Bệnh nhân ung thư nên ăn gì ?

post

Bệnh nhân ung thư thường xuyên phải đối mặt với khó khăn để duy trì dinh dưỡng khỏe mạnh. Điều này có thể do thức ăn kém hấp dẫn, giảm ngon miệng, thay đổi vị giác, và tác dụng phụ của quá trình điều trị như nôn và tiêu chảy. Thiếu dinh dưỡng về lâu dài có thể gây ra những vấn đề sức khỏe cho bệnh nhân, như mệt mỏi và dễ nhiễm trùng. Thậm chí, có thể khiến bệnh nhân không đủ điều kiện để điều trị hoặc gián đoạn quá trình điều trị. Vì thế, việc bệnh nhân ung thư nên ăn gì và nên hạn chế ăn gì, cần được quan tâm sâu sắc hơn. 

Một chế độ ăn thích hợp là rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại ung thư, để duy trì tối ưu chức năng của cơ thể. Hiểu biết về các loại thực phẩm nên và không nên cũng giúp bệnh nhân đối phó với bệnh tật và giảm các tác dụng phụ thường xảy ra do điều trị ung thư. Hơn nữa, một chế độ ăn lành mạnh trong quá trình điều trị cho cơ thể bạn thêm sức mạnh để chữa lành.

Chế độ ăn của bạn thay đổi dựa trên loại ung thư và tình trạng sức khỏe của bạn. Mục đích chính là cung cấp đủ lượng calo và đạm (protein) cần thiết. Đôi khi, bạn phải ăn chế độ lỏng. Mặc dù chúng thường không đủ dinh dưỡng, nhưng một chế độ ăn lỏng trong thời gian ngắn có thể giảm triệu chứng và tác dụng phụ.

Bệnh nhân ung thư nên ăn gì

Dưới đây là những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên ăn:

1. Rau họ cải

Chúng có thể chống ung thư và giảm nguy cơ tái phát. Một nghiên cứu cho thấy những hợp chất trong các loại rau họ cải có đặc tính chống tăng sinh và tiêu u. Nó có thể giảm sự phát triển mất kiểm soát các tế bào ung thư. Các hợp chất hoạt tính sinh học trong các rau họ cải cũng thúc đẩy quá trình loại bỏ một số chất gây ung thư trong cơ thể.
Các loại cây họ cải bao gồm:

  • Bông cải xanh
  • Súp lơ
  • Bắp cải
  • Cải xoăn
  • Cải thìa
  • Rau cải lông

2. Thức ăn giàu protein

Protein (hay đạm) giúp phục hồi sức khỏe, sửa chữa những tổn thương trong tế bào, và cung cấp năng lượng sau điều trị hóa chất. Trước khi bắt đầu điều trị, bạn nên tăng lượng đạm ăn vào để ngăn quá trình giảm khối lượng cơ. Được biết giảm khối lượng cơ là một tác dụng phụ phổ biến của ung thư và quá trình điều trị ung thư.
Những thực phẩm giàu đạm mà bệnh nhân ung thư nên ăn bao gồm:

  • Các loại đậu
  • Thịt trắng như thịt gà
  • Trứng
  • Lúa mạch
  • Phô mai tươi
  • Đậu lăng
  • Các loại cá
  • Sữa chua
  • Đậu nành
  • Yến mạnh

Về đậu nành, nhiều người cho rằng đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú. Lý do cho quan niệm này là vì isoflavone – được xem là estrogen thực vật – được tìm thấy trong đậu nành. Tuy nhiên, cơ chế tiêu thụ isoflavone ở động vật và ở người rất khác nhau. Hiện nay, chưa có nghiên cứu khẳng định đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú. Trên thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy ăn sản phẩm từ đậu nành như: đậu phụ, sữa đậu nành, miso có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, nhất là ở phụ nữ châu Á. Ngoài ra, trong đậu nành có chứa nhiều protein và chất xơ, chúng đều có lợi cho sức khỏe. Do vậy, những thực phẩm từ đậu nành là tốt cho sức khỏe và an toàn với bệnh nhân ung thư.

3. Quả mọng

Chúng có đặc tính chống oxy hóa, và có lợi cho việc kiểm soát các triệu chứng ung thư. Một nghiên cứu cho thấy quả mọng có khả năng ngăn ngừa ung thư, chủ yếu là ung thư đường tiêu hóa và vú. Ngoài ra có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, gan, tuyến tụy và phổi.

Các loại quả mọng tốt cho bệnh nhân ung thư như: quả mâm xôi đen, quả mâm xôi, quả việt quất xanh, quả Nam việt quất.

4. Vitamin C

Vitamin C được biết đến có khả năng tăng sức đề kháng tự nhiên. Những bệnh ung thư thường giảm sức đề kháng, vì vậy thức ăn giàu vitamin C là một cách tốt để giảm những tác động tiêu cực đến sức khỏe về lâu dài.

Những thực phẩm giàu vitamin C như: ớt đỏ, ớt xanh, cam, cải xanh, đu đủ

5. Tỏi

Nghiên cứu cho thấy ăn tỏi có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Bệnh nhân ung thư nên ăn từ 2-5 gam tỏi mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Một số loại khác như: hành tây, hành tím, tỏi tây cũng có tác dụng tương tự như tỏi.

6. Thực phẩm giàu acid béo omega-3

A-xít béo omega-3 có thể làm chậm sự phát triển của ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Vì cơ thể không thể tự tạo ra a-xít béo omega-3, chính vì vậy cơ thể phải được cung cấp từ thức ăn hoặc chất bổ sung. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư sẽ tốt hơn nếu chúng ta bổ sung omega-3 thông qua thức ăn thay vì uống thực phẩm chức năng.

Những thực phẩm giàu a-xít béo omega-3 như:

  • Dầu hạt lanh
  • Hạt chia
  • Quả óc chó
  • Đậu nành

Các loại cá như:

  • Cá thu
  • Cá hồi
  • Cá trích
  • Hàu
  • Cá mòi
  • Cá cơm
  • Cá ngừ

Sau điều trị ung thư, nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng của cơ thể rất cao. Do đó, bạn nên ăn những thức ăn giàu năng lượng, hàm lượng protein cao, lượng chất béo ít và dễ tiêu hóa. Ngoài ra, chế độ ăn của bệnh nhân ung thư nên bổ sung thêm các loại rau và trái cây giàu chất chống oxy hóa, vitamin C và đạm thực vật.

Bạn nên lưu ý là chế độ ăn thực dưỡng là không phù hợp với bệnh nhân ung thư. Vì không có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh chế độ ăn thực dưỡng có thể điều trị hoặc chữa khỏi ung thư. Không những vậy, chế độ ăn này khiến cho cơ thể bệnh nhân ung thư héo mòn và suy kiệt, thậm chí tử vong.

Theo Cancer.org và HealthifyMe

Có thể bạn quan tâm:

post
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt