Điều trị ung thư vú nên ăn gì? Lưu ý quan trọng về dinh dưỡng NÊN biết

5/5 - (5 bình chọn)

Điều trị ung thư vú nên ăn gì để người bệnh có thể giảm tình trạng chán ăn, mệt mỏi và tăng sức đề kháng cho quá trình điều trị hiệu quả hơn? Có thực đơn nào hỗ trợ tốt cho bệnh nhân đang điều trị ung thư vú không? Dưới đây sẽ là những thông tin chi tiết nhất về những nhóm thực phẩm bệnh nhân cần bổ sung, gợi ý các thực đơn và lưu ý để có một chế độ ăn khoa học nhất.

Ung thư vú sau điều trị kiêng ăn gì để phòng ngừa tái phát?

1. Bệnh nhân điều trị ung thư vú nên ăn gì?

Để việc chữa ung thư vú hiệu quả tốt nhất, ngoài thực hiện theo đúng phác đồ điều trị thì người bệnh cần phải bổ sung đầy đủ năng lượng: 25 – 30 Kcal/kg cân nặng/ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần cân đối 4 nhóm dinh dưỡng: Đạm (Protein), chất bột đường (Carbohydrate), chất béo (Lipid), vitamin và khoáng chất.

1.1. Bổ sung Protein

Protein là thành phần quan trọng đối với người bệnh ung thư vú cũng như là thức ăn điều trị ung thư vú do protein sẽ giúp giảm tác dụng phụ do điều trị ung thư và tăng khả năng khỏi bệnh. Cụ thể protein giúp:

  • Phục hồi các tế bào lành bị tổn thương sau phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.
  • Nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể.
  • Cung cấp năng lượng…

Hàm lượng protein bệnh nhân được khuyên dùng mỗi ngày là 12 – 20% tổng năng lượng.

Thực phẩm giàu Protein
Nhu cầu protein cho người bệnh ung thư vú chiếm 12 – 20% tổng năng lượng

Một số loại thực phẩm giàu protein:

Tên thực phẩm Hàm lượng protein trong 100g thực phẩm (mg)
Trứng gà 14,8
Thịt lợn nạc 19
Cá hồi 22
Cá rô phi 19,7
Lươn 20
Sữa bột toàn phần 27
Sữa bột đậu nành 31,1
Tôm đồng 18,4
Đậu nành 34
Đậu xanh 23,4

Lưu ý khi bổ sung protein cho người bệnh ung thư vú:

  • Bổ sung protein từ đa dạng các loại thực phẩm, bao gồm cả protein có nguồn gốc động vật và thực vật.
  • Cân đối giữa protein động vật và thực vật với tỷ lệ protein thực vật nên cao hơn protein động vật. Lượng protein động vật nên chiếm 30 – 50% tổng số.
  • Ngoài ra, các loại thịt chế biến sẵn và thịt nguội thường có hàm lượng chất béo, muối và chất bảo quản cao và không được coi là thực phẩm hiệu quả để phòng ngừa ung thư vú.

1.2. Bổ sung chất bột đường

Với người bệnh ung thư vú, chất bột đường cung cấp đến 60 – 70% năng lượng cho cơ thể, giúp chuyển hoá chất béo và điều hoà hoạt động cơ thể tốt hơn. Vì thế người bệnh không nên bỏ quá nhóm chất quan trọng này khi nghĩ đến việc “điều trị ung thư vú nên ăn gì”.

Chất bột đường
Chất bột đường là nguồn cung cấp nhiều năng lượng nhất cho cơ thể – 1g đường cung cấp 9 Kcal

Một số thực phẩm giàu chất bột đường:

Tên thực phẩm Hàm lượng glucid trong 100g thực phẩm (mg)
Gạo tẻ máy 76,2
Gạo nếp cái 74,9
Miến dong 82,2
Bún 25,7
Bánh phở 32,1
Mì sợi 74,2
Khoai lang 28,5
Ngô tươi 39,6

Hiện nay, có nhiều người bệnh truyền tai nhau rằng nên “Bỏ đường vì ăn đường giúp nuôi tế bào ung thư”. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm mà người bệnh cần tránh.

Vì các tế bào ung thư rất linh hoạt, khi người bệnh bỏ chất bột đường thì tế bào ung thư sẽ sử dụng chất béo, đạm… để phát triển chứ không chết đi như lầm tưởng của nhiều người. Vì vậy, bỏ đường để điều trị ung thư là biện pháp không hiệu quả, vừa không loại bỏ được tế bào ung thư, vừa khiến cơ thể người bệnh ngày càng suy yếu.

Lúc này, thay vì loại bỏ, người bệnh nên lưu ý sử dụng các loại tinh bột có lợi thay vì những tinh bột có hại. Người bệnh nên sử dụng tinh bột từ các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo, ngô, lúa mì, yến mạch… hay từ các loại củ như khoai lang, khoai tây, sắn…

1.3. Bổ sung nhóm chất béo

Là một trong những nhóm thức ăn điều trị ung thư vú, bệnh nhân ung thư vú nên chú ý bổ sung nhóm chất béo vì chúng có giá trị năng lượng cao – 1g lipid cung cấp 9Kcal giúp tăng cường thể chất. Bên cạnh đó, chất béo cũng góp phần hình thành cấu trúc tế bào trong cơ thể giúp bảo vệ các tế bào khỏe mạnh.

Hàm lượng nhóm chất béo bệnh nhân ung thư vú nên cung cấp mỗi ngày là 18 – 25% tổng năng lượng.

Chất béo
Chất béo có giá trị năng lượng cao

Một số thực phẩm giàu chất béo:

Tên thực phẩm Hàm lượng lipid trong 100g thực phẩm (mg)
Dầu thực vật 99,7
83,5
Pho mát 30,9
Quả bơ vỏ xanh 9,4
Trứng gà 11,6
Cá thu 10,3
Cá mè 9,1

Lưu ý khi sử dụng chất béo cho người đang điều trị ung thư vú:

  • Lựa chọn thực phẩm giàu Omega 3 như cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá cơm…
  • Không sử dụng quá nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, gia cầm có da, phô mai, thịt bò béo…

1.4. Vitamin và khoáng chất

Người điều trị ung thư vú nên ăn gì thì vitamin và khoáng chất là một trong số đó. Vitamin và khoáng chất là những thành phần mà cơ thể không tự sản xuất được. Vì vậy, chúng cần được chú trọng bổ sung để đảm bảo sức khỏe người bệnh ung thư vú. Lợi ích của vitamin và khoáng chất với cơ thể người bệnh:

  • Nâng cao sức đề kháng cho người bệnh.
  • Bảo vệ tế bào lành khỏi những tổn thương trong quá trình điều trị.
  • Hỗ trợ quá trình biến đổi thức ăn, tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.
Thực phẩm giàu Vitamin và khoáng chất - điều trị ung thư vú nên ăn gì
Vitamin và khoáng chất là cần thiết với người bệnh ung thư vú

Một số thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất như:

Tên thực phẩm Hàm lượng natri trong 100g thực phẩm (mg) Hàm lượng kali trong 100g thực phẩm (mg) Hàm lượng canxi trong 100g thực phẩm (mg) Hàm lượng vitamin C trong 100g thực phẩm (mg) Hàm lượng vitamin B1 trong 100g thực phẩm (mg) Hàm lượng vitamin B2 trong 100g thực phẩm (mg)
Cà rốt 52 266 43 8 0,06 0,06
Cà chua 12 275 12 40 0,06 0,04
Rau ngót 25 457 169 155 0,07 0,39
Rau muống 37 331 100 23 0,1 0,09
Súp lơ 20 349 26 70 0,11 0,1
Cải bắp 28 190 48 30 0,06 0,05
Rau mồng tơi 38 391 176 72 0,06 0,17
Rau dền đỏ 56 417 288 89 0,08 1,16

Lưu ý khi sử dụng vitamin, khoáng chất:

  • Bổ sung đầy đủ khoáng chất, vitamin với hàm lượng cân đối.
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất cho cơ thể.

Bổ sung chất dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là việc làm rất quan trọng trong và sau quá trình điều trị ung thư vú giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt hơn. Vì thế, ngoài nhóm chất được khuyên dùng thì người bệnh cũng nên chú ý kiêng các loại thực phẩm sau.

Có thể bạn quan tâm:

2. Những loại thực phẩm nên kiêng khi điều trị ung thư vú

Bên cạnh việc điều trị ung thư vú nên ăn gì, người bệnh ung thư vú nên tránh một số loại thực phẩm sau:

Tránh xa đồ uống có cồn như bia, rượu…: Do với người bệnh ung thư vú đồ uống có cồn sẽ làm tăng nồng độ estrogen (chất kích thích phát triển ung thư vú) trong cơ thể. Vì thế sẽ khiến cho các tế bào ung thư ngày càng phát triển, lây lan, làm tăng nguy cơ tái phát và giảm hiệu quả điều trị.

Bia rượu - điều trị ung thư vú nên ăn gì
Người bệnh ung thư vú cần tránh đồ uống có cồn

Kiêng thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, cá hộp, thịt nguội,  xúc xích, thịt xông khói, giò, chả… Các thành phần hóa học như hydroxyanisole butylated, diacetyl trong các loại thực phẩm chế biến sẵn đã được chứng minh làm ung thư vú phát triển. Đồng thời, thực phẩm chế biến sẵn còn gây tăng cân, tăng đường máu… là những yếu tố có hại cho người bệnh ung thư vú.

Hạn chế đồ ăn nhanh như hamburger, sandwich, pizza, gà rán, khoai tây chiên…. Do đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo xấu, làm thúc đẩy sự tăng trưởng và di căn của tế bào ung thư vú, tình trạng bệnh nặng lên.

Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và các gia vị như quế, gừng, ớt… Do những thực phẩm này có thể gây đầy hơi, khó tiêu khiến người bệnh ung thư vú vốn đã chán ăn lại ăn kém hơn.

Nên thận trọng khi uống trà và cafe: Do trà, cafe chứa nhiều cafein có thể làm người bệnh mất ngủ, căng thẳng hơn. Đồng thời còn làm giảm hấp thu sắt nếu dùng cùng bữa ăn. Vì vậy, người bệnh ung thư vú cần hạn chế, hoặc nếu uống thì nên ở mức độ vừa phải từ 1 – 2 cốc mỗi ngày.

3. Gợi ý 3 thực đơn cho bệnh nhân ung thư vú

Trả lời cho việc “điều trị ung thư vú nên ăn gì” thì đây là ví dụ thực đơn trong 1 ngày cho bệnh nhân ung thư vú 55 tuổi, cân nặng 50kg, tổng năng lượng người bệnh cần là 1500Kcal. Người bệnh và người thân có thể tham khảo để có được thực đơn khoa học và phù hợp nhất.

Thực đơn 1:

Bữa ăn Thực phẩm Hàm lượng (g)
Sáng: Bún bò. Bún 100
Thịt bò loại I 25
Trưa: Cơm, thịt gà luộc, đậu sốt cà chua, rau muống luộc, đu đủ. Gạo tẻ máy 75
Thịt gà ta 50
Đậu phụ 50
Cà chua 50
Dầu thực vật 5
Rau muống 150
Đu đủ chín 100
Chiều: Sữa. Sữa bột toàn phần 100
Tối: Cơm, su su luộc, thịt rang tôm, cam. Gạo tẻ máy 75
Thịt lợn nạc 50
Tôm đồng 25
Su su 150
Cam 100

Thực đơn 2:

Bữa ăn Thực phẩm Hàm lượng (g)
Sáng: Bánh mì, sữa chua. Bánh mì ruốc 100
Sữa chua 50
Trưa: Cơm, cá quả sốt, rau muống luộc, cam. Gạo tẻ máy 75
Cá quả 100
Cà chua 50
Dầu thực vật 5
Rau muống 150
Cam 100
Chiều: Sữa. Sữa bò tươi 200
Tối: Cơm, thịt gà rang, rau ngót nấu, dưa lê. Gạo tẻ máy 75
Thịt gà ta 100
Dầu thực vật 5
Rau ngót 30
Dưa lê 100

Thực đơn 3:

Bữa ăn Thực phẩm Hàm lượng (g)
Sáng: Ngô luộc, sữa chua. Ngô nếp luộc 100
Sữa chua 50
Trưa: Cơm, thịt kho trứng, rau dền luộc, dưa lê. Gạo tẻ máy 75
Thịt lợn ba chỉ 60
Trứng gà 75
Rau dền cơm 150
Dưa lê 200
Chiều: Táo, sữa chua. Táo ta 100
Sữa chua 50
Tối: Cơm, cá rô phi rán, đậu đũa luộc, xoài. Gạo tẻ máy 75
Cá rô phi 100
Dầu thực vật 5
Đậu Đũa 200
Xoài chín 200

4. Lưu ý chế độ ăn khi gặp tác dụng phụ do các liệu pháp điều trị

Một số lưu ý về chế độ ăn cho người bệnh khi gặp tác dụng phụ do các liệu pháp điều trị sau đây:

Trường hợp tiêu chảy sau hóa trị hoặc xạ trị:

  • Người bệnh nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ổi, bơ, lê, táo, bông cải xanh… Lý do vì chất xơ sẽ làm tăng khối lượng nước trong phân, kích thích hệ tiêu hóa làm việc nhiều khiến bệnh tiêu chảy kéo dài.
  • Uống nhiều nước để tránh xảy ra tình trạng mất nước do tiêu chảy.
Tiêu chảy
Thực phẩm chứa nhiều chất xơ cần được hạn chế khi người bệnh bị tiêu chảy sau hóa, xạ trị

Trường hợp tác dụng phụ do hoá trị liệu hoặc xạ trị ở vùng đầu và cổ như giảm tiết nước bọt, khô miệng, cảm giác chán ăn:

  • Ăn thức ăn mềm, thực phẩm chứa nhiều nước: Thịt mềm, cá, súp… để giúp người bệnh dễ nuốt hơn.
  • Bổ sung trái cây chua như cam, dứa, mận… để kích thích tuyến nước bọt tăng tiết dịch, giảm cảm giác khô miệng.
  • Vệ sinh răng miệng tối thiểu 4 lần/ngày để giảm nhiễm khuẩn miệng do thiếu nước bọt gây ra.
  • Uống nhiều nước trong ngày, cứ vài phút uống 1 ngụm nhỏ để giữ cho miệng có độ ẩm nhất định.

Trường hợp đau và nhiễm trùng miệng, hầu họng thường: Hay gặp khi bệnh nhân xạ trị vùng đầu – cổ.

  • Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt để làm giảm cảm giác đau.
  • Tránh ăn đồ cay, nóng, mặn vì sẽ làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.

Trường hợp bị buồn nôn và nôn sau hóa trị liệu:

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không ăn quá nhiều trong một bữa cũng như không để cơ thể đói sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn.
  • Bổ sung nước để tránh tình trạng mất nước, điện giải sau nôn nhưng cần uống từng ngụm nhỏ, ít một.
  • Tránh các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán vù chúng có mùi khó chịu, làm tăng cảm giác buồn nôn. Thực phẩm khô như bánh quy, bánh mì nướng… cũng cần tránh do chúng làm dạ dày tăng co bóp, người bệnh nôn nhiều hơn.
Chia nhỏ bữa ăn - điều trị ung thư vú nên ăn gì
Chia nhỏ bữa ăn giúp giảm cảm giác buồn nôn sau hóa trị

Chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý là rất quan trọng trong điều trị ung thư vú. Hy vọng bài viết đã giúp người bệnh hiểu rõ điều trị ung thư vú nên ăn gì và lựa chọn được loại thực phẩm phù hợp trong quá trình điều trị. Nếu còn có thêm thắc mắc, vui lòng hãy liên hệ theo số điện thoại Hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: 094 230 0707 để được giải đáp và tư vấn miễn phí!

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (5 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt