Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất thế giới. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 3 sau ung thư gan và phổi. Để biết triệu chứng, chẩn đoán, phương pháp điều trị ở giai đoạn này như thế nào, độc giả hãy kéo xuống đọc bài viết dưới đây.
1. Ung thư dạ dày giai đoạn 3 có đặc điểm gì?
Giai đoạn 3 được coi là giai đoạn tương đối muộn của ung thư dạ dày. Ở thời điểm này các tế bào ung thư đã xâm lấn sâu vào các lớp của thành dạ dày, di căn nhiều đến hạch bạch huyết lân cận, có thể xâm lấn các cơ quan, tổ chức cạch dạ dày nhưng chưa di căn xa.
Theo hệ thống phân loại TMN của AJCC – 2017, giai đoạn 3 này được chia cụ thể thành 3A, 3B, 3C dựa trên các số liệu về:
- Khối u (T): Khối u nguyên phát đã lấn sâu vào thành dạ dày đến mức độ nào?
- Hạch (N): Khối u đã di căn đến các hạch bạch huyết chưa? Nếu có thì vị trí nào, số lượng bao nhiêu?
- Di căn (M): Khối u đã di căn đến các bộ phận khác chưa?
Chi tiết hơn, từng giai đoạn được chia theo hệ thống T.N.M sẽ như sau:
1.1. Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3A
Ung thư dạ dày gọi là giai đoạn 3A khi nằm trong các trường hợp sau:
- Ung thư đã xâm lấn đến lớp cơ của dạ dày, lan đến 7-15 hạch bạch huyết nhưng không đến các cơ quan khác (T2.N3a.M0)
- Ung thư đã xâm lấn đến lớp mô liên kết dưới thanh mạc dạ dày, lan đến 3-6 hạch vùng nhưng không đến cơ quan khác (T3.N2.M0)
- Ung thư đã xâm lấn đến lớp thanh mạc dạ dày, lan đến 1-2 hạch bạch huyết nhưng không đến cơ quan khác (T4a.N1.M0)
- Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp của dạ dày, xâm lấn các cơ quan xung quanh dạ dày, nhưng chưa lan đến hạch bạch huyết và các cơ quan xa (T4b.N0.M0)
1.2. Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3B
Ung thư dạ dày gọi là giai đoạn 3B khi nằm trong những trường hợp sau:
- Ung thư xâm lấn lớp niêm mạc, lớp cơ của dạ dày, lan đến 16 hoặc nhiều hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa (T1.N3b.M0 hoặc T2.N3b.M0)
- Ung thư đã xâm lấn lớp mô liên kết dưới thanh mạc dạ dày, lan đến 7-15 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn xa (T3.N3a.M0)
- Ung thư đã xâm lấn đến lớp thanh mạc dạ dày, lan đến 7-15 hạch vùng nhưng chưa di căn xa (T4a.N3a.M0)
- Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp của dạ dày đến các cơ quan lân cận, lan đến 1-6 hạch vùng nhưng chưa di căn xa (T4b.N1.M0 hoặc T4b.N2.M0)
1.3. Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3C
Ung thư dạ dày gọi là giai đoạn 3C khi nằm trong những trường hợp sau:
- Ung thư xâm lấn đến lớp mô liên kết dưới thanh mạc hoặc đến lớp thanh mạc dạ dày, lan đến 16 hoặc nhiều hạch vùng nhưng chưa di căn xa (T3.N3b.M0 hoặc T4a.N3b.M0)
- Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp của dạ dày đến các cơ quan lân cận, lan đến 7 hoặc nhiều hạch bạch huyết nhưng chưa di căn xa (T4b.N3a.M0 hoặc T4b.N3b.M0)
2. Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn 3
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 này thì triệu chứng không còn mơ hồ nữa mà biểu hiện rõ rệt hơn, tăng lên về cả mức độ, tần suất nên người bệnh có thể dễ dàng nhận ra. Cụ thể dấu hiệu ở giai đoạn này sẽ như sau:
- Gầy sút cân nhanh chỉ trong vòng vài tháng, thể trạng suy kiệt, da xanh xao, vàng vọt nên cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống
- Đau bụng vùng thượng vị rõ rệt và diễn ra thường xuyên hơn, đau không có chu kỳ, đau tăng lên sau khi ăn.
- Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn…
- Xuất huyết tiêu hóa do chảy máu khối u, biểu hiện đi ngoài phân đen có mùi hôi tanh rất khó chịu
- Cảm nhận được khối u bất thường vùng thượng vị, nhấn xuống sẽ cảm thấy rất đau.
Ở giai đoạn này vẫn có nhiều người chủ quan uống thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng, tuy nhiên lúc này các cơn đau do ung thư dạ dày trong giai đoạn 3 sẽ không thuyên giảm bởi thuốc giảm đau thông thường. Vì thế khi có các triệu chứng trên, bạn cần đi thăm khám bác sĩ ngay để có phương án điều trị phù hợp
3. Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 bằng cách nào?
Chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 3 thì ngoài những triệu chứng lâm sàng như đã đề cập ở trên, bác sĩ sẽ cần phải dựa một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Nội soi dạ dày: Đây là phương pháp chẩn đoán giúp xác định được vị trí thương tổn, loại tổn thương (u sùi, loét, thâm nhiễm), mức độ xâm lấn của khối u vào thành dạ dày, đồng thời cũng giúp lấy mẫu cho sinh thiết (nếu cần).
- Chụp CT: Được sử dụng chủ yếu để xác định giai đoạn của ung thư, giúp xác định chi tiết sự xâm lấn của khối u ở thành dạ dày, các hạch di căn và khối u thứ phát ở tụy, gan, buồng trứng…
- Sinh thiết: Sinh thiết là phương pháp lấy mẫu từ vị trí tổn thương sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi để xác nhận tế bào đó là ác tính hay lành tính. Sinh thiết là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán bệnh và thể bệnh ung thư dạ dày.
- Chụp Xquang dạ dày có thuốc cản quang: Đây là phương pháp kinh điển để chẩn đoán ung thư dạ dày. Với phương pháp này trên phim sẽ cho thấy hình ảnh gián tiếp của khối u như ổ đọng thuốc, hình khuyết thuốc… từ đó giúp chẩn đoán bệnh.
4. Ung thư dạ dày giai đoạn 3 có chữa được không?
Dựa trên số liệu từ Chương trình SEER của Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ sống chung của ung thư dạ dày là 32%. Trong đó tỷ lệ sống của giai đoạn 3 như sau:
- Giai đoạn 3A là 20%
- Giai đoạn 3B là 14%
- Giai đoạn 3C là 9%
So với các loại ung thư khác thì tỷ lệ sống của ung thư dạ dày không cao (32%), điều trị khỏi hoàn toàn là gần như không thể.
Nhưng người bệnh đừng quá bi quan, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị mới sẽ giúp kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh… Do đó, điều quan trọng là bệnh nhân cần có phác đồ điều trị phù hợp, tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ và có tinh thần lạc quan tích cực.
5. Phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 đã di căn đến các hạch bạch huyết và có thể di căn đến các cơ quan gần, vì thế trong giai đoạn này thì nguyên tắc điều trị sẽ là:
- Phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong điều trị
- Hoá trị, xạ trị, hoá xạ trị… đóng vai trò bổ trợ, tân bổ trợ
Tuy nhiên, tùy vào tiến triển, sức khỏe toàn thân, khả năng đáp ứng điều trị… của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ khác nhau. Trong đó thường có các phương pháp điều trị chính như sau:
5.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật vẫn là phương pháp đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn 3 này, tuỳ từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định:
- Phẫu thuật triệt căn để cắt bỏ khối u cùng một phần dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận, giúp loại bỏ tế bào ung thư và ngăn ngừa di căn.
- Phẫu thuật điều trị biến chứng các biến chứng như chảy máu, hẹp môn vị… trong giai đoạn muộn.
Tác dụng phụ: Sau khi dạ dày bị cắt đi, thức ăn xuống ruột nhanh hơn gây ra các tình trạng trào ngược acid dạ dày, buồn nôn, nôn…
Chi phí: Tùy vào từng cơ sở điều trị, phương pháp phẫu thuật mà chi phí cho phẫu thuật cắt dạ dày khác nhau, trung bình sẽ khoảng 20 – 40 triệu đồng.
Lưu ý:
- Thời gian đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân nên ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa nhỏ
- Lưu ý vận động nhẹ nhàng, tránh lao động nặng.
5.2. Hoá trị
Hoá trị là phương pháp một phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3, hoá trị có thể sẽ được sử dụng trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u hoặc thực hiện sau phẫu thuật để loại bỏ nốt những khối u còn sót lại.
Các phương pháp thường được sử dụng trong hoá trị:
- Đơn hóa chất: dùng 1 hóa chất để điều trị, các loại hóa chất hay dùng: Cisplatin, 5-Fluorouracil, Carboplatin…
- Đa hóa chất: kết hợp các loại hóa chất khác nhau để điều trị. Một số phác đồ hay sử dụng là CF (Cisplatin và 5-Fluorouracil), ECF (Epirubicin, Cisplatin và 5-Fluorouracil)…
Tác dụng phụ:
- Buồn nôn, nôn
- Ăn không ngon miệng
- Rụng tóc
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy hoặc táo bón
- Dễ chảy máu, bầm tím
- Tăng khả năng nhiễm trùng…
Chi phí: Trung bình chi phí khoảng 10 – 15 triệu đồng cho một lần hóa trị.
Lưu ý: Trước và sau khi hoá trị, người bệnh cần lưu ý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
5.3. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư, giúp thu nhỏ kích thước khối u.
Loại xạ trị hiện được sử dụng thường xuyên nhất là xạ trị tia bên ngoài: chùm tia phóng xạ được chiếu từ bên ngoài vào cơ thể thông qua máy gia tốc tuyến tính, chùm tia này tập trung vào khối u giúp tiêu diệt tế bào ung thư.
Tác dụng phụ: Ngoài việc làm chết các tế bào ung thư, xạ trị có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào lân cận nên sẽ gây ra các triệu chứng như: viêm da vùng xạ trị, đau bụng, đi lỏng, giảm các tế bào máu…
Chi phí: Trung bình chi phí khoảng 5 – 7 triệu đồng cho một xạ trị.
Lưu ý: Bệnh nhân sau xạ trị cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đến nơi đông đúc do trong cơ thể vẫn còn chất phóng xạ, giữ vệ sinh sạch sẽ da vùng xạ trị.
5.4. Hoá xạ trị kết hợp
Phương pháp hoá xạ trị kết hợp thường được chỉ định trong trường hợp:
- Hoá xạ trị kết hợp bổ trợ sau mổ phối hợp với 5-FU (fluorouracil) được khuyến cáo cho những người bệnh giai đoạn từ 1B trở đi.
- Được chỉ trong trường hợp không thể cắt bỏ được hoặc thể trạng người bệnh không cho phép phẫu thuật. Lúc này mục đích điều trị có thể là triệt căn hay tạm thời tùy theo tình huống của người bệnh.
Tác dụng phụ: Việc kết hợp hoá xạ trị sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tuy nhiên độc tính điều trị có thể sẽ nhiều hơn ảnh hưởng tới sức khoẻ bệnh nhân hơn. Vì thế, có thể gây ra tác dụng phụ như: mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Chi phí: Trung bình sẽ khoảng 15 – 20 triệu đồng/lần hóa xạ trị.
Lưu ý: Trước và sau điều trị người bệnh cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng…
5.5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các loại thuốc như Nivolumab, Pembrolizumab nhắm vào PD-1… đưa vào cơ thể để giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Ở giai đoạn 3 của ung thư dạ dày thì liệu pháp miễn dịch thường được dùng kết hợp với hóa trị.
Tác dụng phụ: Khi dùng loại thuốc này sẽ gây ra một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, sốt, ho, buồn nôn, ngứa, phát ban da, táo bón hoặc tiêu chảy…
Chi phí: Chi phí của liệu pháp này cao hơn nhiều so với các phương pháp khác, trung bình sẽ khoảng 300 triệu đồng/liệu trình.
Lưu ý: Trước và trong thời gian điều trị, bệnh nhân chú y ăn thức ăn dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
5.6. Điều trị đích
Điều trị đích là phương pháp sử dụng thuốc tác động vào gen hay protein chuyên biệt ở tế bào ung thư để hạn chế sự hình thành và phát triển của khối u.
Một số loại thuốc điều trị đích thường được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 là:
- Thuốc nhắm vào HER2: Trastuzumab
- Thuốc nhắm vào VEGF: Ramucirumab
Tác dụng phụ: Với phương pháp này có thể mang đến một số tác dụng phụ như: sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, ho, tiêu chảy, đau đầu…
Chi phí: Chi phí trung bình khoảng 50 triệu/đợt điều trị
Lưu ý: Trước và sau khi điều trị người bệnh cần lưu ý ăn các bữa nhỏ, chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
6. Kinh nghiệm điều trị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3
Trước và trong khi điều trị:
- Tinh thần, tâm lý của bệnh nhân quyết định rất lớn đến hiệu quả của quá trình điều trị. Do đó cả bệnh nhân và người nhà cần chuẩn bị tinh thần lạc quan nhất để có thể chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ này.
- Nên chọn địa chỉ có Hội Đồng Ung Thư (Tumor Board): đây là một hội đồng gồm rất nhiều chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm, kiến thức vững vàng giúp đưa ra phác đồ điều trị hợp lý cho từng bệnh nhân.
- Chú trọng đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục trước, trong và sau điều trị: chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp người bệnh có đủ sức khỏe trong suốt quá trình điều trị.
- Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị, không được tự ý bỏ thuốc, tự ý thay đổi thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
Kinh nghiệm sau điều trị:
- Dinh dưỡng: Người bệnh cần chia nhỏ bữa ăn nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn thức ăn nướng, thức ăn chua cay, đồ đóng hộp, tăng cường ăn rau xanh, các loại hoa quả…
- Sinh hoạt: Vận động nhẹ nhàng, tập các bài thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, đều đặn, không lao động nặng.
- Tái khám đúng hướng dẫn để đề phòng tái phát: 3 – 6 tháng tái khám 1 lần trong 2 năm đầu, 6 tháng 1 lần trong 3 năm tiếp theo.
7. Giải đáp thắc mắc
Câu 1: Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 có di căn không?
Ở giai đoạn 3, các tế bào ung thư đã phát triển vượt ra các lớp của thành dạ dày, xâm lấn đến các hạch bạch huyết xung quanh và có thể di căn đến các cơ quan lân cận. Tuy nhiên ở giai đoạn này tế bào ung thư chưa di căn đến các cơ quan ở xa như gan, phổi, xương,…
Câu 2: Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 bao nhiêu tiền?
Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 cần có sự phối hợp của các phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Chi phí điều trị trung bình của từng phương pháp như sau:
- Phẫu thuật: Khoảng 20 – 40 triệu đồng
- Hóa trị: Khoảng 10 – 15 triệu đồng 1 đợt hóa trị
- Xạ trị: Khoảng 5 – 7 triệu đồng 1 đợt xạ trị
Chi phí trên chỉ là khoảng trung bình, mức phí này có thể thay đổi tuỳ thuộc vào từng cơ sở điều trị, các phương pháp cần sử dụng, sức khoẻ bệnh nhân, sự chi trả của các hình thức dịch vụ bảo hiểm y tế…
Câu 3: Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 ở đâu?
Để chẩn đoán, điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 nói riêng và các loại ung thư nói chung, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế lớn có uy tín với đội ngũ y bác sĩ lành nghề hàng đầu như: Bệnh viện K, Bệnh viện ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt.
Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đang là lựa chọn hàng đầu cho người bệnh tới điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu nhờ những ưu điểm nổi bật như:
- Đội ngũ y bác sĩ hàng đầu đến từ các bệnh viện tuyến trung ương.
- Trang thiết bị y tế khám chữa bệnh theo công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất.
- Cơ sở vật chất sạch sẽ, khang trang và đầy đủ tiện nghi.
- Dịch vụ y tế, chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo.
- Có nhiều hình thức khám theo bảo hiểm hoặc bảo lãnh viện phí để giảm thiểu chi phí.
- Thời gian khám chữa bệnh linh động. Khám cả ngày cuối tuần và ngoài giờ hành chính.
Câu 4: Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 có nên mổ không?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính đối với tất cả các loại ung thư. Với Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 cũng vậy, phẫu thuật luôn là lựa chọn ưu tiên đầu tiên trong quá trình điều trị giúp loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể. Do đó, trừ trường hợp sức khỏe toàn thân bệnh nhân không cho phép phẫu thuật thì người bệnh nên mổ để loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
1. Stomach Cancer: StagesXem chi tiết
2. Gastric Cancer Treatment (PDQ®)–Patient VersionXem chi tiết
3. Stomach Cancer Prognosis and Chance of RecoveryXem chi tiết
4. Treatment & Management of Gastric CancerXem chi tiết
5. Immunotherapy for Stomach CancerXem chi tiết
6. Targeted Drug Therapy for Stomach CancerXem chi tiết
BS CKI Nội Ung bướu Đàm Thu Nga
Bác sĩ CKI
Với gần 30 năm bề dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn vững vàng, BSCKI Nội Ung Bướu Đàm Thu Nga – Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa Hưng Việt luôn là “chỗ dựa” đáng tin cậy cho nhiều người bệnh và khách hàng khi đến thăm khám tại Hệ thống Y tế Hưng Việt. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn giỏi, Bác sĩ Thu Nga còn là một người thầy thuốc rất tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người bệnh và gia đình người bệnh khi được bác sĩ Nga…