Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng – Nên và kiêng ăn gì?

5/5 - (1 bình chọn)

Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng đóng vai trò quan trọng, giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể chống lại bệnh tật và đáp ứng điều trị. Hãy cùng theo dõi bài biết dưới đây để biết người bệnh ung thư đại tràng nên và kiêng ăn gì. Từ đó, xây dựng được chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân ung thư đại tràng.  

1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng

Phần lớn bệnh nhân ung thư đại tràng do phải chịu các triệu chứng của bệnh và tác dụng phụ của biện pháp điều trị khiến họ khó ăn uống, cơ thể bị hao mòn, thiếu chất dinh dưỡng. Để có một thể trạng tốt, bệnh nhân phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách và phù hợp với từng giai đoạn điều trị. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bệnh nhân có kết quả điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. 

Một số nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng như:

  • Người bị ung thư đại tràng cần thêm protein và chất xơ: Để đảm bảo đầy đủ năng lượng và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, bệnh nhân ung thư đại tràng cần bổ sung đủ protein và chất xơ. Một nghiên cứu đã được công bố tại JAMA Oncology chỉ ra rằng ăn nhiều chất xơ giúp cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn sớm.
  • Lựa chọn các loại thức ăn ít béo, dễ tiêu hóa, chưa qua tinh chế: Bệnh nhân ung thư đại tràng thường bị đầy hơi, chướng bụng, ăn vào khó tiêu nên cần chọn các loại thức ăn dễ tiêu hóa và ít béo.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ (5-6 bữa/ngày): Chia khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ có thể giúp bệnh nhân hấp thu được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết và tiêu hóa một cách dễ dàng. Ăn các bữa nhỏ cũng giúp giảm bớt các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như mệt mỏi, trào ngược hay tiêu chảy.
  • Ăn đúng giờ và đúng liều lượng: Việc ăn đúng giờ và đúng liều lượng sẽ giúp hệ tiêu hóa của bệnh nhân ung thư đại tràng hoạt động tốt hơn. Do vậy sẽ dễ dàng hấp thu được chất dinh dưỡng và tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa.
  • Ăn các loại thức ăn lỏng, ít chua, ít mặn: Những món ăn chua, mặn sẽ kích thích niêm mạc đại tràng khiến cho tế bào ung thư phát triển mạnh, thậm chí có thể khiến đại tràng bị teo, viêm và sản sinh nhiều chất độc khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó người bệnh nên ăn những thức ăn lỏng để dễ tiêu hóa và tránh tình trạng táo bón, gây khó chịu, đau đớn.
  • Chọn thực phẩm tươi sạch, thay thế cho thịt đỏ: Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc tăng 100 gam tất cả các loại thịt đỏ ( thịt trâu, bò, dê, lợn…) hoặc thực phẩm chế biến sẵn mỗi ngày có thể dẫn đến việc tăng 12-17% nguy cơ ung thư đại trực tràng. 
  • Ăn nhiều rau xanh, nước ép hoa quả giàu vitamin: Rau xanh và nước ép các loại hoa quả sẽ cung cấp lượng lớn vitamin cần thiết góp phần hỗ trợ hệ miễn dịch, bảo vệ đại tràng.
  • Ăn các loại quả có màu đỏ như cà rốt, cà chua, đu đủ: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đây là những loại quả giàu vitamin, giúp ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Thực phẩm chế biến đơn giản như luộc, hấp: Những thực phẩm luộc hấp sẽ giúp hạn chế tối đa các chất béo từ dầu mỡ không tốt cho bệnh nhân ung thư đại tràng.
  • Uống đủ nước, khoảng 8 ly nước trong ngày: Nước giúp tiêu hóa dễ dàng hơn và đồng thời làm giảm bớt các tác dụng phụ như táo bón và mệt mỏi.
Bổ sung nhiều chất xơ cho bệnh nhân ung thư đại tràng
Cần bổ sung nhiều chất xơ cho bệnh nhân ung thư đại tràng

2. Thực phẩm người bị ung thư đại tràng nên ăn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một chế độ ăn khoa học sẽ giúp bệnh nhân tăng cường hệ miễn dịch và hiệu quả điều trị bệnh. Một số thực phẩm bệnh nhân ung thư đại tràng nên ăn là: các loại cá, thực phẩm chứa axit béo chưa bão hòa, rau có màu sẫm, rau họ cải và hoa quả có màu đỏ, khoai lang…

2.1. Các loại cá

Các loại cá như cá hồi, cá ngừ… là những thực phẩm giàu khoáng chất selen, một chất chống oxy hóa đặc biệt có đặc tính chống ung thư, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bệnh nhân ung thư đại tràng, hỗ trợ hệ tiêu hóa.

Theo một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên tạp chí Nutrition and Cancer, những người có lượng selen cao trong máu có nguy cơ ung thư ung thư đại tràng thấp hơn. 

2.2. Thực phẩm chứa axit béo chưa bão hòa (dầu oliu, dầu hạt cải, Omega-3)

Phần lớn các bệnh nhân bị ung thư đại tràng đều do chế độ ăn nhiều chất béo (nhất là chất béo bão hòa). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một chế độ ăn ít chất béo bão hòa có thể giúp cải thiện kết quả điều trị. Vì vậy, bệnh nhân nên thay thế bằng chất béo không bão hòa như các thực phẩm dùng dầu oliu, dầu hạt cải, giàu Omega-3 để tốt cho cơ thể hơn.

2.3. Rau có màu sẫm và hoa quả có màu đỏ

Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng nên giống với màu sắc của cầu vồng, bao gồm các loại rau màu sẫm và hoa quả có màu đỏ. Đó là các thực phẩm như bông cải xanh, cải Brussels, rau lá xanh, quả bơ, cà rốt, cà chua, đu đủ, táo đỏ, dâu tây. Đây đều là những thực phẩm giàu chất oxy hóa, tốt cho người ung thư đại tràng.

Riêng lượng carotene trong cà rốt, lycopen trong cà chua, enzyme papain trong đu đủ hỗ trợ quá trình đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể, giàu chất xơ cung cấp cho người ung thư đại tràng. Ngoài ra đây còn là những loại trái cây rất giàu vitamin như A, C, K, vitamin B6, kali,… rất cần thiết cho cơ thể.

Rau củ người ung thư đại tràng nên ăn
Các loại rau củ quả người ung thư đại tràng nên ăn

2.4. Khoai lang tím

Hàm lượng chất chống oxy hóa trong khoai lang tím cao gấp 10 lần khoai lang thường. Trong đó, quan trọng nhất phải kể tới chất Nasunin có tác dụng chống ung thư và giúp hỗ trợ tiêu hóa cho bệnh nhân ung thư đại tràng.

2.5. Sữa dành cho người ung thư đại tràng

Sữa là thực phẩm giàu canxi, chất dinh dưỡng, dễ hấp thu và giúp nâng cao thể trạng, nhất là phòng chống suy dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng. Tuy nhiên bệnh nhân ung thư đại tràng cần có sữa chuyên dùng đã bổ sung thêm EPA – một acid béo không no, có tác dụng điều trị chứng sụt cân.

2.6. Uống 8 ly nước mỗi ngày

Những bệnh nhân ung thư đại tràng nên uống 8-12 ly nước mỗi ngày (khoảng 2-2,5 lít nước). Đôi khi có thể thay thế nước lọc bằng nước ép rau, quả, sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước (trừ cafein) và quan trọng hơn là uống nước ngay cả những khi không khát.

Uống đủ nước mỗi ngày
Uống đủ nước mỗi ngày giúp tiêu hóa dễ dàng hơn

3. Thực phẩm người bị ung thư đại tràng nên kiêng

Đối với những bệnh nhân ung thư đại tràng, dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng rất khắt khe, một số thực phẩm sẽ có tác dụng không tốt nên cần loại bỏ ra khỏi thực đơn. Dưới đây là một số thực phẩm  bệnh nhân ung thư đại tràng nên kiêng.

3.1. Kiêng đường, đồ ngọt

Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo ngọt, mật ong… dẫn đến thừa cân và béo phì. Chất béo dư thừa sẽ gây hại cho đại tràng. Bên cạnh đó đường huyết tăng sẽ kích thích tăng tiết insulin chất thúc đẩy các khối u phát triển.

3.2. Kiêng đồ nướng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ

Việc chiên nướng sẽ kích hoạt phản ứng Maillard, một hệ có nhiều phản ứng xảy ra giữa đường khử và các hợp chất chứa amino như acid amin, protein, peptide. Quá trình nhiệt phân các thực phẩm giàu protein như thịt, cá dẫn tới sự tạo thành các amin dị vòng như 2-amino-3 metyl imidazole (4-5f) quinoline pyridine (PhIP) đều là các chất có khả năng gây ung thư, gây hại cho đại tràng.

Vì vậy nên tiêu thụ những đồ ăn chiên nướng ở mức hạn chế và thay thế bằng những đồ ăn luộc, hấp. 

Ung thư đại tràng không nên ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ
Người ung thư đại tràng không nên ăn những đồ chiên rán nhiều dầu mỡ

3.3. Kiêng thịt đỏ, thịt chế biến sẵn

Hạn chế ăn các loại thịt màu đỏ như lợn, trâu, bò, ngựa vì chúng là protein có cấu trúc phức tạp, khó tiêu, khó hấp thu hơn do cần tới nhiều enzyme để thủy phân.

Ngoài ra những thực phẩm này có tính axit và còn có thể dư chất kháng sinh, hormon tăng trọng, ký sinh không tốt cho bệnh nhân ung thư đại tràng. Vì vậy hãy thay thế thịt đỏ bằng các nguồn protein khác như: cá, thịt gà hoặc đậu.

3.4. Kiêng đồ chua, cay, mặn

Trong các thực phẩm chua, mặn, muối lên men có chứa hàm lượng lớn chất nitrosamine là chất gây ung thư, không tốt cho đại tràng. Vì vậy, bệnh nhân cần hạn chế nhất có thể để sức khỏe và quá trình điều trị không bị ảnh hưởng xấu.

Hạn chế ăn những đồ muối mặn
Bệnh nhân ung thư đại tràng cần hạn chế ăn những đồ muối mặn

3.5. Kiêng đồ uống có gas, cà phê, rượu bia

Các đồ uống có gas hay rượu bia khi vào cơ thể, nhờ các enzym chuyển hóa thành các acetaldehyde, vốn là chất độc, sau đó chuyển tiếp thành các chất có gốc Acetyl tích tụ lại gây viêm nhiễm các tổ chức rồi gây bệnh, khiến ung thư đại tràng trầm trọng thêm. 

Alcohol trong rượu bia cũng hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin khiến các khối u đại tràng phát triển mạnh hơn.

Ung thư đại tràng hạn chế bia rượu
Hạn chế rượu bia và những đồ uống có gas khi bị ung thư đại tràng

Ung thư trực tràng không nên ăn gì?

4. Chế độ dinh dưỡng theo triệu chứng của bệnh ung thư đại tràng

Tùy từng giai đoạn và triệu chứng của bệnh mà có chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng khác nhau

Triệu chứng Chế độ dinh dưỡng
Đầy bụng, trướng bụng, ăn không tiêu Nên ăn những loại thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa như cháo, mì sợi. Bổ sung nhiều chất xơ như các rau mồng tơi, rau dền, rau bina, cần tây…và các loại quả chuối, đu đủ, cam dứa, táo… hay gừng, tỏi. 
Buồn nôn, nôn mửa Nên tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ như các thực phẩm chiên rán; thay vào đó là các thức ăn luộc, hấp hay trứng, sữa…
Chán ăn, suy kiệt cơ thể Nên chọn loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng, bổ máu như gà hầm, thịt chim,… các loại trà nhân sâm, long nhãn,…
Mệt mỏi trong quá trình điều trị Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và vitamin như sữa, nước ép các loại quả cam, ổi, táo,… nhằm tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân.

5. Sau mổ ung thư đại tràng nên ăn gì?

Sau phẫu thuật ung thư đại tràng, cơ thể bệnh nhân bị mất nhiều máu và suy giảm sức khỏe nên chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho người ung thư trực tràng hết sức quan trọng. Sau đây là một số loại thức ăn bệnh nhân ung thư đại tràng sau phẫu thuật nên ăn:

  • Ăn cháo, súp, đồ lỏng dễ tiêu hóa: Sau khi phẫu thuật bệnh nhân thường mệt mỏi chán ăn, vì vậy cần cho bệnh nhân ăn những đồ lỏng, mềm như cháo, súp, mì sợi và nên thay đổi các món ăn, chia thành các bữa nhỏ. Bên cạnh đó những đồ ăn mềm cũng sẽ giúp hạn chế tác động vào vết thương, giảm đau đớn cho bệnh nhân.
  • Ăn các chất béo có lợi cho cơ thể: Sử dụng các loại dầu oliu, dầu cá sẽ giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tái phát ung thư do các chất béo bão hòa như mỡ động vật.
  • Ăn rau xanh, hoa quả tươi: Rau xanh và hoa quả đều là những thực phẩm giàu chất xơ và chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn tình trạng táo bón và giảm các chất gây ung thư.
  • Đồ ăn giàu vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất luôn luôn cần thiết cho cơ thể đặc biệt là đối với bệnh nhân sau phẫu thuật. Các vitamin như A,D,E,K, B1, B6 trong các loại quả hay canxi, selen có trong các thực phẩm như gạo lứt, yến mạch, hạt hướng dương, hành tây, cá hồi, cá ngừ.
Ăn những thực phẩm mềm
Cháo hay những đồ ăn lỏng giúp người sau mổ ung thư đại tràng tiêu hóa dễ dàng

6. Mẫu thực đơn dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng

Trong khi các loại thực phẩm rất đa dạng thì việc kết hợp các loại đồ ăn như thế nào để tạo ra một thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là điều hết sức quan trọng. Dưới đây là mẫu thực đơn cho người bị ung thư đại tràng:

Thời gian Món ăn
Bữa sáng
  • Mỳ thịt bằm.
  • Sữa chua không đường.
Bữa trưa 
  • 2 bát cơm mềm.
  • Bông cải xanh luộc.
  • Cá hấp.
  • Hoa quả tráng miệng.
Bữa tối
  • 1 bát cơm.
  • Đậu sốt cà chua.
  • Cải bó xôi luộc.
  • Hoa quả tráng miệng ( một miếng đu đủ).

Ngoài việc điều trị bằng các phương pháp y học như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì dinh dưỡng cho người bị ung thư đại tràng cũng rất quan trọng. Hiểu và xây dựng được chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ tăng cường hiệu quả điều trị và sức đề kháng, cũng như thể chất, tinh thần cho bệnh nhân ung thư đại tràng. 

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ
Nguồn tham khảo

1. Top Foods, Supplements, and Treatments to Fight Colon Cancer NaturallyXem chi tiết

2. Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh sau phẫu thuật điều trị ung thư đường tiêu hóaXem chi tiết

3. Dietary fiber intake and risk of colorectal cancer: a pooled analysis of prospective cohort studiesXem chi tiết

4. Diet, nutrition, physical activity and colorectal cancerXem chi tiết

5. Top Foods, Supplements, and Treatments to Fight Colon Cancer NaturallyXem chi tiết

6. 7 foods to avoid in a colon cancer dietXem chi tiết

7. Chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư đại tràngXem chi tiết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt