UNG THƯ TUYẾN GIÁP CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ KHÔNG?

5/5 - (1 bình chọn)

Câu hỏi “Ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?” được nhắc đến thường xuyên hơn sau GLOBOCAN 2020. Các nhà khoa học nhận ra ung thư tuyến giáp đứng vị trí thứ 11 về tỷ lệ mắc (3%) và thứ 25 về tỷ lệ tử vong (0,4%).[1] Ở Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về tỷ lệ mắc (3%) và thứ 22 (0,52%) về tỷ lệ tử vong [2]. Ung thư tuyến giáp không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe chung mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, ngoại hình và tâm lý người bệnh. Tiên lượng sống phụ thuộc giai đoạn và loại mô bệnh học của ung thư tuyến giáp. [3]

1. Ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?

Tuyến giáp là tuyến nằm phía trước của cổ, nó có chức năng tổng hợp hormone điều chỉnh trao đổi chất, nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể. Do đó khi mắc ung thư tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến chức năng sống của cơ thể. [4]

1.1. Ung thư tuyến giáp ảnh hưởng đến sức khỏe

Ung thư được phát hiện sớm thường trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ do không có triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống. Khi khối u phát triển sẽ có những triệu chứng sau:

Giai đoạn đầu

Giai đoạn sớm của bệnh thường không có triệu chứng biểu hiện, đây là giai đoạn có tiên lượng tốt. Nhưng khi khối u phát triển lớn hơn sẽ có những triệu chứng sau:

  • Gây đau họng, sưng cổ: khi khối u phát triển sẽ gây sưng ở vùng cổ trước, kích thước khối u tăng lên làm kích thích đám rối thần kinh ở cổ và gây đau. Điều này gây khó chịu và ảnh hưởng giao tiếp của người bệnh.
  • Khàn tiếng: u tuyến giáp chèn ép thanh quản hoặc dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng. Khàn tiếng dễ nhầm với bệnh của đường hô hấp, nó ảnh hưởng trực tiếp đến giao tiếp công việc và chất lượng cuộc sống.
  • Khó nuốt: khối u chèn ép thực quản khiến người bệnh khó nuốt, gặp nhiều khó khăn trong ăn uống gây ra tình trạng chán ăn, thiếu dinh dưỡng.
  • Khó thở: khối u xâm lấn vào khí quản làm hẹp đường thở gây nên tình trạng khó thở.
  • Nổi hạch: hạch nổi gồ lên bề mặt da có thể gây đau cho người bệnh và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
  • Rối loạn nhịp tim: tăng sinh tế bào có khả năng làm tăng cường hormone tuyến giáp, nguyên nhân chính gây rung nhĩ, tim đập nhanh, loạn nhịp.
  • Rối loạn tiêu hóa: gây tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Hay quên, trầm cảm: suy giảm trí nhớ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là công việc.
  • Mệt mỏi, lờ đờ: giảm quan tâm tới các hoạt động khiến người bệnh khó khăn trong công việc và sinh hoạt.
ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng đến sức khỏe
Sưng cổ trong ung thư tuyến giáp

Giai đoạn muộn

Ngoài những nguy cơ trên, khi khối u đã di căn, thường là di căn gan, phổi, não, xương thì sẽ có thêm các ảnh hưởng nghiêm trọng như:

  • Vàng da, vàng mắt.
  • Da bị nổi mẩn ngứa.
  • Ho nhiều, ho ra máu và tràn dịch màng phổi.
  • Đau xương, xương dễ gãy.
  • Đau đầu, mất ngủ thường xuyên, liên tục và suy giảm trí nhớ. Toàn bộ hệ thần kinh bị ảnh hưởng.

1.2. Ung thư tuyến giáp ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài

Ngoài những ảnh hưởng về sức khỏe gây giảm chất lượng cuộc sống, ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng gì không? 

  • Người bị ung thư tuyến giáp thường bị nổi hạch và sưng cổ do có khối u phát triển tăng dần về kích thước gây mất thẩm mỹ, làm người bệnh cảm thấy tự ti khi giao tiếp.
  • Suy mòn trong ung thư tuyến giáp được gây ra bởi sự chán ăn và tăng cường chuyển hóa trong khối u khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, gầy mòn và xanh xao.
ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng đến bề ngoài
Sút cân trong ung thư tuyến giáp

1.3. Ung thư tuyến giáp ảnh hưởng đến sinh sản

Tuyến giáp có chức năng nội tiết, hormone tuyến giáp có nhiều vai trò trong chuyển hóa của cơ thể. Vậy khi mắc ung thư tuyến giáp liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người bệnh hay không?

  • Đối với nữ giới: chính vì ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp nên làm giảm chức năng tình dục của nữ giới. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra, chậm kinh hoặc không có kinh kéo dài. Khi chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn sẽ làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới.
  • Đối với nam giới: rối loạn cương dương và giảm ham muốn tình dục là hai triệu chứng thường gặp gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.

Mặc dù ung thư tuyến giáp ảnh hưởng đến một phần không nhỏ trong chức năng sinh sản của cả nam và nữ giới nhưng khi được kiểm soát bởi phác đồ điều trị thích hợp thì người bệnh có thể kiểm soát các rối loạn liên quan.

Riêng đối với nữ giới, việc mang thai và sinh con sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi, vì vậy khi có ý định muốn mang thai trong quá trình điều trị, người bệnh cần được tư vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ. Với phụ nữ đang mang thai và phát hiện ung thư tuyến giáp phải được bác sĩ nội tiết kết hợp bác sĩ điều trị theo dõi trong suốt quá trình thai sản. 

1.4. Ung thư tuyến giáp ảnh hưởng tâm lý

Với tâm lý người bệnh thì ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng gì không? Khi chẩn đoán ung thư được đưa ra là sẽ kèm theo một chuỗi những diễn biến tâm lý của người bệnh. Trong điều trị bệnh ung thư nói chung, không chỉ nên chú trọng điều trị bệnh mà các vấn đề về cảm xúc cũng cần được quan tâm.

  • Lo âu

Là một phản ứng đáp ứng của cơ thể khi nghe tin mình bị ung thư. Với mỗi người bệnh, mức độ lo lắng và khả năng cân bằng lại khác nhau. Phản ứng lo sợ có thể là về thời gian sống, bệnh tiến triển, thẩm mỹ hoặc về tài chính. Những nỗi sợ khiến người bệnh suy sụp tinh thần, suy nghĩ tiêu cực và càng làm thể trạng bệnh nhân kém hơn. Những điều này gây ra tình trạng không điều trị, bỏ điều trị hoặc tự đi tìm những phương pháp điều trị dân gian.

  • Trầm cảm

Trầm cảm xảy đến với bệnh nhân ung thư do nhiều nguyên nhân như lo âu quá mức và kéo dài, tác dụng phụ của thuốc hay rối loạn chức năng tuyến giáp.

Trầm cảm biểu hiện thành các triệu chứng như chán nản kéo dài, không quan tâm đến các hoạt động thường ngày, cảm giác tiêu cực, không kiểm soát được bản thân. Trầm cảm có tác động tiêu cực đến quá trình điều trị, vì vậy bệnh nhân ung thư cần được quan tâm đến vấn đề này.

  • Tức giận

Sự tức giận kèm theo sợ hãi dẫn đến sự phủ định bệnh của người bệnh hoặc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm và giảm động lực điều trị bệnh.

2. Sau điều trị ung thư tuyến giáp ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Điều trị ung thư tuyến giáp có thể bằng phẫu thuật, phóng xạ I131, xạ trị ngoài, hóa trị, điều trị đích hoặc bằng hormone tuyến giáp. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá và tư vấn người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất, có thể dùng một phương pháp đơn độc hoặc kết hợp chúng với nhau để có được kết quả tốt nhất. Song, mỗi phương pháp đều có tác dụng phụ sau điều trị và nguy cơ gặp thêm các biến chứng sức khỏe cho người bệnh.

2.1. Tác dụng phụ sau điều trị

Tác dụng phụ của phương pháp phẫu thuật

  • Sau phẫu thuật biểu hiện đau xuất hiện sau những ngày đầu điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân có thể uống thuốc giảm đau để điều chỉnh.
  • Người bệnh cũng cảm thấy mệt mỏi do vậy cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để quá trình phục hồi nhanh hơn.
  • Trong quá trình phẫu thuật cắt u tuyến giáp, bác sĩ có thể làm tổn thương hoặc cắt nhầm dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây ra khàn tiếng sau mổ. Khàn tiếng có thể là tạm thời do tổn thương hoặc vĩnh viễn do cắt đứt.
  • Suy tuyến cận giáp sau mổ: do vị trí của tuyến giáp và cận giáp gần nhau, nên khi phẫu thuật có thể cắt phải cuống mạch nuôi của tuyến cận giáp gây suy tuyến cận giáp tạo các cơn hạ canxi máu điển hình.

Tác dụng phụ sau điều trị phóng xạ I-131

  • Người bệnh thường gặp triệu chứng nôn và buồn nôn trong những ngày đầu điều trị.
  • Bệnh nhân cũng có thể gặp phải triệu chứng khô miệng, mất vị giác.
  • Khi dùng với một lượng lớn I-131 có thể gây ảnh hưởng tới sinh sản ở nam giới, còn đối với nữ, tuy ít ảnh hưởng nhưng cần tránh mang thai trong quá trình điều trị.

Tác dụng phụ sau xạ trị ngoài

Xạ trị khiến bệnh nhân rất mệt mỏi. Ngoài ra, biểu hiện còn có thể là da trở nên đỏ, khô tại vùng điều trị, khản giọng và khó nuốt ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị là phương pháp đưa thuốc tiêu diệt tế bào ung thư đi khắp cơ thể nên tác dụng không mong muốn trong điều trị hóa trị là điều khó tránh khỏi. Rụng tóc, loét miệng, nôn, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy là những triệu chứng thường gặp và gây khó chịu cho người bệnh.

Tác dụng phụ điều trị đích

Mặc dù thuốc điều trị đích nhắm cụ thể vào những tế bào ung thư nhưng nó vẫn không thể tránh khỏi những tác dụng không mong muốn cho cơ thể người bệnh. Mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, phát ban là những triệu chứng hay gặp.

Liệu pháp hormone thay thế

Dùng hormone trong thời gian ngắn có thể không gây ra tác dụng phụ nào đáng ngại. Nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch gây tim đập nhanh hoặc không đều. Về lâu dài sẽ gây loãng xương.

2.2. Các biến chứng sức khỏe sau điều trị

Ngoài những tác dụng phụ trực tiếp từ các phương pháp điều trị, các biến chứng sức khỏe gặp thêm đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp có thể xảy ra.

  • Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một ảnh hưởng phổ biến của ung thư tuyến giáp. Nguyên nhân có thể do sự thay đổi của nội tiết tố liên quan ung thư hay tác động của điều trị ung thư tuyến giáp. Việc tăng sinh tế bào không kiểm soát dẫn đến sự hoạt động tăng cường hoặc cũng có thể là suy giảm của hormone tuyến giáp. Tuy là tác dụng gì thì việc tăng huyết áp vẫn có thể xảy ra. Điều trị hormon thay thế hay các thuốc hóa trị cũng gây tăng huyết áp cho người bệnh.

  • Bệnh tim mạch

Là hậu quả lâu dài của ung thư tuyến giáp. Cường hormone tuyến giáp do tăng sản xuất hormone hoặc do dùng hormone tuyến giáp thay thế gây ra những cơn rung nhĩ, có thể hình thành các cục máu đông đi khắp cơ thể dẫn đến đau tim, đột quỵ.

biến chứng của bệnh ung thư tuyến giáp
Bệnh tim mạch do ung thư tuyến giáp
  • Loãng xương

Khi người bệnh sử dụng hormon thay thế, sẽ gây tình trạng thiếu calci do giảm hấp thu calci ở ruột. Về lâu dài sẽ gây loãng xương ảnh hưởng đến vận động và làm xương dễ gãy.

3. Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?

Tỷ lệ sống sót của ung thư tuyến giáp phụ thuộc loại và giai đoạn của bệnh. Nhìn chung, tiên lượng đối với giai đoạn di căn là thấp hơn so với ung thư còn khu trú hoặc xâm lấn. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa là có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là thấp nhất. Khả năng sống sót sau 5 năm đối với thể nhú, thể nang và thể tủy là khá cao.

Bảng số liệu tham khảo về tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ:

Ung thư tuyến giáp giai đoạn I Ung thư tuyến giáp giai đoạn II và III Ung thư tuyến giáp giai đoạn IV
Ung thư tuyến giáp thể nhú Gần 100% Khoảng 90% Khoảng 76%
Ung thư tuyến giáp thể nang Gần 100% Khoảng 97% Khoảng 64%
Ung thư tuyến giáp thể tủy Gần 100% Khoảng 91% Khoảng 38%
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa Khoảng 31% Khoảng 10% Khoảng 3%

Ngày nay, với nền y học hiện đại, ung thư tuyến giáp được điều trị bằng nhiều phương pháp cho kết quả khả quan. Tiên lượng đối với nhiều người mắc ung thư tuyến giáp là rất tốt. Những người có ung thư tuyến giáp thể nhú và nang có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Để tiên lượng được chính xác, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ lưỡng.

4. Giải đáp thắc mắc

4.1. Ung thư tuyến giáp có lây không?

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh thuộc nhóm không lây nhiễm và không lây lan qua đường tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, một người trong gia đình mắc ung thư tuyến giáp thì những người còn lại đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng nguyên nhân là do yếu tố di truyền. Người bệnh và những người xung quanh cần hiểu đúng về căn bệnh để tránh ảnh hưởng tâm lý trong quá trình điều trị và tiếp xúc cộng đồng.

4.2. Ung thư tuyến giáp nên kiêng ăn gì?

Việc bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh mắc ung thư tuyến giáp thực sự cần thiết. Tuy nhiên, với những triệu chứng đã nêu ở trên đặt ra vấn đề phải chọn lựa thực phẩm vừa phù hợp với người bệnh và vừa cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Một số thức ăn nên kiêng:

  • Thực phẩm cứng: khó nuốt là triệu chứng của ung thư tuyến giáp, do đó người bệnh nên tránh thực phẩm khô, cứng, thay vào đó nên chọn thức ăn lỏng, mềm như cháo, súp.
  • Tránh đậu nành và những thức ăn chế biến từ đậu.
  • Muối iod: khi bệnh nhân đang điều trị phóng xạ I131 nên dung nạp vào cơ thể lượng iod thấp.
  • Nội tạng động vật: trong gan, tim, thận chứa nhiều acid béo và acid lipoic, chúng không chỉ phá vỡ hoạt động của tuyến giáp mà còn làm giảm tác dụng của thuốc điều trị.
  • Rượu, bia, thuốc lá: không những ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
ung thư tuyến giáp nên kiêng đậu nành
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên kiêng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành

4.3. Làm gì để phòng ngừa ung thư tuyến giáp?

  • Tránh tiếp xúc với bức xạ: tiếp xúc phóng xạ trong làm việc hay sinh hoạt, điều trị đều tăng khả năng gây đột biến gen làm thúc đẩy quá trình ung thư.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đủ iod: thiếu iod là một trong những nhân tố chính gây ung thư tuyến giáp.
  • Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích.
  • Rèn luyện đều đặn, giữa thân hình cân đối.
  • Tầm soát ung thư tuyến giáp khi có dấu hiệu.

Như vây, từ các phân tích trên bạn đã có đáp án cho câu hỏi “Ung thư tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?” Khi bị ung thư tuyến giáp, khối u sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, ngoại hình và tâm lý của người bệnh. Vì thế, ngay khi được chẩn đoán bệnh ung thư tuyến giáp, người bệnh nên điều trị theo liều trình càng sớm càng tốt.

 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ
Nguồn tham khảo

1.Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 CountriesXem chi tiết

2. Globocan Vietnam 2020Xem chi tiết

3. Thyroid Cancer Survival Rates, by Type and StageXem chi tiết

4. What Is Thyroid Cancer?Xem chi tiết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt