều trị kịp thời, dù là bướu lành tính cũng có thể gây ra những nguy hại về sức khỏe như chèn ép vào thực quản, giảm trí tuệ, chậm phát triển thể chất và cường giáp. Hiện tại sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của em H đã dần ổn định và có thể sinh hoạt bình thường.
Lời khuyên chuyên gia về bệnh bướu cổ ở tuổi dậy thì
Các chuyên gia về tuyến giáp của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, ở tuổi dậy thì vì nội tiết tố thay đổi lớn nên có thể xảy ra tình trạng bướu cổ. Phần lớn, tình trạng này sẽ tự cải thiện khi cơ thể phát triển toàn diện. Một số trường hợp đặc biệt sẽ phải điều trị nội khoa hoặc buộc phải phẫu thuật.
Để phòng bệnh hiệu quả, phụ huynh nên cho con ăn các thức ăn giàu iod như cá, mắm tôm, nước mắm…dùng nước sạch và làm cho không khí nhà ở thoáng mát, sạch sẽ. Đặc biệt, nên dùng muối iod khi chế biến thức ăn và bổ sung một số loại thực phẩm có chứa nhiều iod như rau cải xoong, trứng, sữa và một số loại động vật vỏ cứng ở biển.
Quan trọng nhất, khi phát hiện bướu bất thường, cần phải thăm khám sớm tại những cơ sở chuyên khoa. Bệnh nhân buộc phải siêu âm và xét nghiệm chức năng tuyến giáp mới được kết luận cụ thể về tình trạng sức khỏe và từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Khi bị bướu cổ, các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên cho con điều trị theo kiểu dân gian như: dán thuốc, lấy kim chích vào bướu, đắp lá…Các phương pháp này không chữa khỏi bệnh mà còn có thể gây nhiễm trùng và khiến cho việc điều trị của các bác sĩ sau này sẽ khó khăn hơn.