6 dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em và các lưu ý phòng ngừa cho trẻ

3.5/5 - (4 bình chọn)

Tỉ lệ mắc ung thư vú ở trẻ dưới 18 tuổi tuy hiếm gặp (tỷ lệ một trên một triệu ca), nhưng nếu thấy nhiều dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em dưới đây, phụ huynh cần theo dõi và cho trẻ đi khám kịp thời. Tìm hiểu chi tiết hơn 6 dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể mắc ung thư vú ngay sau đây để xác định rõ hơn!

1. Nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em

Đa phần các dấu hiệu ung thư vú ở trẻ nhỏ đều có thể nhận biết được khi quan sát kỹ. Ung thư vú xuất hiện ở trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng dưới đây:

1.1. Xuất hiện khối u, cục

Ở trẻ em, vị trí khối u thường xuất hiện là dưới nách, bầu vú hoặc xung quanh núm vú. Kích thước u cục có thể nhỏ như đốt ngón tay và gây đau. Dù là ở kích thước nào, gây đau hay không gây đau, khối u cục xuất hiện là triệu chứng cảnh báo nguy cơ trẻ đang mắc các bệnh lý như: viêm, u xơ hoặc ung thư vú. Vì thế phụ huynh cần theo dõi sát sao và thăm khám kịp thời.

Với trẻ nhỏ 5 – 12 tuổi, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi và giúp trẻ kiểm tra vùng ngực. Còn với nhóm trẻ tuổi dậy thì từ 12 – 13 tuổi trở lên thì phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tự sờ nắn, quan sát vùng vú theo hướng dẫn và tư vấn. Việc này giúp phát hiện những dấu hiệu kịp thời những bất thường ở vú.

Khối u ở bầu vú
Hình ảnh khối u ở bầu vú, có kích thước bằng hạt đậu.

1.2. Núm vú tiết dịch bất thường

Ở trẻ sơ sinh, một số bé có thể tiết dịch giống như sữa ở núm vú, kèm theo biểu hiện ngực to. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở cả bé trai và bé gái do nội tiết tố nữ từ mẹ truyền sang con trong và sau quá trình mang thai. Hiện tượng này thường sẽ tự hết sau khoảng 3 tháng.

Phụ huynh cần thận trọng khi trẻ lớn gặp tình trạng núm vú tiết dịch bất thường như máu hoặc dịch lỏng (có thể màu vàng hoặc màu trắng sữa). Tình trạng này xuất hiện cũng có thể là một dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Theo đó, cần phân biệt triệu chứng tiết dịch ở vú tùy theo độ tuổi để có nhận định đúng đâu là dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em.

Dịch tiết ở núm vú
Dịch tiết ở núm vú có thể màu vàng hoặc trắng như sữa

1.3. Tụt núm vú

Tụt núm vú có thể là hiện tượng bẩm sinh, biểu hiện ngay từ lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nếu phụ huynh quan sát thấy núm vú của trẻ đột nhiên bị tụt lõm bất thường mà không phải do bẩm sinh thì đây có thể là dấu hiệu cần theo dõi.

Khi bị bệnh, núm vú của trẻ thường lõm vào trong, khó kéo về vị trí cũ kèm hiện tượng vùng da xung quanh vú bị nhăn nheo, có hằn hoặc không đồng đều,… Cha mẹ cần cho con đi khám từ sớm nhằm có biện pháp can thiệp phù hợp.

1.4. Thay đổi da vùng vú

Ung thư vú ở trẻ em sẽ làm thay đổi sắc tố da vùng ngực. Vùng da quanh núm vú thường dày lên và tối màu hơn những vùng da khác. Một số trường hợp da xung quanh núm vú của trẻ bị mẩn đỏ, sần sùi, có vảy, ngứa hoặc sưng tấy.

Lưu ý: Triệu chứng ngứa và mẩn đỏ dễ bị bỏ nhầm lẫn với bệnh viêm vú. Bởi vậy, cha mẹ không nên xem nhẹ vấn đề trẻ có những biểu hiện thay đổi da vùng vú.

Vùng da xung quanh vú
Vùng da xung quanh vú sưng tấy, có mẩn đỏ và ngứa.

1.5. Đau tức ngực hoặc đau tuyến vú

Đau tức ngực hay căng tức tuyến vú là hiện tượng bình thường khi trẻ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc đến giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau buốt, cơn đau tăng dần và kéo dài, cha mẹ hãy cẩn thận vì đây có thể là một dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em.

1.6. Vú to bất thường

Ở độ tuổi dậy thì, việc phát triển bất cân xứng ở 2 bên vú là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên bị căng cứng ở vú hoặc vú to lên bất thường thì cần phải để ý và theo dõi thêm các dấu hiệu khác để đi khám kịp thời.

Các dấu hiệu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với sự phát triển của cơ thể trong độ tuổi dậy thì. Và việc thường xuyên quan sát sự thay đổi của cơ thể và theo dõi sức khỏe định kỳ cho con là điều các bậc phụ huynh nên làm.

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc ung thư vú là rất thấp. Do đó, nếu trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu trên nhưng không nằm trong nhóm có nguy cơ mắc ung thư vú cao, cha mẹ không cần quá lo lắng.

Vậy, làm sao để xác định được trẻ có đang nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư vú hay không? Hãy cùng theo dõi phần tiếp theo ngay sau đây!

Dấu hiệu ung thư vú
Ba mẹ cần cẩn trọng trước dấu hiệu vú của trẻ to bất thường

Có thể bạn quan tâm:

2. Nguyên nhân gây ung thư vú ở trẻ em

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ được nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú nói chung và vú ở trẻ em và trẻ nói riêng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư vú ở độ tuổi dưới 18 này có thể kể đến như:

  • Do trẻ bị ung thư ở vị trí khác di căn đến mô vú: Một số bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em như bệnh bạch cầu, ung thư hạch,… ở giai đoạn cuối có thể di căn đến vú, gây ra ung thư vú và xuất hiện những dấu trên.
  • Do trẻ từng tiếp xúc với tia xạ trong quá trình điều trị: Trong quá trình điều trị các bệnh ung thư khác, khi trẻ phải tiếp xúc các tia xạ trị thì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
  • Yếu tố di truyền: Đây là một trong những yếu tố chính gây nên tình trạng ung thư vú ở nhỏ. Trẻ có bố mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư vú thì sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác.
  • Trẻ xuất hiện gen BRCA1 hoặc BRCA2 hoặc các gen khác cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Tóm lại, đối với trẻ nhỏ, các yếu tố như môi trường, chế độ dinh dưỡng, thừa cân… hiếm khi là yếu tố gây ra ung thư vú. Tuy nhiên, nếu tình trạng này hình thành sớm và kéo dài thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi trẻ lớn lên vì thế cha mẹ cũng cần định hướng trẻ có lối sống khoa học.

Trẻ có thể mắc ung thư vú
Trẻ có thể mắc ung thư vú do yếu tố di truyền.

DẤU HIỆU TRẺ BỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP CHA MẸ CẦN BIẾT

3. Hướng dẫn cách tự khám cho trẻ tại nhà

Tự khám là cách để phát hiện sớm dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em hay ở bất cứ lứa tuổi nào. Với trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao như tiền sử gia đình có thành viên đã từng mắc ung thư vú, hoặc trẻ đang điều trị một bệnh ung thư khác, thì đây là việc cần thực hiện thường xuyên vào mỗi tháng.

Trẻ nên được biết về các triệu chứng bất thường, đồng thời cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách nhìn, sờ, nắn để con tự kiểm tra theo 5 bước sau đây:

  • Bước 1: Trẻ đứng trước gương, cởi bỏ quần áo để lộ phần cơ thể trên thắt lưng.
  • Bước 2: Giơ 2 tay lên cao đầu và quan sát kỹ phần ngực để phát hiện những điểm bất thường, kiểm tra hai núm vú để xác định tình trạng chảy dịch hay chảy máu có xảy ra không.
  • Bước 3: Hai tay chống hông và quan sát kỹ phần ngực của trẻ để đảm bảo không có dấu hiệu bất thường nào.
  • Bước 4: Chụm 4 ngón tay lại và bắt đầu xoa khắp bầu ngực, núm vú, kiểm tra kỹ biểu hiện bất thường nếu có.
  • Bước 5: Trẻ nằm ngửa trên giường, lót một chiếc khăn mỏng sau vai trái, đưa tay trái ra sau đầu. Tay phải dùng để kiểm tra ngực trái bằng cách khum đầu ngón tay, sờ nắn vùng ngực. Lật lại để kiểm tra thật kỹ hai bên núm vú.

Khi nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm để có kết luận chính xác.

Tự khám vú
Minh họa cách tự khám vú tại nhà

Video hướng dẫn chi tiết tự khám vú tại nhà: https://www.youtube.com/watch?v=-6c1vBSXEVs&feature=emb_title

4. Chẩn đoán và điều trị ung thư vú cho trẻ em

Việc chẩn đoán và điều trị cho lứa tuổi trẻ này cũng khó khăn hơn rất nhiều so với các lứa tuổi khác do ít được thử nghiệm lâm sàng và cần cân nhắc đến các yếu tố về khả năng mang thai sau này.

Bởi vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú, trẻ sẽ được khám tầm soát ung thư vú theo các bước:

  • Khám lâm sàng tuyến vú: Bao gồm hỏi thăm tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình, tìm hiểu các yếu tố dịch tễ liên quan đến ung thư vú và thăm khám tuyến vú, hạch nách, hạch thượng đòn.
  • Chụp mammography tuyến vú: Để phát hiện những bất thường như khối u, dịch,… ở giai đoạn đầu, kể cả khi người bệnh chưa nhận thấy.
  • Siêu âm tuyến vú: Bệnh nhân không tiếp xúc với tia X nên phù hợp với đối tượng trẻ em đang tuổi dậy thì.

Sau khi chụp mammography hoặc siêu âm, nếu trẻ em có dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em hay yếu tố nghi ngờ mắc ung thư vú, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm khác như: chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ tuyến vú, làm tế bào học, mô bệnh học để chẩn đoán chính xác.

Các phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến hiện nay gồm có:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Đây là phương pháp thường gặp nhất bởi loại ung thư vú phổ biến ở trẻ vị thành niên là ung thư tuyến, loại ung thư phát triển chậm và không xâm lấn.
  • Xạ trị: Đây là phương pháp cần phải cân nhắc kỹ càng bởi với đối tượng trẻ em và trẻ vị thành niên, xạ trị có thể gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe và khả năng sinh sản.
  • Liệu pháp hormone: Thực hiện song song với quá trình phẫu thuật (tiền phẫu và hậu phẫu) để ngăn ngừa ung thư tái phát. Với trường hợp tế bào ung thư lan rộng, đây là phương pháp giúp ức chế hoạt động của khối u. Tuy nhiên, nhược điểm của liệu pháp hormone là có thể gây loãng xương, khô âm đạo, đông máu,…
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư vú.

5. Lưu ý để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư vú ở trẻ

Tuy ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở nữ giới, trẻ em và trẻ vị thành niên hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu sinh hoạt lành mạnh và biết cách tự kiểm tra để phát hiện bất thường, cụ thể:

  • Ăn uống khoa học, hạn chế đường, chất béo, duy trì cân nặng ổn định, tránh béo phì…
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục, thể thao lành mạnh.
  • Tự kiểm tra vú định kỳ tại nhà là việc làm cần thiết cho nữ giới, bao gồm cả với bé gái đang bước vào tuổi dậy thì.
  • Khi trẻ thấy bất thường như có hạch ở nách hay vú, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế khám luôn, tránh chần chừ, kéo dài thời gian.
  • Với đối tượng trẻ nhỏ có nguy cơ cao và xuất hiện dấu hiệu ung thư vú, việc tầm soát ung thư định kỳ là điều cần thiết để phát hiện bệnh kịp thời.
  • Phát hiện sớm dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em giúp giảm thiểu nguy cơ u xơ chuyển thành ung thư, giảm mức độ nguy hiểm của bệnh.
Sinh hoạt lành mạnh
Sinh hoạt lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở trẻ.

Để nhận tư vấn miễn phí về dấu hiệu ung thư vú ở trẻ em cũng như đặt lịch tầm soát ung thư, bạn có thể liên hệ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt qua hotline 0942 300 707. Với đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là địa chỉ uy tín trong việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư.

Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

3.5/5 - (4 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt