Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày 

3.5/5 - (2 bình chọn)

Xây dựng và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày rất quan trọng. Bởi điều này có tác động tích cực đến hiệu quả điều trị bệnh nhưng nhiều người vẫn còn xem nhẹ. Vậy người bị ung thư dạ dày nên có chế độ dinh dưỡng thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây bạn nhé!

1. Vai trò và nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày

Thực tế cho thấy dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với người bị ung thư dạ dày. Đồng thời khi thực hiện theo chế độ đó, người bệnh phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định.

1.1. Vai trò của dinh dưỡng đối với người bị ung thư dạ dày

Theo Bác sĩ Richard Doll – chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng ở Anh, có 20 – 60% bệnh nhân ung thư tử vong có liên quan đến chế độ ăn uống. Điều này cho thấy dinh dưỡng có thể giúp phòng chống và hỗ trợ tốt quá trình điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.

Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư dạ dày ở mức cao nhất so với các nhóm ung thư còn lại (Theo nghiên cứu khoa học).

Nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư dạ dày thường bị suy dinh dưỡng:

Do người bị ung thư dạ dày hay lo sợ việc bồi bổ cơ thể sẽ khiến khối u phát triển thêm hoặc tái phát. Vì vậy, họ thường không ăn đủ chất và kiêng khem quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Điều này càng khiến cho bệnh nặng thêm và việc điều trị khó khăn hơn.

Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày sẽ mang nhiều lợi ích như:

  • Tăng cường thể lực, sức đề kháng, bổ sung năng lượng cho người bệnh để có thể chống chọi được với bệnh tật, theo được các phác đồ, liệu pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày.
  • Giảm thiểu được những vấn đề do phương pháp điều trị ung thư dạ dày gây ra.
  • Phần nào giảm bớt khả năng phát triển của khối u, tăng tiên lượng sống cho người bệnh.
  • Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và giúp người bệnh nhanh hồi phục các tổn thương ở dạ dày hơn.
  • Giúp người bệnh có cảm giác sống khỏe, thoải mái hơn.
dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe và việc điều trị của người bị ung thư dạ dày

1.2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày

Với vai trò quan trọng như trên, chế độ dinh dưỡng của người bị ung thư dạ dày cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

  • Đa dạng các nhóm thực phẩm: Người bệnh cần phải cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất như đạm, béo, bột đường, vitamin, khoáng chất, nước… để cơ thể phát triển đầy đủ và khỏe mạnh.
  • Hạn chế các thực phẩm có hại cho dạ dày: Các chất kích thích, thực phẩm chua, cay, lên men; đồ chế biến sẵn, chiên, nướng, rán; đồ ăn nhiều muối, nhiều đường, chất phụ gia, bảo quản; thực phẩm quá cứng…
  • Tuân thủ theo chỉ định điều trị, sử dụng thuốc của bác sĩ: Điều trị đúng liệu trình, sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Kết hợp chế độ luyện tập, nghỉ ngơi. Trước khi dùng thực phẩm chức năng, vitamin… thì cần hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Ăn nhiều bữa trong ngày: Nên ăn 6 – 7 bữa/ngày để tiêu hóa dễ dàng, bổ sung đầy đủ lượng dinh dưỡng cho cơ thể và giảm cảm giác buồn nôn. Bởi vì dạ dày đã bị tổn thương, không thể hoạt động bình thường như trước được, nên chỉ có thể hấp thu một lượng nhỏ thức ăn.
  • Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm: Mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tiệt trùng kỹ rau xanh, trái cây bằng ozone. Khi cắt thịt sống, rau sống, thịt chín dùng dao thớt khác nhau. Cần nấu chín kỹ thực phẩm. Nếu thức ăn còn thừa cần cho vào tủ lạnh bảo quản ngay.
thực phẩm điều trị ung thư dạ dày
Người bị ung thư dạ dày nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường sức khỏe và tốt cho dạ dày

2. Người bị ung thư dạ dày nên ăn gì?

Do khối u tác động nên người bị ung thư dạ dày thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu. Vì thế, họ nên ăn uống các loại thực phẩm sau.

2.1. Uống đủ nước

Người bị ung thư dạ dày nên uống 8 – 12 ly nước (khoảng 2 lít nước) mỗi ngày. Điều này giúp ngăn tình trạng mất nước của cơ thể và khiến dạ dày hoạt động tốt hơn. Để tránh nhàm chán, có thể uống nước lọc, nước ép hoa quả, rau củ…

Thời điểm uống nước thích hợp nhất là buổi sáng, sau khi thức dậy và trước khi ăn một giờ. Tránh uống nước ngay trước hoặc sau khi ăn, bởi điều này không tốt cho dạ dày và có thể gây ra hội chứng Dumping (dạ dày rỗng).

Người bị ung thư dạ dày nên uống đủ nước mỗi ngày
Người bị ung thư dạ dày nên uống đủ nước mỗi ngày

2.2. Thực phẩm giàu protein

Protein giúp hình thành kháng thể, chống lại nhiễm trùng, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể mau phục hồi. Đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa, làm giảm hiện tượng tiêu chảy ở những người ung thư dạ dày.

Vì thế, người bị ung thư dạ dày nên ăn các loại thực phẩm giàu protein như: trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm, tôm, cá, cua, phô mai, bơ, các loại hạt, đậu nành…

Tuy nhiên, cần hạn chế các loại thịt màu đỏ như thịt trâu, thịt bò… do các loại thịt này có cấu trúc protein phức tạp.

người bị ung thư dạ dày nên cung cấp đủ chất protein
Khi bị ung thư dạ dày, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm giàu protein nhưng hạn chế các loại thịt màu đỏ

2.3. Các loại ngũ cốc và thực phẩm ít chất xơ

Người bị ung thư dạ dày nên ăn thực phẩm ít chất xơ, khoảng 6 – 10 g/ngày và không ăn nhiều cùng một lúc. Vì khi dạ dày đã bị tổn thương, nếu ăn chất xơ quá nhiều sẽ gây đầy bụng, khó chịu và bị tiêu chảy.

Người bệnh nên ăn các loại ngũ cốc, vì nó không chỉ ít chất xơ mà còn có thể giảm dịch vị của dạ dày. Các loại ngũ gốc và thực phẩm ít chất xơ nên ăn gồm có:

  • Hoa quả ít chất xơ: Chuối, táo, đu đủ, hoa quả nấu chín, nước ép hoa quả…
  • Rau củ ít chất xơ hoặc loại bỏ đi phần xơ: Nước ép rau nguyên chất, rau củ không hạt, rau củ nấu chín mềm (bí xanh, bí đỏ, khoai lang, khoai tây, sắn, khoai sọ…)
  • Các loại ngũ cốc nguyên cám, có hàm lượng chất xơ thấp: Gạo trắng, lúa mì, lúa mạch, ngô, bánh mì trắng, đậu, mè đen…

2.4. Trái cây và rau quả

Trái cây và rau xanh giàu vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng, tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, đối với người bị ung thư dạ dày mới phẫu thuật, vitamin và khoáng chất trong trái cây và rau củ còn giúp vết thương mau lành, chống lại các tác nhân có hại từ bên ngoài.

Người bị ung thư dạ dày nên ăn các loại trái cây, rau quả giàu vitamin A, C, E và khả năng chống oxy hóa như: cà chua, cà rốt, bí đỏ, chuối, bưởi ngọt, rau lá xanh…

Khi ăn trái cây và rau quả, bạn cần lưu ý:

  • Với nhiều loại quả, không gọt hoặc ngâm trong nước, mà nên rửa sạch dưới vòi nước chảy, ăn cả vỏ vì vỏ trái cây rất giàu dinh dưỡng.
  • Nước hoa quả hầu như không có chất xơ. Vì thế, bên cạnh nước hoa quả, bạn có thể ăn kèm với trái cây.
Người bị ung thư dạ dày nên ăn nhiều trái cây và rau quả
Người bị ung thư dạ dày nên ăn nhiều trái cây và rau quả để tăng cường chất dinh dưỡng, tốt cho hệ tiêu hóa

2.5. Sữa

Sữa cung cấp lượng dưỡng chất cho những người bị ung thư tiêu hóa nói chung và ung thư dạ dày nói riêng, khi cơ thể không thể hoặc không nên ăn các thực phẩm khác  cung cấp dưỡng chất tương tự.

Riêng với người bị ung thư dạ dày, chỉ nên uống sữa đã tách béo hoàn toàn hoặc sữa chứa 1% chất béo vì hấp thụ chất béo nhiều không tốt cho cơ thể.

2.6. Các loại nấm

Người bị ung thư dạ dày nên ăn các loại nấm như nấm kim châm, nấm rơm, nấm hương, nấm mèo… Bởi trong nấm có nhiều vitamin D và selen giúp tăng cường dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Đặc biệt, nấm còn có nhiều chất polysaccharide giúp ức chế các tế bào ung thư, kích hoạt tế bào miễn dịch của những người bị ung thư dạ dày. Chất beta-glucans trong nấm có thể đi qua các tế bào miễn dịch, chỗ ung thư và tiêu diệt các tế bào ung thư dạ dày, góp phần chống lại bệnh này.

2.7. Đậu phụ

Đậu phụ có chứa nhiều isoflavone, giúp kiềm chế vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày dẫn đến ung thư dạ dày và ngăn chặn các tế bào ác tính phát triển thành ung thư.

Vì thế, người bị ung thư dạ dày nên ăn đậu phụ, các sản phẩm từ đậu nành. Nhưng người bệnh chỉ nên ăn đậu phụ tươi, hấp, luộc, hầm…; không nên ăn đậu phụ rán, chiên giòn nhiều dầu mỡ để đảm bảo sức khỏe.

thực phẩm vàng phồng chống ung thư dạ dày
Nấm, đậu phụ, rau mầm, hành tây, tỏi được xếp vào những loại thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân ung thư dạ dày

2.8. Các loại vitamin

Ngoài các loại thực phẩm trên, người bị ung thư dạ dày nên bổ sung thêm vitamin như:

  • Vitamin C: Giúp làm lành các mô, tăng cường sức đề kháng, hấp thụ sắt tốt hơn và mau liền sẹo. Người bị ung thư dạ dày nên dùng 2.000 – 6.000 mg vitamin C sau mỗi bữa ăn. Hoặc ăn một số loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt…
  • Vitamin E: Giúp giảm độc tính của một số loại thuốc trong quá trình hóa trị ung thư dạ dày. Vitamin E có nhiều trong: hạnh nhân, đậu phộng, cải bó xôi, bí đỏ, cá…
  • Kẽm: Giúp tăng cường sức đề kháng, làm lành vết thương, vết loét ở đường tiêu hóa. Người bệnh ung thư dạ dày nên uống 100 mg kẽm mỗi ngày và nên dùng kẽm chelat thay cho kẽm sunfat. Bổ sung kẽm qua các thực phẩm như: tôm, cua, hàu, sò, hạt vừng, bí ngô…

3. Người bị ung thư dạ dày kiêng ăn gì?

Bên cạnh những thực phẩm nên dùng, người bị ung thư dạ dày nên kiêng những thực phẩm dưới đây:

3.1. Các loại quả chua

Các loại quả chua mà người bị ung thư dạ dày nên tránh là: chanh, bưởi chua, xoài chua, cóc, quất, nhót…

Vì các loại quả này chứa nhiều axit, khi vào dạ dày sẽ làm tăng lượng axit trong dạ dày và khiến niêm mạc dạ dày tổn thương nhiều, chỗ tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh cũng sẽ cảm thấy đau đớn hơn.

người bị ung thư dạ dày tránh ăn cóc
Người bị ung thư dạ dày nên tránh ăn cóc vì loại quả chua này sẽ làm niêm mạc dạ dày bị tổn thương

3.2. Chất kích thích

Người bị ung thư dạ dày cũng cần tránh xa các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè… Vì đây là những tác nhân gây ung thư dạ dày.

Những chất kích thích này làm cơ thể bị mất nước, hạn chế việc hấp thu các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, suy giảm hệ miễn dịch. Ngoài ra, nó còn làm tăng lượng axit sản xuất trong dạ dày. Gây kích ứng, mài mòn, hư hại bề mặt dạ dày, niêm mạc dạ dày, dẫn đến chảy máu dạ dày và gây đau dạ dày.

3.3. Hạn chế tối đa sử dụng muối

Các món ăn nhiều muối mà người bị ung thư dạ dày nên tránh là: xúc xích, dăm bông, xông khói, các món ăn mặn… Khi chế biến đồ ăn, cũng tuyệt đối không cho nhiều muối gia vị.

Bởi vì muối chứa nhiều nitrosaminex. Đây là chất thúc đẩy, kích hoạt các tác nhân ung thư dạ dày. Thực tế cho thấy, những nơi có mức tiêu thụ muối cao thường có tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.

Bên cạnh đó, việc ăn nhiều muối có thể gây giữ nước, làm cơ thể cần thêm nhiều nước để hấp thu các chất dinh dưỡng hơn hoặc phải uống thuốc lợi tiểu, bổ sung nhiều kali. Muối đặc biệt nguy hiểm với người ung thư dạ dày bị tăng huyết áp.

người bị ung thư dạ dày nên kiêng ăn muối
Thực phẩm cho người ung thư dạ dày không nên cho quá nhiều muối vì muối chứa chất nitrosaminex khiến bệnh tiến triển nặng hơn

Để tốt cho cơ thể, người bệnh có thể dùng loại muối chứa nhiều kali hơn natri, tập thói quen ăn nhạt, giảm lượng muối có trong thức ăn. Hơn nữa, ăn các thực phẩm nhạt còn giúp người bệnh ung thư dạ dày giảm triệu chứng buồn nôn.

3.4. Đồ dầu mỡ, chiên rán

Các đồ dầu mỡ, chiên rán như: cánh gà rán, khoai tây chiên, xúc xích rán… đều chứa nhiều chất không tốt, gây tổn thương dạ dày. Vì thế, người bị ung thư dạ dày tuyệt đối không nên ăn.

Bởi việc tiêu thụ nhiều đồ dầu mỡ, chiên rán có thể gây tích tụ heterocyclic amines. Đây là một chất gây ra nhiều loại bệnh ung thư, trong đó có ung thư dạ dày.

Để loại bỏ bớt mỡ trong thực phẩm, có thể áp dụng các phương thức như:

  • Loại bỏ da súc vật và phần mỡ phía dưới.
  • Chọn thịt nạc thay cho thịt mỡ.
  • Chọn món hấp, luộc thay vì món rán.

3.5. Hạn chế các món nướng

Các món nướng như: thịt nướng, cá nướng, bò nướng… được chế biến ở nhiệt độ cao nên sẽ tạo ra một số chất  gây ung thư dạ dày. Đặc biệt, việc ăn quá nhiều đồ nướng gây tích tụ heterocyclic amines là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh ung thư.

ung thư dạ dày nên hạn chế đồ nướng
Khi nướng, nhiệt độ cao có thể làm thức ăn sinh ra nhiều chất làm ung thư dạ dày nặng thêm

3.6. Thực phẩm chứa hàm lượng đường cao và đồ ngọt

Các loại thực phẩm có lượng đường cao mà người bị ung thư dạ dày nên hạn chế ăn là:

  • Hoa quả có hàm lượng fructose cao: Lê, nho, anh đào, dưa hấu, chà là, mận…
  • Rau củ khó tiêu: Bắp cải, tỏi tây, hành tây, bông cải xanh, cần tây, măng tây, cải Brussels, súp lơ trắng, giá đỗ…
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Bánh ngọt, kẹo, soda thường, bánh quy ngọt…

Hạn chế ăn các loại thực phẩm trên vì: chứa nhiều đường đơn, chất bảo quản, phụ gia, làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, gây ra vấn đề khí ở ruột, hại cho dạ dày. Đặc biệt, người ung thư dạ dày sau phẫu thuật nếu ăn đồ ngọt nhiều có thể gây ra các triệu chứng bất thường.

4. Mẫu thực đơn cho người bị ung thư dạ dày

Cụ thể về mẫu thực đơn cho bệnh nhân ung thư dạ dày:

chế độ ăn cho người bệnh ung thư dạ dày
hực đơn đầy đủ dưỡng chất cho người bị ung thư dạ dày

Giá trị dinh dưỡng của thực đơn: Năng lượng 1800 – 2100 Kcal (Protein 12,5% NL; Lipid 14% NL; Glucid 73,5% NL).

5. Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày

Ngoài các loại thực phẩm nên và không nên ăn, người bị ung thư dạ dày cũng cần lưu ý các vấn đề sau:

5.1. Thực đơn cho người mổ ung thư dạ dày

Sau khi mổ, dạ dày người bệnh vẫn còn yếu. Vì thế, khi xây dựng thực đơn cho người bệnh cần lưu ý:

  • Ăn nhiều bữa mỗi ngày, thực phẩm ít chất đạm, béo: Người bệnh nên ăn 6 – 7 bữa/ngày, cách nhau 2 – 3 tiếng và mỗi bữa khoảng 150 – 200 ml (lưng bát con). Nên ăn ít chất đạm và chất béo. Bởi vì sau khi đã cắt bỏ, chỉ một phần dạ dày là có thể hoạt động bình thường nên nạp được ít thức ăn hơn. Người bệnh cần tăng số bữa để có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
  • Ăn thực phẩm lỏng, ăn nhẹ: như cháo, cơm nát, bánh mì, khoai tây, khoai sọ luộc, hầm nhừ làm thành súp… Bởi việc phẫu thuật cắt bỏ dạ dày gây ảnh hưởng đến các tế bào, tuyến, hệ thống thần kinh và làm suy giảm chức năng cơ thắt thực quản và cơ thắt môn vị. Vì thế, người bệnh mất cảm giác ngon miệng, thèm ăn, việc tiêu hóa kém, cần ăn thức ăn lỏng, nhẹ để chờ hồi phục. Hơn nữa, những đồ ăn này còn giúp bão hòa axit trong dạ dày.
  • Thực phẩm phải xay nhỏ: Có thể nấu cháo với các thực phẩm khác như thịt, cà rốt, khoai tây… Nhưng thực phẩm phải được xay nhỏ, lọc gân xơ (đối với thịt) và nấu nhừ. Bởi vì lúc này dạ dày người bệnh còn yếu, chưa tiêu hóa và hấp thu hết được.
  • Có thể uống bổ sung vitamin B1, B12 và viên sắt: Bởi vì sau khi cắt dạ dày, vùng hang vị (nơi có liên quan đến việc hấp thu sắt) bị mất nên cơ thể người bệnh bị thiếu máu. Việc uống bổ sung vitamin B1, B2 và sắt sẽ giúp bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa thiếu máu.
ăn cháo sau phẫu thuật ung thư dạ dày
Sau khi phẫu thuật, dạ dày còn yếu nên người bệnh chỉ nên ăn các món ăn lỏng, nhẹ

5.2. Thận trọng khi sử dụng sữa

Sữa là loại thực phẩm rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, người bị ung thư dạ dày không nên uống sữa vào lúc đói vì lúc này các men sữa có hại cho dạ dày.

Đặc biệt, khi mới điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp phẫu thuật xong, cơ thể có thể sẽ không dung nạp đường sữa. Vì thế tại thời điểm này, người bệnh nên uống sữa một cách từ từ để theo dõi xem có xảy ra phản ứng bất thường nào không.

5.3. Nguy cơ tiềm ẩn trong một số món ăn dân tộc

Nên hạn chế ăn các món như dưa muối, cà muối, thịt muối,… Bởi quá trình chế biến các món ăn này sử dụng nhiều muối, lên men, tạo ra những chất không tốt cho dạ dày. Các món ăn này thường có tính chua và mặn nên ăn nhiều sẽ hại dạ dày, sinh hơi trong dạ dày, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

Các loại thực phẩm như lạp xưởng, thịt hộp, xúc xích, thịt xông khói… cũng nên hạn chế ăn vì nó chứa nhiều chất bảo quản Nitrit và Nitrat có thể gây ung thư và làm tình trạng bệnh tiến triển xấu đi.

Như vậy, chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư dạ dày rất quan trọng. Thực hiện chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp tăng cường sức khỏe, chất lượng sống và nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, ngoài chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần được chữa trị ở cơ sở uy tín. Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là một lựa chọn tốt cho những người cần điều trị ung thư dạ dày. Liên hệ hotline 094 230 0707 để được tư vấn.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

3.5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt