Kinh nghiệm điều trị ung thư dạ dày theo từng giai đoạn

5/5 - (2 bình chọn)

Trước khi điều trị ung thư dạ dày, việc có bước chuẩn bị tâm lý và trang bị thêm kiến thức, chia sẻ từ những người đi trước sẽ giúp bệnh nhân và gia đình vững bước “đương đầu” với sóng gió hơn rất nhiều. Vậy cụ thể có những kinh nghiệm điều trị ung thư dạ dày nào bạn cần biết và ghi nhớ? Hãy cùng tham khảo chi tiết ngay sau đây!

1. Kinh nghiệm chung khi điều trị ung thư dạ dày

Mắc ung thư dạ dày không có nghĩa là “án tử”, mà hiệu quả điều trị còn phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn bệnh, phác đồ điều trị, khả năng đáp ứng thuốc và cả tinh thần của người bệnh. 

Chính vì thế, khi đã phát hiện ung thư dạ dày và sắp bước vào cuộc chiến trường kỳ này, bệnh nhân và người nhà cần sẵn sàng tâm lý tích cực và nắm rõ những kinh nghiệm sau:

  • Tâm lý quyết định rất lớn đến quá trình điều trị ung thư dạ dày: Lúc này người bệnh và cả người thân đều nên chuẩn bị một tinh thần kiên định, vững vàng, tin tưởng và tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt được kết quả cao nhất.
  • Nên chọn cơ sở điều trị có Hội đồng Hội chẩn Liên chuyên khoa (Tumor Board): Lý do là vì điều trị ung thư rất phức tạp, cần Hội đồng có sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau để đánh giá về cả: thể chất, tình trạng bệnh, kết quả giải phẫu bệnh, kết quả chẩn đoán hình ảnh… từ đó mới có góc nhìn toàn cảnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng ca bệnh. Một số cơ sở có Hội đồng Hội chẩn Liên chuyên khoa như: Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Bệnh viện K, Bệnh viện Hưng Việt…
  • Nên chọn bệnh viện chuyên khoa ung bướu vì điều trị ung thư không phải chỉ dùng một phương pháp mà cần phải kết hợp nhiều liệu pháp với nhau.
  • Chú trọng đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục trước, trong và sau điều trị: Điều trị ung thư dạ dày là một quá trình lâu dài, do đó người bệnh nên chú ý chăm sóc bản thân để có một cơ thể khỏe mạnh nhất, giúp đáp ứng tốt nhất với quá trình điều trị.
  • Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc, bỏ điều trị, tự ý thay đổi liều lượng hoặc thay đổi thuốc điều trị.
  • Tái khám đúng hướng dẫn đề phòng tái phát, di căn của các bác sĩ để có thể đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị, giúp phát hiện sớm tái phát, di căn và có kế hoạch điều trị tiếp theo.
Người bệnh cần lạc quan
Người bệnh cần lạc quan trong quá trình điều trị ung thư dạ dày

Trên đây là những kinh nghiệm chung mà bất cứ bệnh nhân ung thư dạ dày nào cũng cần biết và ghi nhớ. Tuy nhiên, với từng ca bệnh, từng giai đoạn ung thư dạ dày khác nhau mà sẽ có những kinh nghiệm riêng. Để biết mỗi giai đoạn cần gì, bạn hãy xem chi tiết ở phần tiếp theo.

2. Kinh nghiệm điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 1

Giai đoạn 1 khối u chỉ mới khu trú ở lớp niêm mạc của dạ dày, chưa phát triển đến các lớp khác của dạ dày. Lúc này tỷ lệ sống sau 5 năm rơi vào khoảng 71% với giai đoạn 1A và 57% với giai đoạn 1B. Đây là tỷ lệ tương đối cao nên người bệnh không nên  quá lo lắng mà hãy tập trung vào tuân thủ điều trị.

Ở giai đoạn 1 này, phương pháp điều trị chủ yếu là:

  • Giai đoạn 1A: Cắt bán phần hoặc toàn bộ dạ dày tùy theo tình trạng bệnh. Một số ca bệnh có thể được chỉ định cắt niêm mạc nội soi. 
  • Giai đoạn 1B: Phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày vẫn là phương pháp điều trị chính. Tuy nhiên, ở một số trường hợp có thể sẽ chỉ định hóa trị hoặc hóa xạ trị kết hợp để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật, giúp loại bỏ khối u dễ dàng hơn.
Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày
Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 1

Với điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 1, bệnh nhân và người nhà cần lưu ý các kinh nghiệm sau:

Trước khi điều trị:

  • Chuẩn bị tinh thần: Tỷ lệ sống ở giai đoạn 1 tương đối cao (57 – 71%), mục tiêu điều trị phẫu thuật triệt căn vẫn có thể hoàn thành, vì thế ở giai đoạn này người bệnh có thể yên tâm tin tưởng vào liệu trình điều trị. 
  • Tìm hiểu trước về chi phí: Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn này chủ yếu bằng phẫu thuật, tùy từng loại phẫu thuật mà chi phí sẽ khác nhau, giao động khoảng 20 – 40 triệu đồng. Nếu kết hợp với hóa xạ trị nữa thì chi phí sẽ tăng lên, vì thế người bệnh cần tìm hiểu và có kế hoạch chuẩn bị tài chính trước.
  • Nguy cơ ung thư sẽ tái phát ở giai đoạn 1: Sau khi phẫu thuật triệt căn ung thư dạ dày vẫn có thể tái phát tại mỏm cụt, tại miệng nối dạ dày, vì thế cần chú ý theo dõi thường xuyên theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nắm được các biến chứng có thể gặp phải sau quá trình phẫu thuật: Một số biến chứng có thể sẽ gặp như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi, viêm đường tiết niệu… 
  • Nếu bị bệnh lý về tim mạch, bệnh đái tháo đường…, người bệnh cần điều trị ổn định trước rồi mới thực hiện phẫu thuật.

Trong điều trị: 

  • Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Nhịn ăn uống trước lúc phẫu thuật tối thiểu 6 tiếng.
  • Giữ tinh thần lạc quan

Sau điều trị: 

  • Tái khám: Sau phẫu thuật 3 – 6 tháng tái khám 1 lần trong 2 năm đầu, 6 tháng 1 lần trong 3 năm tiếp theo.
  • Những ngày ngay sau mổ, người bệnh cần ăn thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, loãng rồi tăng dần độ đặc và nhai kỹ. Tránh ăn thức ăn cay, nóng, có tính axit hay uống bia, rượu, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Ăn các bữa ăn nhỏ, chia thành 5 – 6 bữa/ngày. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm giàu protein, trái cây, rau quả…
  • Chế độ nghỉ ngơi: Có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt là trong tuần đầu sau phẫu thuật, người bệnh chỉ nên nằm nghỉ, hạn chế đi lại. Tránh hoạt động mạnh và lao động quá sức.
Chế độ ăn uống khoa học
Sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 1 cần có chế độ ăn uống khoa học

3. Kinh nghiệm điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2 và 3

Ở giai đoạn 2 và 3 thì tế bào ung thư dạ dày đã phát triển mạnh, xâm lấn đến thành đại tràng, các cơ quan lân cận và lan tới các hạch bạch huyết xung quanh. Lúc này, tỷ lệ sống sót trên 5 năm đã giảm mạnh, giai đoạn 2 khoảng 33 – 46%, giai đoạn 3 chỉ còn khoảng 9 – 20%.

Ở thời điểm này dù phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính, tuy nhiên sẽ cần phối kết hợp nhiều phương pháp khác. Cụ thể, giai đoạn này sẽ cần áp dụng:

  • Phối hợp hóa trị, xạ trị, hóa xạ trị kết hợp trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u để việc phẫu thuật loại bỏ chúng dễ dàng hơn.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày và các hạch bạch huyết gần đó.
  • Phối hợp hoá trị, xạ trị hoặc hóa xạ trị kết hợp sau phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.
  • Nếu tình trạng toàn thân của bệnh nhân không cho phép phẫu thuật, có thể bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng hóa trị, hóa xạ trị mà không tiến hành phẫu thuật.
Hóa trị điều trị ung thư dạ dày
Cần kết hợp thêm hóa trị trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2, 3

Với điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2 – 3 này, bệnh nhân và người nhà cần tìm hiểu và nắm được nhiều các kinh nghiệm hơn. Cụ thể, ngoài những kinh nghiệm khi điều trị bằng phẫu thuật đã nêu ở mục 2, tại mục này chúng tôi sẽ lưu ý thêm cho bạn các kinh nghiệm khi điều trị bằng hoá trị, xạ trị như sau:

Trước điều trị: 

  • Chuẩn bị tinh thần: Giai đoạn 2, 3 bệnh thường đã tiến triển nhanh và nặng hơn giai đoạn đầu nhưng vẫn có thể điều trị hiệu quả nếu bệnh nhân phối hợp điều trị. Nên bệnh nhân cần chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng và tích cực tối đa. Đồng thời, sự quan tâm chăm sóc của người nhà cũng hết sức quan trọng trong thời điểm này.
  • Tìm hiểu chi phí phát sinh: Ngoài chi phí phẫu thuật trong khoảng 20 – 40 triệu đồng, thì giai đoạn 2, 3 này còn cần chi trả thêm trung bình mỗi đợt xạ trị cần 5 – 7 triệu đồng, mỗi đợt hóa trị cần 10 – 15 triệu đồng. Tổng chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
  • Hóa trị, xạ trị giúp bệnh nhân “thoát khỏi” ung thư nhưng cũng sẽ làm “hao mòn” cơ thể người bệnh. Do đó, việc tìm hiểu trước và có kế hoạch chăm sóc người bệnh sau hoá trị là rất quan trọng với người nhà bệnh nhân.
  • Một số biến chứng có thể gặp khi hoá trị: Trong khi điều trị bằng hóa chất người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ như: buồn nôn, chán ăn, táo bón, tiêu chảy… 

Trong điều trị: 

  • Tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. 
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan và phối hợp với bác sĩ

Sau điều trị: 

  • Bệnh nhân nên tái khám định kỳ 3 tháng 1 lần 
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Không ăn thực phẩm hun khói, đồ muối, đồ ăn cay nóng… Cần bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu để tránh các tổn thương hệ tiêu hóa vốn đang rất yếu. Cá, thịt trắng, và trứng là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ hấp thụ cho bệnh nhân. Chú ý bổ sung khoáng chất và vitamin để bù đắp lượng thiếu hụt và suy giảm do quá trình hóa trị. Các loại rau xanh như bắp cải, xà lách, súp lơ, cà rốt rất phù hợp để thực hiện nhiệm vụ này.
  • Chế độ vận động: Nghỉ ngơi thường xuyên, không lao động nặng, vận động nhẹ nhàng. Thông thường, sau một đến bảy ngày hóa trị, bệnh nhân có thể đi lại, tập những động tác nhẹ nhàng nhằm thúc đẩy chức năng tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng.
Chăm sóc sau hóa trị
Chăm sóc bệnh nhân sau hoá trị ung thư dạ dày cần chú trọng: dinh dưỡng, miễn dịch và thể trạng

4. Kinh nghiệm điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 4

Ung thư dạ dày giai đoạn 4 là giai đoạn cuối, lúc này các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa khác như: gan, xương, máu… Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư dạ dày giai đoạn 4 rất thấp, chỉ khoảng 4%. 

Vì thế, mục tiêu điều trị lúc này là điều trị giảm nhẹ triệu chứng, giảm đau, hạn chế di căn để đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

Ở giai đoạn cuối này, các phương pháp điều trị thường được sử dụng là:

  • Phẫu thuật cắt dạ dày hoặc thậm chí cắt phần dưới dạ dày có thể sẽ được chỉ định, tuy nhiên thường ít được chỉ định hơn do thời điểm này phẫu thuật triệt căn là khó có thể thực hiện.
  • Hóa trị, xạ trị hoặc hóa xạ trị kết hợp.
  • Liệu pháp điều trị đích
  • Chiếu chùm tia laser qua ống nội soi
  • Thuốc trị liệu miễn dịch pembrolizumab (Keytruda)… 
Điều trị đích tiêu diệt ung thư
Điều trị đích giúp tiêu diệt tế bào ung thư dạ dày

Những phương pháp điều trị trên đều có mục đích chung là điều trị giảm nhẹ triệu chứng, và sẽ có những kinh nghiệm chung như sau:

Trước điều trị:

  • Chuẩn bị tinh thần là rất quan trọng với bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Lúc này thay vì tuyệt vọng, sớm đầu hàng số phận, bệnh nhân nên nghe tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa để có tinh thần lạc quan và phối hợp nhất. Trong giai đoạn này sự động viên của người nhà là cực kỳ quan trọng giúp bệnh nhân yên tâm điều trị.
  • Nắm được chi phí phát sinh: Ở giai đoạn này chi phí phát sinh sẽ cao hơn các giai đoạn trước, tổng chi phí có thể phải lên đến 100 triệu đồng và hơn nữa, tuỳ theo phương pháp điều trị mà bệnh nhân sử dụng.

Trong điều trị: 

  • Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định
  • Trong khi xạ trị cần cởi bỏ trang sức, đồ dùng bằng kim loại nếu những thứ này nằm trong vùng xạ trị.
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực
  • Vai trò của người nhà là rất quan trọng, người nhà cần tích cực động viên người bệnh

Sau điều trị: 

  • Bệnh nhân nên tái khám thường xuyên: 2 tháng 1 lần.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Ăn đa dạng các loại thực phẩm để nâng cao sức khỏe, ăn nhiều rau xanh, trái cây…
  • Chế độ vận động: Tập thể dục nhẹ nhàng, tránh hoạt động mạnh và lao động quá sức.

Quan niệm sai lầm của người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Dinh dưỡng khi điều trị ung thư dạ dày
Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng khoa học trong suốt quá trình điều trị ung thư dạ dày

 5. Giải đáp một số thắc mắc liên quan 

Ngoài những kinh nghiệm điều trị ung thư dạ dày theo từng giai đoạn trên, một số bệnh nhân và người nhà còn có thể thắc mắc:

Câu 1: Ung thư dạ dày có chữa được không?

Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nhưng tuỳ theo từng giai đoạn bệnh, sức khỏe toàn thân, khả năng đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân mà tỷ lệ chữa khỏi sẽ khác nhau. 

Ở giai đoạn đầu nếu phát hiện và điều trị kịp thời thì tỷ lệ sống của bệnh nhân cao, lên đến 71% và có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Ở các giai đoạn sau chỉ có khoảng hơn 5% số người bệnh sống sót trên 5 năm. Do đó, điều quan trọng để có thể chữa khỏi ung thư dạ dày là phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ

Câu 2: Ung thư dạ dày sống được bao lâu?

Tùy từng giai đoạn mà tỷ lệ sống của ung thư dạ dày khác nhau. Giai đoạn sớm thì tỷ lệ sống sau 5 năm sẽ cao hơn các giai đoạn sau. 

Tỷ lệ sống sau 5 năm ở từng giai đoạn như sau: 

  • Giai đoạn 1A: 71%
  • Giai đoạn 1B: 57%
  • Giai đoạn 2A: 46%
  • Giai đoạn 2B: 33%
  • Giai đoạn 3A: 20%
  • Giai đoạn 3B: 14%
  • Giai đoạn 3B: 9%
  • Giai đoạn 4: 4%

Như vậy, tùy theo từng thời điểm phát hiện, thời gian và tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư dạ dày sẽ khác nhau.

Câu 3: Ung thư dạ dày có nên mổ không?

Nếu bệnh ở giai đoạn còn có khả năng phẫu thuật thì nên mổ càng sớm càng tốt vì phẫu thuật giúp điều trị triệt căn, loại bỏ các tế bào ung thư ở giai đoạn sớm. Nếu không thể phẫu thuật triệt căn thì phẫu thuật vẫn giúp làm giảm các triệu chứng của ung thư dạ dày như chảy máu, chèn ép và cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng thời gian sống thêm của bệnh nhân.

Những kinh nghiệm điều trị ung thư dạ dày được nêu chi tiết ở phía trên đều được các bác sĩ tại Bệnh viện ung bướu Việt Hưng tóm tắt lại, điều trị ung thư dạ dày là một trường kỳ, người bệnh phải rất tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và luôn lạc quan.

 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. 

5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ
Nguồn tham khảo

1. Gastric Cancer Treatment (PDQ®)–Patient VersionXem chi tiết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt