Việc điều trị ung thư đại trực tràng chủ yếu phụ thuộc vào kích thước, vị trí, phạm vi của khối u và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Bệnh nhân thường được một đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa điều trị, trong đó có thể có bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ ung thư nội khoa và bác sĩ tia xạ ung thư. Một vài phương pháp điều trị ung thư được sử dụng để điều trị ung thư đại trực tràng. Đôi khi bác sĩ điều trị bằng phương pháp phối hợp.
1- Ung thư đại trực tràng được điều trị như thế nào?
Phẫu thuật để cắt bỏ khối u là phương pháp phổ biến nhất để điều trị ung thư đại trực tràng. Thông thường, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u cùng với một phần đại tràng hoặc trực tràng và các hạch lân cận. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể nối lại những phần còn lành của đại tràng hoặc trực tràng. Khi không thể nối lại những phần còn lành, cần phải thực hiện phẫu thuật mở thông đại tràng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mở thông đại tràng là một phẫu thuật tạo đường thông từ đại tràng ra thành bụng để tạo ra một con đường mới đưa chất thải ra ngoài. Sau phẫu thuật mở thông đại tràng, bệnh nhân cần mang một túi đặc biệt để đựng chất thải. Một số bệnh nhân cần phẫu thuật mở thông đại tràng tạm thời để cho phép đại tràng dưới và trực tràng liền lại sau khi phẫu thuật. Khoảng 15% bệnh nhân ung thư đại-trực tràng cần phải được mở thông đại tràng vĩnh viễn.
Kiến thức ung thư đại trực tràng
- Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị liệu có thể được sử dụng để tiêu diệt tất cả những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau phẫu thuật, để kiểm soát sự phát triển của khối u hoặc để giảm bớt triệu chứng của bệnh. Hóa trị liệu là phương pháp điều trị toàn thân, có nghĩa là thuốc đi vào mạch máu và lưu thông trong toàn bộ cơ thể. Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư đều được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc qua một ống thông luồn vào tĩnh mạch lớn và lưu lại đó khi cần thiết. Một số loại thuốc ung thư ở dạng viên.
- Tia xạ trị liệu, còn được gọi là phương pháp phóng xạ, sử dụng tia X có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia xạ trị liệu là phương pháp điều trị tại chỗ, có nghĩa là nó chỉ ảnh hưởng tới tế bào ung thư ở vùng chiếu xạ. Phương pháp điều trị này thường được áp dụng nhất cho các bệnh nhân ung thư trực tràng. Bác sĩ có thể sử dụng tia xạ trị liệu trước khi phẫu thuật (để làm khối u co lại và dễ dàng cắt bỏ hơn) hoặc sau khi phẫu thuật (để tiêu diệt tất cả tế bào ung thư còn sót lại trong vùng điều trị). Tia xạ trị liệu còn được sử dụng để làm giảm triệu chứng. Phóng xạ có thể do một máy chiếu từ ngoài (chiếu xạ ngoài) hoặc từ một vật được đưa vào bên trong cơ thể và đặt trực tiếp lên khối u hoặc gần đó (chiếu xạ trong). Một số bệnh nhân được điều trị bằng cả chiếu xạ trong và chiếu xạ ngoài.
- Liệu pháp sinh học, còn được gọi là liệu pháp miễn dịch, sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm kiếm tế bào ung thư trong cơ thể và tiêu diệt chúng. Các liệu pháp sinh học được sử dụng để sửa chữa, kích thích hoặc tăng cường chức năng chống lại ung thư tự nhiên của hệ thống miễn dịch. Có thể điều trị bằng liệu pháp sinh học trước khi phẫu thuật, đơn độc hoặc phối hợp với hóa trị liệu hoặc tia xạ trị liệu. Hầu hết các loại thuốc sử dụng trong liệu pháp sinh học được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
Các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá các phương pháp điều trị mới là một lựa chọn điều trị phù hợp với nhiều bệnh nhân ung thư đại-trực tràng. Trong một số nghiên cứu, tất cả bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mới. Trong những nghiên cứu khác bác sĩ so sánh các phương pháp điều trị khác nhau bằng cách áp dụng một phương pháp điều trị mới đã cho kết quả khả quan trong phòng thí nghiệm cho một nhóm bệnh nhân và phương pháp điều trị thường quy (phương pháp chuẩn) cho một nhóm bệnh nhân khác.
Nghiên cứu đã mang lại nhiều thành tựu trong điều trị ung thư đại-trực tràng. Qua nghiên cứu bác sĩ tìm ra các phương pháp điều trị ung thư mới có thể hiệu quả hơn phương pháp điều trị chuẩn.
2. Tác dụng phụ của điều trị ung thư đại trực tràng là gì?
Tác dụng phụ của điều trị ung thư phụ thuộc vào kiểu điều trị khác nhau ở từng bệnh nhân. Thông thường tác dụng phụ mang tính tạm thời. Bác sĩ và y tá có thể giải thích về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Bệnh nhân nên thông báo những tác dụng phụ nghiêm trọng với bác sĩ. Bác sĩ có thể gợi ý các cách để giảm nhẹ triệu chứng có thể xảy ra trong hoặc sau khi điều trị.
- Phẫu thuật gây đau và nhạy cảm tạm thời ở vùng phẫu thuật. Phẫu thuật ung thư đại-trực tràng có thể gây ỉa lỏng hoặc táo bón tạm thời. Bệnh nhân được phẫu thuật mở thông đại tràng có thể bị kích thích ở vùng da quanh lỗ mở. Bác sĩ, y tá và bác sĩ chuyên khoa về mở thông ruột sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh tại chỗ và phòng chống hiện tượng kích thích và nhiễm khuẩn.
- Hóa trị liệu tác dụng cả lên tế bào lành và tế bào ung thư. Tác dụng phụ tuỳ thuộc vào loại thuốc và liều lượng cụ thể. Tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu là buồn nôn và nôn, rụng tóc, đau miệng, ỉa lỏng và mệt mỏi. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra nhưng ít hơn, ví dụ như nhiễm khuẩn hoặc chảy máu.
- Tia xạ trị liệu, giống như hóa trị liệu, tác động đến cả tế bào lành và tế bào ung thư. Tác dụng phụ của tia xạ trị liệu chủ yếu phụ thuộc vào liều lượng và bộ phận được điều trị. Các tác dụng phụ thường gặp là mệt mỏi, thay đổi da ở vùng chiếu xạ, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và ỉa lỏng. Đôi khi tia xạ trị liệu có thể gây chảy máu trực tràng (hiện tượng phân có máu).
- Liệu pháp sinh học có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau tuỳ theo từng loại điều trị. Thông thường phương pháp điều trị này gây ra các triệu chứng giống cảm cúm, như rét run, sốt, mệt mỏi và buồn nôn.
3. Khám định kỳ theo dõi gồm những gì?
Theo dõi sau khi điều trị ung thư đại trực tràng là rất quan trọng. Khám định kỳ giúp phát hiện ra tất cả những thay đổi về sức khỏe. Nếu ung thư xuất hiện lại hay ung thư mới phát triển, nó có thể được điều trị ngay. Các thăm khám bao gồm khám lâm sàng, xét nghiệm máu trong phân, soi đại tràng, chụp X quang lồng ngực và các xét nghiệm cận lâm sàng. Giữa các lần khám định kỳ, bệnh nhân ung thư đại-trực tràng nên thông báo ngay với bác sĩ về tất cả những vấn đề sức khỏe khi chúng xuất hiện.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để được tư vấn miễn phí bạn vui lòng liên hệ 094 230 0707.
- Tin tức & các chương trình khuyến mại tại Hưng Việt
- Theo dõi Fanpage cung cấp Kiến thức: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân: Fanpage của Hệ thống Hưng Việt
GS. TS. BS Chuyên khoa Ngoại tiêu hóa Hà Văn Quyết
Giáo sư, Tiến sĩ , Bác sĩ
GS. TS. BS Hà Văn Quyết có kinh nghiệm nghiên cứu & công tác tại các bệnh viện hàng đầu trong và ngoài nước cũng như đảm nhận các vị trí quan trọng như Phó Giám đốc phụ trách Chuyên môn Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hiện nay, GS. TS. BS Hà Văn Quyết đang đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa- HVGC; đồng thời cũng là Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa và Nội soi tiêu hóa tại Hệ thống Y tế Hưng Việt. GS. TS. BS…